Do_hinh_peronalitiesTừ thưở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi một người như là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, với những khả năng, tài trí và những đặc điểm tính cách thật khác biệt nhau. Ngài đã thiết kế để mỗi người cần đến nhau dù sống trong gia đình, ở giáo xứ, nơi làm việc, trong hội đoàn hay ngoài xã hội. Con người cần đến nhau để nhận ra tiềm năng cá nhân của mình trong Chúa Kitô, và khi thực hiện công việc cùng nhau thì tốt hơn làm một mình. Đôi khi, sự khác biệt sẽ là mầm mống của xung đột, không hợp nhau dẫn đến đối phó với nhau và làm cản trở các mối quan hệ.

Để giúp cải thiện trong giao tiếp, trong các mối quan hệ của cuộc sống cá nhân và tổ chức, hôm thứ Bảy, ngày 14/05/2011, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện nhan đề “BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM”, do Mục sư Phạm Đình Nhẫn, Chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam thuyết trình. Mục sư hiện phụ trách 237 cộng đoàn với 29 giáo phái Tin Lành khác nhau ở Việt Nam.

Ms_Pham_Dinh_NhanMục sư cho hay đã có cơ hội cộng tác với người Công Giáo từ những năm sau 1975 khi có thời gian 5 năm tham gia vào ca đoàn Nhà thờ Chính toà Ban Mê Thuột và hiện nay có rất nhiều bạn bè ở các dòng tu. Bằng lối phân tích tính cách dí dỏm với những ví dụ sinh động, thực tiễn, Mục Sư đã cuốn hút người nghe vào bài giảng của mình, giúp khán giả khám phá ra các tính cách nơi mình và người xung quanh để từ đó có cách ứng xử thích hợp.

Để Hiểu Rõ Chính Mình, vì mỗi người được Chúa sáng tạo nên có những ưu điểm, khuyết điểm khác nhau, mỗi tham dự viên được phát một Bảng Khảo Sát Tính Cách Cá Nhân, để qua bảng trắc nghiệm biết mình thuộc khuynh hướng tính cách nào. Khi khám phá ra những khác biệt của nhau cũng chính là phát hiện ra ưu và khuyết điểm mà mình đem vào trong từng mối quan hệ.

Mọi người đều có ưu điểm, thế nên cần thái độ “Tôi cảm tạ Chúa” (x. TV 139,13-14) và tìm cách gia tăng tối đa những ưu điểm, nhận biết có khả năng làm tốt điều gì, và tập trung vào đó nhiều hơn.

Mọi người đều có nhược điểm, cần có thái độ “Tôi tin cậy Chúa” (x. 2 Cr 12,9-10) và tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của nhược điểm trên bản thân mình, nhận biết lãnh vực nào chưa giỏi thì nên tránh.

Bảng khảo sát đưa ra những đặc tính các tham dự viên lựa chọn đặc tính nào miêu tả về mình để từ đó biết mình thuộc khuynh hướng nào trong 4 chiều kích của tính cách cá nhân:

Các tính cách của người có phong cách D (Dominance - Thống Trị): Hay ép buộc (forceful), khởi xướng (pioneering), can đảm (bold), hay cãi (argumentative), táo bạo (daring), tự lập (self-reliant), dứt khoát (decisive), quả quyết (assertive), kiên định (unyielding), kiên trì (persistent), cương quyết (relentles), cứng cỏi (strong-willed), thích phiêu lưu (adventurous), hung hăng (aggressive), quả quyết (determined), thích chỉ huy (commanding), cá tính mạnh mẽ (force of character), độc lập (independent), trực tính (out-spoken), thiếu kiên nhẫn (impatient), cạnh tranh (competitive), can đảm (courageous), hay nài ép (pushy), đưa ra phương hướng (directing)

Các tính cách của người có phong cách I (Influence - Ảnh Hưởng): thoả lòng (satisfied), sôi động (exciting), năng động (animated), hay thay đổi (unpredictable), thân thiện (outgoing), hay thuyết phục (persuasive), thích đám đông (life of party), được ưa thích (popular), đầy sức sống (colorful), lạc quan (optimistic), nói nhiều (talkative), khôi hài (playful), có duyên (charming), thu hút (attractive), nhiệt tình (enthusiastic), bốc đồng (impulsive), sống động (lively), có ảnh hưởng (influential), nhạy cảm (emotional), thoải mái (spontaneous), có sức thuyết phục (convincing), hay thay đổi (flighty), hay khích lệ (stimulating).

Các tính cách của người có phong cách S (Steadiness - Điềm Tĩnh): bình tĩnh (restrained), thoả lòng (satisfied), sẵn lòng (willing), do dự (indecisive), kiên nhẫn (patient), mềm mại (gentle), điềm đạm (even-tempered), rộng lượng (generous), dễ tính (easy-going), hay giúp đỡ (accommodating), thân thiện (neighbority), dễ gần gũi (friendly), có mục tiêu (deliberate), vững vàng (steady), cảm thông (sympathetic), bình thản (slow-paced), luộm thuộm (laid-back), tốt bụng (kind), dễ mến (pleasant), hay trì hoãn (procrastinatior), trung thành (loyal), chu đáo (considerate), hay lệ thuộc (dependent), dễ chấp nhận (tolerant).

Các tính cách của người có phong cách C (Conscientiousness – Cầu Toàn): cẩn thận (careful), chính xác (correct), chi tiết, cụ thể (precise), hay nghi ngờ (doubting), lễ phép (respecful), hay lý luận (logical), thận trọng (cautious), cầu toàn (perfectionist), khiêm tốn (modest), có thứ tự (systematic), khiêm nhường (humble), tinh ý (observant), có kỷ luật (disciplined), bình tĩnh (restrained), hay phân tích (analytical), hay phê phán (critical)

Qua Bảng Khảo Sát Tính Cách Cá Nhân, có thể thấy hiện diện trong hội trường nhóm người S là đông nhất trong các nhóm người. Để biết mình thuộc nhóm người nào không có nghĩa là phải hội đủ cả 24 tính cách của nhóm người đó, mà là có nhiều tính cách của nhóm người đó nhất, vì mỗi người đều là sự trộn lẫn các tính cách của những phong cách khác nhau. Sau cuộc khảo sát, Mục Sư đi vào phân tích khuynh hướng cá tính của từng nhóm người. Mỗi khi phân tích đến nhóm người nào, thì những người theo khuynh hướng đó được Mục Sư mời gọi đứng lên để cộng đoàn vỗ tay tán thưởng.

Khuynh hướng của người có phong cách “D” - Thống Trị (Dominance), với tiêu chí “Thực hiện ngay!”, “Hãy Làm Ngay”. Họ có ưu điểm: Muốn công việc được thực hiện ngay; Bền bỉ/ Kiên trì trong công việc; Chịu trách nhiệm, là người có thể tin cậy được dù có giám sát hay không cũng đeo đuổi và làm việc cho đến cùng; Chấp nhận thử thách, càng khó khăn thì càng hăng hái trong công việc; Quyết định nhanh chóng; Giải quyết các vấn đề thực tế; Giỏi tổ chức, ứng phó; Làm việc chăm chỉ. Nhưng bên cạnh đó là những nhược điểm: Vô tình với người chung quanh; Xem thường những cảnh báo; Gánh vác quá nhiều việc; Đòi hỏi người khác quá nhiều; Thích kiểm soát; Thiếu kiên nhẫn; Không linh động và ít tuân phục; Thiếu chú ý vào chi tiết; Bực bội với những cấm đoán.

Khuynh hướng của người có phong cách “I” - Ảnh Hưởng (Influence), với tiêu chí “Muốn được chấp nhận”.  Họ có ưu điểm: Lạc quan; Duyên dáng; Có tài ăn nói, kể chuyện; Thích đám đông, vui nhộn; Nhiệt tình, hồn nhiên; Sáng tạo, hào hiệp; Có sức thuyết phục;  Thoải mái và thân mật. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Thiếu quan tâm đến người khác; Nói quá nhiều; Hành động bốc đồng; Hứa hẹn thiếu suy tính, mau quên; Coi mình là trung tâm; Lạc quan quá đáng; Vội vàng kết luận; Lạm dụng khẩu tài

Khuynh hướng của người có phong cách “S” – Điềm Tĩnh (Steadiness), với tiêu chí “Hòa thuận”. Họ có ưu điểm: Có khả năng quản lý; Trung thành; Kiên nhẫn, quân bình; Đáng tin cậy; Dễ dãi, thoải mái; Điềm tĩnh, biết tự chủ; Sẵn sàng lắng nghe; Coi trọng các mối quan hệ. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Chống lại sự thay đổi; Không biểu lộ nhiệt tình; Lưỡng lự, chần chừ; Không thẳng thắn, sợ mích lòng; Không chịu quyết định, thường để “Nước đến trôn mới nhảy”; Tránh né mâu thuẫn; Thiếu sự khởi xướng.

Khuynh hướng của người có phong cách “C” – Cầu Toàn (Conscientiousness), với tiêu chí “Thực hiện đúng!”. Họ có ưu điểm: Sâu sắc, trầm lặng; Có kỷ luật; Chu đáo, ngăn nắp; Hay phân tích; Tài năng và sáng tạo; Tỉ mỉ; Tiết kiệm; Chú tâm đến chất lượng. Bên cạnh đó là những nhược điểm: Cẩn thận thái quá; Dễ ngã lòng, chán nản; Nguyên tắc, thiếu sáng tạo; Nhạy cảm với sự phê phán; Quá chi tiết; Hay để ý lỗi lầm; Hay nghi ngờ, suy diễn; Bi quan.

Sau khi khám phá ra được khuynh hướng của mình và những người chung quanh, để giúp thông hiểu, đánh giá đúng tính cách mình và người khác cần Tôn Trọng Chính Mình Và Người Khác bằng cách tìm hiểu suy nghĩ, động cơ của từng nhóm cá tính vì “Thiên Chúa đem mọi người đến trong cuộc đời bạn, họ có những tính cách khác biệt với bạn” (x. 1 Cr 12,18-19). Cần xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn với những người Thiên Chúa đem đến trong cuộc sống mỗi người bằng cách: Cảm thông và đánh giá đúng mỗi tính cách trong bốn tính cách tiêu biểu (x. Rm 12,3-5); Nhận biết rằng sự khác biệt trong người khác được dự định để làm cho mình được hoàn hảo (x. 1 Cr 12,20-21); Hãy kết ước gầy dựng người khác qua lời nói và hành động của mình (x. Ep 4,29 - Rm 15,2). Hãy ngồi lại vì những tính cách độc đáo của nhau…

Để thông hiểu và tôn trọng người có chỉ số “D” cao cần biết đặc điểm cá tính về họ:

- Động cơ căn bản:  NHỮNG MỤC TIÊU; NHỮNG THÁCH THỨC

- Tình huống thuận lợi nhất: Liên tục được thách thức; Được tự do hành động; Công việc mang tính đa dạng.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận khó khăn; Từ chối sự trì trệ.

- Ưu điểm nổi trội: Làm cho công việc được thực hiện; Dứt khoát; Kiên trì.

- Nhược điểm chủ yếu: Thiếu nhạy bén với người khác, Thiếu kiên nhẫn, xem thường những rủi ro và bỏ qua những sự kiện. Không linh động, không chịu phục tùng.

- Cách ứng xử dưới áp lực:  Độc Đoán.

- Sẽ có ích lợi khi: Biết lắng nghe

- Người có khuynh hướng “D” là người thích khởi xướng, thích thay đổi, tập trung vào mục tiêu, biến ý tưởng thành hành động nhưng thiếu nhạy bén, không kiên nhẫn. Được thúc đẩy bởi kết quả, thách thức và hành động. Dành thời gian cho ngay bây giờ, sử dụng thời gian hiệu quả, thích đi thẳng vào vấn đề. Truyền thông một chiều, không biết lắng nghe, giỏi khởi xướng cuộc chuyện trò. Đáp ứng cảm xúc khách quan, không lệ thuộc. Ra quyết định dứt khoát, nhanh nhẹn, thích hành động, tâm trí lúc nào cũng đề ra mục tiêu.

Suy nghĩ của người có chỉ số "D"cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi có quyền KIỂM SOÁT”; “Tôi thích THAY ĐỔI mọi việc”; “Tôi muốn làm điều đó theo cách CỦA TÔI”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất quyền KIỂM SOÁT và không được THÁCH THỨC”

Trong Kinh Thánh, ông Phaolô là người có chỉ số "D" cao khi Phaolô được thúc đẩy bởi những mục tiêu đầy thách thức (x. Pl 3,13-14); Phaolô được hướng dẫn và đòi hỏi khắt khe (x. 2 Tx 3,10;14); Phaolô là nhà tranh luận đầy quyền năng và có sức thuyết phục (x. Cv 17,16-17; 33-34); Phaolô dứt khoát và kiên quyết trong hành động của ông (x. Cv 16,9-10).

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “I” cao:

- Động cơ căn bản: THÍCH ĐƯỢC THỪA NHẬN, NHỮNG LỜI KHEN.

- Tình huống thuận lợi nhất: Những cơ hội mới và đầy hứng thú; Được tự do khỏi sự điều khiển và chi tiết; Có cơ hội động viên người khác.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận cộng tác chung với người khác; Từ chối sự cô lập.

- Ưu điểm nổi trội: Lạc quan; Duyên dáng; Nhiệt tình

- Nhược điểm chủ yếu: Đánh giá cao bản thân; Lạm dụng khẩu tài; Thiếu lòng theo đuổi đến cùng.

- Cách ứng xử dưới áp lực: TẤN CÔNG

- Sẽ có ích lợi khi: Biết đeo đuổi mục đích

- Người có khuynh hướng “I” là người sáng tạo, nhiệt thành, thân mật, động viên và liên kết mọi người với nhau nhưng bốc đồng, không chú ý đến chi tiết hay các dữ kiện. Được thúc đẩy bởi sự công nhận, sự chấp thuận và điều gì thấy được. Dành thời gian cho tương lai, có xu hướng chạy theo điều hứng thú kế tiếp. Truyền thông nhiệt tình, sôi động, thường là một chiều, có thể làm người khác hào hứng. Đáp ứng cảm xúc lên xuống thất thường, dễ bị kích động. Ra quyết định bằng trực giác, tận dụng cơ hội dựa vào cảm xúc, thắng nhiều và thất bại cũng nhiều.

Suy nghĩ của người có chỉ số "I" cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi được VUI ĐÙA”; “Tôi thích MƠ VỀ mọi việc”; “Tôi muốn làm điều đó theo cách HÀO HỨNG”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất MẶT hay không ĐƯỢC THỪA NHẬN”

Trong Kinh Thánh, ông Phêrô là người có chỉ số "I" cao khi Phêrô ao ước mạnh mẽ rằng ông sẽ ảnh hưởng nhiều người vì cớ Tin Mừng (x. Lc 5,8-11); Phêrô tin vào điều không thể và sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm (x. Mt 14,28-29); Phêrô đã tuyên bố lời hứa lạ thường vì ông đầy lạc quan và tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp (x. Mc 14,27-31); Phêrô rất cảm tính và bốc đồng trong hành động của ông (x. Ga 21, 4-7; Mt 14,28-29)

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “S” cao:

- Động cơ căn bản: XEM TRỌNG CÁC MỐI QUAN HỆ; THÍCH ĐƯỢC TÔN TRỌNG

- Tình huống thuận lợi nhất: Cơ hội để phục vụ người khác; Ổn định và biết trước điều gì sẽ xảy đến; Thân thiện, môi trường bình yên

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận tình bằng hữu; Từ chối xung đột

- Ưu điểm nổi trội: Thích giúp đỡ; Dễ đồng ý; Trung thành

- Nhược điểm chủ yếu: Hay ngại nói thẳng; Từ chối sự thay đổi nhanh chóng; Khoan dung thái quá

- Cách ứng xử dưới áp lực: NHƯỢNG BỘ

- Sẽ có ích lợi khi: Là người khởi xướng

- Người có khuynh hướng “S” là người thích xây dựng các mối quan hệ, có kỹ năng liên kết con người, là một đồng đội hay một lãnh đạo tốt nhưng có thể hy sinh kết quả để giữ hòa khí, chần chừ trong quyết định. Được thúc đẩy bởi mối quan hệ, lời tán thưởng được phục vụ. Dành thời gian cho hiện tại, gây tổn thất đến công việc vì dành thời gian cho những mối quan hệ riêng. Truyền thông bằng thông tin hai chiều, biết lắng nghe, duyên dáng. Đáp ứng cảm xúc gần gũi, thân thiện. Ra quyết định bằng tương tác, thích người khác cho ý kiến, xây dựng sự hài hòa.

Suy nghĩ của người có chỉ số "S" cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là nơi tôi được BÌNH AN”; Tôi thích QUAN SÁT sự việc”; Tôi muốn làm điều đó theo cách DỄ DÀNG”; “Điều làm tôi sợ hãi nhất là mất sự ỔN ĐỊNH hay đánh mất TÌNH BẠN”

Trong Kinh Thánh, ông Ápraham là người có chỉ số "S" cao khi Ápraham phục tùng sự dẫn dắt của Chúa và rời bỏ sự bình yên nơi quê nhà (x. St 12,1-2,4); Ápraham tránh xung đột khi phải đối diện với tranh chấp (x. St 13,8-9); Ápraham là người trung thành và hay giúp đỡ người khác (x. St 14,14-16); Ápraham cầu xin Chúa tha thứ cho thành Xơđôm vì ông rất nhạy cảm với nhu cầu của dân chúng trong thành (x. St 18,22-23).

Đặc điểm cá tính cần biết để thông hiểu và coi trọng người có chỉ số “C” cao:

- Động cơ căn bản:  Động cơ ĐÚNG, Quan Tâm đến PHẨM CHẤT

- Tình huống thuận lợi nhất: Được định nghĩa cách rõ ràng; Giảm thiểu rủi ro; Yêu cầu chú ý đến chi tiết.

- Chấp nhận/Từ chối: Chấp nhận phương pháp và tổ chức; Từ chối sự thiếu kém về chất lượng.

- Ưu điểm nổi trội: Ngăn nắp; Chu Đáo; Hay phân tích.

- Nhược điểm chủ yếu: Thiếu tính đa dạng; Quá chi tiết; Quá thận trọng

- Cách ứng xử dưới áp lực: TRÁNH NÉ

- Sẽ có ích lợi khi: Khi bày tỏ ý kiến của mình

- Người có khuynh hướng “C” là người thích theo đuổi sự xuất sắc, hướng tới chất lượng, làm việc chính xác, tỉ mỉ nhưng thận trọng thái quá, quá tỉ mỉ nên quên mất thời gian. Được thúc đẩy bởi điều đúng đắn, chất lượng và xuất sắc. Dành thời gian cho quá khứ, làm việc thận trọng để đạt được sự chính xác. Truyền thông bằng cách biết lắng nghe, đặc biệt thích những công việc chi tiết. Đáp ứng cảm xúc một cách nhạy cảm, thận trọng. Ra quyết định bằng sự cân nhắc/thận trọng, dành thời gian để gom góp dữ liệu, tỉ mỉ.

Suy nghĩ của người có chỉ số "C" cao: “Thế giới lý tưởng của tôi là khi mọi sự quanh tôi đều XUẤT SẮC”; “Tôi thích NGHIÊN CỨU mọi việc”; Tôi muốn làm điều đó theo cách ĐÚNG ĐẮN”; Điều làm tôi sợ hãi nhất là làm SAI hay bị PHÊ PHÁN”.

Trong Kinh Thánh, ông Môsê là người có chỉ số "C" cao khi Môsê là người có tài năng và học thức cao (x. Cv 7,22); Môsê rất chu đáo và thận trọng khi đối diện với thách thức (x. Xh 3,10-11); Môsê đã trình bày đầy đủ luật lệ của Chúa cho dân Isarael và mong muốn họ tuân theo (x. Đnl 4,1-2); Môsê rất tận tâm, nhưng ông lại thấy khó chia sẻ gánh nặng trách nhiệm với người khác (x. Xh 18,13-18).

Bước thứ ba trong Giải Quyết Khác Biệt Trong Cá Tính là học cách tận dụng tính cách riêng của mình sao cho phù hợp với nhu cầu của người khác, nghĩa là Phát Triển Tính Linh Hoạt của bản thân để tìm đến thành công trong các mối quan hệ. “Thiên Chúa kêu gọi bạn hãy quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của người khác, chứ không chỉ của riêng mình” (x. Pl 2,3-4). “Điều này không tự nhiên mà đến” (x. Pl 2,19-21). “Đây là điều siêu nhiên. Hãy nhìn xem gương của Chúa Giêsu, cầu xin Thiên Chúa giúp bạn thành thật đặt lợi ích của người khác trên lên lợi ích của riêng bạn” (x. Pl 2,5-11). Tính linh hoạt nghĩa là sẵn lòng và khả năng làm cho phù hợp tính cách của bạn để đáp ứng nhu cầu của người khác (x. Pl 2,13).

Có năm bước để phát triển tính linh hoạt để thực hành khả năng linh động với người khác:

Bước 1. Nhận diện tính cách của người khác bằng cách quan sát.

Bước 2. Tập trung vào các nhu cầu của người khác.

Bước 3. Phát triển thái độ tích cực về tính cách của người khác: Chúng ta có khuynh hướng chú ý vào khuyết điểm của người khác, hơn là vào ưu điểm của họ … đặc biệt là với những người có tính cách khác biệt với mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa giúp đỡ để chú ý vào những ưu điểm của người khác, chứ không phải nhược điểm của họ.

Bước 4. Nhận diện các phạm vi gây căng thẳng: Chúng ta tự đánh giá mình theo quan điểm riêng, nhưng lại đánh giá người khác qua cách cư xử của họ và có khuynh hướng gây căng thẳng cho người khác bằng những việc chúng ta làm hay không làm. Khi căng thẳng xảy ra chúng ta muốn người khác thay đổi, nhưng không thay đổi chính mình. Để vượt qua thái độ ngăn trở này cần cầu xin Chúa thay đổi bản thân, xin Chúa giúp mình thực hiện các bước linh động để đáp ứng nhu cầu của người khác.

Bước 5. Thực Hiện Các Bước Linh Hoạt Để Đáp Ứng Các Nhu Cầu:

- Các Bước Linh Động Đối Với người "D": Lắng nghe nhiều hơn; Khích lệ người khác; Hãy kiên nhẫn; Giải thích tại sao; Đánh giá những rủi ro; Quan tâm hơn đến người khác; Hãy hỗ trợ; Hãy gần gũi, cởi mở; Bớt điều khiển người khác; Hãy sẵn lòng phục tùng.

- Các Bước Linh Động Đối Với người "I": Giảm tốc độ; Đừng bỏ dở công việc; Hãy tập trung vào kết quả; Đừng bốc đồng quá; Thực tế hơn; Hãy tự chủ với cảm xúc; Hãy đánh giá các hoạt động; Lắng nghe nhiều, bớt nói; Tập trung vào chi tiết và sự kiện; Sử dụng tính tự chủ.

Các Bước Linh Động Đối Với người "S": Hãy dứt khoát hơn; Hãy tập khởi xướng; Tăng nhịp độ nhanh hơn; Hãy thẳng thắn hơn; Hãy sẵn sàng thay đổi; Sẵn sàng đương đầu với nan đề; Nhiệt tình hơn với các ý tưởng; Đừng nhạy cảm quá; Cần làm việc theo đúng thời hạn; Hãy tự tin hơn.

Các Bước Linh Động Đối Với người "C": Đáp ứng nhanh hơn; Liều lĩnh nhiều hơn; Tin cậy trực giác của bạn; Lạc quan hơn; Đừng sợ hãi quá; Đừng bị gò bó, tự nhiên hơn; Đừng đòi hỏi quá nhiều sự kiện; Phát triển các mối quan hệ; Tập trung vào điều tích cực; Hãy linh động hơn.

Các nhân vật trong Kinh Thánh của từng nhóm cá tính được phân tích trên đã được Thiên Chúa sử dụng trong sự quan phòng của Ngài. Đối với từng nhân vật, Chúa đã cách đối xử thích hợp:

- Đối với Phaolô, người có chỉ số “D” cao: Chúa đã sử dụng kinh nghiệm trên đường Đamát để làm Phaolô chú ý (x. Cv 9,3-5); Chúa đã đặt vấn đề trực tiếp đối với Phaolô (x. Cv 9,6); Chúa đã cho phép Phaolô phát triển chức vụ tại các lãnh thổ mới và chưa được khám phá (x. Rm 15,20-21); Chúa cho phép Phaolô mang “cái dằm” để giữ ông luôn nương dựa vào Chúa (x. 2 Cr 12,6-7).

- Đối với Phêrô, người có chỉ số “I” cao: Chúa đã khiến cho Phêrô chú ý bằng trí tưởng tượng của ông (x. Lc 5,4-5); Chúa đã khẳng định với Phêrô tính cách của ông và làm cho ông cảm thấy mình quan trọng (x. Mt 16,15-17); Chúa đã đảm bảo với Phêrô một địa vị có ảnh hưởng (x. Mt 16,18-19); Chúa đã ban cho Phêrô những cơ hội có ảnh hưởng người khác qua lời nói (x. Cv 2,40-41).

- Đối với Ápraham, người có chỉ số “S” cao: Chúa đã ban cho Ápraham lý do cụ thể để thay đổi tình trạng hiện tại của ông (x. St 12,1-3); Chúa đã kiên nhẫn ban cho Ápraham thời gian thích đáng để đáp ứng với sự thay đổi (x. St 13,14-15;17); Chúa đã tạo ra môi trường đầy khích lệ và làm cho Ápraham cảm thấy được an toàn (x. St 15,1); Chúa đã thử đức tin của Ápraham bằng cách yêu cầu ông dâng con trai là Isaác (x. 22,1-2).

- Đối với Môsê, người có chỉ số “S” cao: Chúa đã xác định với Môsê Ngài là ai bằng cách cung cấp bằng cớ rõ ràng (x. Xh 3,2.4.6); Chúa đã rất chi tiết khi truyền đạt kế hoạch của Ngài với Môsê (x. 3,7-8.10); Chúa đã thừa nhận Môsê là người thận trọng và Ngài kiên nhẫn hướng dẫn ông những điều ông quan tâm (x. Xh 3,13-14); Chúa đã cho Môsê những trọng trách đòi hỏi ông vừa chính xác vừa dung hòa (x. Xh 3,2.4.6).

Đối nhân xử thế trong cuộc sống vẫn là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm, trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới gần như đã trở thành “ngôi làng toàn cầu”, nhu cầu cùng nhau làm việc là điều tất yếu, vì thế cần phải  “biết người, biết ta” để cuộc sống được dung hòa. “Bí quyết thu phục nhân tâm” là một trong những cách giúp Kitô hữu hòa vào môi trường sống và nhận ra ân huệ Chúa ban cho mỗi người với những điểm mạnh yếu khác nhau, cũng là bổ khuyết cho nhau trên con đường lữ thứ trần gian.

Sàigòn, ngày 19 tháng Năm, 2011.

Ms Phan Đình Nhân thuyết trình

Tạ Ân Phúc tường trình.

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch