Power_of_prayerBài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Cầu Nguyện trong Gia Đình. “Nếu tình yêu đối với Thiên Chúa không thắp lên ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không sưởi ấm thời gian được.

Một tâm hồn được tình yêu đối với Thiên Chúa cư ngụ biến ngay cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh thánh, hoặc một nụ hôn gửi đến nhà thờ, thành lời cầu nguyện.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về tầm quan trọng của việc Cầu Nguyện trong gia đình.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Sau khi suy nghĩ về cách các gia đình sống thời gian nghỉ lễ và làm việc, giờ đây chúng ta xét đến thì giờ cầu nguyện.  Lời than phiền thông thường nhất của các Kitô hữu về thì giờ là: "Tôi đáng lẽ phải cầu nguyện nhiều hơn...; tôi muốn làm điều ấy, nhưng tôi thường không có thì giờ."  Chúng ta thường xuyên nghe thấy lời than ấy.  Sự hối tiếc này chắc chắn là chân thành, bởi vì tâm hồn con người luôn luôn tìm cách cầu nguyện, ngay cả khi không ý thức điều ấy; và nếu không tìm được nó thì không thấy bình an.  Nhưng để chúng gặp nhau, chúng ta phải vun trồng trong tâm hồn mình một tình yêu "nồng nàn" với Thiên Chúa, một tình yêu trìu mến.

Chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi rất đơn giản.  Thật tốt khi hết lòng tin vào Thiên Chúa, thật tốt khi hy vọng Ngài giúp chúng ta lúc gặp khó khăn, thật tốt khi cảm thấy có bổn phận phải cảm tạ Ngài.  Rất tốt.  Nhưng chúng ta có yêu Chúa, dù một chút không?  Suy nghĩ về Thiên Chúa có làm cho chúng ta cảm động, ngạc nhiên và mềm lòng không?

Chúng ta hãy nghĩ đến công thức của điều răn trọng nhất, là điều răn nâng đỡ tất cả các điều răn khác: "Ngươi hãy kính mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi" (Đnl 6:5; x Mt 22:37).  Công thức này sử dụng ngôn ngữ mãnh liệt của tình yêu, đổ dồn vào Thiên Chúa. Đấy, tinh thần cầu nguyện sống trước hết ở đây.  Và nếu nó ở đây thì nó ở luôn mãi và không bao giờ đi ra nữa.  Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như là cái vuốt ve giữ cho chúng ta được sống, mà trước đó không có gì không?  Một cái vuốt ve mà không có gì, ngay cà cái chết, có thể tách chúng ta ra được không?  Hay có phải chúng ta chỉ nghĩ rằng Ngài là Đấng cao cả, Đấng Toàn Năng, đã tạo nên mọi sự, là vị Thẩm Phán kiểm soát mọi hành động của chúng ta?  Đương nhiên, tất cả là sự thật.  Nhưng chỉ khi Thiên Chúa là tình thương mến trên tất cả các tình thương mến của chúng ta, thì ý nghĩa của những lời này mới trở nên trọn vẹn.  Khi ấy, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, dù hơi "bối rối”một chút, vì Ngài nghĩ đến chúng ta và đặc biệt yêu thương chúng ta!  Đó không phải là điều cảm động sao?  Không cảm động sao khi Thiên Chúa vuốt ve chúng ta bằng tình yêu của một người Cha?   Thật quá đẹp!  Ngài đã có thể đơn thuần làm cho người ta nhận biết Ngài là Đấng Tối Cao, ban hành các giới răn của Ngài và chờ đợi kết quả.  Nhưng thay vào đó, Thiên Chúa đã và đang làm hơn điều này một cách vô cùng.  Ngài đồng hành với chúng ta trên đường đời, che chở và yêu thương chúng ta.

Nếu tình yêu đối với Thiên Chúa không thắp lên ngọn lửa, thì tinh thần cầu nguyện không sưởi ấm được thời gian.  Như Chúa Giêsu nói, chúng ta có thể đọc nhiều lời "như dân ngoại làm"; hoặc thậm chí phô trương các nghi lễ của mình, “như những người Biệt Phái đã làm” (Mt 6:5.7).  Một tâm hồn được tình yêu đối với Thiên Chúa cư ngụ biến ngay cả một tư tưởng không lời, hay một lời khẩn cầu trước một ảnh thánh, hoặc một nụ hôn gửi đến nhà thờ, thành lời cầu nguyện.  Và tốt đẹp thay khi các bà mẹ dạy những đứa con nhỏ của họ gửi một nụ hôn đến Chúa Giêsu hay Đức Nữ Trinh Maria.  Có biết bao nhiêu sự dịu dàng trong việc này!  Khi ấy trái tim của trẻ em biến thành một nơi cầu nguyện.  Và đó là một hồng ân của Chúa Thánh Thần.  Đừng bao giờ quên cầu xin hồng ân này cho mỗi người chúng ta!  Bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa có cách nói đặc biệt của Ngài trong tâm hồn chúng ta, "Abba" - "Cha ơi", Ngài dạy chúng ta nói "Cha ơi" như Chúa Giêsu đã nói, một cách nói mà chúng ta không bao giờ có thể tự mình tìm ra được (xem Gl 4: 6).  Chính trong gia đình mà chúng ta học cầu xin hồng ân này của Chúa Thánh Thần và trân quý nó. Nếu anh chị em học nó với cùng một sự bộc phát như khi anh chị em học cách gọi "cha ơi" và "mẹ ơi", thì anh chị em đã học được nó mãi mãi.  Khi điều này xảy ra, thời gian cho toàn thể cuộc sống gia đình được bao bọc trong cung lòng của tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta tự nhiên tìm được thì giờ cầu nguyện.

Như chúng ta biết rõ, thì giờ của gia đình là thì giờ phức tạp và eo hẹp, bận rộn và bận tâm.  Nó luôn luôn ít, không bao giờ đủ, có quá nhiều điều để làm. Ai đã có gia đình sớm học được cách giải một phương trình mà ngay cả các nhà toán học vĩ đại cũng không làm sao mà giải nổi: người ta làm gấp đôi trong vòng hai mươi bốn giờ!  Có những bà mẹ và những người cha có thể thắng giải Nobel vì việc biến 24 giờ thành 48 giờ này:  Tôi không biết họ làm điều ấy thế nào, nhưng họ tra tay và làm!  Có quá nhiều công việc trong một gia đình!

Tinh thần cầu nguyện dâng thì giờ cho cho Thiên Chúa, ra khỏi sự ám ảnh của một cuộc sống luôn thiếu thì giờ, tìm thấy sự bình an nơi những điều thiết yếu, và khám phá ra niềm vui của những món quà bất ngờ.  Hai vị hướng dẫn tốt cho việc này là hai chị em cô Martha và Mary, được đề cập trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe; hai cô đã học được từ Thiên Chúa sự hài hòa của các nhịp điệu trong gia đình: vẻ đẹp của ngày lễ nghỉ, sự thanh thản của công việc và tinh thần cầu nguyện (x. Lc 10:38-42).  Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu, Đấng mà họai cô yêu mến, là ngày lễ của hai cô.  Tuy nhiên, là một ngày mà cô Martha đã học được rằng công việc tiếp đãi khách, dù quan trọng, nhưng không phải là tất cả, mà việc lắng nghe Chúa, như cô Maria, lại là điều thiết yếu, là "phần tốt nhất" của thì giờ.  Cầu nguyện phát sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, từ việc đọc Tin Mừng.  Anh chị em đừng quên đọc một đoạn Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện phát sinh từ lòng tin tưởng vào Lời Chúa.  Chúng ta có lòng tin tưởng này trong gia đình của mình không?  Chúng ta có sách Tin Mừng trong nhà không?  Chúng ta có đôi lúc mở nó ra để đọc với nhau không?  Chúng ta có suy niệm về nó khi đọc kinh Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy niệm trong gia đình giống như một bánh bổ dưỡng nuôi tâm hồn mọi người.  Vào buổi sáng và buổi tối, và khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, chúng ta học cách cùng nhau đọc một lời cầu nguyện, rất đơn sơ: chính là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Người đã đến với gia đình các cô Martha, Maria và Lazarô.  Có một điều mà tôi giữ mãi trong lòng vì tôi đã nhìn thấy trong thành: có những trẻ em đã không học làm Dấu Thánh Giá! Nhưng anh chị em, bậc cha mẹ, hãy dạy con con cái mình cầu nguyện, làm Dấu Thánh Giá: đây là một nhiệm vụ cao quý của các bà mẹ và các người cha!

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh mẽ cũng như những khi khó của nó, chúng ta được Chúa trao phó cho nhau, để mọi người trong gia đình được tình yêu của Thiên Chúa che chở..

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn/

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150826_udienza-generale.html

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch