images_copy_copyChúng tôi muốn dùng khái niệm “Nếp sống người Công giáo” (La Catholicité vie), chứ không muốn dùng khái niệm “Lối sống” (Style of living) vì “ nếp sống” mang tính ổn định, ít biến đổi hơn. Có thể khẳng định ngay rằng, nếp sống của người Công giáo Việt Nam được hình thành là sự giao thoa giữa đức tin tôn giáo và văn hoá dân tộc. Nếp sống đó được thể hiện trên cả ba cấp độ: cá nhân, gia đình và cộng đoàn người Công giáo.

1- Nếp sống cá nhân.

Nếu nhìn hình thức bên ngoài, thật khó mà phân biệt được người Công giáo và người không Công giáo nhất là những người trẻ tuổi. Mặc dù cũng có người nhận xét rằng: mắt con gái xứ đạo đẹp hơn! Điều này nếu có thật cũng duy vật chứ chẳng phải duy tâm vì hiện nay các bác sĩ vẫn tư vấn cho các bà mẹ khi mang thai nên ngắm nhìn các bức ảnh đẹp. Còn bà mẹ Công giáo thì đã biết bao lần chiêm ngắm dung nhan Đức Mẹ trong nhà thờ hay trên bàn thờ nhà mình.

Nhưng dù nhìn qua bên ngòai khó phát hiện ra sự khác nhau giữa người Công giáo và các giới khác song nếu tìm hiểu sâu hơn nếp sống cá nhân sẽ thấy rất nhiều điều khác biệt.

Người Công giáo có đời sống tôn giáo đậm nét và xuyên suốt cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay lìa giã cõi đời. Sinh ra trong gia đình Công giáo, đứa trẻ được coi là đương nhiên sẽ trở thành người Công giáo. Việc đưa đứa bé đến nhà thờ chịu Bí tích Rửa tội ít ngày sau đó chỉ là thủ tục để chính thức hoá cho bé gia nhập đạo mà thôi. Rồi bé sẽ theo mẹ, theo anh chị đi nhà thờ hàng ngày, hàng tuần. Lớn lên chút nữa em đi học kinh bổn giáo lý để xưng tội, rước lễ lần đầu, rồi chịu phép Thêm sức. Đến tuổi thành niên, phải lo thu xếp học giáo lý hôn nhân để lấy vợ, lấy chồng và đến khi về già, lại lo chuẩn bị dọn mình chịu Bí tích lần cuối là “Xức dầu thánh”.

Đạo Công giáo có nhiều hội đoàn. Lứa tuổi nào, giới nào, nghề nghiệp gì cũng có hội đoàn riêng của mình. Nào là hội Nghĩa binh, hội Trung binh, hội dòng Ba, hội bà thánh Anna, hội ông thánh Giuse, hội gia trưởng, hội Con Đức mẹ, hội bà mẹ Công giáo, hội sinh viên, hội giáo chức Công giáo… Đấy là chưa kể các hội đoàn có tính mùa vụ như hội hoa, hội giúp lễ, hội tiến nến, ca đoàn, hội kèn, trống… Có lẽ chẳng người Công giáo nào không là thành viên của vài hội đoàn. Mà đã là hội viên phải tuân thủ quy định, điều lệ của hội. Có những hội có điều lệ rất nghiêm ngặt như hội Con Đức Mẹ, hội dòng Ba. Hội viên phải tự kiểm điểm, xét mình hàng ngày trước khi đi ngủ. Cho nên cá nhân người Công giáo có tính gắn kết với cộng đoàn của mình rất sớm và chặt chẽ.

Đức tin của người Công giáo được củng cố thường xuyên qua các lớp giáo lý, qua các buổi lễ, kinh nguyện hàng ngày nên niềm tin tôn giáo của họ khá chắc chắn và bền vững. Họ luôn canh cánh nỗi lo mất linh hồn, sa hoả ngục và thường tính toán: "được cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì?" Niềm tin này chi phối mọi suy nghĩ, hành động của họ trong cuộc đời. Từ việc chọn bạn để chơi, tìm trường để học, kén người phối ngẫu đến kiếm nơi làm nhà, làm việc, chôn táng… Yếu tố tôn giáo luôn được đặt lên vị trí quan trọng, thậm chí là yếu tố hàng đầu.

Trước đây, người Công giáo không dám cho con đi học nhất là học lên cao vì sợ khi phải học các tác phẩm “Ruồi trâu”, “Bão biển”, “Đất mặn” hay triết học Mác xít. Nam nữ yêu nhau đến mấy mà không cùng tôn giáo thì cũng đành ngậm ngùi, than vãn:

Amen! Lạy Đức Chúa trời

Cầu cho bên đạo, bên đời lấy nhau.

Bây giờ theo tinh thần Công đồng Vatican 2, người khác tôn giáo đã được kết hôn với nhau nhưng người ta vẫn mong muốn kết hôn với người đồng đạo hoặc người khác đạo phải trở lại đạo Công giáo.

Đức tin tôn giáo chi phối nhân cách của người Công giáo. Họ thường sống vị tha, cư xử với nhau ôn hoà, mau mắn giúp đỡ, khuyên bảo người hoạn nạn. Họ ăn mặc kín đáo, ưa kiểu truyền thống. Họ nói năng dịu dàng, ít nói tục, kể chuyện tục và ít cả xem phim ảnh, sân khấu vì sợ thấy những “cảnh tội lỗi”. Người đứng tuổi cứ mở miệng là nói: Tạ ơn Chúa (Tạ ơn Chúa, nhà em hiếm hoi được có 7 cháu; Tạ ơn Chúa, lứa lợn này em cũng thu được dăm triệu ạ). Người trẻ thì e ngại nói ra tôn giáo của mình, có đeo ảnh, Thánh giá cũng coi như là trang sức nhưng người có tuổi thì đeo ảnh tượng, tràng hạt cả ngày đêm như là bằng chứng về niềm tin. Người Công giáo cũng ít tin và tham dự vào các hành vi mê tín như bói toán, lên đồng, cầu tự, chọn đất chôn táng, chọn ngày cưới xin, làm nhà…vì đó là tội lỗi theo giáo lý Công giáo.

Người Công giáo đặc biệt kính trọng các đấng bậc. Họ coi đó là người thay mặt Chúa. (Trong lễ đón các vị chức sắc vẫn thường có khẩu hiệu: “Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến”). Vì vậy, khi có trái mít đầu vụ, chục trứng gà so hay “cỗ lòng chay”, họ dành để biếu các cha. Dĩ nhiên, vị chức sắc nào không còn giữ được ba lời khấn thì họ tẩy chay ngay. Thậm chí có thể đi xa mấy chục cây số để dự lễ chứ không dự lễ của những vị này chủ sự.

Đức tin của người Công giáo cũng tạo ra những lối sống đẹp trong cộng đồng. Ngày nay, kiểu sống thử ở thanh niên không lạ nhưng với người Công giáo vẫn là điều cấm kỵ. Họ thề hứa:

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ

Đôi ta trinh tiết, đợi chờ lấy nhau.

Vì hôn nhân công giáo không thể chia ly nên số người Công giáo bỏ nhau ít hơn các nhóm người khác. Một báo cáo ở Hà Nội cho biết, mỗi năm thành phố có 20.000 vụ kết hôn thì có 4500 vụ ly hôn. Còn ở cả nước năm 1985 có 27.000 vụ ly hôn. Năm 1986 tăng lên 29.717 vụ. Trong khi đó, ở x• Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định có 6000 dân từ năm 1980 đến năm 2000 chỉ có 2 đôi bỏ nhau. Xứ Sở Hạ ( Hà Nội) có 1500 giáo dân mà từ năm 1945 đến nay chỉ có 1 đôi ly thân. Chính điều này cũng hấp dẫn người không Công giáo muốn trở lại đạo để kết hôn với người Công giáo. Theo thống kê của giáo hội năm 2007 có 67.780 người khác đạo đ• gia nhập đạo Công giáo do kết hôn với người Công giáo.

2- Nếp sống gia đình

Gia đình Công giáo cũng như các gia đình khác ở Việt Nam bao gồm các thành viên gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết tộc. Giáo hội Công giáo đặc biệt coi trọng gia đình, coi đó là “Hội thánh tại gia”. Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 tuyên bố trong Đại hội các gia đình thế giới lần thứ IV tại Manila năm 2003: “Tương lai của nhân loại đi ngang qua gia đình” (Familiaris Consortio, số 86). Gia đình Công giáo xây dựng trên cơ sở hôn nhân với hai mục đích: sinh sản con cái để thờ phượng Chúa và yêu thương chăm sóc nhau. Vì vậy, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2003 đã đưa ra 4 nhiệm vụ cho gia đình Công giáo là: Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị; Phục vụ sự sống; Tham dự vào việc phát triển xã hội và Tham dự vào đời sống và sứ mạng của giáo hội. Nếu tôn giáo xuyên suốt đời sống các nhân thì niềm tin tôn giáo cũng dẫn dắt các gia đình Công giáo từ ngày khởi lập là ngày đôi bạn trẻ nhận phép Hôn phối và nhận sổ gia đình cho đến suốt quá trình sinh sôi chi nhánh của gia đình sau này.

Người Công giáo coi con cái là hồng ân Chúa ban nên gia đình nào nhiều con cháu cũng được coi là đại phúc. Những năm gần đây, giáo hội cũng kêu gọi “sinh sản có trách nhiệm” trước áp lực dân số nhưng không cho phép dùng các biện pháp ngừa thai nhân tạo nên việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình rất khó khăn. Đây cũng là lý do giải thích vì sao ở vùng giáo, dân số tăng nhanh. Họ không được phép phá thai thậm chí điều hoà kinh nguyệt cũng coi là đồng nghĩa với tội giết người. Nếu gặp ai có ý muốn phá thai, người Công giáo sẵn sàng giúp đỡ mọi cách để “ mẹ tròn con vuông”. Vì vậy đã có nhiều cá nhân như vợ chồng anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang hay các ngôi nhà “ tình thương” của dòng Bác ái Vinh sơn (Saigòn) đứng ra bảo trợ cho các bà mẹ lỡ mang thai ngoài ý muốn.

Điều lo lắng và quan tâm nhất của bố mẹ là cho con cái giữ đạo nên thông qua các buổi kinh nguyện hàng ngày ở đình cũng như ở nhà thờ. Khi con cái được chịu lễ lần đầu hay chịu phép Thêm sức, gia đình coi đó là niềm vui lớn nên thường tổ chức tiệc mừng. Nếu con cái trưởng thành lấy vợ lấy chồng mà không có phép đạo thì đó là nỗi buồn phiền nhất của bố mẹ. Họ không dám đi xưng tội, rước lễ thậm chí không dám ra ngoài đường vì tự coi mình đã mất sự hiệp thông với giáo hội và đau khổ, xấu hổ đến lúc chết.

Các gia đình Công giáo sống hoà thuận, gắn kết với nhau qua từng bữa ăn, từng buổi cầu nguyện hàng ngày. Một số gia đình có lời nguyện ngẫu hứng do các thành viên lần lượt phụ trách nhưng có ý nghĩa xây dựng tình liên đới rất hay. Họ không chỉ cám ơn Chúa cho của ăn mà còn cầu xin cho bố mẹ, ông bà mạnh khoẻ, xin cho những người nghèo khổ cũng có của ăn như họ… Những lời kinh họ đọc tối, sáng, trưa cũng mang ý nghĩa như vậy.

Trong các gia đình Công giáo, người vợ phải phục tùng người chồng chứ không phải vợ chồng ngang hàng nhưng bù lại người chồng phải thương yêu vợ “như Chúa Giêsu yêu Giáo hội”. Con cháu phải thảo hiếu với cha mẹ, ông bà và đấy là điều răn thứ tư trong Thập giới. Còn cha mẹ, ông bà cũng phải có bổn phận nuôi dạy con cháu theo giáo luật (khoản 226, mục 2). Cho nên rất hiếm những gia đình Công giáo nào sùng đạo mà cha mẹ, ông bà bị ngược đãi hay con cái hư hỏng, phạm tội hình sự. Tuy nhiên, do giáo lý Công giáo không trùng với luật pháp của xã hội nên cũng gây khó xử hoặc tạo ra những bi kịch cho người có đạo. Chẳng hạn vấn đề thờ cúng tổ tiên trước đây hay kế hoạch hoá gia đình ngày nay. Giáo lý cấm bê tha rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện nhưng không cấm buôn lậu hàng cấm nên đã có những trùm buôn lậu thuốc phiện là người Công giáo như Nguyễn Văn Tám ở Kiên Lao (Nam Định) năm 2005.

Cũng như nhiều gia đình ở Việt Nam, trước đây người Công giáo không tổ chức ngày sinh nhật nhưng ngày mất của cha mẹ, ông bà lại được tổ chức rất trọng thể hàng năm với nhiều thủ tục từ việc xin lễ cầu nguyện, đọc kinh ở nhà thờ đến mời anh em, hàng xóm tới dự tiệc giỗ ở nhà để đọc kinh, viếng mộ. Ngòai ra, theo lịch Phụng vụ, người Công giáo còn có ngày 2-11, ngày mùng 3 Tết là để cầu nguyện cho tổ tiên. Người Công giáo không có từ đường của gia đình, dòng họ riêng. Việc giỗ chạp thường tổ chức ở ngôi nhà mà trước đây cha mẹ, ông bà đ• sinh sống. Những dịp giỗ chạp là dịp thuận lợi để gắn kết các thành viên dòng họ lại với nhau.

Lễ cưới hay lễ an táng của người Công giáo ngoài các thủ tục truyền thống của người Việt thì có nhiều điểm khác về nghi lễ tôn giáo. Lễ cưới ở nhà thờ trang trọng và nghi thức cũng ý nghĩa với những lời tuyên hứa của đôi bạn trước vị linh mục chủ sự và cộng đoàn và đương sự khó có thể quên. Người Công giáo coi việc an ủi người ốm liệt và chôn táng người chết là bổn phận tốt lành nên đám tang người Công giáo thường đông người, hội đoàn tham dự. Nhiều nơi có thói quen đến đọc kinh ba tối tại nhà người quá cố không chỉ làm tang gia vơi đi sự mất mát mà còn củng cố tình làng, nghĩa xóm. Đối với việc chôn cất, người Công giáo thường ưa “đào sâu, chôn chặt”, ít cải mộ và quen địa táng hơn mặc dù hoả táng cũng không bị cấm. Gần đây, ở khu vực thành phố do đất nghĩa trang thiếu nên số hoả táng nhiều hơn và ở phía Nam, một số nhà thờ cũng lập nhà quàn tro cốt cho người quá cố.

Vào gia đình Công giáo đễ nhận ra ngay tôn giáo của họ qua bàn thờ thường được bài trí ngay gian giữa ngay lối cửa ra vào hay ở một phía tường nhà. Nhà nghèo thì bàn thờ đơn sơ. Nhưng nhà khá giả bàn thờ rất sang trọng, cũng sơn son thiếp vàng, chạm trổ cầu kỳ, tượng ảnh quý giá. Có nhà còn làm hang đá hay đặt tượng lớn trước sân hay trên mái thượng. Gia đình Công giáo thường đông thành viên hơn các kiểu gia đình khác vì ai cũng có thêm 1 hay 2 bố mẹ đỡ đầu ( bố mẹ thiêng liêng) khi Rửa tội hay chịu phép Thêm sức. Mà quan hệ này cũng gắn bó, ràng buộc như bố mẹ đẻ vì cũng bị cấm kết hôn theo giáo luật.

Các gia đình Công giáo luôn chọn mô hình “Thánh gia” là hình mẫu lý tưởng sống. Có nghĩa là mội thành viên trong gia đình đều trở thành thánh. Giáo hội cũng coi người sống bậc gia đình là một ơn gọi và có nhiều nghi lễ cổ vũ ơn gọi gia đình như lễ bạc, lễ vàng, lễ kim cương cho các đôi sống hoà thuận với nhau tròn 25, 50, 60 năm. Giành một ngày lễ chủ nhật sau Giáng sinh gọi là lễ “Gia thất” để cầu nguyện cho các gia đình. Đấy là chưa kể ngày lễ cầu cho các gia trưởng, cho các bà mẹ, cho người làm cha… Nhiều giáo sĩ, nhà thơ Công giáo đ• viết nhiều tác phẩm để giáo huấn các thành viên trong gia đình như linh mục Trần Lục sáng tác “Hiếu tự ca” để truyền khẩu trong giáo dân. Ví dụ nói về việc dạy vợ:

Ai hay đâu cứ nghe lời vợ

Giữ chằng chằng mà gỡ không ra

Làm giai nghe liệu mà nghe

Nhiều khi phải nẹt, phải đe mới vừa

Bắt đầu từ lúc mai xưa

Dạy vợ kính thờ nội ngoại, tổ tiên…

Các gia đình Công giáo hầu như đều có mong muốn cho con cái theo bậc tu trì. Lý do là ở Việt Nam, con cái đông và các nhà tu hành được đặc biệt trọng vọng quý mến nhất là hàng ngũ giám mục, linh mục. Đây cũng là điều khác với ngay nhiều nước Âu- Mỹ. Vì vậy, giáo hội nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đã đề nghị Việt Nam gửi chủng sinh hay linh mục sang giúp đỡ.

3- Nếp sống cộng đoàn

Có thể nói nếp sống cộng đoàn là đặc tính của giáo hội Công giáo. Ngay từ thời nguyên thuỷ những người cùng niềm tin đã tự nguyện góp của cải và sống chung với nhau thành cộng đoàn “không ai có vật gì là của riêng mình” (Cv 4, 32). Khái niệm đạo Công giáo cũng bắt nguồn từ đó. Công đồng Vaticanô 2 cũng nhiều lần khẳng định tính cách cộng đoàn và huynh đệ của dân Chúa: “Ngay từ đầu của lịch sử cứu rỗi, chính Ngài đã chọn con người không phải với tư cách như những cá nhân mà như những phần tử của cộng đoàn…Trong khi rao giảng, Ngài truyền dạy rõ ràng cho con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh em” (GH số 9). Khi những người Công giáo đầu tiên ở kinh thành Thăng Long đầu thế kỷ XVII đối xử với nhau đã làm ngạc nhiên không ít người bấy giờ. Họ gọi “ đó là đạo của những người yêu nhau” (1).

Như vậy, khi gia nhập đạo Công giáo, người ta đ• gia nhập cộng đoàn giáo hội toàn cầu và có trách nhiệm hiệp thông, liên đới với các thành viên cả khi sống và khi chết. Điều lo lắng nhất của người tín hữu khi bị phạt vạ tuyệt thông chính là mất đi sự hiệp thông đó.

Theo tổ chức của giáo hội, giáo dân cũng được quy tụ theo các cấp hành chính là giáo phận, giáo xứ. Nhưng ở Việt Nam giáo dân còn quy tụ với nhau ở nhiều cấp nhỏ hơn như giáo họ, giáo dâu, giáo khu, giáo xóm. Đó là những người Công giáo sinh sống với nhau tại một khu vực dân cư (thôn, làng, xóm). Tuỳ theo số lượng tín hữu mà giáo hội cộng nhận là giáo xứ, giáo họ hay các đơn vị nhỏ hơn. ở đây chúng tôi trình bày nếp sống cộng đoàn ở qui mô giáo xứ hay giáo họ.

Hầu như đến bất cứ xứ, họ nào ở Việt Nam, điều dễ nhận ra là ở nơi đó đều có một nhà thờ dù to hay nhỏ. Cũng lạ, đạo Công giáo là đạo chung mà tín hữu ở hai làng thậm chí hai xóm cạnh nhau cũng không muốn đọc kinh chung ở một nhà thờ nên có tình trạng ở Bùi Chu, Phát Diệm nhà thờ san sát, bóng tháp chuông nhà thờ giáo xứ nọ đổ bóng sang tháp chuông nhà thờ kia. Người Công giáo trong xứ và cả dân trong vùng quen lấy tiếng chuông nhà thờ làm hiệu lệnh thức dậy, đi học, nghỉ ngơi và cả giờ ăn uống. Mỗi xứ họ đều có một thánh quan thày bảo trợ. Ngày lễ quan thày hoặc các ngày lễ trọng trong năm như Giáng sinh, chầu lượt cũng được coi như ngày hội làng. Cũng cờ hoa, lễ hội và tổ chức liên hoan ở cả xứ, họ hay từng gia đình riêng. Mà khách là bạn bè anh em ở khu vực khác, kể cả những người khác tôn giáo.

Do trải qua lịch sử đầy biến động, thăng trầm nên ở Việt Nam không có những làng Công giáo cổ xưa mà chỉ mới hình thành trên dưới thế kỷ. Nhưng các cộng đoàn ở mỗi xứ họ cũng xây dựng cho mình những tổ chức, quy tắc khá chặt chẽ. Xứ họ nào cũng có Ban hành giáo ( Ban mục vụ, Ban Trùm trưởng…). Những thành viên được bầu là những người được cộng đoàn trọng vọng. Chức vụ của họ được nhắc đến trong mọi giao tiếp hàng ngày (ông Ký, ông Chánh, bà Quản…). Họ không chỉ giúp việc cho các linh mục mà còn lo điều hành công việc chung của cộng đoàn từ trang trí nhà thờ, sửa đường rước kiệu, quét dọn nghĩa trang đến báo cho mọi người thăm kẻ ốm đau hay đưa xác người chết…Mỗi cộng đoàn Công giáo cũng có những sinh hoạt chung không chỉ kinh, lễ hàng ngày mà cả những chuyến hành hương đến các Đền thánh ở nơi khác. Họ tạo lập một nét văn hoá riêng mang dấu ấn Công giáo khá đậm nét từ lễ hội, cách sinh hoạt lễ, Tết, các tục lệ cưới xin, ma chay đến cả những đúc kết kinh nghiệm sản xuất qua ca dao, tục ngữ. Ví dụ:

- Lễ Rosa (7-10) thì tra hạt bí

- Lễ Các thánh (1-11) thì đánh bí ra

- Lễ Các thánh gánh mạ đi gieo

- Lễ Sinh nhật (25-12) giật mạ lên cấy…

Hoặc những nhận xét khá sắc sảo về đặc điểm những vùng, miền Công giáo như:

- Cha Phú Nhai, khoai Chợ Chùa

(Phú Nhai ở Xuân Trường, Nam Định là quê hương của 5 Giám mục và hàng trăm linh mục. Còn khoai Chợ Chùa, Nam Trực ngon có tiếng).

Các cộng đoàn Công giáo ở xứ họ ngoài việc tuân giữ giáo lý, giáo luật họ cũng tự xây dựng các quy tắc riêng làm cơ sở cho việc điều hành các quan hệ dân sự. Nhiều hương ước ở vùng Công giáo trước đây như hương ước làng Vĩnh Trị, Trà Lũ, Phú Nhai quy định khá chặt chẽ việc thưởng phạt những sai phạm của người trong làng liên quan đến phong hoá, đạo đức. Ví dụ điều 99 hương ước làng Vĩnh Trị viết: “ Em đánh anh chị, cháu chửi chú bác, cô dì đều phải truất ngôi thứ trong làng từ 1 đến 3 năm. Tái phạm phải phạt gấp bội ngày trước. Học trò đánh chửi thày dạy cũng bị phạt từ 0đ.50 đến 1đ.00. Trong thời kỳ người bị truất ngôi trong làng, nhà nào có tiệc hội gì sẽ cho gọi ra trứơc mặt một phiên hội đồng để bảo cho biết không được mời những người bị truất kia, nếu không sẽ bị phạt từ 0đ.50 đến 1đ.00” (2).

Tập tục ở vùng giáo cũng có những nét khác biệt. Ngày Tết, nhà người đi đạo cũng dựng cây nêu nhưng trên ngọn có treo Thánh giá. Cổng vào nhà cũng treo hay vẽ Thánh giá và người ta vẩy “nước Phép” xung quanh nhà ba ngày Tết. Tối 30, mọi người cũng tắm rửa sạch sẽ để đón năm mới và giao thừa xong là đi viếng nhà thờ để chúc tuổi Đức Mẹ. Sáng mùng 1, mọi người đi lễ đầu năm rồi vào chúc tuổi linh mục: “ Mùng 1 tết Cha”. Mồ mả ông bà đã được tôn tạo, vệ sinh trước tết, để mùng 3 con cháu ra viếng rồi về nhà cầu nguyện theo dòng họ. Có nhiều nhà tổ chức đọc kinh “ liên gia” tức là một số nhà cùng đọc kinh với nhau lần lượt mỗi tối ở một nhà.

Sự gắn bó giữa các thành viên trong cộng đoàn xứ họ khá chặt chẽ. Người ta có thể không nhớ tên xã nhưng tên xứ thì không quên. Nếu có vì lý do phải di cư, người ta cũng quy tụ lại với nhau lập một giáo xứ mới nhưng giữ nguyên tên xứ cũ. Vì vậy, chúng ta bắt gặp các xứ Bùi Chu, Ngọc Cục, Kiên Lao, Cầu Cổ ở vùng lấn biển Nghĩa Hưng ( Nam Định) và cũng gặp tên các xứ Bùi Phát, Thái Bình, Hà Nội… ở vùng di cư ở miền Nam.

4- Mấy nhận xét

1. Có thể khẳng định rằng, nếp sống của người Công giáo dù thể hiện thông qua cá nhân, gia đình hay cộng đoàn xứ họ cũng là một nét riêng đặc sắc đóng góp vào đời sống văn hoá phong phú của người Việt. Nếu giữa vă hoá Việt và giáo lý Công giáo có điểm tương đồng ( mà tương đồng nhiều lắm) thì nó được cộng hưởng và phát huy rất tích cực. Ví dụ, người Việt vẫn có lòng bác ái “Thương người như thể thương thân” thì đạo Công giáo cũng dạy: “ Kính Chúa, yêu người”. Vì vậy, có rất nhiều tấm gương phục vụ bệnh nhân phong cùi, HIV/AIDS, trẻ mồ côi, người bị chất độc da cam là người Công giáo đã được xã hội tôn vinh như nữ tu Nguyễn Thị Mậu 40 năm gắn bó với người bệnh phong Di Linh, được phong anh hùng lao động năm 2006. Nếu có điểm không tương hợp giữa niềm tin tôn giáo và phong tục tập quán dân tộc thì người Công giáo cũng có cách thể hiện riêng như treo Thánh giá lên ngọn cây nêu hay đặt di ảnh người quá cố dưới bàn thờ Chúa. Họ cũng thắp hương, đặt hoa quả ( không có thức ăn nấu, nướng) trước bàn thờ ông bà…Điều nay làm cho đạo Công giáo trở nên không xa lạ với người Việt.

2. Nếp sống người Công giáo là kết qủa của sự giao thoa giữa niềm tin tôn giáo và văn hoá dân tộc. Bất cứ hành vi nào của người Công giáo cũng thấy sự giao thoa đó. Chẳng hạn, theo giáo lý Công giáo, đôi bạn trẻ chỉ cần làm phép cưới ở nhà thờ là hợp pháp về đạo nhưng người ta vẫn theo đủ thủ tục từ dạm ngõ, đặt trầu đến xin cưới hỏi. Có thêm là thêm “lễ xin vào cha” để làm thủ tục học kinh bổn và xin làm phép cưới. Người Việt có tâm linh đa thần, thờ mẫu và cũng ảnh hưởng ngay đến người Công giáo. Vẫn có không ít người Công giáo đi bói toán và Đức Mẹ được đặc biệt sùng kính. Nếu nơi nào Đức Mẹ “ thiêng” như La Vang, Trà Kiệu, Thái Hà…hay có linh mục nào có khả năng “ kêu cầu” như linh mục T. ( dòng Biển Đức, T.pHCM ) thì số người đổ về xin rất đông.

3. Mặc dù người Công giáo vẫn nói: tin đạo chứ không tin kẻ có đạo nhưng họ vẫn đặc biệt tin và nghe sự hướng dẫn của các vị chức sắc. Hơn nữa do có tính cộng đoàn, hiệp thông nên sự liên kết giữa những người Công giáo trong nước và cả trên thế giới luôn luôn mật thiết. Vì vậy trong việc ứng xử với các tôn giáo phải mềm dẻo, mà phải hết sức tranh thủ lôi kéo họ vì tranh thủ được một chức sắc là tập hợp được cả vạn giáo dân. Kinh nghiệm của Hồ Chí Minh, dù biết rõ lập trường của Giám mục Lê Hữu Từ hồi đầu cách mạng nhưng vẫn bổ nhiệm là cố vấn tối cao của Chính phủ. Khi 7 giáo dân ở Văn Hải chống chính quyền bị bắt hồi đầu năm 1947, Giám mục Lê Hữu Từ gửi thư cho Hồ Chí Minh xin bảo lãnh. Ông Hồ đã đáp ứng ngay và đã thả 7 giáo dân này (3).

Chú thích:

1- Theo Gaspar d’ Amaral gửi cho Andre Palmeiro ở Ma Cao ngày 31-12-1632. Dẫn theo Đỗ Quang Chính: Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2004, tr.146

2- Dẫn theo Nguyễn Hồng Dương, sdd, tr.68

3- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG 2002, tr.87

Phạm Huy Thông

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch