Ng_T_Bich_Hong_1Tôi vinh dự được sơ Hồng Quế mời đến Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn tham dự buổi chuyên đề Tâm lý và cách giáo dục trẻ vị thành niên (phần 2) của diễn giả tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên ĐHSP Tp. HCM. Vinh dự hơn nữa, sơ trao cho tôi trọng trách điều phối buổi tọa đàm, đúng hơn là một MC. Có lẽ, sơ đã nghe người ta “tám chuyện” về tôi, nên hôm nay sơ thử tài tôi vậy đó. Chúa ơi, tôi không dám ! Thú thật, tôi thuộc dòng họ bần nông, không có tài “cầm - kỳ - thi - họa”, ngôn từ thì lủng củng, nói năng lại lọng cọng, không biết phải làm sao đây ! Trong tâm thức, tôi cũng hiểu rằng, mình không còn trong độ tuổi “hoa tiên”, chính xác hơn là “mặt trời đứng bóng”. Nhưng tôi vẫn muốn đến tham dự buổi chuyên đề này, để khám phá lại bản thân mình và mong sao có thể thu góp được điều gì đó để giúp ích cho đời, cho anh chị em tôi. Đó vẫn là điều tôi nhắm tới.

Cũng phải xác nhận lại rằng, tuổi vị thành niên, riêng tại Việt Nam, được cho là từ 13 đến 25 tuổi. Đây là lứa tuổi mà các bạn có những dao động, biến đổi lớn cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Nếu không được hướng dẫn và dạy dỗ cho đúng, các bạn dễ đi vào con đường lầm lạc. Chính vì vậy, cha mẹ, nhà trường, xã hội và Giáo hội phải có trách nhiệm để giúp các bạn lớn lên và phát triển đầy đủ cả về mặt nhận thức cũng như nhân cách, trong một thế giới với biết bao biến động phức tạp và cạm bẫy luôn rình chờ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng,  độ tuổi vị thành niên, được chia ra 4 giai đoạn phát triển, đúng hơn là 4 nhu cầu tâm sinh lý luôn tuần tự xoay quanh lứa tuổi này: khuynh hướng làm người lớn, tự khẳng định trong nhóm bạn, xác định bản sắc riêng và định hướng nghề nghiệp. Vào trung tuần tháng giêng, tiến sĩ đã trình bày cho chúng ta giai đoạn một. Hôm nay, tiến sĩ sẽ nói 3 nhu cầu còn lại. (Xin mời Quý vị xem phần 1 tại đây)

1. Tự khẳng định trong nhóm bạn

Tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt, là sự lớn lên và trưởng thành của trẻ để “lột xác” thành người lớn. Chính vì thế, các em rất muốn có một thế giới riêng và khẳng định chính mình.  Để tự khẳng định mình và nhất là khẳng định trong nhóm bạn, điểm nổi bật nhất nơi các em là thích kết bạn. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, các em thường tìm đến những mục kết bạn, tâm sự tuổi mới lớn, những điều bạn muốn biết nhưng ngại hỏi, đọc báo giùm bạn, viết thư, lên mạng… Thời đại công nghệ thông tin, máy vi tính là người bạn hết sức thân thiết và là chiếc cầu nối để giúp các bạn kết nối với nhiều mối quan hệ khác nhau. Các bạn sẽ cảm thấy rất thú vị và hào hứng khi tham gia vào mục kết bạn nào đó, dẫu rằng không biết tên tuổi, thân thế, địa vị, mặt mũi người mình muốn kết bạn là ai. Phải thú nhận rằng, đây là một “diễn đàn” các em cảm thấy rất phấn khởi và “si mê” mà vài thập niên về trước chúng ta chẳng bao giờ có. Điều này làm cho các bạn có một cảm giác : thế giới này rất gần gũi, vui tươi và ấm áp. Vì thế các em rất thích vào mạng để “chat” và kết bạn.

Một mặt, thế giới vi tính và mạng online là một người bạn rất gần gũi và hữu ích, giúp các em xích lại gần nhau hơn, có nhiều mối liên hệ hơn, biết được nhiều thông tin hơn, thế giới như vui tươi hơn, cuộc sống chan hòa và bổ ích hơn. Nhưng mặt khác, nó cũng có rất nhiều cạm bẫy và nguy cơ đi vào con đường xấu mà các em không thể lường trước được, nếu không có sự đồng hành, chỉ dẫn và giáo dục từ phía người lớn.

Gd_vi_thanh_nien_1_copyMột biểu hiện khác nữa cũng rất phổ biến nơi các em là kết bạn trong lớp học. Cũng sẽ thật buồn và cô đơn nếu như vào lớp mà không có ai chơi với mình. Thông thường một lớp học thường có 3 đến 5 em rơi vào cảnh ngộ này. Còn lại đa số là các em đều có bạn, kết bạn thành nhóm, chơi với những bạn có cùng sở thích, nhiều điểm tương đồng và đúng “gu”. Ngoài ra, các em còn có những người bạn ở các lớp khác, trong khu xóm hay ở những câu lạc bộ ngoại ngữ, thể thao và còn nhiều những mối liên hệ đó đây, đồng thời cũng để chứng minh giá trị của mình qua số lượng mà các em có được. Vì vậy, khi có bạn, các em quý trọng và ra sức gìn giữ những mối liên hệ này, bằng cách là tỏ ra trung thành với bạn và bảo vệ bạn.

Với nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và kinh nghiệm thực tế, tiến sĩ cho rằng, về mặt tâm lý mà nói, đối với bạn bè của các em, cha mẹ cần phải chú ý. Khi ứng xử với trẻ vị thành niên, ta phải quý trọng cả mối liên hệ của các em. Vì nếu chúng ta làm ngược lại hay đối kháng với bạn của con mình, thì một thực tế xảy ra là chúng chọn bạn và bảo vệ bạn. Có nhiều phụ huynh sẽ thắc mắc tự hỏi sao con em mình lại làm thế ? Cha mẹ sinh ra chúng, hết lòng lo lắng và nuôi nấng chúng, là tình phụ tử, mẫu tử, là huyết nhục, là cái gì thiêng liêng nhất… vậy sao các em sẵn lòng đứng về phe bạn và “phũ phàng” bỏ cha mẹ ? Có một lý do tâm lý dễ hiểu là bạn bè hiểu mình hơn, đồng cảm và làm đúng ý mình, trong khi cha mẹ dường như hay cố tình không hiểu, ngăn cản và cấm cách, chỉ gây những điều bất mãn, khó chịu. Ngoài ra, còn có một lý do khác nữa, nếu đứng về phía cha mẹ thì bạn bè sẽ xa lánh mình. Một điều biết chắc rằng, dẫu sao cha mẹ cũng chẳng bao giờ bỏ chúng.

Vấn đề ở đây, không chỉ là có bạn, mà còn phải được bạn thừa nhận. Chính chi tiết này cho thấy các em muốn tự khẳng định mình trong nhóm bạn. Không chỉ là các em, mà là mỗi người chúng ta cũng muốn khao khát được thừa nhận. Phải nhìn nhận rằng, để được người khác thừa nhận mình, không phải là việc đơn giản. Chúng ta cứ thử tưởng tượng mình đến cơ quan làm việc và mong sao được người khác thừa nhận cũng phải mất một thời gian khá dài. Phải cố gắng lắm trong công việc, phải khéo léo lắm trong cách cư xử, nhiều khi có những chuyện bất bình, nhưng vẫn phải kiềm lòng nhẫn nhục, để mong rằng mình không đánh mất đi sự tốt đẹp và khát khao sự thừa nhận.

Kinh qua một chút thực tế để ta có kinh nghiệm hơn khi giao tiếp với trẻ vị thành niên. Các em cũng muốn được bạn bè thừa nhận. Dĩ nhiên cũng có nhiều cách thức. Có những em cố gắng làm cho người ta nể phục. Được nể phục nghĩa là được người ta thừa nhận. Có em chọn cho mình con đường thật lành mạnh là học cho giỏi. Đây là phương án mà được cha mẹ và những người thân ủng hộ. Tuy nhiên, Có các em cũng muốn lắm nhưng học hoài không giỏi thì phải làm sao bây giờ? Các em lại chọn cho mình một cách nào đó để được người ta thừa nhận: chơi thể thao thật hay, đánh cờ thật giỏi, nhảy hip-hop thật điêu luyện và sành điệu… Nhưng có nhiều em học không giỏi, chơi không hay, không có những tài năng lẻ thì phải làm sao bây giờ? Không còn con đường nào khác là liều mạng. Do vậy, “điều mà các bạn khác không dám làm, thì tôi dám làm”. Không hẳn là các em muốn chơi trội, nhưng chỉ là để được thừa nhận. Có những em chọn cho mình một con đường khéo léo hơn: biết thăm hỏi, động viện, nhìn ra những nhu cầu của bạn, chinh phục bạn bằng tình cảm, bằng những món quà, động viên thăm hỏi, rủ bạn chơi. Có thể bạn không nể phục, nhưng các bạn cảm thấy cần thiết khi chơi, khi học, khi làm và trong mọi chuyện. Vì vậy, các em đã chiếm một tình cảm không thể thiếu nơi bạn của mình. Đây không nhất thiết phải là hành động xu nịnh, nhưng em đã khéo léo trong giao tế và ứng xử. Cảm giác này cũng cho thấy bạn bè cần mình và mình cũng được thừa nhận.

Có khi chúng ta cho con em mình là cá biệt, nhưng không, đấy chỉ là đi tìm sự thừa nhận. Giả như con em chúng ta không học giỏi, không có tài giao tiếp, lúng túng trong ứng xử, không được bạn bè thừa nhận, thì chính những người lớn, cha mẹ phải là chiếc cầu nối, phải là người hướng dẫn để hướng các em có một sự chọn lựa tốt trong cuộc sống.

Rắc rối hơn cả vẫn là sự xuất hiện cảm xúc giới tính. Các em bị chi phối, lo lắng, hoang mang cũng như tò mò. Bản thân của các em cũng không muốn bị phân tâm. Các em cũng thực lòng nói rằng: “Con rất muốn xua đi những hình ảnh “người ấy” ra khỏi tâm trí, nhưng cứ giở sách ra là hình ảnh ấy lại xuất hiện.” Có lẽ, mỗi chúng ta cũng có những kinh nghiệm về chuyện này.

Cái khó nữa là khi mình bị người khác “ghép đôi”. Nếu được ghép với người mình thích thì không có gì phải bàn cãi, nhưng khi bị gán với cái kẻ mà mình chẳng đời nào ưa thì phải phản ứng sao đây? Tất cả những điều này đều mới xuất hiện trong các em, nên chúng ứng xử rất vụng về, có khi làm tổn thương nhau. Và như vậy, làm sao để có thể ngỏ ý cho người ta biết tình cảm của mình muốn gởi trao và cũng làm sao để từ chối một mảnh tình mà người khác dành cho?

Đôi khi chúng ta trách cứ con mình, nhưng thật ra  chúng ta sống trong thế giới người lớn, chúng ta có nhiều quan điểm, nhiều triết lý, nhiều kinh nghiệm sống, tiếp xúc với nhiều người trưởng thành, xem ra độ khó khăn, sự phức tạp lại không bằng độ tuổi vị thành niên. Bởi một điều hết sức đơn giản, các em mới bước vào đời. Sự va chạm ít, kinh nghiệm từng trải thiếu, trong khi phải gặp gỡ những người bạn trong độ tuổi của mình với biết bao những phức tạp, rắc rối, khó hiểu. Hiểu con để hỗ trợ và đồng hành với con trong cuộc sống vẫn là điều cần thiết.

2. Xác định bản sắc riêng

Sẽ buồn biết bao nếu vườn hoa chỉ có một loài, bông hoa chỉ toàn một sắc. Bản nhạc sẽ trở nên buồn tẻ và mất đi cái thi vị khi không có những nốt nhạc thăng trầm buồn vui hoà quyện. Tạ ơn Thượng Đế đã tạo dựng con người trong muôn vàn tính cách và sắc thái khác nhau, để trong cuộc sống có “trăm hoa đua nở và muôn hoa khoe sắc”. Đó cũng chính là bản sắc rất riêng của từng người.

Nhưng làm sao để xác định bản sắc riêng?

Tuỳ từng giai đoạn, thời kỳ và lứa tuổi, vị thành niên có những biểu hiện khác nhau. Nhưng ở giai đoạn này, các bạn rất thích sáng tạo, rất muốn chọn lựa cho mình một bản sắc riêng, độc đáo và siêu việt. Các bạn có thể loay hoay hàng giờ để kiến tạo một chữ ký “không đụng hàng”. Bản sắc bộc lộ rõ hơn khi các bạn thường ngắm nghía mình trong gương. Chỉ cần nhờ em đi mua một tép hành lá, có khi em đứng trước gương soi mình 30 phút. Xa hơn một chút, các em chọn cho mình một kiểu xuất hiện “siêu sao”. Nghe các bạn nói mình có cặp mắt bồ câu, dáng đi người mẫu, nụ cười “hút hồn”, các bạn phải ngắm nghía, nheo mắt sao cho ra mắt bồ câu, phải đi đứng và cười làm sao cho hút hồn người…

Bản sắc càng được xác định rõ hơn khi các em tạo cho mình một biệt danh. Có những cô gái trông rất xinh, dễ thương và có vẻ ngoan ngoãn nhưng lại tự giới thiệu: “Tôi là người điên của thế kỷ”. Có những cô cậu đeo mắt kính, hôm thì trắng, hôm thì hồng, gọng to, đầu bện tóc, tay hai ba loại vòng, bông tai đeo lủng lẳng, tự giới thiệu: em là “ốc điệu”. Có những em nam sinh trông gầy gò, ốm yếu, nhưng lại tự giới thiệu: em là “thiên thần đen”. Tất cả những nickname, những ẩn danh này đều ẩn chứa một bản sắc. Một cô gái rất sinh, dễ thương là thế, nhưng sao lại chọn cho mình một biệt danh “người điên của thế kỷ”? Điều này ẩn chứa và muốn nói lên điều gì? Vâng, đó là một sự nổi loạn bên trong. Vậy, cô bé này ngoan thiệt không? Đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài, cái mà em muốn chứng minh là không bình thường đâu đấy! Và để chứng tỏ không bình thường bằng cách cho mình một biệt danh. Em lại rất thích khi ai đó gọi mình bằng nickname này, đó là “người điên của thế kỷ”. Trẻ vị thành niên chọn cho mình một tên gọi không “đụng hàng”, một tên gọi mà nghe một lần như không thể quên. Đó là cái bản sắc riêng. Và cô bé đeo bông tai lủng lẳng kia cũng chứng minh cho thấy tôi cũng không phải là người bình thường, nhưng tôi là con người mang bản sắc rất riêng của chính tôi. Cậu bé ốm yếu cho mình một biệt danh là “thiên thần đen” ẩn chứa điều gì ? Có thể lâu nay em mặc cảm tị ti về hình thể và em cũng khao khát sự thể hiện mình. Em không muốn mình yếm thế.

Như vậy, trong cái kỳ vọng của người trẻ, muốn mình một phút chốc trở thành điều gì đó, một con người hào hùng nào đó. Tất cả những hành động trên đều ẩn chứa những khát vọng, cái độc đáo, cái riêng biệt là bản sắc rất riêng của tuổi trẻ. Các bạn không chỉ đặt nickname, mà còn thích thú tạo cho người khác một biệt danh theo nhận định và sở thích riêng mình. Độ tuổi vị thành niên luôn luôn đi tìm sự đột phá trong suy nghĩ, trong quan niệm. Các em không thích đi theo lối mòn của người lớn. Có thể các em không phủ nhận những điều người lớn nói, nhưng các em đi tìm một con đuờng, một cách thể hiện, một lối nói khác, có khi là đối lập. Ông bà ta thường nói : “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng các em lại thích nói lèo lái “cái đẹp đè bẹp cái nết”, hoặc lối nói theo kiểu thời đại @, hip-hop: chán như con dán, buồn như con chuồn chuồn, đau như miếng cau, khổ như cái rổ…Dẫu rằng, các em biết thừa điều ấy có khi là phi lý, nhưng vẫn thích nói và lý luận hết sức ngược ngạo, đôi khi cảm thấy thích thú cho cái triết lý ngang ngược mà người lớn cho là lập dị, khó hiểu. Ta thường nói: “một sự nhịn, chín sự lạnh”, các vặn vẹo “một sự nhịn, chín sự nhục”. Các em lý luận thế này: đau thường đi với khổ, buồn thường đi với chán, giận thường đi với hờn, nên nhịn phải đi với nhục. Trong thâm tâm, các em cũng thừa biết là sai, nhưng các em cảm thấy khoái chí với lối nói của mình. “Tôi làm người lớn theo kiểu của tôi, chứ không theo kiểu của ai khác”. Đó cũng chính là lúc các em đang đi tìm bản sắc riêng.

Nhìn chung, từng giai đoạn, các em có những định hình theo nếp sống và cách suy nghĩ của mình. Ta nghe như có vẻ nghịch lý, nhưng sâu xa các em nói nhiều điều lý sự cũng có lý, lắm khi người lớn phải suy nghĩ. Điều đó cho thấy các bạn vị thành niên cắc cớ vô cùng, luôn luôn đi tìm một cái gì đó đột phá. Những suy nghĩ này dần dần sẽ định hình thành một lối sống. Điều quan trọng là những người lớn, cha mẹ, nhà trường, xã hội, Giáo hội có trách nhiệm phải hướng dẫn con em mình. Làm sao con chúng ta đến tuổi thành niên có được một bản sắc. Và nếu trong một lớp học, trong một cộng đồng, một xã hội mà thiếu đi những bản sắc riêng biệt và độc đáo thì xã hội đó thiếu đi mầm sáng tạo và tài năng. Hệ luỵ kéo theo sẽ là người trẻ lớn lên mà không có bản sắc, sống dựa dẫm, bám víu vào gia đình người thân, không có định hướng trong cuộc đời. Đừng nói các em không có bản sắc, không có tài năng, có điều chúng ta không đủ nhạy bén để giúp các em nhận ra và phát triển tài năng, trí lực của chúng.

3. Định hướng nghề nghiệp

Một lần khi đặt mình trong tâm thức của một người trẻ đi tìm định hướng cuộc sống và nhìn vào các bạn trẻ trong mối tương quan với bản thân, tôi viết lên đôi điều suy nghĩ của mình “Các bạn trẻ thích thật, họ còn tràn trề sinh lực, tràn trề thời gian, trí tuệ, và cả tình yêu. Thế nhưng có bao nhiêu bạn sử dụng những tài sản quí giá kia cho một định hướng tốt hơn ở tương lai, để rồi khi về xế x, sang băm băm không phải luyến tiếc và phải nói câu giá chi…” Suy nghĩ này của tôi chẳng mấy ai hưởng ứng để đặt vào đó một phản ứng hay một lời bình, nhằm nói lên suy nghĩ của họ. Điều này không làm tôi thấy buồn, mà làm tôi suy nghĩ nhiều hơn về bản thân mình nếu là một người trẻ như bao nhiêu người trẻ khác. (xc. Định hướng cuộc đời, Muối và Ánh Sáng)

Thú thật, người viết chẳng có tham vọng phân tích mổ xẻ hay đào sâu để tìm ra một định hướng cuộc sống cho các bạn trẻ tương lai, nhưng chỉ dám đóng góp một phần rất nhỏ cũng như những kinh nghiệm lượm nhặt để sẻ chia.

Vị thành niên đến một độ tuổi nào đó thì có những suy nghĩ riêng, chín chắn hơn, hình thành tư tưởng độc lập và tạo cho mình một lối sống, một phong thái rất riêng. Ta có thể gọi đó là định hướng nghề nghiệp. Thông thường vị thành niên có loại định hướng này khoảng 17, 18, 19 tuổi, lớp 11 hoặc 12.

Theo một tài liệu thông kê của những nhà điều - nghiên thực hiện trong lứa tuổi vị thành niên cho biết: đa số khi được hỏi, các em trả lời không biết nghề nghiệp tương lai của mình. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tại Tp. HCM có khoảng 55% sinh viên đại học trả lời rằng, biết một cách mơ hồ ; ở Đồng Nai là 30%, còn 10% nói là không biết gì. Cái khó ở nơi các em là không biết mình có năng lực nào. Điều này liên quan đến bản sắc. Và em nào hình thành được bản sắc thì em đó biết mình có năng lực gì, ngược lại, nếu không có bản sắc thì cũng khó xác định năng lực của  bản thân nằm ở đâu. Có thể có rất nhiều năng lực, nhưng nhận ra được năng lực thì các em biết  mình thích gì hơn. Như vậy, năng lực đặt lên trên sở thích, chứ không thể có sở thích rồi mới tạo ra năng lực. Nếu sở thích mà thiếu năng lực, chỉ làm cho người ta đau khổ.

Trong một chuyến công tác tại Cần Giờ, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng có hỏi một số em học sinh lớp 12:

-         Sau này em chọn cho mình ngành nghề gì?

-         Em thích làm ca sĩ.

-         Vậy em biết nghề đó làm gì không?

-         Dạ biết chứ. Làm ca sĩ là sau này mình sẽ đi hát các đám cưới, đám ma!

Rất nhiều em khi được hỏi em trả lời thích làm giám đốc.

-         Vậy em biết gì về nghề giám đốc.

-         Làm giám đốc sướng lắm. Ngồi phòng máy lạnh, mang theo máy tính rồi chỉ việc ký tên!

Một số em thích làm bác sĩ, vì nghề bác sĩ cao quý và cứu giúp người. Nghe có vẻ cao thượng đấy, nhưng phân tích cho các em biết để làm được bác sĩ phải học hỏi thế nào và để cứu giúp người thì phải hy sinh vất vả nhiều lắm. Phân tích cho các em biết rõ điều kiện, năng lực, sự đòi hỏi hy sinh nơi nghề nghiệp liệu các em có còn dám chọn lựa nữa hay không?

Tuy vậy, cũng có những cha mẹ không nghiên cứu về khả năng bản thân mà lại áp đặt ngành nghề cho con, bởi vì xưa mình nuôi ước vọng mà không thực hiện được, nay bắt con thực hiện. Hay đơn giản có nhiều trường hợp vì cha cha mẹ làm nghề giáo nên con phải làm nghề giáo theo.

Một lý do khác nữa là phía nhà trường. Một thứ thi đua chạy theo thành tích, mà năng lực thực chất lại không có, nên chọn ngành nghề mà chỉ dựa trên thang điểm thì thật nguy hiểm. “Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã tiến lên, người dân ở những mức độ khác nhau điều hướng được sự tiến lên đó trong cuộc sống hàng ngày. Riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, trong đó có những ý kiến cho rằng ngành giáo dục đã thụt lùi.” (nguyên nhân của bệnh thành tích trong giáo dục, Nguyễn Đức Dụ). Thú thực, khi thống kê, tập hợp số liệu chính tôi cũng cảm thấy sửng sốt. Chỉ sau 2 năm (2003-2005) số học sinh tốt nghiệp loại giỏi trên toàn quốc đã tăng hơn gấp đôi. Trong điều kiện giáo dục còn nhiều bất cập thì tốc độ phát triển học sinh giỏi đột biến phản ánh không đúng thực chất học tập. Tỷ lệ học sinh giỏi tăng chóng mặt nhưng kết quả thi ĐH, CĐ rất thấp. Thậm chí 263 em bị 1-3 điểm 0. Từ kết quả nghiên cứu qua số liệu thống kê, lấy ý kiến các cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là dư luận xã hội, chúng tôi đủ cơ sở đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT bỏ quy định điểm thưởng với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi, ngay trong kỳ tuyển sinh 2006. (xc. Bệnh thành tích là nguyên nhân lạm phát học sinh giỏi, Đức Anh)

Một xu hướng khác làm cho các em cũng dễ bị phân vân và hoang mang. Bởi phương tiện truyền thông đại chúng ào ạt, những lời quảng cáo rất hấp dẫn, mời gọi và đầy hứa hẹn trong tương lai. Các em cũng khó để mà chọn lựa, không biết đâu là nghề thích hợp cho mình, đâu là thật và đâu là giả. Quảng cáo, thông tin cũng có phần bổ ích, nó giúp mọi người biết nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi, bởi những mặt trái của quảng cáo dễ đánh lừa giác quan, khả năng người khác, nhiều khi chỉ hão, là ảo.

Do vậy, cha mẹ giúp cho con cái hiểu được đặc điểm và yêu cầu của nghề nghiệp, đồng thời giúp cho con cái nhận ra năng lực của mình. Phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng về năng lực của con, rồi giúp các em chọn một nghề thích hợp. Cha mẹ cũng không nên chỉ để tai nghe người ngoài, bởi chẳng ai có thể hiểu thấu con cái hơn cha mẹ.

4. Tạm kết

Không phải đột nhiên mà các bạn vị thành niên biết chọn lựa đúng. Các bạn phải được tập sống có trách nhiệm ngay từ nhỏ, cũng như được chọn lựa theo ý thích của mình phù hợp với lứa tuổi. Khi các bạn phạm phải sai lầm, đó là dịp tốt nhất để giúp các bạn tự phân tích phải trái thay vì la rầy kết án. Cũng phải cho các bạn thoát khỏi cảnh giáo dục “cầm tù, rập khuôn”, mà quên đi sự ý thức. Những bài học đạo đức không phải truyền đạt theo một kiểu lên lớp dạy đời, mà thông qua cuộc sống, thông qua những chọn lựa của chính các bạn dưới sự hướng dẫn của người lớn, cha mẹ, nhà trường, xã hội và Giáo hội.

Cũng đã qua rồi cái xã hội: cấm, cấm, cấm, phải, phải, phải. Chúng ta đang sống trong một thời đại đỉnh cao của khoa học phát triển. Thời đại công nghệ và phương tiện truyền thông đại chúng bùng nổ. Có lẽ cần phải có một cách tiếp cận và giáo dục tự ý thức, đồng thời phải nghiên cứu hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, tính cách con người cụ thể để đồng cảm và đồng hành thay cho những phán quyết cấm, cấm, phải, phải. Đó chính là lúc đối tượng nói lên điều mình muốn nói, muốn thể hiện thay cho những áp đạt, giáo dục khép kín, cứng nhắc, đóng khung, lỗi thời, cổ hủ, mà vẫn không làm mất đi truyền thống, đạo đức, bản sắc riêng. Làm sao cho các bạn có thể tung bay trong một bầu trời tự do để khám muôn điều huyền bí và mới lạ, chứ không thể là con chim bị gẫy cánh !

Nguyễn Thị Bích Hồng trình bày 

Jos. Thanh Phong tường thuật

(Kính mời Quý vị xem hình ảnh và nghe toàn bộ nội dung buổi thuyết trình của Ts. Nguyễn Thị Bích Hồng tại mục Thư Viện Chuyên Đề Audio của website:

 http://www.chuongtrinhchuyende.com)

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch