CATH_PRESS_LOGOTháng 10 năm 2010 vừa qua, tại Hội Nghị Báo Chí Thế Giới do Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã hội tổ chức tại Rôma với chủ đề “Hiệp Thông Giáo Hội Và Tranh Cãi”, John Thavis, trưởng văn phòng của Catholic News Service (CNS) tại Rôma, có đọc một bài tham luận nhấn mạnh đến điểm đặc trưng của báo chí Công Giáo.

Theo ông, việc các nhà truyền thông Công Giáo phải xử lý ra sao trước những vụ gây tranh cãi không phải là vấn đề lý thuyết: vụ khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ là một trường hợp điển hình có tính cổ điển cho thấy ngành truyền thông Công Giáo đã phản ứng ra sao đối với các tin tức xấu xẩy ra bên trong Giáo Hội. Các biến cố ấy quả rất đau lòng đối với người Công Giáo. Sự kiện đau lòng đã đành mà cách người ta đưa tin về các biến cố ấy cũng hết sức đau lòng. Tuy nhiên, không một ai trong ngành báo chí Công Giáo tỏ ra “hộ giáo” đối với những người phạm tội hay các giám mục thiếu khả năng. Nhưng cùng một lúc, không ai trong số họ lại không cảm thấy có một sự bất công trong lối tường thuật chính dòng đối với nhiều nét phức tạp của vấn đề.

Thavis, vì thế, muốn tập chú vào hai điều: thứ nhất, báo chí Công Giáo nói tiếng Anh đã tường thuật ra sao về gương mù lạm dụng tình dục trong 20 năm qua; và thứ hai, một vài dị biệt có tính đặc trưng giữa báo chí Công Giáo và báo chí thế tục khi xử lý vấn đề này.

Theo một nghĩa nào đó, đối với ngành truyền thông Công Giáo Mỹ, năm vừa qua là một năm nhàm chán (déja vu). Năm 2002, gương mù giáo sĩ lạm dụng tình dục đã nổ bùng trên diễn đàn công một cách vũ bão. Boston lúc ấy là tâm điểm. Nhưng chẳng bao lâu sau, các trường hợp lạm dụng trong quá khứ được khui ra tại nhiều giáo phận khác (giống như ta đang thấy hiện nay tại Âu Châu). Nhưng đó vẫn chưa phải là trọn câu truyện. Những tiết lộ của năm 2002 xem ra chỉ là những nhắc lại của cùng những tiết lộ tại Mỹ kể từ đầu thập niên 1990. Thực vậy, năm 1993, các chủ bút của ấn bản khách hàng của CNS chọn việc giáo sĩ lạm dụng tình dục làm chủ đề đứng đầu cho cả năm. Nên nhớ năm 1993 là năm các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục được tường thuật công khai; cũng là năm, các vụ kiện trước tòa đe dọa sẽ làm nhiều giáo phận khốn đốn về tài chánh; và cũng là năm nhiều giáo phận ở Mỹ đưa ra chính sách để ngăn ngừa loại lạm dụng này và để xử lý nó.

Thavis nghĩ ngành truyền thông Công Giáo, từ lúc ấy, tức cách nay 20 năm, đã bắt đầu diễn trình học hỏi rồi. Nhưng ta cần phải trung thực ở đây. Vì đã lâu lắm rồi, ngành truyền thông cấp giáo phận rất ngần ngại tường thuật các vụ lạm dụng tình dục, phần lớn vì các vị giám mục không muốn thấy những tường thuật đó trên báo chí của mình. Và điều này khiến ta phải nêu một số câu hỏi nghiêm chỉnh: Việc gì xẩy ra khi giám mục là người xuất bản tờ báo, hay trực tiếp quản trị các phương tiện truyền thông khác của giáo phận? Nếu bạn là một nhà truyền thông chuyên nghiệp và là một người Công Giáo trung thành với Giáo Hội, thì việc bạn cam kết đối với tính ưu việt của báo chí kết cục sẽ ra sao?

Trong nhiều năm qua, chúng ta vốn được nghe nhiều tuyên bố trong Giáo Hội về nhu cầu phải có những truyền thông rõ ràng và cởi mở: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Giáo Hội phải là “một nhà kiếng”. Gần đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đòi phải có sự trong sáng và “tuyệt đối thành thực” trong Giáo Hội. Dưới ánh sáng các tuyên bố ấy, có lẽ các nhà truyền thông Công Giáo nên xét lương tâm mình và tự hỏi: chính ta có tuân thủ và, trong một số trường hợp, có làm cho các vị giám mục tuân thủ những tiêu chuẩn cao đẹp đó chưa? Hay ta cũng là thành phần của vấn đề nốt?

Tường thuật việc lạm dụng tình dục trong 20 năm qua là việc dễ dàng đối với CNS. Họ đã cho chạy cả hàng trăm câu truyện về chủ đề này trong thập niên 1990 và hàng trăm câu truyện khác trong thập niên qua. Được như thế, là vì: tuy họ giữ liên hệ với hội đồng giám mục Mỹ, nhưng họ độc lập về phương diện xã luận (editorially) và các khách hàng báo chí của họ chờ mong họ cung cấp mọi tin tức, dù là xấu hay tốt, miễn là có ảnh hưởng tới Giáo Hội Công Giáo. Thavis nghĩ rằng các biến cố của năm 2002 bắt đầu thay đổi khuôn thước tường thuật các tin tức Công Giáo liên quan đến tai tiếng lạm dụng tình dục. Trước nhất, vì nhiều người trong giới báo chí Công Giáo có chung cảm thức bất bình đối với các tiết lộ. Nên nhớ rằng cùng vào thời gian này, Vatican và chính đức giáo hoàng đã công khai lên tiếng kết án các vụ lạm dụng này. Dĩ nhiên, tỏ bày sự bất bình đối với các vụ lạm dụng tình dục vị thành niên là việc khá đơn giản. Nhưng thẩm định việc các giám mục xử lý chúng ra sao, cần phải làm gì đối với những người vi phạm, phải đưa ra chính sách bảo vệ nào là việc khó khăn hơn nhiều. Nhưng dần dần, ngành truyền thông Công Giáo, trong năm 2002, đã mỗi ngày một tham gia nhiều hơn vào cuộc tranh luận này. Lúc đó và cả bây giờ, trong giới báo chí Công Giáo, đã có những tiếng nói phê phán về cung cách phản ứng của hàng giáo phẩm. Chỉ xin đơn cử trường hợp Russell Shaw, một nhà báo Công Giáo kỳ cựu, đã có thời là phát ngôn viên của các giám mục Mỹ và là cố vấn cho Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội. Ông từng nói rằng nền văn hóa giáo sĩ trị và việc giữ bí mật không cần thiết trong Giáo Hội là những nguyên nhân chính góp phần vào tai tiếng lạm dụng tình dục. Tám năm trước đây cũng là lúc nhiều “bloggers” Công Giáo xuất hiện và họ góp tiếng nói vào các vấn đề cũng như các chỉ trích của quần chúng đối với tai tiếng lạm dụng tình dục. Vì họ không bị trói buộc vào các định chế hiện hữu như giáo phận hay dòng tu, nên họ viết và nói tự do hơn. Họ thường ngang bướng (opiniated) và tín liệu của họ không luôn luôn chính xác, nhưng họ đóng góp khá lớn vào cảm thức cho rằng đây là cuộc đàm luận thực sự giữa người Công Giáo với nhau chứ không còn là việc đóng cửa dạy nhau như trước. Việc chấp nhận các qui tắc về lạm dụng tình dục năm 2002 chính là tập chú của cuộc đàm luận này. Người ta nhớ không có chủ đề nào đã được khảo sát và tranh luận thấu đáo trong ngành truyền thông Công Giáo Mỹ như thế. Ít khi bạn thấy các phóng viên và “bloggers” Công Giáo dám nói tới những điểm tế vi của giáo luật, trừ trường hợp này. Có người cho rằng người Công Giáo và giới truyền thông Công Giáo Mỹ cảm thấy Vatican có hơi căng thẳng về vấn đề này. Điều ấy thấy rõ sau khi Đức Hồng Y Castrillon Hoyos, trong một cuộc họp báo tại Vatican, tuyên bố rằng lạm dụng tình dục là vấn đề chủ yếu chỉ có trong thế giới nói tiếng Anh. Câu tuyên bố này khiến nhiều nhà báo Công Giáo Mỹ phản ứng, cho rằng nó cho thấy Vatican không nắm được vấn đề. Thực ra, theo Thavis, Vatican dần dần hiểu ra và Đức Hồng Y Castrillon chỉ là tiếng nói thiểu số. Khi Vatican chấp thuận các qui tắc của Mỹ về lạm dụng tình dục, thì việc này quả đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Năm 2003, việc này còn khiến Vatican đưa ra thêm một số qui tắc nữa. Và mới năm rồi, khi nhiều điều khoản này trở thành luật chung của cả Giáo Hội, thì đây quả là một dấu chỉ cho thấy Vatican đã thay đổi như thế nào trong phạm vi này.

Thavis đưa ra một điển hình về sự thay đổi trên: năm 2001, CNS loan tin Đức Gioan Phaolô II ban hành tự sắc “Sacramentorum sanctitatis tutela” trao các vụ lạm dụng tình dục cho Bộ Giáo Lý Đức Tin phụ trách, và ấn định các thủ tục khắt khe mới để xử lý các người vi phạm. Để làm được việc đó, cơ quan này mất cả hàng tuần lễ, tìm cách moi tin từ các chức sắc của Vatican. Đây đâu phải là “một tin xấu”; rõ ràng là “một tin tốt”, cho người ta thấy Vatican đã hành động, đã coi các tội phạm này một cách nghiêm túc. Ai cũng tưởng Vatican muốn cả thế giới biết tin này. Nhưng thực ra, theo Thavis, không phải như vậy. Vatican không muốn như thế. Nay, tình thế đã khác hẳn. Vì ai cũng biết: Vatican đã phổ biến rất nhiều tín liệu, chính sách và thủ tục về các trường hợp lạm dụng tình dục đến nỗi ít có nhà báo nào biết hết. Có cả một trang mạng của Vatican về các vấn đề này. Vatican ngày nay đã đóng vai chủ động trong lãnh vực này.

Về phương diện thông tin, báo chí, đây quả là những chiến thắng khó khăn mới có. Như nhiều người biết: trong ít tháng cuối năm 2010, việc tái xuất hiện tai tiếng lạm dụng tình dục đã được cả hai ngành truyền thông Công Giáo và thế tục tường thuật cặn kẽ. Nhưng, theo Thavis, khác với những lần trước, lần này giới truyền thông Công Giáo có chung với các giám mục và Vatican cùng một nỗi thất vọng đối với phương cách giới truyền thông thế tục tường thuật vấn đề này. Ở đây, ta thấy nhiều nét khác biệt rõ rệt trong cung cách tường thuật của giới truyền thông Công Giáo, những nét ta thường thấy thiếu nơi các nhà báo thế tục:

1. Ngữ cảnh: Vì giới truyền thông Công Giáo nay đã quen thuộc với những gì xẩy ra năm 1993 hay 2002, nên họ biết rõ Giáo Hội đã đáp ứng bằng nhiều biện pháp và chương trình rất tích cực.

2. Khung thời gian: Truyền thông Công Giáo biết rõ phần lớn các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục đã xẩy ra cách nay hàng mấy thập niên; rất ít trường hợp xẩy ra lúc này. Đây là điều mà phần lớn các độc giả báo chí vẫn chưa hiểu rõ.

3. Công bằng: Thavis nghĩ rằng đã và hiện vẫn còn não trạng “à, bắt quả tang nhé” (gotcha mentality, xem(1)) nơi nhiều người: họ chỉ muốn cố gắng đổ lỗi cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về loại tai tiếng này. Các nhà báo Công Giáo không nghĩ vậy, họ biết rằng điều ấy không đúng, vì vị giáo hoàng hiện tại đã từng đưa ra nhiều biện pháp để xử lý vấn đề này lúc còn đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong phạm vi này cũng như trong nhiều phạm vi khác, Ngài luôn luôn có phương pháp, đầy quyết tâm và nhẫn nại. Nhiều nhà phê bình còn cho là ngài quá nhẫn nại và đắn đo (deliberate) là đàng khác. Nhưng có điều chắc chắn là ngài đang đi đúng hướng. Hình ảnh tô vẽ ngài như kiến trúc sư của việc che dấu chỉ là một biếm họa không hơn không kém.

4. Viễn ảnh: Truyền thông Công Giáo, nói chung, luôn cưỡng lại khuynh hướng không ngừng khua môi gõ mõ một câu truyện lớn mà gần như loại bỏ mọi chuyện khác. Trong nửa năm 2010, nếu đọc các tờ báo lớn của Mỹ, bạn sẽ thấy: hễ nói tới Vatican là hầu như họ chỉ nhắc tới vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Đây là nét đặc trưng của não trạng truyền tin cáp (cable news mentality) hiện đang thống trị các phòng tin tức: một câu truyện lớn được dựng lên, rồi được nuôi sống hàng ngày, giống một con thú. Câu truyện chủ yếu không bao giờ bị tra vấn. Các chi tiết, những điểm tế nhị và các tín liệu lưỡng nghĩa đều bị gạt qua một bên. Câu truyện lớn cần được tiếp diễn, đó là “sách phúc âm” của tân truyền thông đại chúng, mà người ta nghĩ phần lớn vì lý do kinh tế. May mắn một điều, báo chí Công Giáo đã cưỡng lại được thứ phúc âm ấy và giữ được viễn ảnh khi tường thuật việc lạm dụng tình dục như một thất bại đau lòng, chứ không phải như khía cạnh duy nhất, hay ngay cả chính yếu, trong sinh hoạt Giáo Hội hiện nay.

Có điều, theo Thavis, dù có viễn ảnh, có ngữ cảnh và công bằng khi tường thuật các vụ lạm dụng tình dục, nhưng các nhà truyền thông Công Giáo ít có tác dụng bên ngoài số độc giả có giới hạn của họ. Họ cảm thấy thất vọng trước cung cách giới truyền thông thế tục đối xử với Giáo Hội, nhưng nỗi thất vọng này thường lại chỉ được diễn dịch thành một cuộc thảo luận đóng kín giữa họ với nhau mà thôi. Và liều mình họ sẽ rơi vào não trạng “mèo khen mèo dài đuôi” (self-congratulatory). Họ cần tự hỏi: làm thế nào để thông đạt thực sự với thế giới hiện đại, với thế giới rộng lớn bên ngoài kia, nghĩa là bên kia biên giới giáo hội của mình?

Điểm cuối cùng được Thavis nhấn mạnh là: về phương diện hiệp thông và tranh cãi, báo chí Công Giáo khác biệt vì nó chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội: tức việc truyền bá Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Họ muốn nói lên sự thật và muốn làm việc ấy một cách công bằng và trọn vẹn. Có một số tin tức tốt và một số tin tức xấu, nhưng chúng đều là những điều độc giả cần biết để cố gắng được cứu rỗi. Họ cần biết có những ông thánh đang xây dựng Giáo Hội nhưng cũng có những kẻ tội lỗi đang phá hoại Giáo Hội ấy.

Ghi chú:

(1) Não trạng “à, bắt quả tang nhé” ( gotcha mentality) chỉ loại người luôn sẵn sàng cho bạn biết bạn đã làm sai điều gì hay có thể đã sai điều gì, họ coi việc bắt lỗi người khác tự nó là một cùng đích. Đối với não trạng này, khách quan tính hay sự thật không quan trọng, có chăng nữa, cũng chỉ là thứ yếu. Người có não trạng này muốn cảm thấy mình luôn ở thế thượng phong. Muốn thế, hay nhất là chứng tỏ người khác thấp kém, sai lầm.

Vũ Văn An / Nguồn: Vietcatholic News (20 Feb 2011)

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch