Korean_CarholicsNăm 2016, chủ đề mục vụ của Giáo hội Việt Nam là “Tân phúc âm hóa đời sống xã hội”. Để có một cái nhìn cụ thể về việc này, xin giới thiệu mục từ “Kitô giáo tại Hàn Quốc” của từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia,

bản Anh ngữ, do Phan Vĩnh Tâm lược dịch. (Xin xem toàn bài bằng tiếng Anh và các chú thích tại https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Korea)

Kitô giáo hiện diện tại Hàn Quốc xoay quanh hai chi nhánh lớn nhất là Tin lành và Công giáo, Tin lành chiếm 8,6 triệu [1] [2] và Công giáo 5,3 triệu [3]. Công giáo La Mã du nhập cuối thời triều đại Joseon. Vào năm 1603, Yi Gwang-jeong, nhà ngoại giao Hàn Quốc, từ Bắc Kinh trở về mang nhiều sách thần học của Matteo Ricci, một nhà truyền giáo dòng Tên đến Trung Quốc. [4] Ông phổ biến các thông tin trong sách và gieo những hạt giống đầu tiên của Kitô giáo trên đất Hàn. Năm 1758 vua Yeongjo của Joseon chính thức cấm đạo Công giáo, nhưng rồi một lần nữa, năm 1785, lại  được Yi Seung-hun cổ xúy.

Các Kitô hữu Hàn Quốc là đối tượng để đàn áp và gian khổ. [5] Nhiều người đã chịu tử đạo, đặc biệt là trong cuộc bách hại năm 1801 và sau đó. Giới quý tộc Joseon xem tôn giáo mới như một ảnh hưởng đưa tới lật đổ cho nên đã sớm bắt bớ những người theo đạo này, mà đỉnh cao là cuộc bách hại năm 1866, trong đó 8.000 người Công giáo trên khắp đất nước đã bị thiệt mạng, kể cả chín nhà truyền giáo Pháp. Việc Hàn Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài trong những năm tiếp theo đem lại sự khoan dung tôn giáo cho những người Công giáo còn lại và đưa đạo Tin lành vào. Các nhà thờ Tin lành đầu tiên ở Hàn Quốc được Suh Sang-ryun thành lập và nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên vào Hàn Quốc là Horace Newton Allen, năm 1884. Horace Allen là một nhà truyền giáo hệ phái Presbyterian và là nhà ngoại giao Bắc Mỹ. Ông ở Hàn Quốc cho đến năm 1890, được nhiều người hỗ trợ. [6]

Vào năm 1945 cả hai hệ phái (Công giáo và Tin Lành) chiếm khoảng 2% dân số. Sau đó họ tăng trưởng rất nhanh: năm 1991, 18,4% dân số (8,0 triệu) là Tin Lành, và 6,7% (2,5 triệu) là Công giáo [7] Giáo Hội Công Giáo đã gia tăng thêm 70% trong vòng mười năm qua. [8] Anh Giáo ở Hàn Quốc cũng đã tăng trưởng đáng kể trong những thập kỷ gần đây...

Các Kitô hữu đã có ảnh hưởng quyết định trên nền giáo dục với 293 trường học và 40 trường đại học do họ điều hành, kể cả 3 trong số 5 tổ chức học thuật thế giá nhất. [9] Tin lành được coi là tôn giáo của tầng lớp trung lưu, thanh niên, trí thức và dân thành thị, và là nội lực giúp Hàn Quốc theo đuổi việc hiện đại hóa và chạy đua với Hoa Kỳ. [10] [11] Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển của đạo Tin lành đã chậm lại, có lẽ do những vụ bê bối liên quan đến lãnh đạo giáo hội và vì xung đột giữa các giáo phái do quá hăng say trong việc truyền giáo. [12]

Tính đến năm 2014, khoảng 30% dân số Hàn Quốc khai rõ mình là Kitô hữu. [13]

Ý NGHĨA VĂN HÓA

Nhà nghiên cứu Grayson cho rằng đạo Tin lành đã là một lực lượng năng động trong cuộc sống của Hàn Quốc, và đã có một tác động tích cực đối với các tôn giáo khác. Nó đã tạo nên một cuộc chạy đua năng động khiến người Công giáo và Phật giáo phải cạnh tranh, cũng như tạo cảm hứng cho rất nhiều hệ phái nhỏ hơn. Các hệ phái này đã tiếp nhận nhiều phương thức mà những người Tin Lành đã đi tiên phong.

Trước chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hai phần ba Tin Lành Hàn Quốc sống ở miền Bắc, nhưng sau đó hầu hết chạy trốn vào Nam. Người ta không biết chính xác có bao nhiêu Kitô hữu hiện còn ở Bắc Triều Tiên. Được biết, vào cuối những năm 1960 đã có khoảng một triệu người Tin Lành ở Hàn Quốc, nhưng trong quá trình giai đoạn bùng nổ kết thúc vào năm 1980, số người Tin Lành tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2005 điều tra dân số của Hàn Quốc cho thấy 29,2 phần trăm dân số là Ki tô hữu, tăng từ 26,3 phần trăm của mười năm trước đó. [14] Các Hội thánh Presbyterian là những hệ phái Tin Lành lớn nhất tại Hàn Quốc, với gần 20.000 nhà thờ liên kết thành hai hệ phái Presbyterian lớn nhất trong đất nước. [15]

Hàn Quốc hiện đang cung cấp số lượng nhà truyền giáo Kitô lớn thứ hai trên thế giới, qua mặt cả Hoa Kỳ. [16] GMS, lực lượng truyền giáo chính của Giáo hội Presbyterian Hàn Quốc, là tổ chức truyền giáo lớn nhất Hàn Quốc. [17] [18] Các nhà truyền giáo Hàn Quốc đặc biệt nổi bật ở các quốc gia vùng “Cửa số 10/40” (Bắc vĩ tuyến 10/ Đông kinh tuyến 40) vốn ít thiện cảm với người phương Tây. Trong năm 2000, đã có 10.646 nhà truyền giáo Tin Lành Hàn Quốc ở 156 quốc gia, cùng với một số các nhà truyền giáo Công giáo tương ứng. Một bài báo năm 2004 cho biết "Theo các tổ chức truyền giáo ở Hàn Quốc và phương Tây, Hàn Quốc đã cử hơn 12.000 người truyền giáo đến hơn 160 quốc gia so với khoảng 46.000 nhà truyền giáo người Mỹ và 6.000 nhà truyền giáo người Anh". [19] Theo một bài báo năm 2007 "Hàn Quốc có 16.000 nhà truyền giáo đang làm việc ở nước ngoài, chỉ đứng sau Mỹ". [20] Năm 1980, Hàn Quốc gửi đi chỉ mới 93 nhà truyền giáo nhưng vào năm 2009 đã lên đến khoảng 20.000 người. [16] [21] [22] [23]

Seoul có 11 trong số 12 Cộng đồng Kitô giáo (Tin lành) lớn nhất trên thế giới.  Một số Kitô hữu Hàn Quốc, trong đó có David Yonggi Cho, mục sư cấp cao của Giáo Hội Yoido Full Gospel, đã nổi danh trên toàn thế giới. Aaron Tân, giám đốc của công ty kiến ​​trúc Hồng Kông mang tên “Nghiên cứu Thiết kế kiến ​​trúc”, mô tả rằng về đêm Seoul rực sáng "tràn ngập những thập giá Kitô giáo ". [24]

GIÁO DÂN ĐỨNG HÀNG ĐẦU

... Kitô giáo tại Hàn Quốc đã bắt đầu như một phong trào giáo dân bản địa chứ không do một nhà truyền giáo nước ngoài đưa tới. Nhà nguyện Công giáo đầu tiên tại Seoul được Yi Seung-hun, một nhà ngoại giao đã lãnh bí tích rửa tội tại Bắc Kinh, thành lập năm 1784. [29] Năm 1786, ông Yi xúc tiến thành lập một hệ thống giáo phẩm giáo dân [30], nhưng năm 1789 Vatican phán quyết rằng việc bổ nhiệm tư tế giáo dân như thế không hợp Giáo luật. Kitô giáo đã khởi đầu rộng khắp tại Hàn Quốc do nỗ lực của thường dân, cho nên nó lây lan trong dân chúng nhanh hơn là nếu nó bắt nguồn từ người ngoài mà không được sự hỗ trợ của dân chúng từ đầu.

MẪU TỰ HÀN, XÓA MÙ CHỮ VÀ GIÁO DỤC

Hangul là hệ thống chữ quốc ngữ của người Hàn, với một bảng chữ cái để ký âm tiếng Hàn, được phát minh khoảng năm 1.446 do các học giả của triều đình Sejong Đại đế, [31] [32]. Do ảnh hưởng áp đảo của học thuật cổ điển Trung Quốc (chiếm một vị trí tương tự như tiếng Latin ở châu Âu ) suốt nhiều thế kỷ thứ chữ quốc ngữ này rất ít được dùng đến. Giáo Hội Công Giáo là tổ chức Hàn Quốc đầu tiên chính thức lấy chữ quốc ngữ của Hàn làm công cụ ưu tiên. Đức Giám mục Siméon-François Berneux buộc phải dạy cho tất cả trẻ em Công giáo biết đọc nó. [31] [33] Sách vở Kitô giáo in để dùng tại Hàn Quốc, kể cả những sách vở được dùng trong các trường do các giáo sĩ Kitô giáo thành lập, chủ yếu đều dùng Hàn ngữ với bảng chữ cái dễ học của quốc ngữ Hàn. Các nhân tố ấy kết hợp với nhau khiến tỷ lệ số người biết chữ tăng nhanh, và khiến giáo lý Kitô giáo lan rộng vượt khỏi tầng lớp trí thức vốn chuyên dùng chữ Hán. Đầu thập niên 1780, các phần của sách Tin Mừng đã được xuất bản bằng quốc ngữ Hàn; sách giáo lý "Jugyo Yoji" (Giáo huấn căn bản của Chúa) được xuất bản vào những năm 1790 và một quyển thánh ca Công Giáo đã được in vào khoảng năm 1800.

John Ross, một nhà truyền giáo Presbyterian người Scotland có trụ sở tại Thẩm Dương, đã hoàn thành việc dịch Kinh Thánh sang sang tiếng Hàn vào năm 1887 [34] và các vị lãnh đạo Tin lành đã phát hành một khối lượng lớn bản dịch này. Họ cũng đã thành lập những cơ sở giáo dục hiện đại đầu tiên tại Hàn Quốc. [35] Trường Paichai của hệ phái Methodist dành cho nam sinh được thành lập năm 1885, rồi trường Ewha Methodist dành cho nữ sinh (sau này trở thành Đại học nữ giới Ewha) vào năm 1886. Những trường ấy, và những trường tương tự được thành lập tiếp sau đó, đã giúp đạo Tin Lành lan rộng trong tầng lớp dân thường, và người Tin lành đã qua mặt người Công giáo, trở thành nhóm Kitô giáo lớn nhất tại Hàn Quốc. Trước kia phụ nữ không được đến trường nhưng giờ đây số phụ nữ biết chữ đã tăng vọt. [36]

KITÔ GIÁO DƯỚI THỜI HÀN QUỐC BỊ NHẬT BẢN CHIẾM ĐÓNG, 1910-1945

Nhật đã xâm chiếm Hàn quốc năm 1910. Với chế độ cảnh sát trị, họ đã tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của các nhà truyền giáo, đưa tới một hệ quả đáng buồn trong những năm 1911-1919. Những tuyên bố lý tưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã góp phần làm cho tinh thần quốc gia của người Hàn tăng mạnh trong những năm 1920, nhưng rồi họ vỡ mộng khi phong trào bị thất bại không đạt được một cải cách có ý nghĩa. Năm 1924, người Tin Lành thành lập Hội đồng Kitô  giáo Toàn quốc Hàn để điều phối hoạt động bằng cách chia thành các khu vực được phân công cụ thể cho các hệ phái Tin Lành khác nhau. Tin Lành Hàn Quốc cũng thành lập những nhóm truyền giáo cho người Hàn hải ngoại, cách riêng là ở Trung Quốc.

Kitô giáo tăng trưởng đều đặn, vào giữa những năm 1930, dân số Công giáo đạt tới 147.000, và Tin Lành 168.000. Những căn cứ lớn cho cả hai nhóm đều ở phía Bắc. Vào năm 1937, Giáo Hội Presbyterian của Hàn Quốc đã khá độc lập với sự hỗ trợ tài chính từ Hoa Kỳ; năm 1934 Giáo Hội Methodist đã trở thành tự trị và chọn một giám mục Hàn Quốc. Các nhà truyền giáo tích cực nhất bên phía Công giáo là các tu sĩ dòng Maryknoll, đã mở trường y khoa Maryknoll tại Pusan ​​năm 1964; nay là Đại học Công giáo Pusan. [37]

TINH THẦN DÂN TỘC CỦA NGƯỜI HÀN

Một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự chấp nhận Kitô giáo rộng rãi tại Hàn Quốc là nhiều Kitô hữu đã kiên quyết đứng về phía chính nghĩa của Hàn Quốc suốt thời kỳ Nhật chiếm đóng (1910-1945). Trong thời gian này, Nhật Bản đã tiến hành một chiến dịch áp đặt văn hóa Nhật lên người Hàn cách có hệ thống, đặc biệt là đòi người Hàn phải tôn thờ Nhật hoàng. Thậm chí năm 1938, việc dùng tiếng Hàn đã bị cấm. [38] Tuy nhiên, tính chất đặc biệt Triều tiên của Giáo hội Hàn quốc đã nổi rõ và được lớn mạnh thêm trong những năm ấy do biết  bao Kitô hữu đã tỏ rõ sự trung thành với quốc gia. Trong khi hiến pháp sau này của Nam Hàn đảm bảo cả tự do tôn giáo lẫn sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ Kitô giáo, coi đây như là một giáo lý có sức ngăn ngừa ảnh hưởng ý thức hệ của quốc gia anh em láng giềng.

Ngày 01 tháng 3 năm 1919, một hội đồng gồm 33 nhà lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia được gọi là " Phong trào 01 Tháng Ba" thông qua một Tuyên ngôn độc lập. Mặc dù phong trào do các lãnh tụ của Thiên Đạo giáo (một tôn giáo dựa trên học thuyết Khổng Tử) đứng ra tổ chức, 15 trong số 33 người ký tên là người Tin Lành, [39] và nhiều người trong số họ đã bị bắt giam. Cũng trong năm 1919, còn xuất hiện phong trào hô hào độc lập do người Công giáo chủ xướng, mang tên "Ulmindan" [40], và một chính phủ lưu vong do một chính khách hệ phái Methodist là Syngman Rhee cầm đầu cũng đã ra đời và tồn tại được một thời. [41]

Kitô giáo còn gắn liền với phong trào yêu nước hơn nữa khi một số Kitô hữu từ chối không dự các nghi thức tôn thờ Nhật hoàng mà luật pháp năm 1930 đòi buộc. [38] [42] Mặc dù việc từ chối ấy là do niềm tin tôn giáo thúc đẩy hơn là do xác tín chính trị, nó đã khiến nhiều Kitô hữu bị bắt giam, và trong con mắt của nhiều người Hàn Quốc, điều ấy vẫn đồng nghĩa với tinh thần dân tộc chống lại sự chiếm đóng của Nhật. [43]

THẦN HỌC VỀ DÂN CHÚNG

Các khái niệm Kitô giáo về giá trị cá nhân đã được đề cao trong cuộc đấu tranh lâu dài cho nhân quyền và dân chủ ở Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, cuộc đấu tranh này còn mang hình thức Thần học về Dân chúng.  Thần học về Dân chúng tại Hàn là một dạng thần học giải phóng, dựa trên khái niệm "hình ảnh Thiên Chúa" trong Sáng thế ký 1: 26-27, kết hợp với tâm thức “Hàn” trong truyền thống Hàn Quốc, thuật ngữ này không có từ tương  đương chính xác bằng tiếng Anh, và có nghĩa là một cảm giác đau đớn vô vọng không sao an ủi. Thần học về Dân chúng mô tả tầng lớp dân thường trong lịch sử Hàn Quốc như những người chủ chân chính của vận mệnh của mình. Hai trong số các nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất của đất nước đã hưởng ứng Thần học về Dân chúng, là Kim Young-sam, tín hữu Presbyterian, và Kim Dae-jung, người Công giáo,. [44] Cả hai đã đấu tranh chống lại chính phủ quân sự chuyên chế ở Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ và đã thường xuyên bị bỏ tù nhưng rồi sau khi được phóng thích vào năm 1988, cả hai đã lần lượt trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa dân chủ này.

Thần học về Dân chúng đã nổi bật vào những năm cuối của chế độ Park Chung-hee (1961-1979) với sự ra đời của một số phong trào xã hội Kitô giáo, như Phong trào Nông dân Công Giáo và Phong trào công nghiệp đô thị Tin Lành, vận động tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Chính phủ quân sự coi những phong trào này như một mối đe dọa cho sự ổn định xã hội, cho nên đã cầm tù nhiều lãnh tụ của họ; trong thực tế, những cuộc đấu tranh này trùng với một thời kỳ bất ổn dẫn đến đỉnh điểm là vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee vào ngày 26 tháng 10 năm 1979. [45]

BIẾN ĐỔI XÃ HỘI

Nhiều Kitô hữu Hàn Quốc tin rằng giá trị Kitô giáo đã tác động tích cực đến các mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Xã hội truyền thống của Hàn Quốc đã được tổ chức tôn ti trật tự theo nguyên tắc Khổng giáo dưới quyền một vị vua được xem như con Trời. Phụ nữ không có quyền lợi xã hội, [46] con cái hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ, [47], cá nhân không có quyền nào khác ngoài những gì được quy định trong hệ thống xã hội. Cấu trúc ấy đã bị các giáo huấn Kitô giáo thách thức. Theo giáo huấn Kitô giáo, mọi người đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và vì thế ai cũng bình đẳng và có phẩm giá cốt yếu như nhau. [48] Theo Kim Han-sik, khái niệm ấy cũng hỗ trợ cho quan niệm quyền sở hữu tài sản là của cá nhân chứ không phải của gia đình (hay người đứng đầu gia đình).

Các Kitô hữu coi hoàng đế cũng chỉ là người và cũng ở dưới quyền của Thiên Chúa như các thần dân của ông, [49]. Các giá trị Kitô giáo ủng hộ cho việc giải phóng phụ nữ và trẻ em về mặt xã hội. [46] [47] Giáo hội cho phép các quả phụ được tái hôn (theo lời dạy của tông đồ Phaolô, ngược với truyền thống của các xã hội Đông Á vốn không cho phép),  cấm chế độ hầu thiếp và chế độ đa thê, và cấm ngược đãi vợ, cấm bỏ vợ. Bậc cha mẹ Kitô giáo được dạy phải coi con cái là quà tặng của Thiên Chúa, và phải chu toàn việc giáo dục con cái. [50] Cấm tảo hôn và cấm bỏ bê con gái (trong văn hóa Á đông, con gái thường ít được cha mẹ mong ước hơn so với con trai).

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong những năm 1960 và 1970 thường được cho là do chủ trương của Park Chung-hee nhắm công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu, nhờ các giá trị văn hóa bản địa và tinh thần làm việc nghiêm túc, nhờ liên minh vững chắc với Hoa Kỳ, và nhờ nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Nhiều Kitô hữu Hàn Quốc vẫn xem tôn giáo của họ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước trong hơn ba thập kỷ qua, họ tin rằng sự thành công và thịnh vượng kinh tế là dấu hiệu sự chúc lành của Thiên Chúa. [51]

Năm 2003 hai kinh tế gia Robert J. Barro và Rachel McCleary đưa ra một Một nghiên cứu cho thấy những xã hội càng có niềm tin cao vào trời và có mức độ đi nhà thờ nhiều càng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. [52] Luận điểm của Barro và McCleary có ảnh hưởng lớn trong giới học thức sau đó, và theo một số nhà quan sát, nó hỗ trợ cho sự tin tưởng rằng Kitô giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công kinh tế của Hàn Quốc. [53] [54] Tuy nhiên nghiên cứu ấy đã bị các học giả như Durlauf, Kortellos và Tân chỉ trích (2006). [55] Từ năm 2000 có một xu hướng xây dựng những giáo đường vĩ mô khiến một số nhà thờ phải nợ tài chính. [56]

PHÚC ÂM HÓA

"Trong những năm 1960, Giáo hội đã đến với những người bị đàn áp, như gái mại dâm và lớp người lao động công nghiệp mới. Khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển, việc tìm lối thoát cho giới công nhân lao động nổi bật lên như một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác truyền giáo . Giáo Hội thành lập ngành tuyên úy cho công nhân trong các nhà máy. Ngoài ra, nghĩa vụ quân sự là chuyện bắt buộc đối với nam giới ở Hàn Quốc, sự hiện diện của các tuyên úy quân đội cũng trở thành quan trọng không kém. Nhiều quân nhân cải sang Kitô giáo trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự." [57 ]

NIỀM TIN VỀ SÁNG TẠO

Ở Hàn Quốc, nhiều nhóm Kitô giáo đã tham gia vận động nghiên cứu về sáng tạo, đặc biệt là Hiệp hội Hàn Quốc nghiên cứu về sáng tạo (KACR) đòi phải hiểu sự sáng tạo theo sách Sáng Thế, và Hiệp hội Duyệt lại sách Giáo khoa (STR), một ủy ban thay thế cho chương trình Duyệt lại vấn đề Tiến hóa trong sách Giáo khoa (CREIT). [64] Đó là một nhánh độc lập của KACR, và đã tự tách khỏi học thuyết của KACR. [65] Đầu năm 2008, tại Seoul Land, một công viên giải trí hàng đầu, KACR đã tổ chức một triển lãm "khoa học về sáng tạo", có hơn 116.000 lượt khách ghé thăm trong ba tháng, và đến năm 2012, họ thương lượng với công viên để tổ chức một cuộc triển lãm khác kéo dài suốt năm. [65]

Năm 2012, do áp lực từ STR, Bộ Giáo dục đã công bố duyệt lại nhiều sách giáo khoa trung học để loại bỏ một số ví dụ về tiến hóa, chẳng hạn như của ngựa và khủng long. [64] [65] [66] Người ta đã giới hạn vào việc loại bỏ hoặc sửa đổi một số ví dụ [67] hoặc do không còn được chấp nhận hoặc hiện đang tranh cãi; [64] sự thay đổi này không kéo theo việc loại bỏ sự tiến hóa hoặc đưa sự sáng tạo vào sách giáo khoa [67] Tuy nhiên, STR có kế hoạch tiếp tục đệ trình kiến nghị để loại bỏ quá trình tiến hóa của con người và sự thích ứng của mỏ chim, với mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu vai trò của quá trình tiến hóa Darwin trong việc giảng dạy. [65]

XUNG ĐỘT TÔN GIÁO

Sự đối kháng giữa những người Tin Lành từ chương (tin rằng Kinh thánh đúng từng chữ) với Phật giáo là một vấn đề lớn cho việc hợp tác tôn giáo ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong những năm 1990 đến cuối những năm 2000. [60] [71]

Ngược lại, người Công giáo Hàn Quốc với Phật giáo và các tôn giáo khác vẫn giữ được quan hệ hợp tác chủ yếu, một phần nhờ nhiều phong tục và triết lý Phật giáo và Nho giáo được hội nhập vào Công giáo Hàn Quốc, nổi bật nhất là việc tôn kính tổ tiên. [72]

Phan Vĩnh Tâm lược dịch

Nguồn: thanhlinh.net

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch