“Vì ý định của Con Thiên Chúa khi chịu chết để cứu độ nhân loại là đòi buộc mọi người phải chết đi đối với chính mình, và chỉ sống cho Chúa theo giáo huấn của Thánh Phaolô (2 Cr 5, 15) [...].

Chính trong quan điểm này, đã từ nhiều năm nay, chúng tôi tìm những phương thế có thể dẫn đưa các tín hữu đến công cuộc cao cả như vậy, và chúng tôi cảm thấy được thôi thúc nên thành lập ở khắp mọi địa sở thuộc các miền truyền giáo của chúng tôi HỘI NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ”.

Đức cha Pierre Lambert de la Motte
(AMEP, T. 663, tr. 7; T. 677, tr. 209)

 

DẪN NHẬP

1. TẠI PHÁP, NĂM 1633

2. TẠI XIÊM LA, NĂM 1662-1668

       a. Hội Mến Thánh Giá dành cho những ai làm tông đồ (1662-1663)

       b. Thành lập Hội dưới tên gọi Hội Tông Đồ (1664-1665)

       c. Hội Mến Thánh Giá mở ra cho tất cả mọi người (1668)

3. TẠI ĐÀNG NGOÀI, NĂM 1669-1670

4. TẠI ROMA, NĂM 1678-1679

       a. Dâng thỉnh nguyện

       b. Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận

       c. Đức Thánh cha phê chuẩn và ban ân xá

       d. Ứng dụng trong thực tế hôm nay

5. TÁI LẬP HỘI TÍN HỮU MẾN THÁNH GIÁ

       a. Giai đoạn sơ khởi: Hội Tư

       b. Giai đoạn thiết lập: Hội Công

KẾT LUẬN

 

DẪN NHẬP

Hội Những Người Mến Thánh Giá do Đức cha Pierre Lambert de la Motte thành lập để “phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa” và góp phần vào việc canh tân công cuộc Phúc âm hóa tại Á châu. Có thể nói tổ chức này là một trong những lý tưởng, những ước mơ lớn nhất trong sự nghiệp truyền giáo của Đức cha Lambert.

Chúng ta sẽ thấy một bước tiến khá rõ nét trong tư tưởng của Đức cha Lambert về việc hình thành các tổ chức Những Người Mến Thánh Giá. Ban đầu, ngài chỉ quy tụ những người làm việc tông đồ, đang dấn thân cho công cuộc truyền giáo: các giám mục, linh mục, tu sĩ các Dòng…, dần dần mở rộng ra cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, giới tính, điều kiện xã hội. Tu hội Nữ Mến Thánh Giá là tổ chức thứ ba được ngài thành lập trong đại Gia đình Những Người Mến Thánh Giá.

Xét về tên của Hội[1], trong các tài liệu viết vào năm 1662, 1668, 1670, Đức cha Lambert luôn dùng cách gọi: ‘Hội Những Người Mến Thánh Giá[2], thường được dịch là Hội Mến Thánh Giá; thỉnh thoảng ngài thêm tên Chúa: Hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô[3].

Năm 1664, Đức cha Lambert mời gọi anh em cộng sự lập Hội Mến Thánh Giá, anh em đồng ý nhưng chọn tên Hội Tông Đồ, tuy vậy họ vẫn là Những Người Mến Thánh Giá[4].

Năm 1670, Đức cha Lambert đệ trình lên Đức Thánh cha xin phê chuẩn Hội Mến Thánh Giá dành cho tín hữu và Tu hội Nữ Mến Thánh Giá, ngài phân biệt hai tổ chức này với tên đầy đủ, chi tiết, ghi bằng tiếng Latinh:

- ‘Hội Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô’(Societas fidelium utriusque sexus Amantium Crucis Domini Nostri Jesu Christi)[5];

- ‘Quy chế các trinh nữ và phụ nữ đạo đức, dưới tên gọi Tu hội Chị Em Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô’ (Institutum piarum virginum ac mulierum sub titulo Amantium Crucis Domini Nostri Jesu Christi congregatarum)[6].

Đối với nhánh dành cho tín hữu, dung hòa giữa hai cách gọi giản lược và đầy đủ, có thể chọn tên: Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và thêm địa danh vào sau đó, chẳng hạn Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Đồng thời, từ ‘Hội’ được chọn thay cho ‘Hiệp hội’, vì hai lý do:

- Đức cha Lambert trình bày song song hai tổ chức có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai đều được ngài gọi là ‘Congrégation’.

Nếu Congrégation Apostolique dịch là HỘI Tông Đồ, thì Congrégation des Amateurs de la Croix cũng được dịch đồng nhất là HỘI Mến Thánh Giá.

- Ngoài ra, từ ‘Hội’ được dùng để đặt các tổ chức của Đức cha Lambert trong tổng thể các tu đoàn tông đồ thành lập vào thế kỷ XVII:

Hội Xuân Bích (Compagnie des prêtres de Saint Sulpice)

Hội Nguyện Đường (Congrégation de l’Oratoire)

Hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn (Congrégation de la Mission du saint Vincent de Paul)

Hội Mến Thánh Giá (Congrégation des Amateurs de la Croix)

Hội Tông Đồ (Congrégation Apostolique)

Trong phần chia sẻ này, chúng tôi trình bày lược sử hình thành, quan niệm và ý hướng của Đức cha Lambert khi thành lập các tổ chức Mến Thánh Giá[7].

Tư tưởng Đức cha Lambert de la Motte được ghi dấu từ quê hương Normandie của ngài, được khắc sâu cùng với kinh nghiệm bản thân qua ba giai đoạn cuộc đời: giáo dân trong vai trò thẩm phán, linh mục phục vụ người nghèo và Giám mục xây dựng các Giáo hội địa phương. Chúng tôi gợi lại ba giai đoạn này, vì chúng gắn liền với sự tiến triển đặc biệt trong tư tưởng của Đức cha Lambert liên quan đến Những Người Mến Thánh Giá.

Từ ơn linh hứng nhận được lúc lên 9 tuổi, cậu bé Lambert đã gìn giữ, bảo bọc, nuôi dưỡng hạt giống ấy trong tâm hồn cho đến khi gặp được mảnh đất Chúa trao. Lúc đầu, Hội chỉ giới hạn cho những người làm việc tông đồ, có đời sống nhân đức trổi vượt, dần dần mở rộng đến mọi Kitô hữu, mọi thành phần, không phân biệt giới tính, địa vị, điều kiện cũng như chức vụ trong Giáo hội và xã hội. Có năm giai đoạn đáng lưu ý trong tiến trình hình thành và phát triển Hội Mến Thánh Giá.

  1. TẠI PHÁP, NĂM 1633

Khi Lambert lên 9 tuổi, tại quê hương nơi chào đời, cậu nghĩ đến đời sống tu trì của các tu sĩ và khơi mào cuộc tìm kiếm một Dòng tu thích hợp với mình, nhưng không tìm ra, mặc dầu cậu “luôn luôn giữ nhiều cảm tình quý mến đối với các nhà Dòng sống trong sự tinh tuyền”, “như những vườn ươm Thiên đàng”. Thiên Chúa đã cho cậu lời giải đáp, có một hình thức sống ơn gọi thích hợp với cậu hơn mọi Dòng tu khác, đó là Những Người Mến Thánh Giá. Lambert kể lại: “Đời sống của họ hiện ra với tôi tuyệt đẹp đến nỗi nếu tôi có thể gặp họ bất kỳ ở đâu, tôi sẽ cố gắng hết sức, với bất cứ giá nào, để là thành viên trong một tổ chức như thế”[8], nhưng cậu chưa gặp được tổ chức đó trên thế gian này. Lúc bấy giờ, tình yêu Thánh giá đối với cậu liên kết với ước muốn trở nên hoàn thiện cho bản thân, như người ta gặp thấy nơi một số tác giả thuộc thế kỷ XVII.

Thế rồi, thân phụ qua đời lúc Lambert mới 11 tuổi rưỡi và thân mẫu cũng ra đi khi ngài lên 16 tuổi. Mồ côi cha mẹ buộc Lambert sớm lãnh trách nhiệm của người trưởng nam trong gia đình. Từ một luật sư ở Paris, ngài nhanh chóng trở thành thẩm phán tại Rouen, với phép miễn tuổi của nhà vua, 22 thay vì 25 tuổi[9]. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1650, khi đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, ngài cảm thấy "chán ngán mọi sự", và một lần nữa được thúc đẩy quay về với ơn gọi tu trì. Ngài chia sẻ: “Tôi đã dấn sâu vào đời và các công việc đến mức dù nhiệt tình hết sức, tôi phải mất gần 5 năm mới thoát ra khỏi đó”[10]. Cha Pierre Lambert thụ phong linh mục ngày 27-12-1655, được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen, đảm trách việc điều hành, tổ chức các chương trình phục vụ người nghèo. Ngày 11-6-1660 ngài được tấn phong Giám mục và Đức Thánh cha phái ngài đi sứ vụ truyền giáo ở Á châu.

  1. TẠI XIÊM LA, NĂM 1662-1668

Trong hành trình xuyên đất liền đầy gian khổ kéo dài trên 2 năm để đến Á châu, Đức cha Lambert chứng kiến bao sự kiện tiêu cực đau lòng liên quan đến công cuộc truyền giáo nơi những xứ sở hoàn toàn xa lạ với Tin mừng, nơi cộng đồng Kitô hữu non trẻ, đặc biệt nơi các thừa sai thuộc quyền Bảo trợ Bồ Đào Nha. Với ước nguyện canh tân công cuộc truyền giáo, Chúa Thánh Thần dẫn dắt ngài qua những bước chuyển đáng kể.

  1. Hội Mến Thánh Giádành cho những ai làm tông đồ (1662-1663)

- Năm 1662

Trước nhu cầu thực tế tại các miền truyền giáo, trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày, Đức cha Lambert cảm nhận được sự thôi thúc mãnh liệt là phải thành lập một Hội đoàn, không chỉ tại Á châu mà cả ở Paris và Roma, nhằm đào tạo “những người tông đồ đích thực, những nhà truyền giáo chân chính và những Kitô hữu hoàn hảo”. Ngài nói: “Vì lối sống này là một họa ảnh hoàn hảo cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu-Kitô, cần phải noi theo và phổ biến cuộc đời đau khổ của Người, để nêu lên làm mẫu mực, tôi hình dung có thể gọi là Hội Mến Thánh Giá[11].

Bấy giờ, trong quan niệm của Đức cha Lambert, thành viên của Hội chỉ giới hạn nơi các thừa sai và giáo dân nam không bị ràng buộc bởi hôn nhân.

- Năm 1663

Để củng cố và xác tín hơn cho ý tưởng thiết lập Hội Mến Thánh Giá, Đức cha Lambert kể lại chi tiết trong Nhật ký nguyện ngắm về ơn linh hứng ngài nhận được 30 năm về trước, lúc lên 9 tuổi, liên quan đến những người mang tên Mến Thánh Giá. Lần này, ngài bổ túc thêm vài đặc tính của Hội:

- Hội hoàn toàn mang tính tông đồ;

- Mục đích chính là truyền giáo;

- Bề trên là một Giám mục;

- Tiếp nhận tất cả những ai được xem là xứng đáng, kể cả tu sĩ thuộc mọi Dòng tu.

Trong ý hướng thành lập Hội, đặt Thánh Giá làm trung tâm, Đức cha Lambert muốn quy tụ tất cả các thừa sai nhiệt huyết, những thợ tông đồ thánh thiện, có đời sống thiêng liêng trổi vượt, triều cũng như dòng. Mọi tu sĩ dấn thân truyền giáo đều được mời gọi gia nhập Hội Mến Thánh Giá. Vì thế, theo ngài, nếu “Hội thánh thiêng này được Tòa thánh phê chuẩn, ... chắc chắn Hội sẽ được đánh giá là hoàn hảo nhất trong tất cả các Dòng tu riêng biệt khác hiện có trong Giáo hội, vì Hội chứa đựng trong mình sự hoàn hảo của mọi Dòng khác cách tuyệt vời...”[12]. Chính linh đạo nền tảng Kitô giáo, linh đạo Phép Rửa của Hội Mến Thánh Giá đem lại cho nó khả năng này.

  1. Thành lập Hội dưới tên gọi Hội Tông Đồ(1664-1665)

- Năm 1664

Đầu năm 1664, Đức cha Lambert đề nghị với Tòa thánh Roma việc thiết lập tổ chức nêu trên cho các thừa sai Tông tòa, tập hợp giáo sĩ triều và tu sĩ dòng, ngài viết cho vị Thư ký của Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin rằng:

“Con đã chuyển đến các bạn ở châu Âu, có thể với quá nhiều sự giản dị, mộc mạc, một dự án ngắn gọn con dự kiến về việc thành lập một tổ chức để làm việc cách hữu ích trong những vùng này, để nó được phổ biến cho đông số các linh mục và tu sĩ mà con biết có khả năng cho một hội đoàn như thế”[13].

Theo ngài, tổ chức này phải được đặt dưới sự chỉ đạo của Tòa thánh Roma, vì “không có lệnh truyền và sự chỉ đạo của Roma thì không điều gì tương tự có thể nhận được một kết quả tốt đẹp, cũng không được sự chúc lành của Thiên Chúa”[14].

Chính tại Công nghị Juthia khai mạc ngày 29-02-1664[15], Đức cha Lambert thuyết phục Đức cha Pallu và các cha thừa sai thành lập tổ chức trên. Sự đồng thuận đạt được sau một thời gian dài suy nghĩ và trao đổi rất nhiều giữa các ngài[16].

- Năm 1665

Cuối cùng, tổ chức mà Đức cha Lambert đề nghị được thiết lập với bốn thành viên đầu tiên là Đức cha Lambert, Đức cha Pallu, cha Laneau và cha Deydier. Các ngài đã tuyên khấn vào Lễ Hiển Linh, ngày 06-01-1665, dưới  tên gọi Hội Tông Đồ[17]. Tuy nhiên, các ngài xét thấy cần có một Giám mục về Rôma xin Tòa thánh phê chuẩn Hội Tông đồ cùng với nhiều vấn đề được bàn thảo trong Công nghị Juthia. Đức cha Pallu tự nguyện lên đường, vì tình hình sức khỏe của Đức cha Lambert không cho phép ngài thực hiện những chuyến đi quá xa.

Sau sự kiện trên, ba từ Hội Tông Đồ bắt đầu xuất hiện trong các bản văn của Đức cha Lambert[18].

Tuy nhiên, tên gọi này không làm thay đổi lý tưởng nguyên thủy trong tư tưởng của Đức cha Lambert, ngay trong hồ sơ giải thích dự án Hội Tông Đồ, do Đức cha Pallu biên soạn, ngài nêu rõ: các thành viên của Hội Tông Đồ là ‘Những Người Mến Thánh Giá’[19]. Cha Jean Guennou cũng xác nhận Hội Tông Đồ được gọi dưới tên Mến Thánh Giá[20]. Điều này đúng trong quan niệm của Đức cha Lambert, ngài định vị Hội Tông Đồ như hạt nhân trong đại Gia đình Mến Thánh Giá rộng lớn[21].

Không phải đời sống cộng đoàn, luật lệ, linh đạo đặc biệt hay cả giới tính là điều kiện cho việc nhận vào Hội Tông Đồ nhưng tiên vàn là sự đóng góp vào việc tông đồ do Tòa thánh điều khiển.

Năm 1668, trong lá thư viết cho Đức cha Pallu, Đức cha Lambert nêu lên một đề nghị thật sự táo bạo trong bối cảnh văn hóa Á châu thời bấy giờ[22]:

“Tôi được ban cho một trực giác rất có lợi đối với các trinh nữ thánh thiện cũng như những người khác, tuy không thể tiến cử lên bậc Giáo sĩ, mà vẫn đáng được kêu gọi gia nhập Hội thứ nhất [Hội Tông Đồ], bởi vì họ không ngừng nhận được ơn cộng tác vào việc đưa lương dân đến với Chúa và hoán cải những người tội lỗi”[23].

Trong thực tế, suốt mấy trăm năm đạo Công giáo bị bách hại, các thừa sai và linh mục phải lẩn trốn nay đây mai đó, chị em Mến Thánh Giá đã là chỗ dựa tinh thần quý báu cho anh chị em tín hữu ở khắp mọi nơi.

  1. Hội Mến Thánh Giámở ra cho tất cả mọi người (1668)

Ý tưởng về ‘Những Người Mến Thánh Giá’ Đức cha Lambert nhận được lúc 9 tuổi ở quê nhà, giờ đây được triển khai rõ nét hơn tại miền truyền giáo. Ngài viết cho Đức cha Pallu lá thư đính kèm một tài liệu nhỏ gồm bảy mục[24] trình bày chi tiết về Hội Mến Thánh Giá mà Hội Tông Đồ là hạt nhân. Ngài chia sẻ:

“Trong giờ nguyện ngắm, Chúa cho tôi biết trên đời này không có gì làm sáng danh Thiên Chúa hơn việc thành lập Hội Tông Đồ và Hội Mến Thánh Giá[25], “Thiên Chúa sẽ được tôn vinh cực độ, nếu dưới sự chỉ đạo của những người này [thành viên Hội Tông Đồ], một Hội được thành lập cho những người giàu đức hạnh và chuyên cần cầu nguyện, thuộc mọi phái tính và địa vị xã hội, cũng như gồm tất cả những ai thực sự ước ao hiến thân cho Thiên Chúa”[26].

Lúc này, Đức cha Lambert phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai Hội: Hội Mến Thánh Giá được đề nghị cho mọi Kitô hữu, đàn ông cũng như đàn bà, trí thức cũng như bình dân, những người tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu, Đấng chịu đau khổ để cứu chuộc họ; Hội Tông Đồ được đề nghị cho giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, những ai dấn thân cho việc tông đồ, với một hình thức sống về vật chất cũng như tinh thần phù hợp nhất, để chính Chúa Giêsu có thể tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người trong thế giới.

Điều độc đáo trong cách giải thích của Đức cha về hai tổ chức này đó là đặc tính phổ quát của Hội Mến Thánh Giá mà Hội Tông Đồ là hạt nhân. Đối với ngài, thật thích hợp khi các thành viên của Chủng viện gia nhập Hội Mến Thánh Giá; nói cách khác, phải là một người Mến Thánh Giá trước khi trở thành nhà thừa sai. Bởi vì họ phải chấp nhận những nghĩa vụ của Hội như các tiêu chuẩn phân định ơn gọi truyền giáo, và các thừa sai đồng thời là "thành viên và người chỉ đạo" Hội Mến Thánh Giá. Trong thư viết cho Đức cha Pallu, ngài nói rõ:

“Chúa muốn Hội này được thiết lập không chỉ cho các thừa sai và cho các vùng truyền giáo này, mà còn cho đủ mọi thành phần, như Đức cha sẽ nhận thấy qua các trực giác đã được ban cho tôi”; “nhiều lần trong khi nguyện ngắm, tôi được biết cách đặc biệt: Chúa yêu cầu tất cả các thừa sai phải là những thành viên và là những người điều khiển Hội thánh thiện này; trong Chủng viện điều rất thích hợp là chỉ có những người thuộc về Hội này; Bề trên Chủng viện sẽ đề nghị với những ai muốn xin đi truyền giáo, những nghĩa vụ của Hội này như một điều kiện mà các Giám mục đưa ra cho những ai muốn dấn thân. Nếu họ từ chối, người ta có thể nghi ngờ về ơn gọi của họ; trái lại, nếu họ chấp nhận thì đó là một dấu chỉ lớn về ơn gọi. Tôi rất xác tín điều đó đến mức quyết định không truyền chức Thánh cho những ai đi truyền giáo mà không khuôn mình theo lối sống  thánh thiện  này”[27].

Đặc biệt, ngài cho biết:

“Một vài người say mê con đường này, đã khẩn thiết yêu cầu phải hình thành một Hội gồm những người cam kết đi theo con đường ấy suốt đời. Lời khẩn cầu tốt đẹp ấy là hiệu quả của ân sủng phi thường trong họ, buộc các nhà thừa sai đặt nền tảng đầu tiên của Hội tại Xiêm La cho tất cả các nơi trong miền truyền giáo”[28].

Như vậy, việc thiết lập Hội Mến Thánh Giá không chỉ đến từ trực giác của Đức cha Lambert, nhưng còn được Chúa trao ban cho các tín hữu. Chính Chúa khơi lên trong tâm hồn họ ước muốn thánh thiện ấy và chính họ thúc đẩy các thừa sai hành động. Đức cha Lambert nhận rõ ý Chúa qua sự gặp gỡ giữa ý niệm của mình và trực giác của các tâm hồn đạo đức, ngài càng xác tín hơn chương trình của Chúa trong việc thiết lập Hội này.

Trong hồ sơ đệ trình lên Đức Giáo hoàng bằng tiếng Latinh vào năm 1670, tại phần dẫn nhập vào Bản Luật của Hội, Đức cha dịch lại hầu như nguyên văn đoạn trích trên, viết vào năm 1668. Như vậy, điều ngài viết đó không phải chỉ trong ý tưởng mà là hiện thực. Chúng ta có thể khẳng định: vào năm 1668, tại Xiêm La đã có Hội Mến Thánh Giá dành cho tín hữu nam nữ.

  1. TẠI ĐÀNG NGOÀI, NĂM 1669-1670

Cuối năm 1669, Đức cha Lambert đến Đàng Ngoài, có hai sự kiện giúp chúng ta xác nhận Hội Mến Thánh Giá đã được đề nghị cho giáo dân và thật sự hiện diện tại Đàng Ngoài vào đầu năm 1670:

- Công nghị Phố Hiến, khai mạc ngày 14-02-1670, trong phiên bản đệ trình lên Đức Giáo hoàng, điều 21 có quy định:

“Các vị Quản trị tỉnh hạt, các thầy giảng và các trùm trưởng hãy khuyến khích các tín hữu đi theo và tuân giữ con đường hẹp (của Phúc âm), hướng dẫn họ biết chuyên chăm nguyện ngắm ít nhất vào các ngày lễ buộc, cách riêng là suy niệm về cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta; hãy giới thiệu Hội Mến Thánh Giá theo các luật lệ đã được soạn thảo, cho những ai mình xét thấy là phù hợp để họ gia nhập”[29].

- Khi lập Tu hội Nữ Mến Thánh Giá, ngày 19-02-1670, trong phần mở đầu bản Luật Tiên Khởi, Đức cha Lambert cho biết các Chị đã nghe nói đến Hội Mến Thánh Giá và quyết định gia nhập. Ngài viết:

“Chúng tôi cảm thấy được thôi thúc nên thành lập ở khắp mọi địa sở thuộc các miền truyền giáo của chúng tôi một Hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, cam kết suy gẫm cuộc thương khó và thông dự vào những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời. Một số phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, từ lâu đã tự nguyện khấn giữ đức khiết tịnh, khi nghe biết nếp sống ấy thì nghĩ rằng, đối với muôn vàn ân huệ Thiên Chúa ban, họ không có cách nào tri ân Người hơn là gia nhập Hội thánh thiện này”[30].

Thế nhưng, các Chị bày tỏ ước muốn đi xa hơn nữa, Đức cha nhận ra ngay thánh ý Thiên Chúa trong việc thiết lập một Dòng tu nữ, một lần nữa ngài thấy rõ sự gặp gỡ giữa trực giác ngài nhận được với tác động Chúa thực hiện nơi các tâm hồn Chúa chọn, ngài thuật lại:

“Chính vì tình yêu Chúa Giêsu-Kitô nung nấu [x. 2 Cr 5, 14], họ tỏ rõ lòng nhiệt thành muốn biết phải làm thế nào để hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa. Đây là phương thế Chúa Quan Phòng đã dùng để đặt nền tảng đầu tiên cho đời sống tu trì ở Đàng Ngoài và thành lập một tu hội đặc biệt, mang danh hiệu Nữ Mến Thánh Giá Con Thiên Chúa”[31].

Như vậy, Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Đàng Ngoài được thành lập trước ngày khai sinh Dòng Nữ Mến Thánh Giá. Trong quan niệm của Đức cha Lambert, Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá là nền tảng căn bản đầu tiên. Hai bản luật của Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Dòng Nữ Mến Thánh Giá có rất nhiều điểm chung.

Ngày 19-02-1670, hoàn tất chuyến kinh lý mục vụ ở Đàng Ngoài, Đức cha Lambert trở về Xiêm La. Tám tháng sau, ngày 12-10-1670, ngài đệ trình lên Đức Giáo hoàng một lá thư đính kèm hai Bản Luật để xin phê chuẩn Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Tu hội Nữ Mến Thánh Giá. Trong thư, ngài nói rõ với Đức Giáo hoàng: Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá đã ‘được nhiều người chấp nhận’.

  1. TẠI ROMA, NĂM 1678-1679
  2. Dâng thỉnh nguyện

Trước khi tìm hiểu Tông thư phê chuẩn và ban ân xá của Tòa thánh, chúng ta cùng đọc qua nội dung lá thư Đức cha Lambert viết ngày 12-10-1670, đệ trình lên Đức Giáo hoàng Clément IX:

“Con đệ trình Đức Thánh cha Bản Luật Sống của hai tổ chức: Một tổ chức đã được thiết lập để giúp ích cho dân Kitô giáo trong những địa sở của các miền truyền giáo. Thật vậy, vì có những người mang nặng một tình yêu đặc biệt đối với cái chết và Thập giá của Chúa Giêsu, nên không có gì hợp lý bằng việc cổ võ lòng sùng kính vững chắc như thế. Dù rằng, tổ chức này đã được nhiều người chấp nhận, nhưng vẫn cần sự phê chuẩn của Toà thánh và các ân xá mà Đức Thánh cha khấng ban cho những ai gia nhập, để họ đạt được ân sủng viên mãn và sự vững mạnh cần thiết. Tổ chức thứ hai được lập ra để mưu ích cho những phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, mà từ nhiều năm rồi, dường như đang chờ đợi một ai đó chỉ vẽ cho họ con đường dẫn tới đời sống trọn lành hơn”[32].

Đức cha Lambert cũng gửi thư cho cha Lesley, người đang làm việc trong Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin, xin ngài hỗ trợ thêm cho việc xin phê chuẩn hai tổ chức Mến Thánh Giá[33].

Các lá thư và hai Bản Luật trên có về đến Roma cùng lúc với các Nghị quyết của Công nghị Phố Hiến không? Chính Đức cha Lambert cũng không nhận được hồi âm về điều này. Sau hơn 4 năm chờ đợi, Đức cha Lambert chỉ nhận được bản phê chuẩn Nghị quyết Công nghị Phố Hiến, do Đức Giáo hoàng Clément X ký ngày 23-12-1673, trong đó những gì liên quan đến Hội Tín hữu Mến Thánh Giá không còn tồn tại trong bản văn.

Lúc bấy giờ, cụm từ ‘Mến Thánh Giá’ khá nhạy cảm đối với các thành viên thuộc Chủng viện Paris, kể cả các quy luật do Đức cha Lambert đề nghị, vì các ngài phản bác Hội Tông đồ. Các ngài hiểu lầm cho rằng Đức cha Lambert muốn chuyển Chủng viện Thừa sai thành một Dòng tu của Những Người Mến Thánh Giá, trong khi Đức cha Lambert cho phép nhận cả các trinh nữ vào Hội Tông Đồ, thì nó không thể là Dòng tu. Họ đã làm tất cả những gì có thể để Tòa thánh không phê chuẩn Hội Tông Đồ. Cuối cùng, Hội Tông đồ bị Rôma bãi bỏ. Đây là một đề tài rất tế nhị và phức tạp.

Ngày 09-01-1672, cha Charles Sevin được Đức cha Pallu phái về Châu Âu, làm việc với các cha ở Chủng viện Paris dựa theo các chỉ thị của Đức cha Pallu đưa ra[34], trước khi trình mọi vấn đề lên Tòa thánh. Chúng ta không biết Paris hay Rôma đã loại bỏ tất cả những gì liên quan đến tên gọi và tinh thần Mến Thánh Giá trong bản văn của Nghị quyết Công nghị Phố Hiến?

Phải chờ đến dịp Đức cha Pallu đến Roma ngày 03-6-1677, trong thời gian này, ngài có dịp trình bày trực tiếp cho Đức Giáo hoàng và Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin các ‘Hiệp Hội’ Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thiết lập, đồng thời xin các ngài phê chuẩn, ban ân xá. Chắc chắn Đức cha Pallu trình bày Tu hội Nữ Mến Thánh Giá như một Hiệp hội, vì chính ngài đã viết điều đó.

  1. Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận

Ngày 28-8-1678, Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận ban ân xá liên quan đến việc xin thành lập các tổ chức Mến Thánh Giá, mục 8 nêu rõ: “Đối với lời thỉnh cầu ban ân xá cho những Huynh đệ Đoàn do các vị Đại diện Tông toà thiết lập tại Đàng Ngoài và Đàng Trong dưới danh hiệu Những Người Mến Thánh Giá tại những địa sở của các ngài, thì nên ban ân xá thông thường. Nói rõ hơn:

- Ơn Toàn xá: vào ngày gia nhập, lúc cận tử, một ngày lễ Trọng do vị Đại diện Tông tòa ấn định.

- Ơn Tiểu xá: vào các ngày lễ Hiển Linh, Truyền Tin, hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Thiên Thần Hộ Thủ và khi mỗi thành viên của những Huynh đệ Đoàn nói trên thực thi cách thông thường các nhiệm vụ và các việc đạo đức.

Thánh bộ đã chấp thuận nên ban ân xá theo đơn thỉnh cầu và kính chuyển tới văn phòng thư ký Thánh bộ Ân xá”[35].

  1. Đức Thánh cha phê chuẩn và ban ân xá

Ngày 02-01-1679, Đức Giáo hoàng Innocent XI ban Tông thư xác nhận các Hội Mến Thánh Giá và đồng ý ban ân xá theo đề nghị ngày 28-8-1678 của Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin.

Đức Thánh cha nhấn mạnh đến khía cạnh hoàn toàn phù hợp Giáo luật đối với các Hội Mến Thánh Giá đã thành lập và sẽ được lập trong tương lai, đồng thời ngài triển khai chi tiết tất cả các ân xá được thuận ban với những điều kiện cụ thể: thật lòng sám hối, xưng tội, hiệp lễ; khi không thể thì sám hối, sốt sắng kêu tên cực trọng Chúa; trong những ngày lễ đặc biệt được ấn định, cần kính viếng các nhà thờ, nhà nguyện:

- Ơn Toàn xá: ngày gia nhập, lúc cận tử, và một ngày được các vị Đại diện Tông tòa ấn định;

- Ân xá bảy năm bảy mùa: vào 4 ngày lễ được các vị Đại diện Tông tòa ấn định trong năm;

- Ân xá 60 ngày đền tội, mỗi khi thực hành một trong các việc như: tham dự Thánh lễ hay đọc kinh Phụng vụ; đón tiếp người nghèo; hòa giải các kẻ thù nghịch; tham dự lễ An táng người qua đời; tham dự các buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa; tham gia đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, nếu gặp ngăn trở, khi nghe chuông báo tử, đọc 1 kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng; đọc 5 kinh Lạy Cha, 5 kinh Kính Mừng cầu cho linh hồn hội viên qua đời; đưa người lạc lối về đường phần rỗi; dạy kẻ mê muội điều cần thiết cho phần rỗi; làm việc đạo đức và bác ái, hiệp thông với công việc của các thành viên trong Hội[36].

Đức Thánh cha còn nêu rõ:

Những điều khấng ban vĩnh viễn được trình bày trong tài liệu này sẽ tiếp tục hợp thức hóa trong tương lai. Tuy nhiên, nếu có những ân xá khác được thuận ban vĩnh viễn, hay một thời hạn trong tương lai, cho các thành viên của những Hội được ứng dụng các khoản trên, chúng tôi xác nhận các điều ban trước sẽ nên vô hiệu; cũng vậy, nếu các Hội trên sáp nhập vào một Tổng Hội khác, hay dự kiến sáp nhập trong tương lai, dù với bất cứ lý do nào, với bất kỳ Hội nào, thì các Tông thư này hay các bản khác không còn ứng dụng nữa và lúc đó chúng phải được xem là vô hiệu”[37].

Với Tông thư trên, Hội Mến Thánh Giá đã được phê chuẩn, ý tưởng mà Đức cha Lambert nuôi dưỡng suốt 46 năm đã thành hiện thực. Sáu tháng sau, ngài an bình trở về với Chúa. Thân xác của ngài được an táng trong Nhà thờ Thánh Giuse tại Ayutthaya, Xiêm La.

Thế nhưng, những cuộc bách hại đạo liên tục diễn ra trong suốt 200 năm, các thừa sai bị trục xuất; chị em Dòng Mến Thánh Giá bị phân tán, nhưng rồi quy tụ lại; còn Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá mai một từ lúc nào không ai biết. Đến nay các sử gia chưa tìm thấy vết tích gì của Hội.

  1. Ứng dụng trong thực tế hôm nay

Tông thư của Đức Giáo hoàng Innocent XI phê chuẩn và ban các ân xá là một tài liệu pháp lý rất quan trọng đối với Dòng Nữ Mến Thánh Giá cũng như Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá. Dựa vào nội dung văn thư, chúng ta có thể rút ra một số kết luận cụ thể như sau:

Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá là một Hội công, có tư cách pháp nhân, vì được Giám mục thiết lập. Tuy nhiên, có lẽ vì chiến tranh và bách hại đạo, Hội biến mất hoàn toàn trong lịch sử hơn 300 năm qua. Dựa theo Giáo luật điều 120, §l:

“Pháp nhân tự bản chất là vĩnh viễn; tuy nhiên, pháp nhân cũng chấm dứt, nếu bị nhà chức trách có thẩm quyền chính thức bãi bỏ, hoặc đã ngưng hoạt động từ một trăm năm”.

Như thế, tư cách pháp nhân của Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá đã chấm dứt, các ân xá được ban cũng không còn hiệu lực.

Để phục hồi Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá, chính Đức Giám mục Giáo phận ra Nghị định Thiết lập, bảo đảm tư cách pháp nhân công của Hội. Đồng thời, để các hội viên được hưởng các ân xá riêng như trước đây, các chị Tổng Phụ trách với phép của Đức Giám mục Giáo phận, đệ trình Thỉnh nguyện lên Tòa Ân Giải ở Rôma qua Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

- Riêng đối với Dòng Nữ Mến Thánh Giá, mặc dù vẫn trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng các ân xá trên cũng không còn hiệu lực, vì lúc bấy giờ, ‘Tu hội Nữ’ được phê chuẩn và ban ân xá như một Hiệp hội, ngày nay cơ cấu này đã hoàn toàn thay đổi, Dòng Mến Thánh Giá là một Dòng tu thực thụ trong Giáo hội, theo đúng quy định của Giáo luật.

  1. TÁI LẬP HỘI TÍN HỮU MẾN THÁNH GIÁ
  2. Giai đoạn sơ khởi: Hội Tư

Năm 1987, tại Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá Chợ Quán được khởi xướng với những thành viên ban đầu là cựu tu sinh Mến Thánh Giá Chợ Quán, dần dần mở rộng đến mọi thành phần Dân Chúa.

Nhiều Hội dòng Mến Thánh Giá khác cũng quy tụ các Nhóm Tín Hữu Mến Thánh Giá, sinh hoạt theo sự chỉ dẫn trong quyển Thủ Bản Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế[38] thử nghiệm, do Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá biên soạn vào năm 1996, với sự giúp đỡ của linh mục Félix Nguyễn Văn Thiện và linh mục Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM. Trong giai đoạn còn là Hội Tư, chưa được Đức Giám mục Giáo phận phê chuẩn, Đại gia đình Mến Thánh Giá đã có các Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá (MTG) thuộc các Hội dòng: MTG Chợ Quán (1987), MTG Gò Vấp (1996), MTG Thủ Thiêm (1999), MTG Phan Thiết (2005), MTG Tân Việt (2005), MTG Cần Thơ (2008), MTG Hà Hội (2010), MTG Mỹ Tho (2012), MTG Bà Rịa (2021).

  1. Giai đoạn thiết lập: Hội Công

Tại Đà Lạt, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn phê chuẩn Quy chế Hiệp hội Giáo Dân Mến Thánh Giá và thiết lập chính thức Hiệp hội vào ngày 14-9-2006.

Tại Phan Thiết, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cũng ký xác nhận thiết lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế, năm 2006.

Riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn, bảy Hội dòng MTG đã tạo lập nhiều Nhóm Tín Hữu Mến Thánh Giá ở các Giáo xứ. Sau một thời gian thực hành thử nghiệm theo Quy chế soạn thảo năm 1996, ngày 21/11/2009, bảy Chị Tổng Phụ trách Mến Thánh Giá thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn đồng gửi Thỉnh nguyện lên Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, xin tái lập các Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế. Đức Hồng y đã ký Nghị định Thiết lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế trong Tổng Giáo phận Sài Gòn vào ngày 26/03/2010, đồng thời phê chuẩn Quy chế của Hiệp hội. Các Nhóm Tín Hữu Mến Thánh Giá từ nay trở thành Hội Công.

Tương tự như thế đối với các Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá thuộc những Hội dòng MTG khác, khi Đức Giám mục Giáo phận ký Nghị định Thiết lập (MTG Cần Thơ năm 2011, MTG Quy Nhơn 2014, MTG Nha Trang 2014, MTG Hưng Hóa 2016, MTG Huế 2016, MTG Xuân Lộc 2019, MTG Tân Lập 2020, MTG Hà Nội 2021). Đến nay đã có trên 14.000 Hội viên Tín Hữu Mến Thánh Giá, thuộc 18 Hội dòng, đúng như cảm nhận của Đức cha Lambert:

Tôi cũng nhận được sự mãn nguyện khôn tả, vì nghĩ rằng Hội Những Người Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô sẽ rất đông và vô số người với đời sống nhân đức hiếm có, thuộc mọi phái tính, mọi bậc sống, mọi quốc gia sẽ xin gia nhập”[39].

Đặc biệt, trong quan niệm của Đức cha Lambert, có một sự liên kết chặt chẽ giữa ba tổ chức: Hội Tông ĐồHội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Tu hội Nữ Mến Thánh Giá. Vai trò chỉ đạo của Hội Tông Đồ bảo đảm sự thống nhất cơ cấu. Mọi thành viên trong 3 tổ chức đều là Những Người Mến Thánh Giá, hợp thành “Dân Thiên Chúa”, hợp thành một Giáo hội “hiệp thông truyền giáo”, trong đó mọi thành phần đều tham gia và đồng trách nhiệm, vai trò của phụ nữ được trân trọng, mỗi người mặc lấy Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh, “sống và đi cùng với anh chị em mình như một chủ thể có trách nhiệm và tích cực trong sứ vụ duy nhất của Dân Thiên Chúa[40]. Có một sự gặp gỡ đặc biệt về ý tưởng và ngôn ngữ, khiến chúng tôi trích dẫn bản văn Kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ, để diễn tả sự liên kết mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội hiệp thông truyền giáo mà Đức cha Lambert mong muốn thiết lập, xuyên qua Những Người Mến Thánh Giá. Cách làm trên đây của Đức cha Lambert khá trùng hợp với ý tưởng của Đức Giáo hoàng Phanxicô triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023 với đề tài Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Chính Đức cha Lambert nhận định về Những Người Mến Thánh Giá:

“Người ta sẽ thấy ân sủng, cách sống và hành động của hội viên Mến Thánh Giá khác xa biết dường nào so với phần còn lại của dân Kitô giáo, đến nỗi thiên hạ nói về họ như xưa dân ngoại đã nói về Israel: Dân Thiên Chúa chính là đây[41].

Thật vậy, khi sống giữa những môn đệ của các nhà hiền triết Á châu, Khổng Tử và Đức Phật, Đức cha Lambert muốn trình bày một Kitô giáo đặt trọng tâm vào Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-ĐinhNgài quy tụ và mời gọi Những Người Mến Thánh Giá rao giảng điều đó bằng chính đời sống thánh thiện, bằng tình yêu và lòng biết ơn đối với Đấng đã cứu chuộc họ nhờ Thánh Giá. Đức cha muốn thiết lập một Giáo hội hiệp thông truyền giáo xuyên qua Linh đạo Mến Thánh Giá, trong đó có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân “không một ai phải bị loại trừ, bất luận thuộc phái tính hay địa vị nào”[42]. Phải chăng Những Người Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thiết lập và quy tụ đã gieo mầm cho một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ?

KẾT LUẬN

Vào thế kỷ XVII, trước cánh đồng truyền giáo bao la của vùng Đông Nam Á, cùng với thực trạng non yếu, không chỉ nơi các cộng đoàn Kitô giáo sơ khởi mà cả nơi các thừa tác viên Tin Mừng, Đức cha Lambert nhận được đặc sủng thiết lập các tổ chức Những Người Mến Thánh Giá, sống tốt hơn sứ vụ tông đồ để loan báo Phúc âm qua sự hiệp thông và đời sống chứng nhân, góp phần xây dựng Giáo hội địa phương. Các nữ tu còn dấn thân phục vụ ưu tiên cho giới nữ.

Trong khi các tôn giáo ở Á châu đặt nền tảng trên triết lý, luân lý, Đức cha Lambert đặt nền tảng trên đức tin; trong khi người ta đề cao công trạng cá nhân, Đức cha Lambert đề cao ân sủng; trong khi người ta ra sức nỗ lực tự cứu mình, Đức cha Lambert mời gọi mọi người đón nhận ơn cứu độ được trao ban một cách nhưng không, nhờ cái chết của Đức Kitô trên Thập giá. Vì thế, điều Đức cha Lambert quan tâm là tìm cách trình bày một gương mặt Kitô giáo đích thực, đặt nền tảng trên cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Đó là điểm thiết yếu trong giáo huấn của chính Chúa Giêsu, được các thánh Tông đồ triển khai sâu rộng, đặc biệt là hai thánh Phaolô và Gioan. Những Người Mến Thánh Giá là những tâm hồn tin nhận và bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã yêu nhân loại đến chết trên Thập giá. Họ hợp thành một Giáo hội truyền giáo để loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Chúa bằng chính đời sống chứng nhân của mình.

Hội Những Người Mến Thánh Giá quy tụ tất cả những người nam nữ đã được tái sinh nhờ phép Rửa, ước ao dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, được mời gọi đến sự thánh thiện với ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đức cha Lambert triển khai rõ lý do thúc đẩy họ thi hành việc đánh tội mà ngài gọi là ‘hy lễ ban chiều’[43]. Đức cha Lambert cảm thấy được thúc đẩy từ bên trong để hiến dâng thân xác mình cho Đức Kitô. Theo ngài, sự góp phần vào việc cứu độ thế giới diễn ra nhờ thái độ của mỗi người hoàn toàn phục tùng Chúa Thánh Thần và ân sủng của Người, đến mức Đức Kitô có thể tự do thể hiện mình trong thân thể của những người đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy, sống và hành động trong họ, đau khổ và chết trong họ. Ngài đề nghị lặp lại mỗi ngày tâm thế sẵn sàng cho một sự lụy phục như thế, qua ‘hy tế ban chiều’. Chính trong Thánh lễ, với sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong chúng ta và trong Giáo hội, là nơi diễn ra mỗi ngày sự gặp gỡ và phối hợp của hai hy lễ, hy lễ của Đức Kitô và hy lễ của chúng ta.

Là một Giám mục truyền giáo, tình yêu Thánh Giá đối với Đức cha Lambert không còn dừng lại ở nỗ lực hoàn thiện cá nhân, nhưng được liên kết với ước muốn cứu độ các linh hồn. Bây giờ, đối với ngài, các thừa sai vừa là những “thành viên” vừa là người “chỉ đạo” Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá, đồng thời nhờ hy tế của mình họ trở thành những “vị cứu thế”[44] trong Đức Giêsu-Kitô. Họ có nhiệm vụ quy tụ tất cả những chi thể của Giáo hội địa phương xung quanh sứ mạng này, để phản chiếu gương mặt đích thực của ‘Dân Thiên Chúa’.

Nt. Marie Fiat Tuyết Mai, MTG

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Jean GUENNOU, Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986.

Pierre LAMBERT DE LA MOTTE và một số tác giả viết tay, Văn khố Hội Thừa Sai Paris (AMEP, T. 116, T. 121, T. 204, T. 276, T. 650, T. 663, T. 677, T. 857, T. 858, T. 876); Văn khố Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin (APF, SOCP, T. 3); Văn khố Tỉnh Seine-Maritime (Mémoriaux, 3B 34).

Adrien LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. 1 : 1658-1728, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000.

Adrien LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, Documents historiques 1658-1717, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000.

NHÓM Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tuyển tập Bút tích - Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), 2017.

François PALLU, Explanatio ideæ Congregationis Apostolicæ, AMEP, T. 109.

François PALLU, Lettres de Monseigneur Pallu, écrites de 1654 à 1684, établi par Adrien Launay, présentation et appareil critique par Frédéric Mantienne, Les Indes savantes, 2008.

SAINT-SIÈGE, Collectanea constitutionem, decretorum, indultorum ac instructionum Sanctae Sedis Parisiis, Typis Georges Chamerot, 1880.

Thượng Hội đồng Giám mục Đại hội thường kỳ thứ XV, Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi, Tài liệu kết thúc, 27-10-2018.

Marie Fiat TRẦN Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Cerf Patrimoine, 2016.

WHĐ (02.4.2022)

[1] Trong những tài liệu viết về Hội này, chúng tôi tìm thấy hơn 20 lần Đức cha dùng từ ‘Congrégation’, gần 10 lần dùng từ ‘Société’, để chỉ Hội.

[2] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Archives des Missions Étrangères de Paris (AMEP), T. 116, tr. 553-554. 559; T. 876, tr. 554, 565; T. 121, tr. 756, 760; Công nghị Phố Hiến, họp ngày 14-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 207; T. 663, tr. 5; Dẫn nhập Tu hội nữ MTG, AMEP, T. 663, tr. 7; T. 677, tr. 209.

[3] Nt., AMEP, T. 876, tr. 553-554, 565-566; T. 121, tr. 756-759, 762; Thư Đức cha Lambert gửi Đức cha Pallu, AMEP, T. 876, tr. 555-557; Dẫn nhập Tu hội Nữ MTG, AMEP, T. 663, tr. 7; T. 677, tr. 209.

[4] F. PALLU, Explanatio ideæ Congregationis Apostolicæ, AMEP, T. 109, tr. 41.

[5] Archives de la Propaganda Fide (APF), SOCP, T. 3, tr. 154-157; AMEP, T. 663, tr. 10-13.

[6] APF, SOCP, T. 3, tr. 152v-154; T. 663, tr. 7-10.

[7] Đây là toàn bộ nội dung đã được trình bày trong Khóa Thường huấn tại Hội dòng Mến Thánh Giá Huế (25-29/01/2021; 08-12/3/2021), tại Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (08-09/01/2022), và cho quý Chị Đặc trách và Trợ úy Liên hiệp MTG Tại Thế (= Hội Tín hữu Mến Thánh Giá) vào ngày 26/02/2022.

[8] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Thư gửi cha Vincent de Meur và các bạn ở Paris, Nhật ký Nguyện ngắm, ngày 03-11-1663, AMEP, T. 116, tr. 559.

[9] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. 1, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 1. Văn khố của tỉnh Seine-Maritime lưu trữ ngự chỉ của vua, ký ngày 03-6-1646, nhìn nhận Pierre Lambert là thẩm phán của Toà án Thuế vụ, với chứng nhận giảm tuổi (Mémoriaux, 3B 34, fol. 107-109).

[10] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Thư gửi cha Vincent de Meur ngày 03-11-1663, AMEP, T. 116, tr. 559-560.

[11] Nt., Nhật ký Nguyện ngắm, ngày 06-9-1662, AMEP, T. 116, tr. 554.

[12] Nt., Nhật ký Nguyện ngắm, ngày 03-11-1663, AMEP, T. 116, tr. 560.

[13] Nt., Thư gửi Đức cha Thư ký của Thánh bộ Truyền bá Đức tin, ngày 09-02-1664, AMEP, T. 857, tr. 201. 203.

[14] Nt.

[15] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Abrégé de Relation (Giản yếu Ký sự), AMEP, T. 121, tr. 661; Thư gửi Cha Gazil, ngày 11-02-1664, AMEP, T. 858, tr. 72; T. 121, tr. 569.

[16] F. PALLU, Lettres de Monseigneur Pallu, écrites de 1654 à 1684, établi par Adrien Launay, présentation et appareil critique par Frédéric Mantienne, Les Indes savantes, 2008, tr. 81, n° 21: Thư Đức cha Pallu gửi cho các vị Linh hướng của Chủng viện Thừa sai, ngày 03-3-1667 (AMEP, T. 116, tr. 539); tr. 429, n° 187: Thư gửi Đức Giáo hoàng Clément IX (AMEP, T. 116, tr. 465).

[17] F. PALLU, Explanatio ideæ Congregationis Apostolicæ, Phần 2, chương 3 (AMEP, T. 109, tr. 58).

[18] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Giản yếu Ký sự, AMEP, tập 121, tr. 726, 756, 759.

[19] F. PALLU, Explanatio ideæ Congregationis Apostolicæ, AMEP, T. 109, tr. 41.

[20] J. GUENNOU, Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986, tr. 123

[21]  P. LAMBERT DE LA MOTTE, Giản yếu Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 554; T. 121, tr. 757.

[22] Nam nữ thọ thọ bất thân; nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

[23] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Giản yếu Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 566; T. 121, tr. 762; bản dịch: Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (NNC), Tuyển tập Bút tích - Đức cha Pierre Lambert de la Motte (TT Bút tích), 2017, tr. 61. 

[24] Nt., AMEP, T. 876, tr. 553-557. 565-570; T. 121, tr. 756-762. 

[25] Nt., T. 876, tr. 565; T. 121, tr. 760; NNC, TT Bút tích, tr. 71.

[26] Nt., T. 876, tr. 554; T. 121, tr. 757; x. TT Bút tích, tr. 61.

[27] Nt., Thư gửi Đức cha Pallu, 1668, AMEP, T. 876, tr. 556; 568-569; x. TT Bút tích, tr. 78.

[28] Nt., Giản yếu Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 554; T. 121, tr. 757; x. TT Bút tích, tr. 63.

[29] Nt., Công nghị họp ngày 14-2-1670, AMEP, T. 677, tr. 207; T. 663, tr. 5; TT Bút tích, tr. 202.

[30] Nt., Tu hội Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, AMEP, T. 677, tr. 209-210; T. 663, tr. 7-8; x. TT Bút tích, tr. 28.

[31] Nt.

[32] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Thư đệ trình Đức Giáo hoàng, ngày 12-10-1670, AMEP, T. 650, tr. 185-186; NNC, TT Bút tích, tr. 99-100.

[33] Nt., Thư gửi cha Lesley, 20-10-1670, AMEP, T. 858, tr. 189; T. 876, tr. 631-633; x. TT Bút tích, tr. 104-105.

[34] François PALLU, Lettres de Monseigneur Pallu, tr. 184, n° 57, Thư Đức cha Pallu viết tại Surate, ngày 24-01-1672, gửi Cha Bésard (AMEP, T. 107, tr. 154), Instructions pour les Procureurs des affaires de la Mission de la Chine, Cochinchine, Tunquin, tant en France qu’à Rome, tr. 160-183.

[35] A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, Documents historiques 1658-1717, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 108-109 (Decretum, ngày 28-8-1678, n° 8, AMEP, T. 204, tr. 461; T. 276, tr. 97); NNC, TT Bút tích, tr. 203.

[36] SAINT-SIÈGE, Collectanea constitutionem, decretorum, indultorum ac instructionum Sanctae Sedis (Bộ Sưu tập các Tông hiến, sắc lệnh, đặc pháp, huấn thị của Tòa Thánh), Parisiis, Typis Georges Chamerot, 1880, n° 641, tr. 310; x. NNC, TT Bút tích, tr. 207-209.

[37] Nt.

[38] Hai từ ‘Tại Thế’ được Nhóm Nghiên cứu thêm vào tên gọi ‘Hiệp hội Mến Thánh Giá’ khi soạn Thủ bản năm 1995. Hiện nay, khi đã tìm được văn bản chính thức của Đức cha Lambert viết về Hội, chúng tôi dùng tên gọi do chính Đức cha đặt: Hội Tín hữu Mến Thánh Giá.

[39] P. LAMBERT DE LA MOTTE, Giản yếu Ký sự, AMEP, T. 876, tr. 566; T. 121, tr. 762; NNC, x. TT Bút tích, tr. 74.

[40]  Thượng Hội đồng Giám mục Đại hội thường kỳ thứ XV, Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi, Tài liệu kết thúc, 27-10-2018, số 55, 119, 123, 125, 148.

[41] P. LAMBERT DE LA MOTTE, AMEP, T. 876, tr. 565; T. 121, tr. 759; x. NNC, TT Bút tích, tr. 68.

[42] Nt, AMEP, T. 876, tr. 555.

[43] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Cerf Patrimoine, 2016, tr. 278.

[44] P. LAMBERT DE LA MOTTE, AMEP, T. 876, tr. 566 ; T. 121, tr. 761.