Ngày 1 tháng Một dương là Tết Tây Dương Lịch và ngày 1 tháng Hai dương lịch năm 2022 chính là ngày mùng 1 Tết Ta âm lịch Nhâm Dần, nhà cháu hy vọng phần nhớ nghĩ về mùa Xuân nhỏ nhoi này mang lại ít niềm vui cho quý vị. Tại sao David chia nhỏ ra vì vui Xuân thật trong lòng là một bên.

  Còn một mùa Xuân buồn trong ta như đón xuân nơi tha hương viễn xứ với các câu hỏi day dứt trong lòng chẳng hạn như: "- Mùa Xuân nào ta về? Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, v.v…" và những đề mục tế nhị khác xin dành cho đợt viết khác.

      Hồi còn đón xuân trên quê hương lời bài hát Hoa Xuân làm cho nhà cháu bâng khuâng vì nghĩ chắc chỉ có các em bé thơ mới vui khi xuân về vì có thể có áo mới, nghe tiếng pháo nổ, có cơm Tết gia đình đông vui và ngon hơn ngày thường, có kẹo mứt bánh chưng và có tiền mừng tuổi.

      Giờ đây đã bao nhiêu Tết trôi qua bên xứ người thì nhà cháu chợt hiểu là… cháu vẫn đang hát câu i tờ đón Xuân Nhâm Dần 2022. Xin các vị có tranh ảnh được tải từ trên các trang mạng xuống bài viết này nhận cho lời chân  thành cảm ơn quý vị và lời chúc xuân của kẻ i tờ đón Xuân này.

      "Xuân! Hoa nở vì ai. Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai. Có một chàng thi sĩ miền quê. Ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Có một đàn em bé ngoài đê, hát câu i tờ đón Xuân về.”

(Trích nhạc phẩm Hoa Xuân của Nhạc sĩ Phạm Duy.)

      Xuân có từ đâu đến? 

      Đối với hơn 1.4 tỷ người tín hữu Công Giáo và Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới hôm nay thì họ được học biết trong Chương thứ 1 của Sách Sáng Thế Ký ghi rằng Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra Vũ Trụ, Con Người, và mọi sự. Ngài làm ra mặt trời, trăng, các vì sao để soi sáng ngày đêm và làm ra các mùa theo các chu kỳ tuần hoàn. 

      Do đó Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa là Chủ của vũ trụ-không gian-thời gian và mọi sự vì vậy Thiên Chúa thực sự là Chúa Tể của mùa Xuân. Ngài chính thực là Chúa Xuân duy nhất.

      Nhà cháu xin quay về với văn hóa cổ truyền Việt Nam và với tâm thức của đồng bào ta để tiếp tục chuyện này vậy.

      Nếu ta nhớ lại những Lễ Dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương (2879 trước Công Nguyên - 258 trước Công Nguyên) tại mỗi Hội Chợ Tết Việt Nam trước đây (xem hình chụp) là phải có Bánh Chưng - Bánh Giầy tượng trưng (xem hình) cho Trời tròn Đất vuông. Bánh dùng tế lễ này với sự tích vua Hùng Vương cuối ngành thứ 6 có 33 Quan Lang (là các con trai tức Hoàng Tử) và 19 Mỵ Nương (các con gái tức Công Chúa).

     Trong thời trị vì của ngài là đức Hùng Hy Vương (1712 trước Công Nguyên? - 1632 trước Công Nguyên?) đã có các sự tích - Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân mà nay có tượng đồng là thánh tổ Binh chủng Thiết Giáp còn ở giữa Sàigòn (xem hình), - nghề dệt với Mỵ Nương Thiều Hoa và các tên gọi tằm, ngài, kén, lụa, nhộng, dâu.

      Nhưng sự tích đặc biệt nhất chính là về Bánh Chưng và Bánh Giầy ngày Tết xét theo mọi ý nghĩa văn hóa, ẩm thực, tín ngưỡng và tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên (ancestors' worship) và đây đã là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có việc các Quan Lang là Hoàng Tử phải thi tuyển bằng tài năng làm lễ vật dâng cúng kính nhớ Quốc Tổ Hùng Vương để được truyền ngôi Hùng Vương nối nghiệp - chứ không theo vị thế là người con trai cả hoặc được chọn theo ý riêng của vị Vua cha.

      Và theo ý nghĩa thiêng liêng về đàng tâm linh thì chàng hoàng tử nghèo là Lang Liêu đã được thần linh dạy bảo ý nghĩa và cách làm Bánh Chưng-Bánh Giầy bằng tất cả các sản vật của nền văn minh lúa nước như lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, hạt tiêu, hành, lạt tre chứ không phải những kỳ trân dị bảo hay hàng hiếm độc lạ. Lang Liêu thắng cuộc thi tài này với Lễ vật dâng cúng là Bánh Chưng Đất vuông- Bánh Giày Trời tròn và được vua Hùng Hy Vương (cuối ngành thứ 6 truyền ngôi) để mở đầu Hùng Vương ngành thứ 7 (Hùng Chiêu Vương trải dài khoảng 200 năm.)

      Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ ngày nay gọi là Đền Thượng có Kính Thiên Lĩnh Điện tức là Điện Kính thờ Trời của các đức Hùng Vương dâng tế lễ cầu Trời xin cho quốc thái dân an, vật thịnh, phong đăng hòa cốc tức là cầu xin Thượng Đế là Đấng Toàn Năng Tối Cao (the Creator, the Almighty Lord) ban cho đất nước an bình, con dân khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. 

      Cần nói rõ đây là tín ngưỡng nguyên thủy Kính thờ Ông Trời, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng của Vương Quốc Văn Lang thời Hồng Bàng (2879 trước Công Nguyên - 258 trước Công Nguyên).

      Điều đặc biệt hy hữu nhất chính là ở bên phía Đông của đền Thượng còn lại ngôi mộ đất của vị vua Hùng Vương cuối ngành thứ 6 này. Sau đó nhà Nguyễn trong các năm 1870 và 1922 đã tu sửa tôn tạo lại thành Lăng Hùng Vương như hiện nay (xem hình).

      Có quý vị sẽ hỏi mình là Phật tử đầu năm lên chùa hái lộc đầu xuân mà. (xem hinh chụp hái lộc tại Chùa Pháp Vân Mississauga và tại Nhà Thờ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto.)

      Vâng thưa các vị, đúng là Phật giáo đã được bản địa hóa tại Việt Nam và trở thành quốc đạo hưng thịnh nhất thời kỳ Lý-Trần (1009-1225 & 1225-1414).

      Thư tịch cổ nhất ghi chép trong truyện Nhất Dạ Trạch thuộc tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái của tác giả Trần Thế Pháp thời nhà Trần Việt Nam (1225-1414) cho biết rõ: truyền thuyết thánh Chử Đồng Tử kết duyên với Mỵ Nương Tiên Dung. Sau đó ngài đi tu học đạo Phật với tỳ kheo Phật Quang từ Ấn Độ sang truyền đạo tại Văn Lang trong thế kỷ thứ 4 đến thứ 3 trước Công Nguyên. Đó là vào thời kỳ vua Hùng Vương cuối ngành thứ 18 tức là Hùng Duệ Vương trị vì (408 trước Công Nguyên - 258 trước Công Nguyên).

      Tức là theo huyền sử trên đây thì tín ngưỡng thờ Trời, và tế lễ ông bà tổ tiên với Bánh Chưng - Bánh Giầy có trước khi đạo Phật trưyền đến Việt Nam ít nhất đã có hơn 1300 năm dài (13 thế kỷ) tính từ năm 1632 trước Công Nguyên.

      Khi nhớ về di sản văn hóa dân tộc và thi ca mùa xuân của Việt Nam trong hơn 4901 năm qua có bao nhiêu năm là hưởng được an bình no ấm thái hòa (2879 trước Công Nguyên - 2022)?.

      Điều lại cũng đặc biệt nhất là đối với đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) húy danh Trần Khâm.

      Ngài được sanh ra ngay sau khi ông nội là Hoàng đế Trần Thái Tông (1218-1277) và cha ngài là Hoàng thái tử Trần Hoảng (1240-1290) vừa cùng cả nước đánh thắng quân Nguyên-Mông xâm lược nước ta lần thứ 1 (17/1 đến 28/1/1258) và mừng chiến thắng khải hoàn vào ngày mùng 1 Tết âm lịch 1258 tức mùa Xuân âm lịch Mậu Ngọ, năm Nguyên Phong thứ 8 của thời Hoàng Đế Trần Thái Tông.

      Ngài Phật Hoàng đế Trần Nhân Tông (Buddha-Emperor Trần Nhân Tông) lớn lên trong thời hòa hoãn của vua cha Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278) và sau khi chính ngài được truyền ngôi từ năm 1278 thì cuộc đời và thời kỳ trị vì của ngài (1278-1293) được viết nên như những trang sử hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam với danh hiệu "Hào Khí Đông A" vì chỉ riêng với 2 cuộc chiến tranh kháng chiến chống quân Nguyên-Mông vào các năm 1285 và 1288 đã đưa tên tuổi của ngài và cha vợ của ngài là Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, là hai vị trong các Đấng Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam kiệt xuất nhất.

      Nhưng đang ở đỉnh cao của ngôi vị quốc chủ Vương quốc Đại Việt, vào năm 1293 Hoàng Đế Trần Nhân Tông đã truyền ngôi lại cho con là Hoàng Thái Tử Trần Thuyên tức Hoàng Đế Trần Anh Tông. 

      Không chịu ngồi yên ở hành cung của Thái Thượng Hoàng ở Thiên Trường, Nam Định, ngài rời bỏ cung vàng điện ngọc, ngôi báu, vợ đẹp con xinh, binh hùng tướng mạnh… để vào rừng núi Vũ Lâm, Ninh Bình đi tu sau đó lại dùng cơm tương cà, mặc áo vải thô, đi bộ khắp đất nước Đại Việt thăm các làng quê và giảng giải Ngũ Giới-Thập Thiện cho nhân dân.

      Năm 1299 ngài lên núi cao Yên Tử, Đông Triều, Quảng Ninh để tu khổ hạnh (ascetic Buddhist monk) với danh hiệu sau này ghi chép là Hương Vân Đại Đầu Đà và xây dựng lên Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

      Điều đặc biệt nhất về các mặt Mỹ học, Thiền Học, Triết Học, Văn học là dù phải trải qua bao khó khăn gian khổ trong đời nhưng những bài thơ thiền của ngài còn truyền lại cho đến hôm nay cho thấy: ngài là nhà thơ của mùa xuân, với những bài thơ xuân hầu hết trong các ngự thi của ngài. Ngài vẽ đẹp, thổi sáo hay nên ý vị thơ thiền của ngài rất đẹp và thật sự khó diễn tả hết. Ngài làm thơ về mùa xuân nhiều nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.

      Với tư cách được ăn theo là mang tên dòng họ Đông A của ngài, nhà cháu xin chuyển ý có kèm hình cho ít bài thơ mùa Xuân của đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Thiên Trường vãn vọng

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô, bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận.

Bạch lộ song song phi hạ điền.


Chiều quê ở Thiên Trường

Xóm trước thôn sau mờ khói phủ

Bóng chiều dường Có nửa dường Không

Trẻ dẫn trâu về theo tiếng sáo

Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng.

 (David Trần chuyển ý kèm các hình)


Xuân hiểu (âm đọc chữ Hán-Việt)

Thụy khởi khải song phi,

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách sấn hoa phi.


Sáng mùa Xuân 

Ngủ dậy, mở cửa sổ,

Xuân đã về nào hay!

Một đôi bươm bướm trắng,

Phất phới nhắm hoa bay!

  (David Trần chuyển ý)

 

Xuân vãn

Niên thiếu hà tằng liễu Sắc Không

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung

Như kim khám phá Đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.


Chiều Xuân

Tuổi trẻ chưa tường lẽ Sắc Không,

Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Chúa Xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ, ngồi yên, ngó rụng hồng.

(Cụ Ngô Tất Tố dịch)

      Vâng thưa quý cụ và các vị, như lời đức Phật Hoàng Đế Trần Nhân Tông viết trên đây; sau khi từ bỏ mọi sự thế tục, tu tập thiền định thì ngài nhận biết rõ thêm được vị Chúa Xuân chính là Ông Trời, là Đấng Toàn Năng Hằng Hữu. Thuở trẻ hoa nở và xuân đến rộn tơ lòng nay ngồi yên trên đệm cỏ nhìn cánh hoa hồng rụng mà vẫn thấy mùa Xuân và cảm nhận được khuôn mặt của Chúa Xuân. Xin nêu chứng minh rõ ràng nhất như sau:

Trong các Thi Văn tuyển Đại Việt còn sưu tập được cho đến hôm nay, bài ngự thi của Đức Phật Hoàng trên đây Xuân vãn có nhắc đến Đông Hoàng diện nhưng có người sẽ không đồng ý đó là ám chỉ Ông Trời và Chúa Tể của mùa Xuân. May quá, trong bài ngự thi Động Thiẻn hồ cảnh của ngài kèm dưới đây thì không thể nghi ngờ gì được nữa.

Động Thiên Hồ cảnh 

Động Thiên Hồ thượng cảnh,

Hoa thảo giảm xuân dung.

Thượng Đế liên sầm tịch,

Thái thanh thì nhất chung!


Cảnh hồ Động Thiên

Hồ Động Thiên hiu quạnh,

Hoa cỏ kém nét Xuân.

THƯỢNG ĐẾ thương hồ lạnh

Bầu trời xanh chuông ngân!

(David Trần chuyển ý)


Đi giữa những rặng thông đàn hay hàng cây xích tùng cổ gần 800 năm tuổi do Phật Hoàng cùng mọi người trt.3A để ngày sau con cháu lên non Yên Tử không phải chịu nắng và âm thanh rừng núi đã có âm thanh như tiếng chuông từ trên trời ban xuống. Viết tới đây nhà cháu nhớ đến hai điều. 

Trong một bài hát phụng thờ Chúa Thánh Thể; " Đây lòng Chúa ái tuất không bến bờ!" , và trong bài hát tôn kính Đức Mẹ " Mẹ từ bi lân tuất" các chữ ái tuất, từ bi lân tuất chắc là phải mang ý nghĩa cao cả của Lòng Thương Xót (Divine Mercy) mà nay đồng bào vẫn ca tụng là ơn Chúa và Đức Mẹ dủ lòng thương, Trời thương là đây: Thượng Đế liên sầm.

      Nét hòa đồng Tôn giáo Đại Việt thời Trần được thể hiện qua hình ảnh con cò trắng và bướm trắng là những ý niệm của Lão giáo. Nét đẹp là đây.

      Trong những ngày xuân chúng ta được cảm nhận các ước vọng của mọi người như sang giàu, sống lâu, khỏe mạnh, con đàn cháu đống. Y như nhà̀ thơ Tú Xương Trần Tế Xương (1870 -1907) đã viết trong bài thơ Chúc Xuân ai cũng mong được như ý như phát quan tước sang giàu sống lâu đông con (nếu ai cũng được thì mọi sự sẽ ra sao ngày sau?)

      Và bên cạnh những lời chúc cho quý vị mọi sự như ý theo lẽ đời thường thì nhà̀ cháu i tờ này xin kính chúc các vị được thật sự hưởng ơn phước của Lời Chúc Nguyện trích trong Sách Dân số được đọc trong cả hai Thánh Lễ Tết Dương Lịch 1/1/2022 ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới và trọng kính Đức Mẹ Thiên Chúa (Solemnity Feast of Holy Mother of God and World Peace Prayers) và Thánh Lễ đón Giao Thừa Xuân Nhâm Dần của các tín hữu Công Giáo (New Lunar Year's Eve):

      Lời chúc nguyện đầu năm 2022 Lễ trọng

      Bài đọc 1 trích sách Dân số (Ds 6, 22-27)

      Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’ Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

      Vâng chỉ có Lời Thiên Chúa chúc lành, Thiên Chúa ban bình an, ghé mắt nhìn và dủ lòng thương, gìn giữ chúng ta thì đó mới chính thật là Lời Chúc Xuân quý báu nhất, tốt đẹp nhất cho tất cả các cụ, các vị và thân quyến nhân mùa xuân sắp đến.

      Dominic David Trần -  Trân trọng kính chúc.