Lễ Tháng Gia, Năm B

Lc 2: 22-40

Trong Phụng vụ Lời Chúa lễ kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta được nghe lại đoạn Tin mừng (Lc 2:22-40) kể lại việc Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse dâng Chúa Giêsu Hài Nhi vào Đền Thờ Giêrusalem.

Đặc biệt, ngay từ câu đầu tiên (22), trình thuật đã cho chúng ta thấy cả ba thành viên của Gia Đình Thánh lần đầu tiên cùng đi lên Giêrusalem với mục đích rõ ràng là để “chu toàn lề luật”.

Trước hết, chúng ta thấy chỉ trong một câu chuyện, từ ngữ theo “luật - law - loi” đã được Thánh ký Luca nhắc đến 5 lần (22,23,24,27,39). Như vậy, Thánh Gia lên Thành Thánh Giêrusalem là để tỏ lòng trung tín với Luật Môse; nói cho đúng hơn, để thi hành Luật Chúa (24) qua Môse truyền cho dân Israel, bao gồm quy định người mẹ phải được thanh tẩy sau khi sinh con và người con trai đầu lòng thì phải được sớm hiến thánh cho Thiên Chúa (cf. Lev.12:8; Nkm.10:36-37). Thế là, bởi hành vi theo Lề Luật, Chúa Giêsu đã được cha mẹ dâng hiến và chuộc lại bằng lễ vật hạng nhà nghèo, để nên đồng hoá với anh em nhân loại của mình mọi đàng - ngoại trừ tội lỗi (Dt.4:15). Nhưng cũng là để qua hành vi khiêm tốn vâng phục Lề Luật này, Chúa Giêsu vừa trình diện trước Thánh Nhan Chúa Cha như một người Con Rất Yêu Dấu, lại vừa công khai xuất hiện trước Cộng Đoàn Do Thái đại diện cho cả nhân loại, trong thân phận giới hạn của một Hài Nhi yếu đuối, sinh ra và sống dưới chế độ lề luật (cf. Gal 4:4). Nói cách khác, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến để bày tỏ Mạc Khải Cứu Độ cao vời của Thiên Chúa ngay trong phạm vi không gian và thời gian, trong sự lệ thuộc vào những quy định dành cho con người.

Như thế, Thánh Gia, từ ban đầu và trong tất cả, đã thực sự tự tình sống trong sự vâng phục Lề luật, như một bảo đảm cho cả gia đình được sống trong Ánh nhìn quan phòng yêu thương của Chúa Cha nhân từ. Con Thiên Chúa đến cứu độ nhân loại đã thật sự hoà nhịp vào cuộc sống thực tại nhân sinh; với hoàn cảnh, môi trường, giới hạn, quy định, luật lệ… cho trọn nghĩa kiếp phận con người. Nói khác đi, cả nhà gồm cha - mẹ - con đã vui lòng sống trong tinh thần lụy phục và phó dâng, trong thái độ nghiêm cẩn và khiêm hạ, trong trạng thái đón đợi Thánh Ý Thiên Chúa và chấp nhận cảnh vực trần gian với những quy luật cần thiết và chính đáng. Cũng vậy, tâm tình ngoan thảo và thái độ vâng phục của chúng ta đối với Thiên Chúa giữa thực tại gia đình, trong cộng đoàn và ngoài xã hội không phải chỉ là để tuân thủ luật pháp ràng buộc con người cho được sống bình an, hạnh phúc mà thôi; nhưng còn là để không ngừng được thăng hoa và vui tươi hơn nữa trong vị thế tự do của con cái Thiên Chúa.

Thứ đến, như trên đã nói, không những ông bố Giuse và bà mẹ Maria ẵm con trẻ Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem để thánh hiến cho Đức Chúa, mà còn để công khai giới thiệu Đấng Cứu Thế với cộng đoàn nhân loại. Cụ Simêon, mặc dầu không phải là tư tế, nhưng với tư cách là một tiên tri cao niên và nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đã vui mừng và công khai xác nhận Ánh Sáng Thiên Tính của Đấng Cứu Độ muôn dân giữa trung tâm Đền Thờ tôn nghiêm, bằng bài ca “Nunc dimit is” (29-32) bất hủ của cụ. Và rồi, cùng với bà Anna, cụ Simêon đã chúc phúc cho hai ông bà và tuyên xưng Vinh Quang Thiên Chúa đã đến giữa nhân trần.

Như vậy, một khi ý thức cùng đưa nhau đến với Chúa qua Giáo Hội và sống chan hoà với mọi người chung quanh, các gia đình Kitô hữu sẽ tìm ra nhiều cơ hội thích hợp và điều kiện thuận lợi để cùng nhau ca tụng, ngợi khen Chúa vì cuộc sống chung tươi đẹp Chúa thương ban trong bậc sống gia đình, đồng thời hy vọng được nhận lãnh muôn phúc lành từ Thiên Chúa, nơi cộng đoàn Giáo Hội và qua các thánh nhân, người lành khi ở giữa khung cảnh thánh thiện của những nơi dành riêng cho việc thờ phượng Người. Ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, các gia đình thân yêu của chúng ta cũng có thể cùng nhau đồng hành trọn vẹn trong đời sống thiêng liêng và đạo đức. Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, việc cầu nguyện cho nhau trong tình thân, quan tâm đến nhau trong cuộc sống chung, nhất là cùng thúc đẩy nhau sống Lời Chúa ngay trong môi trường gia đình, cộng đoàn và xứ đạo là tuyệt đối cần thiết! Cách riêng, gia đình vẫn là môi trường giáo dục tuyệt hảo đầu tiên, trong đó ông bà, cha mẹ, anh chị có cơ hội tốt để làm gương và dậy dỗ con cái, cháu em của mình sống trong sự hiện diện thật sự của Chúa và cảm nhận sự đồng hành sống động của Người giữa cuộc sống chung gia đình và trong cuộc đời cá nhân mỗi người; từ đó đưa dẫn những người thân yêu của mình đến lãnh nhận phúc lộc an vui từ nơi Thiên Chúa ăm ắp tình thương.

Tôi chợt nhớ đến một hình ảnh đẹp: Trên một chuyến tàu điện metro ở thủ đô Manila - Philippines, tôi ngồi đối diện với một bà mẹ trẻ đẹp, quần áo hợp thời, đang ôm chặt đứa con trai nhỏ xinh xắn trong lòng. Tay phải của chị không ngừng mân mê tràng chuỗi Mân Côi đơn sơ. Đặc biệt, mỗi khi tàu điện chạy ngang qua một nhà nguyện hay nhà thờ, chị đều nhắc con trai nhỏ của mình hướng ánh nhìn về những nơi đó và cúi đầu chào Chúa. Một lúc sau, tôi thấy chị không cần phải nhắc nữa, nhưng đứa bé cứ nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ và tự động cúi đầu xuống mỗi khi thấy một ngôi nhà thờ, nhà nguyện hay đơn giản chỉ là một cây thánh giá trên nóc một toà nhà. Một hình ảnh đẹp khác, như một bài học sống đạo đơn sơ mà sâu sắc từ một bà mẹ dáng nhỏ nhắn ở một giáo xứ vùng quê Cái Sắn, miền tây Việt Nam mà tôi đã từng đến giúp mục vụ ít tuần. Sau mỗi thánh lễ chiều, bà mẹ nhà quê ấy bồng đứa con trai nhỏ trên tay, nhanh chân đi về phía đài Đức Mẹ, theo sau bà là đứa con gái khoảng 3 tuổi bám chặt lấy tà áo bà ba giản dị của mẹ. Đến trước đài Đức Mẹ, bà cầu nguyện một chút, rồi cả ba mẹ con cúi mình chào kính Đức Mẹ thật sâu rồi mới ra về. Đôi khi, bà phải lấy một tay nhấn đầu đứa con trai bé bỏng mà bà đang bế, để nó cúi hẳn đầu xuống mà cùng bà chào kính Đức Mẹ.

Thật là hai hình ảnh tuyệt đẹp của cùng một cung cách bày tỏ Niềm Tin truyền thống và bình dân giữa cuộc sống đời thường. Trong khuôn viên nhà thờ miền quê hay trên hành trình xe điện thành phố, cả hai bà mẹ đều thực hành việc Giáo Dục Đức Tin cho con cái mình thật đơn thành nhưng đầy hiệu quả. Giáo Dục Đức Tin ngay từ trong gia đình là rất cần thiết, đặc biệt trong thời đại hôm nay không ít người còn rất trẻ nhưng đã sớm thất vọng não nề sau những cơn mê đắm khoái lạc giả tạo và thần tượng vô bổ chóng qua. Thực vậy, đối với các gia đình Kitô hữu, vắng bóng Thiên Chúa đồng nghĩa với bề tắc cuộc đời. Cầu mong các bậc phụ huynh của các gia đình Kitô Giáo thực sự nhận thức trách nhiệm đối với các con em mình, biết can đảm nêu gương sáng đạo đức và tích cực giáo dục người trẻ ân cần “giữ đạo” cách xác tín và “sống đạo” cách trưởng thành; bằng cách không ngừng thúc đẩy và dẫn đưa chúng tìm đến Thiên Chúa là Cội nguồn Tình yêu và Ân sủng, Bình an và Hạnh phúc đích thực trường cửu.

“Lạy Thánh Gia Nazareth, xin làm cho các gia đình chúng con trở nên Nơi hiệp thông và Nhà tạm của cầu nguyện, trở thành Trường học đích thực của Phúc Âm và Giáo Hội bé nhỏ tại gia…” (trích Lời kinh Đức thánh cha Phanxicô soạn trong dịp chuẩn bị Thượng hội đồng Giám mục về Gia đình, 10.2014).

Lm. Nhất Tiến