CN27TNBLời nói đầu: Nhận thấy bài suy niệm Chúa Nhật 27 Thường Niên, Năm B đề cập đến một vấn đề thiết thực, có ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người sống đời hôn nhân, chúng tôi cho chuyển bài này sang mục Bài Viết của tác giả trang chủ. Trong bài tác giả nêu ra mười lí do tại sao có việc li dị. Dĩ nhiên còn những lí do khác nữa. Độc giả có thể đưa thêm lí do vào mục bình luận cuối bài để rộng đường tham luận.

Theo Thánh kinh thì mỗi liên hệ giữa Thiên Chúa với loài người được gọi là một giao ước. Thiên Chúa khởi sự giao ước bằng việc bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Và Thiên Chúa mời gọi loài người đáp trả lại tình yêu đó. Không những Chúa thiết lập giao ước hàng dọc, nghĩa là giao ước giữa Thiên Chúa với loài người, Chúa còn thiết lập giao ước hàng ngang giữa người với người nữa. Sách Sáng thế có ghi lại Chúa thiết lập giao ước hôn nhân hàng ngang bằng việc kêu gọi Ađam và Evà sống trung thành với nhau: Bởi thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ, mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt (St 2:24). Lời Thánh kinh này được Chúa Giêsu trích lại để nói lên tính cách bất khả phân ly của hôn nhân (Mc 10:7).

Khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, Người đã nâng khế ước hôn nhân lên hàng bí tích. Vậy bí tích hôn nhân là việc hai người công giáo đã chịu phép Rửa tội, thề hứa trung thành yêu thương và phục vụ lẫn nhau cũng như yêu thương và phục vụ con cái. Sự trung tín giữa vợ chồng là phản ảnh lòng trung tín giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Chúa khẳng định tính cách bất khả phân ly của bí tích hôn nhân: Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly (Mc 10:9). Khi mấy người Pharisêu thắc mắc tại sao ông Môsê cho phép li dị thì Chúa Giêsu bảo là tại lòng dạ chai đá của họ mà ông Mosê cho li dị.

Thực ra từ thuở ban đầu của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã trù liệu kế hoạch hôn nhân bất khả phân li để nhằm xây dựng hạnh phúc gia đình: của vợ chồng và con cái. Còn li dị khiến con cái nhất là còn nhỏ tuổi bị thiệt thòi về mọi phương diện: thể chất, tình cảm, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Áp dụng luật Chúa dạy, Giáo hội không chấp thuận luật li dị. Giáo hội chỉ cho phép li thân trong những trường hợp bất đắc dĩ, nếu hai vợ chồng sống với nhau mà hay gây bất hoà, làm mất sự bình an. Trường hợp vợ chồng li dị, mà không tái hôn, thì Giáo hội chỉ coi là li thân và mời gọi hai người tham dự vào đời sống bí tích của Giáo hội.

Trong quá khứ, hôn nhân được bảo vệ một cách tối đa: được gia đình, tôn giáo và xã hội che chở. Hôn nhân còn được phong tục và lễ giáo ràng buộc. Ðời sống vợ chồng được cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn hữu và hàng xóm khuyến khích, nâng đỡ và ủi an khi vợ chồng có chuyện buồn giận lẫn nhau. Trái lại sống trong xã hội hiện tại và hiện đại, hôn nhân bị tấn công bởi nhiều yếu tố như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và cả mạng tin. Bằng cách cho phép ly dị, luật pháp xã hội hiện tại và hiện đại không còn bảo vệ hôn nhân.

Nhận thức được rằng đám cưới chỉ kéo dài có một ngày, còn hôn nhân kéo dài suốt cả cuộc sống, mà đa số các giáo phận tại Mỹ đời nay đòi hỏi những cặp dự bị hôn nhân phải qua chương trình học hỏi và đợi chờ tối thiểu là sáu tháng. Thời gian học hỏi và đợi chờ nhằm giúp cho người dự bị hôn nhân học hỏi về giáo lý hôn nhân và tiếp tục tìm hiểu lẫn nhau xem hai người có thể đi tới đời sống lứa đôi không?

Có những cặp nam nữ sau thời gian tìm hiểu và đợi chờ thấy không hợp đã tự ý chia tay vĩnh viễn. Những cặp dự bị hôn nhân mà thực sự chú tâm học hỏi để sửa sọan bước vào đời sống hôn nhân thì cũng khiến cho các linh mục làm đám cưới hứng khởi. Có linh mục kia nhận xét trước khi đi tu đâu có biết được cái đẹp của tình yêu và đời sống hôn nhân. Ðể cho hôn nhân có thể kéo dài suốt cả cuộc sống, người ta cần khám phá ra nét đẹp và sống nét đẹp của tình yêu và đời sống hôn nhân công giáo. Người ta cần đem Chúa vào đời sống hôn nhân để Chúa cùng đồng hành và làm chủ đời sống hôn nhân.

Như vậy người ta thấy mối liên hệ hôn nhân là một thứ liên hệ gần gũi và thân mật nhất trong các thứ liên hệ của loài người, đem lại cho hai người niềm an vui và an toàn. Có người nói yêu nhau là cùng nhìn về một hướng và theo đuổi cùng mục đích. Khi hai người cùng nhìn về một hướng và theo đuổi cùng mục đích, họ sẽ giúp nhau hoàn thành ơn gọi của đời sống hôn nhân.

Tuy vậy đời nay người ta lại thấy cảnh li lan tràn khắp đó đây. Nếu phân tích tại sao đời nay vợ chồng lại li dị dễ dàng như vậy, người ta có thể nêu ra những lí do sau đây (dĩ nhiên độc giả còn có những lí do khác nữa):

Tại đặt nặng yếu tố tiền bạc trong đời sống hôn nhân. Khi thấy chồng làm ít tiền mà vợ lại thích mua sắm, thì nàng có thể bắt đầu để ý đến người có nhiều tiền hay làm nhiều tiền hơn.

Tại đặt nặng vấn đề chăn gối. Có lẽ vì ảnh hưởng bởi phim ảnh, nghệ thuật quảng cáo đời sống chăn gối, và công ty xây cất nhà cửa với phòng ngủ của chủ gia đình thật lớn và sang: có phòng tắm đặc biệt với bồn tắm jacuzzi làm sóng ngầm chẳng hạn, mà người ta để ý đến vấn đề này. Vợ chồng cần tìm hiểu và để ý xem những lúc nào, hoặc thời kì nào người phối ngẫu không muốn chuyện chăn gối để mà tôn trọng nhau. Ngoài ra việc chăn gối hôn nhân phải là việc bày tỏ sự ưng thuận của cả hai người, lòng yêu thương, âu yếm, thông cảm, và coi trọng phẩm giá của nhau, chứ không phải là việc làm ép buộc, chỉ nhắm tìm khoái lạc. Vợ chồng cũng cần tìm những thoải mái về đời sống tình cảm, tinh thần và đời sống thiêng liêng có tính cách bền lâu bằng việc cầu nguyện, săn sóc gia đình và con cái hoặc làm việc xã hội và từ thiện bác ái nữa. Khi người ta cảm nghiệm được thoải mái về đời sống tinh thần và thiêng liêng, thì vấn đề chăn gối không còn phải là một nhu cầu lớn.

Tại ích kỉ trong đời sống hôn nhân. Nếu một người phải đi làm lụng vất vả để nuôi gia đình mà người kia không chịu góp phần làm việc nhà: để nhà cửa bề bộn, con cái nheo nhóc, cơm nước thất thường, thì người góp phần nhiều sẽ nản lòng. Nếu nấu ăn giở thì cũng nên học cách nấu ăn sao cho người ta ăn được. Như vậy vợ chồng cần để ý để đáp ứng những gì mà người kia đã làm cho mình. Nói cách khác là có đi có lại mới toại lòng nhau. Còn không thì sẽ làm mất lòng người kia.

Tại để ý nhiều đến tình, mà quên nghĩa. Có những khi người ta còn lẫn lộn tình yêu với cảm tình hay cảm xúc trìu mến. Do đó khi không còn cảm thấy có cảm tình là người ta chia tay. Người ta quên đi những hi sinh và công ơn mà người phối ngẫu đã làm cho mình nên mới vội: Thăm ván bán thuyền. Có những người trọng nghĩa vợ chồng mà vẫn có thể chung sống với nhau mặc dù tình đã phai nhạt.

Tại quên rằng vợ chồng còn là thánh giá cho nhau. Lập gia đình là để vợ chồng nâng đỡ nhau và săn sóc con cái về đời sống vật chất, tình cảm, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên vợ chồng còn là thánh giá cho nhau nữa nếu hiểu thánh giá là những bất đồng quan điểm với tính tình khác nhau, ăn ngủ khác biệt, lại thêm tập quán, cách nói năng, cách nhìn đời cũng khác. Nếu học để chịu đựng và chấp nhận, những thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và mang lại ơn phúc cho đời sống hôn nhân.

Tại quên đi phần sau của lời hứa hôn nhân. Trong thánh lễ cưới, vợ chồng hứa với nhau: Anh hứa nhận em làm vợ, em hứa nhận anh làm chống, và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh nạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em). Vợ chồng phải thường xuyên nhắc nhở cho mình giữ lòng chung thuỷ cả lúc gian nan và khi bệnh nạn nữa cũng như yêu thương và tôn trọng nhau suốt cả cuộc sống.

Tại không chịu tìm cách thăng tiến hoá đời sống hôn nhân. Tự nhìn và xét mình, người ta thường chủ quan hay vì tự ái mà không nhìn thấy mặt trái của mình. Do đó mà có những phong trào ra đời như Hội Ngộ Phu Thê (marriage Encounter) để giúp vợ chồng thông đạt với nhau cách hữu hiệu; hay phong trào Teams of our Lady để hướng dẫn vợ chồng cách thế phát triển đời sống hôn nhân; hoặc phong trào Thăng tiến Hôn nhân Gia đình để giúp vợ chồng đả thông những vấn đề bất hoà trong đời sống hôn nhân để mà tiếp tục thăng tiến. Đường lối chung của những phong trào canh tân đời sống hôn nhân là khuyến khích vợ chồng nâng đỡ nhau về đời sống tình cảm. Ví dụ trong ngày sống, vợ hay chồng có chuyện vui, chuyện buồn, mà thổ lộ cho người phối ngẫu, mà không được người phối ngẫu chia vui, sẻ buồn, là người đó thiếu sự thông cảm và nâng đỡ tinh thần của người phối ngẫu. Buồn mà không được người phối ngẫu cảm thông và nâng đỡ, mà có người khác phái khác nhảy vào nâng đỡ, thông cảm, thì đó là mối nguy hiểm cho đời sống hôn nhân. Ví dụ khác là thay vì tố người phối ngẫu như nói bậy, làm bậy, hay gán cho người phối ngẫu những cái xấu, thì vợ có thể nói với chồng chẳng hạn như: hôm qua anh nói lời đó, làm việc đó làm em buồn. Lời nói đó sẽ đánh động người chồng, khiến chồng mủi lòng mà tự sửa đổi. Còn cứ cãi lý thì không ai muốn thua cả. Những phong trào này còn khuyến khích vợ chồng đem Chúa vào đời sống hôn nhân và gia đình, thay vì chỉ giữ đạo theo tính cách cá nhân.

Tại nhìn thấy trước mắt có lối thoát li dị. Vì có luật cho phép li dị cho nên khả dĩ tính của việc li dị được nằm trong tiềm thức của người chồng hay vợ nghĩa là đầu óc họ quan niệm rằng họ có lối thoát nếu không cảm thấy thoải mái trong đời sống hôn nhân. Trái lại thời xưa không có luật li dị, cho nên ông bà tổ tiên ta không nghĩ đến chuyện có thể li dị. Vì thế ông bà tổ tiên chỉ nhắm đến tính cách bất khả phân ly của đời sống hôn nhân cho nên cố gắng xây dựng trên những ưu điểm của nhau thay vì chỉ nhìn đến những khuyết điểm. Nếu người ta cứ nhắm đến ý tưởng trung thành trong đời sống hôn nhân thì trong đời sống hàng ngày mà họ có súc phạm đến nhau bằng lời nói hay hành động, thì họ sẽ tìm cách hàn gắn, điều chỉnh và sửa sai, để có thể lèo lái tới đích. Còn nếu nghĩ rằng mình không sống với nhau được nên chia tay, thì người ta sẽ không cố gắng chỉnh đốn vấn nạn hôn nhân, mà cứ để vậy cho tới lúc không còn chịu đựng được nữa thì sẽ bỏ cuộc.

Vì thế việc tâm niệm về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân sẽ giúp định hướng cho hướng đi trong đời sống lứa đôi. Trong quá khứ luật pháp không cho phép ly dị cho nên ông bà tổ tiên ta vẫn sống bên nhau cho đến bạc đầu long răng. Chẳng thế mà quan sát người ta thấy có những ông bà già ngồi ghế đá công viên, nhìn ngắm cảnh vật và người qua lại. Ông thì thẩy thức ăn cho chim câu, còn bà thì ngồi nhìn ngắm. Hai ông bà chỉ cần ngồi đó, có sự hiện diện của nhau là đủ, mà không cần nói chi nhiều. Vả lại sống với nhau lâu năm rồi, bây giờ lại lớn tuổi, nói nhiều làm chi cho mỏi miệng, mà cũng chẳng còn gì để nói.

Tại đặt nhẹ việc phát triển tình bạn trong đời sống hôn nhân. Ở xã hội Việt Nam, vợ chồng được gọi là bạn trăm năm, nhưng nhiều vợ chồng lại không phải là bạn. Có lẽ người ta sẽ tìm thấy tình yêu bền vững trong hôn nhân nếu người ta tìm nó trong tình bạn hữu. Trong thời đại ta đang sống, người ta nói nhiều về tình yêu hôn nhân mà ít nói về tình bạn. Tình bạn trong đời sống hôn nhân rất là quan trọng trong việc phát triển tình yêu và đời sống hôn nhân. Nếu trước khi cưới, hai người chưa phải là bạn, họ cần tìm cách để trở thành bạn. Bạn hữu là những người có tính tình, tập quán và cách nhìn đời giống nhau, cùng chia sẻ những giá trị giống nhau. Nếu trước khi cưới chưa phải là bạn, thì sau khi cưới việc quan tâm và đáp ứng nhu cầu người khác cũng có thể khiến họ trở thành bạn với mình. Nếu bạn hữu không muốn xa nhau thì tình bạn trong đời sống hôn nhân sẽ giúp vợ chồng muốn sống bên nhau mãi mãi.

Tại quên mời Chúa vào đời sống hôn nhân. Người ta có thể nhớ mời Chúa vào đời sống cá nhân, nhưng lại quên mời Chúa vào đời sống hôn nhân và đời sống gia đình. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là tuân giữ giới răn Chúa trong đời sống hôn nhân như ông Tobia và bà Sara. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân để Chúa cùng đồng hành trong đời sống hôn nhân khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân còn có nghĩa là để Chúa làm chủ đời sống hôn nhân. Cũng nên biết khi vợ chồng cùng chung một niềm tin vào Chúa thì dễ thực hiện việc mời Chúa vào đời sống hôn nhân.

Theo thánh Gioan định nghĩa thì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:16). Và Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người và cho vợ chồng nghĩa là Thiên Chúa có liên hệ mật thiết trong đời sống hôn nhân, bằng cách kết hợp hai người nam nữ trong một tình yêu. Nói như vậy có nghĩa là khi chồng yêu vợ thì chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho vợ mình. Ngược lại khi vợ yêu chồng thì cũng chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho chồng mình. Thế nên ngay cả trong những tác động chăn gối, vợ chồng cũng cần mời Chúa vào để cho khỏi trở thành những tác động chỉ bao hàm nhục dục mà thiếu yếu tố yêu thương. Thiên Chúa chúc phúc cho cả việc chăn gối hôn nhân được thực hiện với ý hướng và ý định ngay lành. Thống kê cho thấy những gia đình thường ăn chung và đọc kinh chung là những gia đình tránh được cảnh đổ vỡ.

Người ta có thể thắc mắc hỏi: Nếu vợ chồng sống chung hay gây lộn, làm mất sự bình an mà vẫn phải sống với nhau mãi sao? Có những trường hợp mà vợ chồng sống chung, cứ gây đau khổ cho nhau, thì Giáo hội cho phép li thân. Trường hợp vợ chồng làm giấy li dị theo luật dân sự, mà không tiến thêm bước nữa, nghĩa là không tái hôn theo luật đời, thì Giáo hội cũng chỉ coi là li thân thôi, vì Giáo hội không chấp nhận luật li dị, nên vẫn mời gọi họ rước Mình Thánh Chúa. Còn người li lị mà tái hôn ngoài nhà thờ công giáo, thì Giáo hội vẫn mời gọi họ tiếp tục cầu nguyện và thờ phượng, nhưng không thể mời gọi rước Mình Thánh Chúa. Có những trường hợp khác, toà án giáo phận cho phép tiêu hôn (annulment). Tiêu hôn không phải là kiểu li dị đạo. Tiêu hôn chỉ có nghĩa là toá án hôn phối giáo phận phán quyết rằng hôn nhân của họ trước đây không thành vì một trong hai người, hay cả hai người thiếu những điều kiện và yêu tố căn bản để đi vào đời sống hôn nhân.

Sự trung thành giữa vợ chồng thường được Chúa Giêsu dùng để so sánh với lòng trung thành của Thiên Chúa với loài người. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu ví Người như đức lang quân, còn Giáo hội được ví như là hiền thê. Thiên Chúa luôn trung thành với lời giao ước với loài người và Chúa muốn loài người cũng trung thành với giao ước mà người ta đã làm với Chúa qua các bí tích họ lãnh nhận.

Lời cầu nguyện xin cho được lòng trung thành trong đời sống hôn nhân:

Lạy Thiên Chúa hằng sống!
Ðấng luôn trung thành với lời giao ước,
Chúa làm với loài người.
Xin dạy con cũng biết trung thành
với lời giao ước mà con làm qua các bí tích
con đã lãnh nhận: hôn nhân cũng như thánh chức.
Xin cho con được giữ trọn lời thề.
Ðừng để con nghe lời cám dỗ rỉ tai
mà bất trung với nhau và bất trung với Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch