CN30_thuong_nien_nam_AChúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A

Xh 22:20-26; 1Tx:5c-10; Mt 22:34-40

Giới răn yêu thương của Thiên Chúa là một giới răn mà người tín hữu thường nghe và đọc đi đọc lại nhiều lần trong Thánh kinh, trong sách tu đức và trong các bài giảng giải lời Chúa.

Ðồng thời ta cũng nghe nói đến những câu chuyện về tình yêu trong tiểu thuyết, những loại phim ảnh về tình yêu và những mối tình lãng mạn của những cặp trai gái mới lớn lên. Do đó mà quan niệm về tình yêu trong Thánh kinh nơi loài người đã bị nhiễm độc bởi những quan niệm về tình yêu trong sách vở, báo chí và phim ảnh. Vì thế nhiều khi chữ yêu vọng lên như một lời nói trống rỗng bởi vì người ta nói về yêu mà không thực hành.

Còn tình yêu trong Thánh kinh không phải là trống rỗng và nông cạn. Ðức Kitô đến diễn tả tình yêu bằng cách chết cho người yêu là nhân loại tội lỗi. Và tình yêu theo nghĩa Phúc âm đã trở thành một biến cố tử nạn trên thập giá. Trong Phúc âm hôm nay Chúa trích sách Ðệ nhị Luật (Ðnl 6:5) để trả lời người thông luật trong nhóm Pharisêu: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Mt 22:37). Yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn .. là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu và có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người. Vì thế trong Phúc âm thánh sử Mác-cô có thêm hết sức (Mc 12:30) vào từ ngữ yêu mến, thì mức độ yêu mến mà Chúa đòi nơi loài người phải dành cho Chúa trong Phúc âm thánh sử Mát-thêu và thánh sử Mác-cô cũng vẫn như nhau, không hơn không kém.

Còn giới răn thứ hai được trích từ sách Lêvi (Lv 19:18) cũng giống giới răn thứ nhất là: Ngươi phải yêu cận nhân như chính mình (Mt 22:39). Mười Giới luật Thiên Chúa truyền cho Môsê trên núi Sinai (Xh 20:1-17; Đnl 5:1-33) là những đòi hỏi tối thiểu mà người tin yêu và kính sợ Chúa phải thực hành. Những Giới luật này được các nhà lãnh đạo Do thái giáo phân chia thành 613 khoản luật khác nhau gồm 248 khoản truyền dạy và 365 khoản cấm đoán. Bây giờ Ðức Kitô tóm tắt lại chỉ trong Hai Giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người hoặc có thể nói là một Giới răn Yêu thương kép. Câu trả lời của Chúa cho thấy Chúa trung thành với truyền thống và gia sản Do thái giáo. Ðã yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến cận nhân, nhìn nhận cận nhân như chính mình. Yêu mến Chúa và yêu mến  cận nhân là hai điều răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, không thể tách biệt như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22:40). Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu nhắc nhở cho ta: Nếu ai nói họ yêu mến Chúa mà ghét tha nhân là người nói dối (1Ga 4:20-21).

Lí do ta phải yêu mến tha nhân vì tha nhân được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc. Yêu mến tha nhân có thể đi kèm với cảm giác, nhưng không phải là cảm giác. Yêu phải là việc cam kết và quyết định của lí trí. Ta có thể không có cảm tình với người nọ người kia vì tính tình, tập quán, cách nhìn đời cũng như cách nói năng hành động của họ khác biệt với ta. Ðó là cảm giác, cảm tình của ta. Tuy nhiên ta phải làm quyết định không được ghét bỏ, ngược đãi và áp bức người tha nhân. Yêu tha nhân còn là cầu nguyện cho họ và giúp đỡ người cần cơm ăn, áo mặc và nhà ở như lời Chúa dạy trong sách Xuất hành hôm nay (Xh 22:20-25).

Chúa dạy ta phải yêu cận nhân như chính mình như thánh Phaolô vọng lại: Không ai ghét thân xác mình bao giờ (Eph 5:29). Yêu mình đây không hiểu theo nghĩa tự ái quá đáng. Yêu mình có nghĩa là biết đánh giá những gì Chúa ban. Yêu mình là bằng lòng với thân phận và số phận, chấp nhận mình, thoả mãn với những gì mình có: tài năng, sức khoẻ, của cải, nhan sắc. Yêu mình thì không cảm thấy thương hại mình. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình, sau khi mình đã làm lỗi. Người ta thường chỉ nghĩ đến việc tha thứ cho người khác, nhưng ít ai nghĩ đến chuyện phải tha thứ cho mình ngay cả sau khi xưng thú tội lỗi và được thứ tha. Sở dĩ người ta không nghĩ đến việc tha thứ cho mình, vì có những khi người ta muốn nuôi cảm tưởng trách mình sau khi đã làm lỗi và phạm tội hoặc vì không muốn nhận mình có lỗi.

Khi người ta không yêu mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoả hiệp với chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân. Khi người ta không bằng lòng với số phận hẩm hiu, hoặc số kiếp lầm than của mình, người ta có thể đóng khung trong những cảm tình thương hại mình. Khi người ta không bằng lòng với những sắc thái thuộc về mình hoặc những gì mình có, người ta sẽ bận tâm, áy náy và lo ngại về mình, sợ người khác sẽ khám phá ra những khuyết điểm hay yếu điểm của mình. Do đó người ta tìm cách biện hộ cho mình và phê bình chỉ trích người khác hầu che đậy những yếu/khuyết điểm của mình. Ðọc văn chương Việt Nam ta thấy có những nhân vật không bằng lòng với số phận. Người có thiên hương quốc sắc như Vương Thúy Kiều nhưng lại gặp mệnh bạc. Người có tài làm thơ với lời thanh, nhưng hàm chứa hai ý: tục hoặc thanh như Hồ Xuân Hương, mà cứ phải làm kiếp vợ lẽ. Người ở trong hoàng cung nhưng không còn được vua đoái hoài đến như Cung oán Ngâm khúc.

Khi người ta phải mang những bệnh tật về thể xác và tinh thần lâu dài, người ta có thể phàn nàn, kêu trách và oán hận Chúa. Mà trách móc và oán hận Chúa thì không thể nói được rằng người ta yêu mến Chúa bằng một tình yêu thanh thoát và bình thản. Vậy thì bao lâu ta còn mang bệnh tật, khổ đau, thiệt thòi trong thân xác và tâm hồn mặc dầu đã đi nhà thương và cộng tác với bác sĩ y khoa hoặc bác sĩ tâm linh để điều trị, ta cầu xin Chúa cho được biết chịu đựng, vác thánh giá của bệnh tật, đau khổ vì yêu mến Chúa. Ta dâng lên Chúa bệnh tật, đau khổ ta đang phải chịu để được hòa lẫn với những hi sinh thánh giá của Chúa để đền bù tội lỗi mình và tội lỗi thế gian. Ta xin Chúa giúp để biết tìm ra ý nghĩa của thánh giá đau khổ. Chấp nhận đau khổ và thánh giá vì yêu, thánh giá và đau khổ mới có thể biến đổi tâm hồn và đời sống và trở thành phương thế cữu rỗi.

Lời cầu nguyện xin Chúa dạy cho biết yêu ba chiều:

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến

dạy bảo loài người về hai giới răn quan trọng nhất

là mến Chúa và yêu người.

Xin dạy con biết sống trong tâm tình biết ơn

về những hồng ân Chúa ban: lớn hoặc nhỏ, ít hay nhiều.

Cũng xin dạy con nhận ra hình ảnh của Chúa nơi tha  nhân.

Và  xin cho con biết chấp nhận bản thân và hoàn cảnh,

biết bằng lòng với số phận và thoả hiệp với đời sống,

để con có thể yêu Chúa và tha nhân với tâm hồn rộng mở. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch