CN-7-TN-BChúa Nhật 7 Thường niên, Năm B

Is 43,18-19.21-22.24b-25; 2 Cr 1,18-22; Mc 2,1-12

Trình thuật phép lạ này cho chúng ta thấy rõ ý muốn của thánh Máccô là tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Đấng được sai đến giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi và đưa chúng ta vào cuộc sống mới.

Chúa Giêsu ở trong nhà. Thánh sử không nói nhà nào nhưng chúng ta cũng có thể hiểu là nhà của ông Phêrô. Trong trình thuật trước, chúng ta thấy mọi việc đều xảy ra trong nhà này: Chúa Giêsu chữa nhiều bệnh nhân, trừ quỷ… Vì thế đám người đến với Chúa Giêsu quá đông đến nỗi “chen chân không lọt”. Chúa Giêsu tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng.

Ngài đang rao giảng thì một việc ngoài ý muốn đã xảy đến. Người ta đem đến một người bại liệt do bốn người khiêng. Vì không thể làm thế nào để đưa bệnh nhân đến với Chúa Giêsu được.

Để có thể làm việc đó, chủ nhà bảo người ta khiêng bệnh nhân lên mái nhà và gở một khoản to và thòng bệnh nhân xuống trước chỗ Chúa Giêsu ngồi.

Chúng ta cần chú ý đến một vài chi tiết để có thể hiểu rõ ý nghĩa của sự việc.

Tại sao phải gấp rút như thế? Bệnh nhân không thể chờ một vài tiếng đồng hồ để cho Chúa giảng xong đã rồi mới có thể chữa bệnh? Và như thế thì không cần phải giở mái nhà.

Giở mái nhà, đối với chúng ta, lợp bằng tôn hay bằng ngói thì không thể được, nhưng đối với những nhà Do thái thời bấy giờ cũng không khó lắm vì thường là nhà nóc bằng, có sân thượng. Nhà của tiên tri Samuen, cũng có nóc bằng và sáng sớm, ông gọi Sa-un lên sân thượng và xức dầu phong vương cho Sa-un ở đó. Mái nhà xưa được lợp bằng những tấm đá hình chữ nhật, dài độ 80 phân ngang độ 40 phân. Giở ra rồi lợp lại cũng không khó  khăn gì. Nhưng tại sao lại phải cực khổ như thế?

Chúng ta có thể đoán rằng, vì tình trạng bệnh nhân này không thể chờ đợi được. Đây có thể nói là một ca cấp cứu thì đúng hơn. Không thể chờ đợi được vì có lẽ bệnh nhân đã kiệt sức rồi. Điều này càng làm sáng tỏ uy quyền lạ lùng của Chúa Giêsu.

Nhà này có thể là nhà của Phêrô, và chắc chắn ông đã đồng ý cho người ta giở nhà vì không có cách nào tiện hơn.

Thòng bệnh nhân xuống trước mặt Chúa Giêsu, Ngài hiểu ngay ý định của họ. Thánh Máccô ghi rõ: “Thấy lòng tin của họ”, nghĩa là của mọi người chung quanh, của cả bệnh nhân, Ngài đáp lại ngay, nhưng lạ lùng thay! Ngài không chữa bệnh như người ta mong đợi, Ngài nói một câu làm mọi người kinh ngạc: “Tội con đã được tha”.

Tất cả mọi người chung quanh đều phải ngạc nhiên thôi, nhưng họ không đặt vấn đề, chỉ có một vài kinh sư đang ngồi đó cảm thấy chóng mặt. Họ thầm nghĩ: “Ông này phạm thượng! Ai có quyền tha tội? Chỉ có Thiên Chúa mới tha tội!”

Thánh sử lại cho chúng ta thấy một nét đặc biệt khác của Chúa Giêsu là đọc thấy trong tâm hồn con người. Biết các kinh sư, những chuyên viên Kinh Thánh bất mãn, Ngài lên tiếng: “Sao các ông nghĩ trong lòng những điều quấy quá như thế? Nói với người bệnh này, tội con đã được tha hay nói: Đứng dậy, vác chõng mà về nhà, đàng nào dễ hơn?” Chúng ta thử trả lời xem. Chắc chắn không có câu nào dễ nói cả, chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói được. Chúa Giêsu dồn các kinh sư vào ngõ bí để chứng tỏ cho họ thấy quyền năng thần linh của Ngài.

Họ làm thinh. Làm thinh ở đây không phải là đầu hàng, khuất phục mà chờ đợi xem đối thủ còn giáng đòn nào khác không để phản lại. Lòng họ càng chai đá hơn.

Chúa Giêsu biết rõ điều đó, Ngài đi tới quyết định. Đối với những con người chai lì như thế, cần phải mở mắt họ ra để, ít ra họ phải nhận rằng còn có cái gì đó vượt xa khả năng của họ, và họ phải chấp nhận một sự thật là họ mong manh hơn họ tưởng.

Chúa Giêsu nói với một giọng đanh thép và đầy uy quyền chưa từng thấy: “Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội!” Quay về phía người bại liệt: “Ta truyền cho con, hãy đứng dậy, vác chõng mà về”. Tất cả xảy ra một cách nhanh chóng và hiệu quả lập tức xảy đến. Người bại liệt (cần được cấp cứu) lập tức đứng dậy (như chưa từng bị bại liệt) vác chõng ra về trước mặt mọi người đang sửng sốt kinh ngạc.

Chúng ta hãy chú ý đến vài chi tiết khác trong trình thuật để thấy rõ hơn vai trò độc đáo của Chúa Giêsu.

“Thấy lòng tin của họ”.

Thánh sử để ý đến chi tiết này, và nó rất quan trọng. Chúa Giêsu không làm phép lạ cho những người không tin. Ngài đòi buộc điều kiện thiết yếu này.

Khi Ngài về thăm quê Nadarét, dân làng không tin Ngài, Ngài không làm phép lạ. Có thể nói lòng tin đưa đến phép lạ. Ông sĩ quan Rôma đến xin Ngài chữa cho gia nhân ông, và Chúa Giêsu đã khen ngợi lòng tin của ông: “Tôi chưa thấy lòng tin nào lớn lao như thế trong Is-ra-en” và cho ông được toại nguyện. Với người đàn bà xứ Syrô-Phênixi có đứa con gái bị quỷ ám, Ngài cũng khen ngợi lòng tin của bà và đã chấp nhận lời thỉnh cầu của bà. Và còn rất nhiều câu chuyện như thế.

Trong câu chuyện người bại liệt này, Chúa Giêsu đưa chúng ta vào một chân trời mới: chân trời của niềm tin, của lòng thương xót, của ơn tha thứ và việc giải thoát.

Tất cả đều quy tụ nơi con người của Ngài. Ngài chính là Đấng Cứu độ mọi người đang trông đợi. Chúng ta cần bước vào vùng trời thênh thang này.

 

Tâm hồn chúng ta bại liệt mà không hay biết. Niềm tin sẽ giúp chúng ta đứng dậy. Niềm tin đưa chúng ta đến ơn tha thứ. Niềm tin giải thoát chúng ta khỏi vùng đất cằn khô của tự mãn, nghi nan và cố chấp. Niềm tin đưa chúng ta vào thế giới của Con Người mà tiên tri Đanien đã nói đến, Đấng đã đến khai mở vùng trời của niềm tin và ơn tha thứ. “Con Người có quyền tha tội dưới đất này”.

Lời tuyên bố đầy uy nghi này mở màn cho chúng ta chiêm ngưỡng tầm vóc cao cả của Chúa Giêsu. Khi tuyên bố lời xác quyết long trọng này, Ngài chế ngự cả một không gian rộng lớn là cả đoàn người đông đảo đang có mặt hôm ấy sửng sốt và ngỡ ngàng, và hôm nay, trước mắt chúng ta, chúng ta có thấy Ngài cao cả tuyệt vời không? Ngài như không còn thuộc về thế giới nhỏ bé của chúng ta nữa, Ngài chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối: “Tội con đã được tha… vác chõng mà về…” Ngài đã dấn thân vào lịch sử con người, nhưng Ngài chế ngự nó, tầm vóc của Ngài không nhỏ bé như chúng ta tưởng, Ngài chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối.

Hôm nay, chúng ta đến với Ngài. Đa số chúng ta mang đầy tội lỗi, tâm hồn chúng ta bại liệt. Chúng ta cần được tha thứ, cần được chữa lành.

Ngài sẽ đến nơi bàn thờ này, Ngài là của lễ đền tội chúng ta, là của ăn hằng sống. Hãy tin cậy đến với Ngài. Ngài đòi chúng ta một chút niềm tin để nhờ đó Ngài hành động, chữa lành chúng ta.

Nhưng tại sao bao nhiêu lần chúng ta đã ăn lấy Chúa chúng ta vẫn chưa lành bệnh? Phải chăng Ngài không hoạt động hay lòng tin của chúng ta không đủ sức để tiếp nhận hồng ân của Ngài?

Chúng ta hãy xin Ngài cho chúng ta đủ sức để tin nhờ đó hồng ân của Ngài mới có thể hữu hiệu. Xin cho chúng ta biết rằng chỉ có Ngài mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đứng dậy vác chõng về nhà. Chỉ có Ngài mới đưa chúng ta về với Cha trên trời là Đấng muốn cứu vớt mọi người, đem lại cho mọi người sự sống và hạnh phúc.

Ăn lấy Ngài hôm nay, chúng ta còn có trách nhiệm khiêng những người bệnh tật đến với Ngài để Ngài ban cho họ hồng ân cứu thoát. Nhiều người anh em chúng ta đang đợi chờ chúng ta khiêng họ đến với Chúa Giêsu. Chúng ta có dám giúp họ không? Chúa chữa lành chúng ta để chúng ta đủ sức để giúp anh em chúng ta. Đừng đợi chờ gì khác, cứ ra tay.

Lm Trầm Phúc

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch