Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm B

Ga 10, 11-18

CN_4PSBÐối với những người sống ở các miền quê có chăn nuôi những đàn súc vật lớn, như : Bò, chiên, cừu, v.v... thì hình ảnh « người mục đồng và đoàn vật » hay nói theo danh từ Kinh Thánh thường dùng : « Người mục tử và đoàn chiên », « chủ chăn và đoàn chiên », là một hình ảnh hoàn toàn quen thuộc, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của họ. Cách đây chưa lâu, có một bạn thanh niên đã phát biểu trong giờ chia sẻ Kinh Thánh ở hội đường giáo xứ nọ như sau : « Theo thiển ý, tôi nhận thấy bài Phúc Âm nói về chủ chăn và đoàn chiên là không đúng.Vì trong đó tôi, một người giáo dân, được coi như là một chú chiên'.

Thành thực mà nói, tôi không bao giờ chấp nhận được điều đó ! Người bạn trẻ của chúng ta đã có cảm nghĩ như vậy, và có lẽ trong chúng ta cũng có người nghĩ như vậy, bởi vì một hình ảnh quá đẹp và thân thương như thế trải qua bao thế kỷ đã bị làm lệch lạc méo mó đi, do người ta chỉ trinh bày và đề cập tới một vài khía cạnh nào đó của nó. Và sự hiểu làm thật tai hại : Những người giáo dân bị hạ thấp xuống thành đoàn chiên gia súc, còn các cha xứ lại được đề cao là mục tử, là chủ chăn ! Theo cách đơn giản hóa như thế, người ta có thể nêu ra một câu hỏi châm biếm : Tại sao Ðức Giêsu được gọi là « mục tử », còn các Ðức Giám Mục trong các Giáo phận lại được gọi là « mục tử thượng cấp» ?

Dĩ nhiên, không một vị Linh mục Quản xứ nào, không một vị Giám mục hay một vị Giáo Hoàng nào còn nghi ngờ về sự thật : chỉ một mình Ðức Giêsu mới là người « Mục Tử Nhân Lành », Ðấng vượt trên mọi « mục tử thượng cấp » cũng như mọi « mục tử hạ cấp », và là mẫu mực cho mọi mục tử khác phải noi theo, phải học hỏi !

Hình ảnh « Người chủ chăn » hay « Người chăn chiên » là một hình ảnh kỳ cựu, đã có từ lâu đời như chính nền văn hóa nhân loại vậy. Trước khi con người biết sống định cư, biết cày cấy và biết họp thành làng mạc, con người đã sống đời du mục nay đây mai đó với đoàn vật, như bò, chiên, cừu. Bổn phận chính của người chăn đoàn vật là phải tìm kiếm bãi cỏ xanh và suối nước cho đoàn vật của mình. Anh phải biết thật rõ các miền có bãi cỏ xanh tốt và phải luôn luôn tiếp tục tìm kiếm và khám phá ra các bãi cỏ như thế mãi, chứ không được giam hãm đoàn vật lại trong một bãi cỏ quá lâu được. Ðiều đó thường khiến người chăn chiên phải đi vào những vùng đất xa lạ hẻo lánh và nguy hiểm. Dĩ nhiên, tất cả chỉ vì lo tìm kiếm thức ăn cho đoàn vật mà thôi !

Nhưng ở trong một vùng đất hẻo lánh như thế, những người chăn chiên cần phải luôn tĩnh thức để canh giữ đoàn vật, đặc biệt vào ban đêm. Ðoàn vật dù đang ở trong chuồng chỉ cảm thấy được an thân yên ổn, khi biết chắc chằn rằng người chăn chúng luôn tĩnh thức canh phòng chống lại tất cả những kẻ trộm cướp hay các thú dữ. Chính trong đêm tối mới chứng minh được sự trung thành của người chăn chiên với đoàn vật của anh. Nếu chính người chăn đoàn vật lại nhát đảm yếu nhược thì đoàn vật cũng luôn trong tình trạng bất an sợ hãi. Một bổn phận thứ ba của người chăn trong thời kỳ du mục là đi tìm kiếm những con chiên bị thất lạc và những con chiên đang gặp khó khăn hoạn nạn.

Trong Tân Ước hình ảnh « Người chăn chiên nhân hậu » ám chỉ Ðức Giêsu. Vì trong thực tế, chính Người là Ðấng đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, cho loài người chúng ta. Ðức Giêsu là « Ðấng Chăn Chiên », vì Người là hiện thân của sự săn sóc và thương yêu của Chủ Chăn đích thực là Chúa Cha đối với nhân loại.

Ðồng thời Ðức Giêsu muốn rằng tâm tình Người Mục Tử Nhân Hậu của Người phải được tiếp tục chuyển ban từ người này đến người kia trong suốt dòng lịch sử. Do đó Người đã trao ban sứ mệnh Mục Tử cho thánh Phêrô và các thánh Tông Ðồ khác. Nhưng điều quan trọng ở đây là đoàn chiên phải nhận biết được tiếng của Ðức Giêsu. Tiếp đến, một điều quan trọng khác nữa là đoàn chiên phải cảm nhận được là người chăn của mình luôn đi tìm cho mình đồng cỏ xanh tốt, bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm và luôn đi tìm kiếm những con chiên bị thất lạc.

Nói tóm lại, theo gương sáng của người chăn chiên nhân hậu của Chúa Cứu Thế, Giáo Hội và con người hôm nay cần đến những vị Linh mục, các Thầy Phó tế, các Nam Nữ Tu Sĩ và các cộng tác viên đắc lực trong công tác Mục Vụ cho nhân loại. Cũng vì thế, hằng năm Giáo Hội đã tổ chức các khánh nhật cầu nguyện cho ơn gọi, xin Thiên Chúa đánh động và chọn lựa các thanh thiếu niên biết hy sinh hiến thân cho việc mở rộng Nước Trời trong các tâm hồn.

LM Nguyễn Hữu Thy