Trong vài chục năm gần đây, thời đại kỹ thuật số và toàn cầu hoá đã tác động rất lớn đến lối sống và cách thức tổ chức đời sống của các gia đình Việt Nam.

Bên cạnh những giá trị tích cực, sự tác động này đã đặt ra những thách thức vô cùng bức xúc và nan giải. Nhận thức rõ những yếu tố chi phối đời sống gia đình để có những bước phù hợp nhằm hỗ trợ, định hướng làm cho gia đình ngày càng hoàn thiện hơn, xã hội ngày càng văn minh hơn, là một việc làm hữu ích và cần thiết.

  1. I. Sự tác động của xã hội đến đời sống các gia đình:

Gia đình chịu sự tác động của bối cảnh xã hội. Trong bối cảnh đó có những mảng sáng tối khác nhau:

1. Sự ảm đạm:

Divirce

Hình minh hoạ

Tình trạng các cặp ly hôn sau một ít năm kết hôn, kể cả trong giới Công giáo, ngày càng gia tăng ở Việt Nam, nạn ngừa thai / phá thai, tình trạng sống thử trước hôn nhân trong giới trẻ, trào lưu đòi công nhận hôn nhân đồng tính, con số những người di dân rời xa quê đến các thành thị trung tâm công nghiệp để kiếm việc làm, học hành,... tăng mạnh, cũng làm phức tạp thêm đời sống xã hội, chắc chắn ảnh hưởng đến gia đình.

a) Tỷ lệ ly hôn thực tế và con số ly dị dân sự dù khác biệt, nhưng ngày càng tăng làm gia tăng tình trạng các trẻ em được nuôi dạy và lớn lên chỉ với một cha hay mẹ đơn thân, lại thêm tình trạng tái hôn lần hai, ba sau ly dị, ảnh hưởng trực tiếp trên chính các gia đình, gây đau buồn nhất là đối với trẻ nhỏ, người trẻ. Những con người bị thương tổn lại tiếp tục có thể tạo ra những thương tổn cho các gia đình và cộng đồng xã hội tương lai. Một vài trong số các lý do chủ yếu dẫn đến ly hôn là vợ chồng mâu thuẫn trong quan điểm sống (27%), và ngoại tình (gần 27%), bạo hành trong gia đình cũng là một lý do đáng kể. Ngày nay người ta thường có suy nghĩ: Ly dị hẳn không là giải pháp cho người tín hữu, nhưng nó hợp pháp về mặt xã hội nhất là khi thấy không còn khả năng phối hợp với nhau trong yêu thương và có lợi ích gì chung nữa. Khi ấy coi như đã ly dị rồi. Tiên liệu điều ấy trong hôn nhân dân sự là đúng đắn thôi, bởi lẽ trong một số trường hợp chắc chắn đó là một điều xấu ít hơn. Có khi ly dị giúp xây dựng lại một đời sống đã bị hủy phá. Chúng tôi có kinh nghiệm từ đống gạch vụn đổ nát của những hôn nhân thất bại có thể mọc lên những cặp vợ chồng mới chung thủy và cởi mở.

b) Việt Nam cũng là một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Trẻ gái vị thành niên mang thai khoảng 20% (con số này cách đây gần mươi năm). Các thanh niên thiếu nữ, nhất là những bạn sống xa quê, sống chung sống thử không hôn nhân, ngày một nhiều hơn. Những bà mẹ trẻ vị thành niên, hay tình cảnh đã trải nghiệm sống thử, hay đã ly dị, chắc chắn ảnh hưởng không ít đến việc kết hôn, hạnh phúc gia đình mới xây dựng.

Các gia đình phần lớn có ít con, chỉ một hoặc hai con, điều này đang tác động trên một số xã hội nhân loại đang “già nua” đi. Các thế hệ trẻ hơn trong tương lai gần sẽ “nặng gánh” trách nhiệm gia đình và xã hội nhiều hơn.

c) Gần đây, phong trào đấu tranh đòi quyền sống, quyền kết hôn của những người thuộc giới LGBT (nói chung là giới đồng tính luyến ái) xuống đường.  Ngày này đã có trên hai mươi quốc gia nhìn nhận “hôn nhân đồng tính” và cho phép họ nhận con nuôi, mà phần lớn lại là các quốc gia phát triển (về kinh tế, tự do dân chủ). Mặc dù xã hội văn hóa nước ta chưa hiểu đầy đủ và thông cảm cho những người chịu sự thu hút bởi người đồng giới (Same Sex Attraction); thế nhưng nếu xã hội nhìn nhận kết hợp của các đôi đồng tính như là hay tương đương như hôn phối theo nghĩa tự nhiên và truyền thống, thì đó là một sự bất công ghê gớm và tác động xấu trên sự tồn vong của nhân loại.

d) Thực trạng về kinh tế và xã hội:

Tình trạng chênh lệch về kinh tế giữa những vùng nông thôn nghèo và các thành phố lớn đang phát triển và càng ngày càng phát triển nhanh, tạo nên làn sống di dân lao động. Chủ nghĩa duy vật và duy thế tục đang dần dần chiếm lĩnh xã hội nhất là trong các đô thị lớn, đang bào mòn các giá trị truyền thống, xã hội và tôn giáo.

Tiến trình công nghiệp hóa và ứng dụng kỹ thuật công nghệ ngày càng gia tăng tốc độ và trở nên sâu sắc hơn. Con số những lao động nông nghiệp ngày càng giảm, lãnh vực kinh tế dịch vụ gia tăng nhanh. Đông đảo người lao động di chuyển vào các thành phố lớn để làm việc. Số lao động nữ làm việc ngoài gia đình ngày càng tăng. Vấn đề thất nghiệp gần đây lại góp phần tạo thêm bi kịch mâu thuẫn trong gia đình. Gia đình vốn đang teo tóp lại dần cả về con số thành viên lẫn các chức năng và gần như bị cô lập trong một thành phố bởi muôn mặt phi nhân của nó. Cuộc sống ở đó càng ngày càng khó cho sự tụ họp gia đình.

Trong khi xã hội ngày nay, đặc biệt trong các thành phố lớn, bắt đầu trở thành một đám đông gồm những cá nhân vô danh, không còn duy trì được tương quan thực sự giữa người với người, thì, gia đình lại được mong đợi hơn bao giờ hết như một tổ ấm nơi ấy tình người mất mát kia được hồi phục.

Gia đình hạt nhân dựa trên hôn nhân đôi bạn, mang nhiều mâu thuẫn cũ và mới, khó trụ vững trước những biến chuyển gần đây nhất của xã hội, với nền kinh tế thị trường và hậu công nghiệp và rõ ràng là đã đi vào khủng hoảng.

Một khủng hoảng của thời kỳ bước ngoặc của thiên niên kỷ, trong một kỷ nguyên phân mảnh, bất an, khổ đau. Nhưng là một cuộc khủng hoảng mà ta có thể nhận ra được có ánh sáng và dấu chỉ của sự phát triển tích cực.

2. Ánh sáng:

a) Ngày nay, nhân phẩm và nhân vị của con người được coi trọng hơn, cùng với sự tôn trọng tự do cá nhân ngày một hơn, và khuyến khích sự độc lập và sáng kiến riêng tư của cá nhân. Cũng từ đó, phẩm giá của phụ nữ và trẻ em được tôn trọng hơn ngày xưa. Nói chung, có sự tôn trọng sự khác biệt, và đồng thời, sự bình đẳng giữa nam và nữ, rõ rệt. Cũng từ đó, người phụ nữ đi ra ngoài để làm việc, tham gia vào đóng góp việc xã hội nhiều hơn.

b) Văn hóa ngày nay hướng đến giới trẻ nhiều hơn. Người trẻ được khuyến khích tự lập, độc lập, sáng kiến cá nhân, và chịu trách nhiệm nhiều hơn, nhưng công ăn việc làm cũng khó kiếm hơn. Và từ đó, tuổi kết hôn trong xã hội mỗi ngày một tăng cao, người trẻ có xu hướng trì hoãn việc kết hôn, cho dù “sống chung” (không kết hôn) thực tế ngày càng nhiều trong các đô thị, các xã hội tự do dân chủ kiểu phương tây.

c) Riêng về bối cảnh truyền thống văn hóa và tinh thần của người Việt Nam, có nhiều yếu tố tích cực cần quan tâm phát huy giúp các gia đình sống hài hòa, hạnh phúc, cũng là những hạt giống mầm của “Lời”, ánh sáng chân lý. Người Việt Nam cũng như các dân Á châu nói chung, tự hào về các giá trị văn hóa và tôn giáo của mình. Ví dụ như: họ yêu quí sự thinh lặng và chiêm niệm, lòng đơn sơ, sự hài hòa, tinh thần siêu thoát, bất bạo động, tinh thần làm việc chăm chỉ, kỉ luật, sống đạm bạc, hiếu học và tìm tòi triết lí. Chúng ta quí trọng những giá trị như kính trọng sự sống, lòng từ bi trắc ẩn đối với mọi sinh vật, sống gần gũi với thiên nhiên, thảo kính cha mẹ, người già cả, ông bà tổ tiên, với một ý thức đời sống cộng đồng rất cao. Đặc biệt, người dân Việt coi gia đình là một nguồn trợ lực rất quan trọng, một cộng đoàn gắn bó mật thiết với ý thức mạnh mẽ đoàn kết yêu thương nhau. Tâm hồn người Việt nam có sẵn một trực giác tâm linh và một sự khôn ngoan đạo đức, không coi sự đối đầu và đối kháng là yếu tố cốt yếu của căn tính của mình, nhưng là sự bổ túc và sự hài hòa. Trong khung cảnh của sự bổ túc và hài hòa ấy, Hội thánh có thể thông truyền Tin mừng một cách vừa trung thành với Truyền thống của mình vừa phù hợp với tâm hồn dân Việt.

  1. II. Sự tác động của công nghệ thông tin trong tương quan gia đình:

Người ta đã nhiều lần nhấn mạnh đến ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông trên gia đình, nhất là vì chúng truyền đạt và quảng cáo những giá trị sai trái và lầm lạc đi ngược với các giá trị tốt đẹp của đời sống gia đình. Ngày nay, truyền hình, điện thoại thông minh và các thứ máy vi tính đã xen vào tận phòng ngủ, mâm cơm của các gia đình, gây không ít trở ngại trong sự tương quan, đối thoại giữa các thành viên, dẫn đến tình trạng gia đình biến chất và đổ vỡ.

Chiếc điện thoại thông minh ngày nay không chỉ có công dụng liên lạc bằng “thoại” giữa hai người không thấy mặt nhau như xưa, nhưng còn bằng hình ảnh, âm thanh sống động, còn để lướt web, check mail, facebooking, chatting (tán gẫu), xem phim, chương trình truyền hình, chơi games, và nhiều tiện ích hiện đại khác nữa. Mỗi ngày, mỗi người trẻ và trung niên lên mạng và dùng điện thoại trung bình hai, ba tiếng đồng hồ là ít. Rốt cuộc, lâu ngày các bạn chỉ sống với thế giới mạng, “cộng đồng mạng”, ít giao tiếp trực tiếp với con người và thế giới thực. Nhất là khi cộng đồng thực (gia đình, sở làm,...) không thân thiện, mà lạnh lùng hay thậm chí thù ghét mà vẫn phải sống chung, họ tự giải thoát bằng cách lên mạng, xem truyền hình (chủ yếu tiêu nhiều giờ với các phim bộ mà ít nghe các tin tức, thời sự, hay các tiết mục đời sống khác). Con người hiện đại đã cô đơn, con người thời hậu hiện đại càng cô đơn hơn, sống trong thế giới “ảo” nhiều hơn “thật”. Từ đó, ta cũng nhận thấy con người ngày nay mắc bệnh tâm lý, tâm thần ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Tình trạng đó đáng tiếc thay đang xảy ra trong các gia đình. Bữa cơm gia đình không còn là nơi quy tụ, sum họp đầm ấm, vui vẻ, chia sẻ. Nhiều gia đình, dù tới bữa, mỗi thành viên vừa ăn ngồi riêng một góc với chiếc điện thoại, hoặc với màn hình TV xem phim bộ, hoặc với tờ báo.

Quả thật, ngày nay rất cần đến khoa Giáo Dục Gia Đình để giúp người trẻ, các gia đình trẻ ý thức các giá trị sống, các kỹ năng sống “mềm”, trong đó tương giao là hết sức quan trọng vì nó đang hình thành nên chính bản thân mỗi người. Tương quan cá nhân – cộng đồng là một chiều kích thiết yếu của nhân học.

Ngoài ra, cũng nhờ chiếc điện thoại di động, con người hiện đại được đáp ứng thông tin cần biết gần như ngay lập tức và ở mọi nơi. Đó là con dao hai lưỡi. Thông truyền nhanh đem đến hiệu quả nhiều và tức thời hơn. Đem lại lợi ích cho nhiều phát kiến tiện nghi kỹ thuật ngày càng rẻ, tốt hơn, phục vụ cuộc sống. Thế nhưng, gắn với hiệu năng cao và nhanh chóng đó, con người hiện đại lại xem ra có tâm tính nôn nóng, ít kiên nhẫn hơn, ít chịu “chờ đợi”, vọng động mà ít tĩnh tại, thiếu bình an. Cuộc sống hôn nhân gia đình, cũng như các cộng đồng trở nên tẻ nhạt, nhiều xung khắc mâu thuẫn không giải quyết được, lâu năm thành ung nhọt, ung thư, đổ vỡ.

Sau cùng, thời đại ngày nay “bùng nổ thông tin”: mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, chúng ta nhận được không biết bao nhiêu là thông tin, không được phân loại, tốt xấu, quan trọng và ít quan trọng, lẫn lộn. Xu hướng “xem” nhiều hơn “đọc”, nhìn bằng mắt nhiều hơn “nghe” bằng tai. Tiếp nhận thông tin cách thụ động, vì nhiều và tham lam, thiếu phân định, chọn lọc, thiếu phê bình, suy nghĩ, nên con người trở nên hời hợt và thiếu sâu sắc.

III. Những hoạt động trong thời gian qua của Ban Mục vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn:

Chức năng của Ban Mục vụ Gia đình các Giáo phận là đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho các gia đình Công giáo sống đức tin giữa đời thường. Một xã hội nhiều biến động như hiện nay đã làm cho cấu trúc, chức năng và giá trị của gia đình truyền thống bị biến tướng và suy giảm. Điều này đòi hỏi Ban Mục vụ Gia đình phải có những chương trình, kế hoạch dài hạn để thực hiện tốt các chức năng của mình, chứ không chỉ dừng lại ở các giải pháp tạm thời.

Tình hình ly hôn như đã nói trên đây ngày càng trầm kha, và những sự kiện và hiện tượng khác nữa ảnh hưởng rất lớn, tạo nên cuộc khủng hoảng đời sống hôn nhân gia đình hiện nay. Tương lai của nhân loại, tương lai của Giáo hội không sáng sủa lắm. Nâng đỡ các gia đình sao cho bền vững, sống hạnh phúc, là nghĩa vụ của toàn xã hội. Đối với Hội Thánh Công giáo, các chương trình mục vụ gia đình phải luôn nhắm đến việc giúp xây dựng các đôi hôn phối, các gia đình sống yêu thương, thủy chung, sinh con và nuôi dạy con thành người và thành con Chúa. Đặc tính duy nhất (một vợ một chồng, một nam một nữ) và bất khả phân ly phản chiếu tình yêu Thiên Chúa luôn trung thành mãi mãi trong Giao ước với con người, phải luôn được ý thức và sống thường xuyên trong thời đại ngày nay vốn chủ trương tương đối luận, thời của văn minh của cái “xọt rác” (“mọi sự” dùng xong rồi bỏ), thế tục hóa (chẳng có chi thánh thiêng, kể cả sự sống con người, tình yêu, tình thân gia đình,…).

Giáo phận Sài gòn có các chương trình mục vụ gia đình còn rất khiêm tốn, xét về dạng thức chương trình, cũng như đối tượng phục vụ, chưa phục vụ được tới số đông các gia đình. Hiện tại, để giúp các cha xứ đồng hành với các gia đình và giúp các khóa huấn luyện chuẩn bị hôn phối, cần nhiều kitô hữu giáo dân hay tu sĩ được đào tạo chuyên môn về Mục vụ gia đình, Ban MVGĐ giáo phận tổ chức những khóa đào tạo Tác Viên Mục Vụ GĐ dài hạn, các khóa Đào tạo Tham vấn viên tâm lý về Tình yêu, hôn nhân, gia đình. Tại TTMV giáo phận, và tương lai ở một số nơi trong các cụm-hạt, các Phòng Tham Vấn như trên tiếp xúc, đồng hành giúp trực tiếp được thiết đặt với nhân sự chuyên môn. Ngoài ra, mỗi tuần tại TTMV giáo phận, hay mỗi tháng tại một số giáo xứ, tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về đời sống gia đình, xã hội, giáo hội,... với những đề tài hấp dẫn và thực tế. Một chương trình rất quan trọng nữa, theo tôi, đó là các kỳ Tĩnh tâm cuối tuần cho các cặp, các gia đình (week-end workshops) như Chương trình Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân cùng với chương trình Đồng hành hậu CTĐSHN, đã và đang tiến hành, thường vào dịp hè mấy năm nay, để lại nhiều ấn tượng rất tốt và nhiều biến chuyển kỳ diệu nơi các cặp sau khi tham dự. Chưa kể các khóa cho các cặp các gia đình do các Hiệp hội, Phong trào về Gia Đình tổ chức như của Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, của Gia Đình Cùng Theo Chúa, của Gia Đình Chúa, của Gia Đình Khôi Bình, Cộng Đoàn Emmanuel,... Về vấn đề Bảo vệ Sự Sống hay Phục Vụ Sự Sống cho các Gia đình, tôi đang muốn phát triển thật mạnh tổ chức về quảng bá Phương Pháp Billings (B.O.M.) mà hiện nay còn nhỏ bé.

IV. Những thao thức trong công tác mục vụ gia đình:

Đức Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Tương lai nhân loại đi ngang qua gia đình”. Gia đình thật quan trọng, gia đình là nền tảng và tương lai của xã hội cũng như Giáo hội. Để công tác mục vụ gia đình mang lại hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức nhiệt tình và đúng hướng của nhiều cơ quan chức năng trong xã hội, Giáo hội và của chính bản thân từng người trong cộng đồng. Đây là điểm then chốt trong cách giải quyết những vấn đề gia đình và xã hội.

Những điều cần thiết cụ thể đã đề cập qua các chương trình mục vụ nói trên đây. Nói chung, những định hướng và thao thức trong giai đoạn sắp tới của Ban Mục vụ gia đình Giáo phận, vẫn là công tác chuẩn bị trước kết hôn và đồng hành với các cặp hay các gia đình trẻ sau kết hôn, là điều hết sức quan trọng và cần được các mục tử quan tâm hàng đầu, cũng như chính các phụ huynh, chính các bạn trẻ ý thức sự mong manh cần được giúp đỡ của đời hôn nhân trong thế giới ngày nay. So với đầu tư đào tạo nhân sự trong lãnh vực ơn gọi linh mục, tu trì, thì việc đầu tư đào tạo cho ơn gọi Hôn nhân Gia đình quả là ít ỏi, nhiều nơi bất cập (ví dụ, học giáo lý hôn nhân chỉ ít ngày, ít tuần). Lại nữa, trong đời tu và linh mục, đời sống thiêng liêng và cộng đoàn, cũng như thường huấn nhất là trong giai đoạn những năm đầu đời sứ vụ rất cần thiết đã được định chế, vậy mà các cặp sau khi kết hôn trong Giáo hội, cho tới nay, hầu như phải tự lo liệu, tự đào tạo chính mình, xem ra còn bị bỏ rơi, đơn độc.

Ước mong mỗi gia đình trẻ có một nhóm gồm các gia đình trẻ có linh mục hay đại diện Hội thánh đồng hành, thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ đời sống nhân bản, đời sống đức tin, cùng nhau cầu nguyện, phục vụ người nghèo, làm việc công ích, học hỏi chia sẻ lời Chúa. Như thế họ sẽ được trợ lực nhiều về mọi mặt, về tình thân, về đức tin. Đó cũng là một cách Hội Thánh đồng hành, hiện diện, bảo đảm cho ân sủng bí tích hôn phối được thông ban, được thực hiện.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Trưởng Ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch