Tự ty mặc cảm, sống khép kín, ngại ngùng hoặc lẩn trốn khi phải giao tiếp với những người chung quanh… Đó là một trong những dấu hiệu mà thường ngày chúng ta thấy đôi khi xảy ra với chính mình, với con cái, hoặc với những người mình quen biết.

Trạng thái này được gọi là thiếu tự tin (Low Self-Esteem). Tuy không phải là một hội chứng tâm lý hoặc tâm thần, nhưng nếu chúng kéo dài mà không kịp thời chữa trị, nó sẽ dẫn đến những bất ổn về tâm sinh lý như trầm cảm, giận hờn, bực tức, ăn uống bất thường (anorexia), hoặc trở thành nguyên nhân đưa đến những thói quen không lành mạnh như nghiện hút, rượu bia, hoặc xì ke, ma túy.[1]

 TỰ TIN (SELF-ESTEEM) [2]

 Thái độ sống và cách biểu lộ tình cảm của mỗi người đều có những nét đặc thù, riêng tư và hầu như không ai giống ai. Tuy nhiên, sự khác nhau chỉ là mức độ giữa thái quá hoặc bất cập của từng người, và sau đây là một số dấu hiệu chung của thái độ được cho là tự tin mạnh mẽ: 

 1.Những Dấu Hiệu Của Tự Tin

 Người tự tin rất dễ nhận diện trong những giao tiếp xã hội. Họ thu hút được sự yêu mến và chú tâm của những người chung quanh. Họ là người:

 *Biết sự khác biệt giữa thái độ tự tin và tính kiêu căng.

*Không sợ bị người khác nhận định hoặc phê phán.

*Không tìm làm hài lòng người khác hoặc tiếng khen.

*Không ngại sự xung đột.

*Có khả năng tự kiềm chế.

*Có khả năng tránh những ham muốn và phân tích những ý kiến.

*Xác quyết, nhưng không đòi hỏi.

*Không nô lệ cho sự toàn mỹ.

*Không ngại để bắt đầu một chuyện.

*Không sợ thất bại.

*Không cảm thấy thấp kém.

*Chấp nhận con người thật của mình.

 2. Tự Tin Là Gì? 

 Tự Tin (Self-Esteem) là cách một người nhận thức và đánh giá về chính mình, dựa trên những quan niệm và niềm tin về mình. Điều này có thể giúp chúng ta mỗi khi:

 *Lượng giá về bản thân.

*Quyết định và xác định một vấn đề.

*Nhận thức những điểm mạnh và tích cực.

*Thử thách những điều mới và khó khăn.

*Bình tĩnh trước những gì mình ham muốn.

 Ngoài ra, nó cũng giúp chúng ta biết lạc quan, dễ dãi và biết cách đối đãi công bình với chính mình. Đặc biệt, biết bỏ qua những khuyết điểm quá khứ mà không nặng lòng, ôm ấp đau khổ, hoặc qui lỗi cho mình.  

 3.Nguyên Nhân Thiếu Tự Tin

 Những điều làm ảnh hưởng đến thái độ tự tin khác nhau tùy từng mỗi cá nhân, chúng có thể thay đổi đột ngột; đặc biệt, khi một người bị rơi vào tình trạng căng thẳng, hoặc những vấn nạn liên quan đến sức khỏe tâm thần. Thí dụ:

 *Bị bắt nạt hoặc bị lạm dụng.

*Kinh nghiệm bị kỳ thị, bị khinh thường hoặc bị xúc phạm.

*Mất việc hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm công ăn việc làm.

*Khó khăn trong công việc hoặc việc học hành.

*Tiếp tục bị căng thẳng.

*Những vấn nạn về sức khỏe thể lý.

*Những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

*Khó khăn trong việc giao tiếp, ly thân hoặc ly dị.

*Lo lắng về ngoại diện và hình hài thân thể.

*Khó khăn về tài chính hoặc nhà cửa.

 Những kinh nghiệm trên và những khó khăn không có trong những điều vừa kể là lý do có thể dẫn đến thái độ thiếu tự tin. Nhưng trong bất cứ những gì ảnh hưởng đến lòng tự tin, điều quan trọng là chúng ta phải nhớ rằng mình có quyền để cảm thấy hạnh phúc về chính mình. Điều này có thể đem lại khó khăn trong thay đổi, nhưng không có nghĩa là ta phải hoàn toàn lệ thuộc vào những gì là tiêu cực. 

 4.Thiếu Tự Tin Là Bệnh Tâm Thần?

 Theo tâm lý học, thiếu tự tin tự nó không phải là tâm bệnh, nhưng nó có liên quan rất gần gũi với tâm bệnh. Nếu những điều này ảnh hưởng đến lối sống và suy nghĩ thiếu tự tin kéo dài mà không được trị liệu, chúng có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc những hội chứng về tâm lý.

 Trong số những kinh nghiệm về thiếu tự tin có thể được coi như những dấu hiệu của tâm thần, bao gồm:

 *Cảm thấy vô vọng và vô dụng.

*Tự trách mình một cách vô cớ.

*Tự ghét chính mình.

*Lo lắng về những chuyện không hề xảy ra.

Mặt khác, một hội chứng tâm thần cũng có thể gây ra tình trạng thiếu tự tin, và nó có thể trở nên khó lòng hơn để phục hồi hoặc chữa trị.  

 1.  PHỤC HỒI TỰ TIN [3]

 Tâm lý học không gọi trạng thái thiếu tự tin là tâm bệnh, trừ khi tình trạng này kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và dẫn đến những hội chứng tâm lý như depression (trầm cảm), anxiety (lo lắng, bực bội), hoặc hội chứng tự nhịn ăn hoặc ăn không kiểm soát ((anorexia).

 Tóm lại, khi nhận thấy mình, con cái, hoặc bạn hữu có những thái độ và lối sống thiếu tự tin, việc làm trước hết là tự chữa trị, hoặc giúp người khác. Bằng cách:       

 1.Điều Chỉnh Suy Nghĩ Và Niềm Tin

   -Suy nghĩ lạc quan. Đời đáng sống và cuộc sống mỗi người rất đáng quí. Cần phải trân trọng.

 -Tập tha thứ cho mình. Con người ai cũng có khuyết điểm và sơ sót. Hãy tự tha thứ cho mình và can đảm đứng lên. Tha thứ cho mình là bước khởi đầu và cần thiết để tha thứ cho người khác.

 -Không dùng những chữ “phải”, hoặc “tại sao?” Đó là thứ ngôn ngữ đưa tới những suy nghĩ và phán đoán tiêu cực, một chiều và không lối thoát. Đứng trước một quyết định, ta nên hỏi mình: “Có lý do tích cực nào để tôi thực hiện việc này không?”     

 -Chú tâm vào những điều tích cựcNhững việc làm, những lời nói, những suy nghĩ tích cực sẽ đem lại hạnh phúc, vui tươi, và yêu đời. Cuộc sống buồn là một cuộc sống đáng buồn.

 -Quan tâm vào những gì cần học hỏi. Biển học bao la, đừng tự cho mình là đủ. “Cao nhân tất hữu cao nhân trị.” Mình giỏi có người giỏi hơn.  

 -Khích lệ chính mình. Tự khích lệ mình qua những bước tiến và thành công dù nhỏ nhoi. Nhưng, “Nếu đời cho ta một trái chanh, hãy dùng nó để làm một ly chanh đường”. Chuyện khó gì rồi cũng qua, điều cần là phải biết nhìn về phía trước.

 2.Tự Quan Tâm Và Chăm Sóc   

 Nên nhớ rằng trong cuộc sống thường ngày, mình xứng đáng được nhận sự săn sóc đặc biệt. Cuộc sống có giới hạn, thế nên hãy: 

 -Tự săn sóc cho mình. Tuân theo những chỉ dẫn về sức khỏe. Ăn uống điều độ, thuốc thang khi đau yếu. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ăn nhiều trái cây và rau, củ, quả. Giới hạn đồ ngọt, những thức ăn tạp và mỡ béo động vật.

 -Làm điều mình ưa thíchLàm những gì mình thích, và thích những gì mình làm là tâm lý tích cực. Thí dụ, đọc sách, nghe nhạc, viết lách, hội họa, đi dạo, câu cá, xem phim, thưởng thức tách trà, ly cà phê, hoặc những sinh hoạt hội đoàn, xã hội. Hãy tự thưởng mình bằng những thú vui thanh tao, lành mạnh, và hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc, chứ đừng ngồi một mình để “nhìn đời hưu quạnh”, và “không biết đêm nay vì sao tôi buồn!” [4]

 -Giao tiếp xã hội. Xã hội tính là một đặc tính bẩm sinh. Con người ai cũng cần có bạn. “Có được một người bạn quí như sở hữu một kho tàng”. [5] Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Giầu vì bạn, sang vì vợ”. [6] Đặc biệt những người cho ta cảm giác dễ gần, dễ mến, dễ giao tiếp. Đừng quan tâm đến những người chỉ khiến ta cảm thấy khó chịu và đối xử thiếu tế nhị với mình để rồi tự đóng kín lòng mình bằng ý nghĩ tiêu cực như, “trên đời này không ai tốt với ta cả!”  

 Trần Mỹ Duyệt

  __________________

  Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.webmd.com/mental-health/signs-low-self-esteem
  2. Self-esteem. www. Mind.org.uk
  3. Self-esteem: Take steps to feel better about yourself. By Mayo Clinic Staff
  4. Đèn Khuya- Lam Phương.

5.“A faithful friend is a sure shelter, whoever finds one has found a rare treasure. A faithful friend is something beyond price, there is no measuring his worth.” (Sirach 6:14-16).

  1. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam.