Tin bổ nhiệm Linh Mục Nguyễn Thái Thành làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, California, tại Hoa Kì ngày 6 Tháng 10, 2017, khiến cộng đồng linh mục và giáo dân Việt Nam tại Mĩ ngạc nhiên không ít.

  Người ta ngạc nhiên là cách đây mấy tháng, một linh mục không phải người Việt, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Giáo Phận Orange rồi. Orange là  Giáo Phận nhỏ về diện tích, chỉ nằm vỏn vẹn trong Quận Orange (Quận Cam), nhưng khá lớn với dân số Công Giáo với gần một triệu. Do đó, người ta đoán cũng không còn cần thêm một giám mục phụ tá người Việt nữa. Người ta còn tưởng người Việt Nam cho tới nay cũng đã tạm hội nhập vào văn hoá và nếp sống kiểu Mĩ rồi, nên không cần giám mục phụ tá VN nữa. Người ta còn ngạc nhiên vì tân Giám Mục VN được bổ nhiệm, thì trước đó không làm việc phục vụ cho người Việt Nam và Ngài là linh mục dòng Mĩ, không thuộc mấy dòng lớn VN tại Hoa Kì. Sau đó Ngài mới nhập một giáo phận Mĩ, trở thành linh mục giáo phận. Giáo Phận St Augustine, Florida  mà Ngài gia nhập, thì đa số giới linh mục Việt Nam tại Mĩ, cư ngụ ngoài Florida, không biết có Giáo Phận St Augustine vì đọc lên người ta tưởng là tên Ông Thánh người  Ai Cập, chứ không phải tên Giáo phận.

Làm sao để được bổ nhiệm làm giám mục dưới cặp mắt nhìn thông thường?

Khi đồn đoán về một giám mục phụ tá Việt Nam mới cho một giáo phận Mĩ, đa số linh mục và một số giáo dân Việt Nam, nghĩ đến một linh mục hay đức ông được nhiều người biết đến trên báo chí, truyền thanh, truyền hình và còn được dịp kiến kì hình ngài nữa. Trong thời đại mì gói, phở gói, trà pha lẹ, cà-phê pha lẹ, món ăn nấu lẹ và gửi thư a-còng @, người ta ưa viết tắt như Gm hay GM thay cho Giám mục nọ, Lm hay LM thay cho Linh mục kia, cho mau lẹ, để khỏi tốn giờ, tốn mục và tốn giấy. Tuy nhiên với đức ông, thì phải viết tắt là Đ.ô hay Đ.Ô., cách nhau bằng một dấu chấm, thì đọc mới đúng kiểu. Còn nếu viết tắt là ĐÔ hay Đô, người ta sẽ  đọc ra như là tiền đô vậy, thì lại hỏng kiểu. Tại bất cứ giáo phận nào mà có một vài linh mục với tước hiệu Đ.Ô., mà xét về chức tước thì thua kém Đức Cha. Tuy nhiên xét về tước hiệu trong văn hoá xã hội VN thì lại thuộc vai trên Đức Cha. Rồi giả sử khi một linh mục có tước hiệu Đ.Ô., mà được bổ nhiệm làm Đức Cha, thì xét về tước hiệu lại bị hạ bệ. Tréo cẳng ngỗng và tếu thiệc.

Sau khi lên ngôi Giáo hoàng được dăm ba tháng, Đức Phan-xi-cô  ra chỉ thị chỉ ban tặng tước hiệu Đ.Ô. cho linh mục trên 65 tuổi mà thôi. Vậy mà sau đó mấy năm, Toà Thánh lại ban tặng tước hiệu Đ.Ô. cho mấy linh mục còn trẻ măng ở Va-ti-căng. Điều đó gây hoang mang cho một số linh mục và giáo dân. Tìm hiểu ra người ta mới biết rằng mấy linh mục mới được ban tặng tước hiệu Đ.Ô., có quốc tịch Toà Thánh Va-ti-căng và làm việc trong bộ ngoại giao của Toà Thánh tại những toà sứ thần hay khâm sứ Toà Thánh ở ngoại quốc. Tại những toà sứ thần hay khâm sứ Toà Thánh ở hải ngoại mà có linh mục có tước hiệu Đ.Ô., bận áo có riềm tím, đeo giải thắt lưng tím quang bụng thì trông cũng có vẻ oai đấy, nhất là những vị “tốt bụng”. Tuy nhiên Toà Thánh cần giải thích cho những trường hợp ban tặng tước hiệu Đ.Ô. trong những trường hợp như vậy là ngoại lệ.

Để được nhiều người biết đến, linh mục hay Đ.Ô. bên Mĩ, phải có chức tước nọ, địa vị kia trong Tổ Chức Công Giáo Việt Nam Trung Ương tại Hoa Kì (TCCGVNTƯ/HK) hoặc trong một giáo phận Mĩ. Để được nhiều người biết đến hơn, thì sau khi được bầu làm chủ tịch này nọ, linh mục hay Đ.Ô. đó phải đi chào thăm những vị tai to mặt lớn trong Hội Đồng Giám Mục Mĩ và xin được chụp hình chung để đăng tải trên những phương tiện truyền thông của thời hiện đại như đa số quí chức trong TCCGVNTƯ/HK đã làm trong quá khứ.

Linh mục hay Đ.Ô. mà có địa vị nọ kia cũng còn phải đi thăm những nhà dòng gồm cà nhà dòng nữ VN tại Mĩ và dĩ nhiên còn phải có hình chụp chung, vì những lá phiếu của các nữ tu VN cũng rất quan trọng cho nhiệm kì kế tiếp. Sau đây là câu chuyện về việc bầu bán chủ tịch địa phương, để từ đó suy ra việc bầu bán chủ tịch TCCGVNTƯ/HK, gồm 7 Tổ Chức Công Giáo Việt Nam Địa Phương tại Hoa Kì (TCCGVNĐP/HK). Số là lần kia có hai linh mục VN ra ứng cử chức chủ tịch tại một địa phương nọ – không phải chủ tịch trung ương. Nghe nói trong địa phương đó có một nhà dòng nữ Việt Nam, mà cả hai linh mục đều quen biết và có ảnh hưởng. Trước khi bầu, cử tri không biết rõ linh mục nào sẽ thắng cử. Khi kiểm phiếu bầu thì thấy ½ số phiếu của các Sơ, bầu cho linh mục này và ½ số phiếu của các Sơ, bầu cho linh mục kia. Không biết có phải tình cờ hay hữu ý, mà đó là một sự kiện. Nếu không phải là tình cờ, thì chính sách ngoại giao của các Sơ nhà dòng đó kể là khôn thiệc là khôn. Dưới nhãn quang của các Sơ nhà dòng, linh mục nào thắng cử thì ít ra cũng có 50 phần trăm các Sơ ủnh hộ, bù trừ cho 50% các Sơ bỏ phiếu không thuận. Như vậy thì cũng huề cả làng. Nhà dòng cũng đâu có gì bị thiệt thòi đâu.

Về trường hợp tân Giám Mục VN tại Mĩ mới được bổ nhiệm, thì không hẳn là “vô danh tiểu tốt”. Ngài có bằng cấp đại học và đang làm chánh xứ một giáo xứ Mĩ lớn đấy. Tuy nhiên, ít người biết đến. Thật vậy trong cuốn “Kỉ Yếu La Vang 2006” không thấy có tên Ngài, cùng với mấy dòng tiểu sử cũng như hình ảnh Ngài. Trước khi thực hiện cuốn Kỉ Yếu, TCCGVNTƯ/HK qua những phương tiện truyền thông như thư từ, điện thư, báo chí, đều kêu gọi giới linh mục Việt Nam tại Mĩ, gửi danh tính, hình ảnh và mấy dòng tiểu sử về để làm cuốn Kỉ Yếu, nhân dịp thánh hiến Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang trong Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Thủ Đô Hoa Kì. Vậy mà trong cuốn Kỉ Yếu không thấy có tên, hình ảnh cũng như mấy dòng tiểu sử của Linh Mục Nguyễn Thái Thành.

Bản tin của Đài Va-Ti-Căng, loan báo về vị tân Giám Mục, viết tên Ngài là Nguyễn ThànhThái, và không thấy ghi tên thánh của Ngài. Theo bản tin này, thì vào năm 2006, Lm Nguyễn Thành Thái, cũng là Nguyễn Thái Thành đã được thụ phong linh mục tại Mĩ năm 1991, rồi làm phó xứ cũng như chánh xứ mấy xứ đạo Mĩ khác nhau. Dù phục vụ xứ đạo Mĩ thì với những phương tiện truyền thông khác nhau hiện nay, Cha Thành cũng đã phải nghe, không nhiều thì ít, về tổ chức của linh mục VN trong địa phương là nơi ngài đang phục vụ, và về tổ chức của linh mục VN trung ương Hoa Kì. Có thể Cha Thành không nhận được thư kêu gọi làm cuốn Kỉ Yếu. Có thể Ngài nhận được thư mà không gửi danh tính, hình ảnh và mấy dòng tiểu sử về cho ban Kỉ Yếu vì bận phục vụ giáo xứ hay sao, hoặc không muốn tìm kiếm sự chú ý của người khác chăng?

Bàn về việc tìm ứng viên giám mục thì vị khâm sứ Toà Thánh tại nước sở tại cũng góp phần quan trọng đấy. Hiện thời Khâm Sứ Toà Thánh tại Mĩ là Giám mục Christopher Pierre, người Phú Lãng Sa. Có lẽ lần này vị Khâm Sứ Toà Thánh tại Mĩ muốn chọn giám mục kiểu khác. Đoán là Ngài liên lạc thẳng với nhửng giám mục giáo phận Mĩ, xin đề cử cho một linh mục Việt Nam có tinh thần mục vụ và phục vụ cách tận tâm và âm thầm chăng?

Hồi mới di cư sang Mĩ, người ta nghe nói có những linh mục Mĩ bình luận về “Jadot’s bishops” (Giám mục của Khâm Sứ Jadot). Giám mục của Khâm Sứ Jadot có nghĩa là danh sách ứng viên giám mục do Jadot gửi về Bộ Giám mục tại Toà Thánh Va-Ti-Căng, để được đệ trình lên Đức Thánh Pha Pha, cho Ngài chọn làm giám mục, thường là những giám mục có khuynh hướng cấp tiến. Có lẽ ngay sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Toà Thánh muốn có những giám mục có khuynh hướng cấp tiến, để đẩy mạnh việc cải tổ Giáo Hội, nên mới chỉ thị cho Khâm Sứ Jadot làm như vậy. Đến thời Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, thì người ta lại thấy hàng giám mục  Mĩ có khuynh hướng bảo thủ hơn.

Hồi đó Giám mục Jean Jadot, người Bỉ làm Khâm Sứ Toà Thánh Va-Ti-Căng tại Mĩ một cách bán chính thức vì Mĩ và Toà Thánh chưa thiết lập bang giao, do một trong nhữnh lí do là  giáo phái Tin Lành Mĩ chống đối nên Quốc Hội Mĩ cũng phải chiều lòng họ mà chống đối luôn. Mãi sau này dưới thời Tổng Thống Regan, thì chính phủ Mĩ mới thiết lập bang giao với Toà Thánh Va-ti-căng. Tưởng cũng nên biết, Khâm Sứ Jadot được mời đến thăm dân tị nạn Việt Nam tại Ft Indiantown Gap, Pennsylvania và cử hành lễ ngoài trời, ban Bí Tích Thêm Sức cho trẻ em Việt Nam, hè năm 1975.

Như vậy trở lại trường hợp tân giám mục VN, người ta thấy một linh mục không muốn được người khác chú ý đến và không mơ ước làm giám mục, thì lại được bổ nhiệm làm giám mục. Khi được Khâm Sứ Toà Thánh tại Mĩ hỏi ý kiến xem có muốn làm giám mục không, Ngài còn xin cho được suy nghĩ và cầu nguyện nửa giờ, chứ không nhận ngay.

Trong buổi tân Giám Mục Nguyễn Thái Thành về Nhà Thờ Chính toà của Giáo Phận có đông người Công Giáo VN nhất, để gặp Giám mục Chánh Toà và một số linh mục và giáo dân VN đại diện để ra mắt, tân Gm Thành nói Ngài cần bắt đầu rời bỏ giáo dân của Ngài để sửa soạn tới nhiệm sở mới. Điều đó có nghĩa là Ngài phải gắn bó với giáo dân đấy. Được biết giáo dân giáo xứ của Ngài đa số là người gốc Nam Mĩ, Ba Lan và Bồ Đào Nha.

Thêm hai giám mục Việt Nam nữa?

Sau buổi bế mạc kiểu phối hợp vừa đại hội/hội thảo/tĩnh tâm/tĩnh huấn  của khối linh VN tại Mĩ tổ chức bên California, một linh mục trong Ban Chấp Hành Trung Ương gửi điện thư cho toàn thể các linh mục ngày 26 Tháng 10, 2017, viết “Cảm tạ Chúa, và chúng ta cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô; tin rằng Liên Đoàn chúng ta sẽ có thêm 2 Giám Mục để phục vụ Giáo Hội Hoa Kỳ, và cho người Công Giáo Việt Nam”. Linh mục liên hệ còn bày tỏ ước muốn có thêm 2 giám mục VN khi được phỏng vấn cuối ngày Đại Hội trên Video của Vietcatholic nữa. Vậy linh mục trong Ban Chấp Hành Trung Ương lấy tư cách gì và căn cứ vào những yếu tố nào mà tin rằng  cần có 2 giám mục Việt Nam nữa để phục vụ Giáo Hội Hoa Kì, và cho người Công Giáo Việt Nam? Viết như vậy xem ra có vẻ hão huyền đấy. Có phải linh mục trong Ban Chấp Hành Trung Ương muốn nói có hai linh mục Việt Nam nào đó muốn làm giám mục tại Hoa Kì chăng? Mà nếu Toà Thánh đặt thêm 2 giám mục Việt Nam nữa, là nhắm để phục vụ cho một giáo phận nào đó và người Công Giáo trong giáo phận đó, gồm người Công Giáo Việt Nam, chứ không phải phục vụ cho Giáo Hội Hoa Kì và cho người Công Giáo Việt Nam tại Mĩ. Còn trong phạm vi một giáo phận thì việc săn sóc nhu cầu thiêng liêng trực tiếp cho giáo dân Việt Nam trong giáo xứ Việt hay cộng đoàn Công Giáo người Việt là do linh mục VN chánh / phó xứ  hoặc linh mục VN quản nhiệm chánh / phó cộng đoàn Công Giáo VN, chứ không phải do giám mục VN phụ tá. Tại sao lại nói lên nhu cầu cần có 2 giám mục Việt Nam để phục vụ Giáo Hội Hoa Kì và người Công Giáo Việt tại Hoa Kì vào thời điểm này, trong khi một linh mục VN vừa mới được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho một Giáo Phận có đông người Công Giáo VN nhất?

Quan sát những bài giảng phòng, những bài thuyết trình, những chuyến đi thăm hỏi giới chức trong Giáo Hội Hoa Kì, những cách tổ chức tĩnh tâm / hội thảo / đại hội nọ kia cho khối linh mục hay giáo dân Việt Nam, người ta thấy được diễn ra có vẻ khác thường. Những buổi hội thảo/tĩnh tâm/tĩnh huấn vào những năm đầu chỉ dành cho giới linh mục VN tại Mĩ. Sau này cả linh mục VN du học tại Mĩ, linh mục VN trên thế giới cũng có thể ghi danh tham dự. Để khuyến khích việc tham dự cho đông, thì có năm lại miễn phí cho những linh mục về hưu. Linh mục về hưu tại Mĩ đâu phải thiếu tiền. Có những linh mục về hưu tại Mĩ lãnh những khoản tiền không nhiều, nhưng cũng không thiếu, giống như người dân đi làm mà về hưu vậy. Còn những linh mục làm tuyên úy quân đội Mĩ với cấp úy và cấp tá, khi về hưu thì lãnh lương bổng của quân đội lại càng cao. Để khuyến khích người tham dự cho đông nữa, ban tổ chức lại còn mời cả 3 hay 4 vị giám mục, cả Việt cả Mĩ trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì có ảnh hưởng, tham dự, không hẳn là giảng phòng hay thuyết trình, mà chỉ cần thay nhau làm chủ tế và giảng trong một thánh lễ đồng tế. Dĩ nhiên là các vị giám mục phải được bao vé máy bay hạng sang và ớ khách sạn 5 sao, mà không phải trả tiền ăn ở, mà còn được tiễn chân và tiễn tay nữa đấy. Vậy mà tổng số linh mục Việt Nam tại Mĩ, xấp xỉ trên dưới một ngàn, mà con số tham dự viên, gồm cả linh mục VN tại Mĩ, linh mục VN ở những quốc gia khác, gồm cả giám mục và thuyết trình viên nữa, không biết có được như Ban Tổ Chúc / Ban Chấp Hành mong muốn không?

Trong những buổi hội thảo/ tĩnh tâm/tĩnh huấn mà thấy có nhiều mục bên lề, không phải tự phát, nhưng có xếp đặt chương trình và sửa soạn trước, có thể làm lu mờ phần thiết yếu. Qua những bài tường thuật và hình ảnh trên điện thư, mạng tin hoặc Video do Ban Lãnh đạo gửi ra hàng ngày trong thời gian hội thảo / tĩnh tâm/ tĩnh huấn, người ta có cảm tưởng hình như Ban Lãnh đạo muốn dùng cơ hội này để quảng cáo và đánh bóng một số nhân vật nào đó hay chương trình gì đó, có vẻ hơi nhiều. Rồi Ban Lãnh Đạo của TCCGVNTƯ/HK lại dùng cơ hội này để xin cho có hai giám mục VN nữa tại Mĩ. Giới độc giả tinh ý có thể hỏi như vậy có phải đó là cách đánh tiếng cho linh mục hay Đ.Ô. nào đó, muốn làm giám mục tại Mĩ chăng? Về giả sử này thì thiên hạ cũng đã có thể nghe trong những câu chuyện đàm đạo hoặc trên điện thoại khi có những linh mục này, giáo dân nọ nói: coi bộ linh mục Dòng nọ, Đ.Ô. kia muốn làm giám mục đấy.

Sau khi Đức Giê-su về Trời, Thánh Phê-rô nói với các tông đồ khác là phải có một người thay thế Giu-đa.  Rồi các Tông Đồ đề cử Ông Giu-se, có biệt danh là Ba-sáp-ba và Ông Mát-thi-a. Hai người này đã theo Chúa Giê-su dẫn đầu các Tông Đồ, kể từ phép rửa của Ông Gio-an cho tới ngày Người về Trời. Họ cầu nguyện xin Chúa chỉ cho họ thấy Chúa chọn ai. Họ bốc thăm và Ông Mát-thi-a đã trúng thăm và được kể thêm vào số mười một Tông Đồ cho đủ số 12, chứ không phải Ông Mát-thi-a  xin làm Tông Đồ (Cv 1: 15-26).

Đa số người Công Giáo Việt Nam đã sống ở Hoa Kì 42 năm rồi thì họ cũng đã quen với nếp sống ở xứ này. Giáo phận Công Giáo có đông người Công Giáo Việt Nam nhất tại Hoa Kì đã có Giám Mục Việt Nam Phụ Tá cách đây khoảng 10 năm, và tháng trước một linh mụcViệt Nam được bổ nhiệm làm Giám Mục thay thế.  Bây giờ nếu Toà Thánh đặt 2 giám mục Việt Nam nữa thì xếp vào đâu? Việc cần hay không cần giám mục Việt Nam phụ tá là do giám mục chính toà của một giáo phận hoặc tổng giáo phận yêu cầu, chứ Toà Thánh không áp đặt. Vậy có phải bây giờ không còn cơ hội được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá cho Giáo Phận có đông người Công Giáo Việt Nam nữa, nên mới bầy tỏ ý muốn cần có thêm 2 giám mục VN nữa một cách hàm hồ như vậy không?                                                              

Dự án cho tân Giám Mục Việt Nam?

Trong Giáo Phận có đông người Công Giáo Viêt Nam nhất tại Hoa Kì, hiện có dự án xây linh đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên Nhà Thờ Chính Toà, đang được phát động. Nhà Thờ Chính Toà này, trước kia là nhà thờ kiếng nổi tiếng, mới được Giáo Phận mua lại của một Giáo phái Tin Lành. Giáo phái này vì thiếu ngân khoản, muốn bán lại cho Giáo Phận thay vì bán vào tay chủ khác vì họ cho rằng chỉ có Giáo Phận mới duy trì được những sắc thái tôn giáo và nhất là giữ lại được tên nhà thờ cũ của họ.

Trong video của Vietcatholic giới thiệu linh đài Mẹ La Vang và phỏng vấn hai linh mục Việt là thành phần Uỷ Ban xây cất Linh đài La Vang - một trong hai có tước hiệu Đ.Ô.  Linh mục thành viên cho biết đây là công trình của cựu Giám mục Việt Nam Phụ Tá, được lặp đi lặp lại ba lần. Công trình đã được Giám mục Việt Nam  Phụ tá mới về hưu và nhóm chuyên gia đã cưu mang cả ba năm trước, bây giờ được Giám Mục Chính Toà của Giáo Phận ưng thuận và khuyến khích. Dự án Linh đài Mẹ La Vang được dành cho 4 mẫu trong tổng thể 34 mẫu tây của khuôn viên Nhà Thờ Chính toà. Dự án Linh đài La Vang ước tính là 25 triệu trong đó 10 triệu được dành cho việc xây dựng tượng đài La Vang, cao 18 feet, gồm cả bệ và đế chân tượng. Còn 15 triệu dành cho việc xây dựng thư viện, phòng bán tượng ảnh và đồ vật kỉ niệm, khuôn viên linh đài và kiện toàn Nhà Thờ chính.

Được hỏi mục đích của việc xây dựng Linh đài Đức Mẹ La Vang  để làm gì? Linh mục có tước hiệu Đ.Ô. trả lời đại khái là Đức Mẹ thì chỉ có một. Tuy nhiên khi hiện ra ở mỗi nơi thì Đức Mẹ hiện ra trong trang phục của người nước đó. Khi du khách đến thăm Nhà Thờ Chính Toà, thì họ cũng có dịp đi qua và ghé thăm Linh đài Đức Mẹ La Vang. Vì thế việc xây dựng Linh đài Mẹ La Vang là để giới thiệu lịch sử Mẹ La Vang với du khách ngoại quốc, một niềm hãnh diện, tự hào cho người Việt Nam nói chung và cho người Công Giáo VN nói riêng. Linh mục có tước hiệu Đ.Ô. cũng cho biết việc trùng tu Nhà Thờ Chính Toà và khuôn viên Nhà Thờ được ước lượng vào khoảng 72 triệu mĩ kim - không kể 25  triệu cho Linh Đài Mẹ La Vang. Giá mua cách đây mấy năm là 55 triệu Mĩ kim. Dự tính việc tân trang sẽ được hoàn thành năm 2019. Dự án xây Linh Đài Đức Mẹ La Vang với kinh phí tốn kém như vậy nhằm để giới thiệu với du khách, thì không biết có phải là ưu tiên mục vụ của vị tân Giám mục Phụ tá người Việt không?

Dù Đức Cha Phụ tá VN mới, có được mời đóng vai trò tích cực hay không trong việc cổ võ và thiết kế việc xây dựng Linh Đài Mẹ La Vang, thì Ủy Ban xây dựng Linh đài cũng đã được thành lập và đã đi vào hoạt động cả 3 năm rồi. Lễ làm phép khu đất Linh đài và đặt viên đá đầu tiên do vị Giám mục Giáo phận chủ sự đã được tổ chức vào Thứ Bảy 21/10/2017. Bên cạnh đó thấy còn diễn ra nhiều tiết mục khác nhau như văn nghệ, ca hát, đánh trống, thổi kèn, nhảy múa trước khi Tân Giám Mục Phụ Tá người Việt về nhậm chức trong Giáo Phận vào giữa Tháng 12, 2017. Trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên, thấy phái nữ bận áo dài tha thướt mà lại mang giày vải kiểu chạy thể thao, đánh trống lớn đặt trên kệ có bánh xe đẩy, giạng giễ chân ra, giơ chân cao lên, vung tay ngang dọc để lấy sức đánh cho mạnh, thì lại làm mất đi vẻ nữ tính uyển chuyển và yểu điệu cuả người con gái VN trong tà áo dài đấy. Nếu có lập đội trống nữ để sau này giới thiệu “văn hoá’ đánh trống cho khách du lịch vào thăm Linh Đài Mẹ La Vang, thì phái nữ nên bận quần áo kiểu lính thú thời phong kiến, thắt xà cạp vào ống quần mà đánh trống thì hợp hơn.

Dầu sao thì cũng cầu chúc vị Tân Giám Mục Phụ Tá người Việt mình tìm được niềm vui trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ dân Chúa, nhất là giáo dân đồng hương tại Giáo Phận có đông người Công Giáo Việt Nam nhất tại Hoa Kì, trong ơn thánh của Đức Kitô và hiệp thông với Mẹ Thánh Người là Mẹ La Vang.

Gia Cư