Vào thời các thánh Tông đồ, có những người nói tiếng lạ nghĩa là nói những ngôn ngữ khác nhau như Đức Giêsu đã báo trước (Mc 16:17). Lời tiên báo đã được thực hiện trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ được ơn nói ‘tiếng lạ’, nghĩa là tiếng ngoại quốc (Cv 2:1- 4) mà những người nghe thuộc những ngôn ngữ khác nhau hiểu được (Cv 2: 6, 9-11). Những đặc sủng Thiên Chúa ban, gồm đặc sủng nói tiếng lạ mà thánh Phaolô nói được nhiều tiếng lạ hơn tất cả (Cv 10:46; 19:6; 1Cr 14:2-19) là để mưu cầu lợi ích chung (1 Cr 12:7) và nhắm đến sự hiệp nhất (1 Cr 14:26). Thánh Phaolô bảo người cầu nguyện bằng tiếng lạ - mà không hiểu - thì chỉ có lòng cầu nguyện, nhưng trí không thu được kết quả (c. 14) và người khác cũng không cùng cầu nguyện được (c. 16). Thánh Phaolô còn bảo người nói tiếng lạ mà không hiểu, và cũng không có người cắt nghĩa tiếng lạ, thì không nói được với người khác vì không ai hiểu, nhưng chỉ nói với Thiên Chúa (c. 2). Vậy nếu trong nhóm cầu nguyện có người cầu nguyện bằng tiếng lạ mà không hiểu và không có người khác được đặc sủng giải thích tiếng lạ, thì thánh Phaolô bảo người cầu nguyện bằng tiếng lạ phải xin cho được ơn giải thích (1Cr 14: 13).

Nhóm Canh Tân Thánh Linh Công Giáo tại Đại Học Duquesne, Hoa Kì học cách cầu nguyện bằng tiếng lạ

Vào những thời điểm khác nhau của dòng lịch sử Giáo hội, Thiên Chúa dùng những cá nhân hay nhóm người: giáo sĩ hoặc giáo dân để phát động những đường lối sống đạo khác nhau, hầu giúp đổi mới đức tin của người tín hữu. Phong trào Canh tân Thánh linh Công giáo phát động từ Đại học Công giáo Duquesne tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kì vào năm 1967, nhấn mạnh đến việc canh tân cầu nguyện, xin ơn Chúa Thánh thần tác động tâm hồn và đời sống. Nhóm người trong Đại học cảm thấy xuống tinh thần khi chứng kiến việc thực hành đức tin của sinh viên trong Đại học, cũng như của toàn thể Giáo hội xuống dốc. Họ tụ họp nhau lại cầu nguyện thường xuyên. Rồi họ xin cầu nguyện chung với nhóm Tin Lành Pentecostal tại Pittsburgh, Pennsylvania như Công Đồng Vatican II khuyến khích người Công giáo học hỏi về tác động của ơn Thánh thần từ những giáo phái Tin lành. Từ đó trong giờ cầu nguyện thấy có những người trong Phong trào Canh tân Thánh linh Công giáo được đặc sủng cầu nguyện bằng ‘tiếng lạ’.

Trong tiến trình ước muốn cầu nguyện bằng tiếng lạ của mỗi cá nhân, lúc đầu có những người chỉ lặp đi lặp lại được vài lời bằng ‘tiếng lạ’ mà họ có thể hiểu hay không hiểu được như thánh Phaolô nói (1 Cr 14:14). Với thời gian, đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ của một số người tăng dần. Sau thời gian lắng nghe, nghiên cứu và tìm hiểu bởi những người hiện diện trong nhóm cũng như ngoại cuộc, người ta chứng minh được đó là tiếng ngoại quốc hiện đại hay cổ xưa. Những người ngoại cuộc - gồm cả linh mục và giáo dân - muốn nhạo báng, thì cho là họ nói ‘ú ớ’. Người khác hùa theo, thêm ‘ú a’ vào, phụ họa thành điệu hợp ca hai bè: ‘ú a, ú ớ’. Người bị nhạo báng nghe vậy cũng tức mà cười.

Tuy nhiên thánh Phaolô bảo: Đừng dập tắt Thần khí (1 Tx 5:19). Đàng khác thánh Phaolô cũng bảo: Hãy cân nhắc mọi sự (1 Tx 5:21) và phải xin cho được ơn phân định thần khí (1 Cr 12:10; 14:29). Còn thánh Gioan thì bảo: Đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian (1Ga 4:1). Suy luận theo Thánh Gioan, thì khi người ta thấy một hiện tượng lạ, đó có thể là do Thiên Chúa, do ảo thuật, do khoa học làm ra, hay do ma quỉ bầy đặt. Hiện tượng lạ cũng có thể là do ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng hay do trí tưởng tượng của loài người.

Khuynh hướng Tin Lành Hoá việc cầu nguyện Thánh linh ban đầu

Khi mới tham gia Phong trào Thánh linh Công Giáo, có những người có khuynh hướng Tin Lành hoá, nghĩa là coi nhẹ việc đạo đức truyền thống Công Giáo như việc sùng kính Mẹ Maria và các thánh. Do đó Phong Trào Thánh linh Công Giáo tại Hoa Kì ban đầu bị hiểu lầm và nghi kị. Tuy nhiên càng ở lâu trong Phong Trào với ước muốn canh tân đời sống đức tin và tìm kiếm sự thật để trở về nguồn, công giáo tính của thành viên Phong Trào càng được tăng triển. Những nhóm dấn thân thực sự của Phong Trào canh tân nhấn mạnh việc cầu nguyện với lòng sám hối, bầy tỏ lòng tôn sùng Bí Tích Thánh Thể và lòng sùng kính Mẹ Maria cách đặc biệt. Họ còn tuân phục quyền bính giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng. Và do đó Phong Trào được sự ủng hộ của Đức Thánh Cha và nhiều vị trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ.

Tuần tĩnh tâm Thánh Linh Công Giáo cho giới giám mục và linh mục thế giới tại Vatican

Vào tháng 10, 1984, một tuần tĩnh tâm dành cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ do Phong trào Thánh linh Công giáo thế giới tổ chức - ảnh hưởng nhiều bởi Phong trào Thánh Linh Công giáo Hoa kì - tại Hội trường Phaolô VI trong Toà Thánh Vatican với khoảng 6000 (sáu ngàn) linh mục – trong số này có bảy linh mục Việt Nam: ba vị tại Ý, ba từ Hoa Kì, và một từ Pháp) và 80 (tám mươi) giám mục từ 101 (một trăm lẻ một) quốc gia đã có kinh nghiệm hay chưa có kinh nghiệm trong Phong Trào Thánh linh đến tham dự. Chủ đề của tuần tĩnh tâm là: lời kêu gọi nên thánh. Ban giảng phòng gồm Hồng y Suenens người Bỉ, Giám mục Jaramilla người Colombia, Giám mục D’Sousa người Ấn độ, Linh mục Cantalamessa người Ý với giọng nói thao thao bất tuyệt, líu lo như chim hót, Linh mục Adlay người Mễ Tây Cơ, Linh mục Tom Forest, người Hoa kì, Linh mục Tardif người Gia Nã Đại, mẹ Têrêsa cũng được mời chia sẻ một bài. Những vị giảng lễ gồm Hồng y Oddi người Ý, Hồng Y Gantin người Benin, Giám mục Dias người Ấn độ. Mỗi bài thuyết giảng được dịch ra năm thứ tiếng do những chuyên viên dịch tại chỗ: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Ai muốn nghe tiếng nước nào thì gắn máy nghe tiếng đó vào tai.

Khoảng 6.000 linh mục và 80 giám mục từ 101 quốc gia tụ họi về Vatican 1984 dự tuần tĩnh tâm Thánh Linh. Photo: TB Trong

Chương trình tĩnh tâm được xếp sát nút từ 9 giờ sáng tới 7:30 tối, ngoại trừ một giờ rưỡi ăn trưa và nghỉ trưa. Ai nấy mang hộp đồ ăn được phát sẵn tự tìm chỗ nào đó ngồi ăn mà chim câu cứ bâu lại rình ăn chung quanh quảng trường Thánh Phaolô. Có vị tìm chỗ dựa lưng hay gục đầu mà ngủ. Giữa những giờ thuyết trình, đoàn tĩnh tâm cầu nguyện, suy niệm, sám hối, ca hát, chúc tụng bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, bằng cả tiếng lạ. Hội nhập với khối giáo sỉ phẩm đông đảo này, người ta thấy quên đi những nét đặc thù của mình, không còn thấy mình là trung tâm vũ trụ. Trái lại người ta có cái nhìn phổ quát hơn về Giáo Hội. Mỗi ngày đều có giờ thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trước Thánh Thể Chúa ngự, đoàn tham dự viên bày tỏ lòng mình với Chúa trong thinh lặng hay lớn tiếng bằng tâm tình sám hối, lời cầu nguyện, thờ phượng và ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng La Tinh nếu có tập cầu nguyện in sẵn, hoặc bằng những ngôn ngữ riêng, bằng cả tiếng lạ, bằng những cử chỉ đạo đức như giang tay, quì gối, sấp mình thờ lạy mà không sợ người bên cạnh cho là kì quặc và lập dị.

Trong những lúc giải lao, có những linh mục xưng tội và giải tội lẫn cho nhau. Người ta cũng chứng kiến việc hoà giải cộng đồng. Hai nhóm linh mục Anh Cát Lợi và Á Căn Đình làm hoà với nhau về chiến tranh xung đột giữa hai quốc gia của họ tại hải đảo Falkland xẩy ra năm trước đó ngoài khơi Á Căn Đình. Lại có ông bà kia người Hoà Lan đã giúp tài trợ vé máy bay cho những linh mục thuộc những quốc gia ‘đệ tam’ nghèo túng sang dự tuần tĩnh tâm này. Trước kia  ông bà này thường phê bình chỉ trích Giáo Hội cách khắt khe. Cuối tuần tĩnh tâm, hai ông bà bay sang Toà Thánh La mã để xin được Đức Thánh Cha và đoàn giáo-sĩ-phẩm dự tuần tĩnh tâm tha thứ.

Vào ngày cuối tuần tĩnh tâm, đoàn tham dự viên dâng thánh lễ đồng tế với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Đền thờ thánh Phêrô bằng tiếng La Tinh và lập lại lời hứa xin vâng ‘volo’ khi thụ phong linh mục vang dội khắp Đền Thờ Thánh Phêrô. Hàng giáo-phẩm-sĩ tham dự viên còn kí vào thư ngỏ gửi lên Đức Thánh Cha, bầy tỏ lòng biết ơn Ngài đã cho xử dụng Hội Trường Phaolô VI trong suốt thời gian tĩnh tâm và bầy tỏ ý muốn quyết tâm đáp lại tiếng gọi nên thánh, sống đời dâng hiến.

Tiếng lạ ban đầu có thể không theo câu cú và văn phạm và không cần phải hiểu.

Nếu cứ dùng lí trí mà phân tích lời cầu nguyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình xem có đúng văn phạm hoặc có hợp lí không, thì đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ khó có thể tác dụng tâm trí được, cho tới khi người ta ‘nhượng bộ’ cho tiếng lạ. Vì thế có những  trường hợp, lời cầu nguyện bằng tiếng lạ không liên kết với một ngôn ngữ nào. Nếu coi tiếng chim kêu vượn hót là cách thế mà những con vật này làm theo bản năng để ca tụng Đấng tạo thành chúng, thì người cầu nguyện bằng tiếng lạ cũng là cách thế để lòng họ ca tụng Thiên Chúa, mặc dầu trí họ không hiểu, nhưng có nhắm mục đích để ca tụng (1Cr 14:14). Có những người với khoa nói kém, nghĩa là nói khó ra lời, mà trong lúc cầu nguyện lớn tiếng với nhóm, ước muốn ca tụng Thiên Chúa, mà không biết diễn tả thế nào bằng tiếng mẹ đẻ của mình để ca tụng; hoặc có những người khác cảm thấy ngôn ngữ mẹ đẻ giới hạn, không đủ để diễn tả cách mau lẹ và liên tục trong việc ca tụng Thiên Chúa, thì ước muốn có đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ để ca tụng Thiên Chúa, được tăng cường độ với thời gian. Những người này lúc đầu nên ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa bằng cách lặp đi lặp vài lời chúc tụng vắn tắt nào đó bằng tiếng lạ.

Lập đi lặp lại một lời chúc tụng nào đó, còn có tác dụng tâm lí là khi lặp đi lặp lại mãi rồi người ta cũng cảm, cũng tin, dựa theo phương pháp ‘tự kỉ ám thị’. Và khi người ta không có đủ từ ngữ để cầu nguyện và diễn tả tâm tình của mình với Đấng tối cao, thì người ta cần lặp đi lặp lại kinh nguyện có sẵn. Phải nói rằng trước đây người công giáo tại một số Giáo Phận Miền duyên hải Bắc Việt đọc Kinh Cầu Chữ bằng Hán Việt mà câu đầu đọc là: Thiên Chúa Căng Lân Thần Đẳng’ hay Kinh ‘Phục Rĩ’, còn gọi là Vãn Cầu Hồn, viết bằng chữ Nôm. Câu đầu của kinh này đọc là ‘Chí tôn chân Chúa Cửu trùng cao ngự chi thiên’ mà linh mục Vũ Đình Trác cho rằng do một hoà thượng Phật Giáo trở lại Công Giáo mang tên là thầy giảng Phanxicô sáng tác (1), cũng chỉ hiểu lõm bõm vậy thôi. Còn dự dễ hay hát lễ bằng tiếng La Tinh như kinh ‘Gloria’ (Vinh Danh) hay kinh ‘Credo’ (Tin Kính), đa số người Công Giáo cũng chỉ hiểu ‘qua loa rơ măng’ thôi. Tuy nhiên người Công Giáo biết đó là lời cầu nguyện và thờ phượng. Có những người Phật Giáo cũng đã dùng phương pháp lặp đi lặp lại khi họ tụng niệm kinh như: ‘Na mô A Di đà Phật’ bằng tiếng Phạn, được dịch ra Hán Việt, mặc dù nhiều người đọc chỉ hiểu sơ qua vậy thôi.

Ngay cả những linh mục dâng lễ bằng tiếng La Tinh trước Công Đồng Vaticanô II cũng chỉ hiểu một cách giới hạn. Những linh mục có khiếu về ngoại ngữ và thực tập nhiều thì hiểu nhiều hơn. Nói như vậy có thể chạm đến tự ái của những linh mục thời tiền Công Đồng Vaticanô II hay thụ phong linh mục vào giai đoàn giao thời. Thực tế mà nói, là như vậy. Trong tiểu chủng viện thời tiền Công Đồng Vaticanô II, chủng sinh phải học tiếng La Tinh và văn phạm La Ngữ, gồm cả mẹo ‘gầm sàn’ (tiểu chú cuối trang trong sách Văn phạm La Tinh 'Grammaire Latine complète của H. Petitmangin) trong bảy năm. Tuy nhiên La Tinh là cổ ngữ không còn quốc gia nào dùng trong đời sống hằng ngày. Cách chia động từ trong ngôn ngữ La Tinh lại rất phức tạp, có khi chia động từ, từ thì nọ qua thì kia, từ ngữ biến đổi hoàn toàn. Nếu có từ điển La Tinh tốt và sách văn phạm La Ngữ để ngồi xuống mà dịch ra, thì những linh mục thời tiền Công Đồng Vaticanô II chắc được điểm cao đấy.

Điều cần ghi nhận ở đây là Công Đồng Vaticanô II không công bố một sắc lệnh nào đình chỉ lễ Tridentinô bằng tiếng La Tinh cả. Nhóm người theo tổng Giám mục Marcel Lefèbre,  lập Hiệp Hội Piô X, đặt đại bản doanh tại Thụy Sĩ, bị cắt đứt mối thông hiệp với Toà Thánh Vatican chỉ vì chống lại những cải cách của Công Đồng Vaticanô II, chứ không phải vì chủ trương làm lễ Tridentinô bằng tiếng La Tinh. Có những nhóm đã tách khỏi sự kiểm soát của Hiệp Hội Hội Piô X, xin trở lại thông hiệp với Toà Thánh La Mã. Hơn bốn mươi năm sau, Giáo Hoàng Bênêdictô XVI lại thu hồi lại quyết định rút phép thông công bốn giám mục đã được tổng Giám Mục Lefèbre tấn phong trái phép với hi vọng mở đường cho Hiệp Hội Piô  X tại Thụy Sĩ  trở  về  với Giáo Hội mẹ và còn cho phép những linh mục nào vẫn thông hiệp với Toà Thánh, mà muốn dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La Tinh, thì được làm như ý. Trong khi những linh mục tiền Công Đồng Vaticanô, hoặc thụ phong vào giai đoạn giao thời lại không muốn trở về với lễ Tridentinô, mà một số linh mục mới chịu chức ở Âu Mĩ, vì những lí do như tâm lí, lại thích dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh. Và như vậy thì những linh mục này lại càng ít hiểu vì không được học tiếng La Tinh trong bảy năm tại tiểu chủng viện.

Đặc sủng nói tiếng lạ là để xây dựng sự hiệp nhất cộng đồng

Trở về đề tài nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ, thì để áp dụng thực hành, người được đặc sủng nói/cầu nguyện bằng tiếng lạ phải tỏ thái độ và hành sử thế nào? Nói chung họ cần nhận thức rằng chức năng của đặc sủng là để xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn (1Cr 14:26) và vì thế cần dè dặt trong việc sử dụng đặc sủng. Nếu những người hiện diện không ai hiểu, mặc dù cả nhóm nói cùng một ngôn ngữ, thì họ chỉ nên cầu nguyện bằng tiếng lạ cách âm thầm, để người khác khỏi hoang mang khi nghe người đó cầu nguyện bằng tiếng lạ. Còn nếu không có ai hiện diện xung quanh, thì mới nên cầu nguyện to tiếng bằng tiếng lạ mà thôi. Riêng trong nhóm cầu nguyện Thánh linh, người ta có thể cầu nguyện lớn tiếng bằng tiếng lạ, mặc dù có những người không hiểu, vì cả nhóm ý thức được rằng có những người trong nhóm cầu nguyện bằng những ngôn ngữ khác nhau, gồm cả tiếng lạ. Những người nói tiếng lạ cần nhận thức rằng đặc sủng cầu nguyện bằng tiếng lạ chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình canh tân cầu nguyện và không nhất thiết phải gắn liền với đời sống canh tân cầu nguyện. Cũng cần nhận thức rằng mỗi đặc sủng thì có thứ bậc (1Cr 12:27-28; 1Cr 14:5) và chức năng của đặc sủng là nhắm ích chung (1Cr 12:7). Thánh Phaolô còn căn dặn thêm: ‘Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng (1Cr 13:1).

Cần được hướng dẫn để nhóm cầu nguyện bằng tiếng lạ khỏi đi lạc hướng

Điều quan trọng là những vị giảng phòng hay tuyên uý cần hướng dẫn thế nào cho nhóm cầu nguyện khỏi đi lạc đường hướng. Trong nhóm cầu nguyện Thánh linh hoặc trong bất cứ hội đoàn công giáo tiến hành hay phong trào giúp canh tân đời sống đức tin, có thể có những hội viên khi học biết được vài lối sống đạo mới hay được đặc sủng nọ kia, thì sinh ra tự hào ta đây, coi mình biết hơn ai hay đạo đức hơn người khác, hơn cả linh mục, rồi coi thường người khác. Nói như vậy không có nghĩa là không có người nào được đặc sủng, hoặc biết hơn hay đạo đức hơn người kia, hay hơn cả linh mục. Khi hướng dẫn hoặc lãnh đạo một phong trào hay hội đoàn, hoặc cổ võ một đường lối sống đạo mới, người ta có thể bị cám dỗ để trình diễn hoặc gây chú ý, hoặc cám dỗ chiều theo khuynh hướng ‘con hát mẹ khen hay’. Có những cám dỗ dễ chống đối, có những cám dỗ thì lại khó đối đầu. Chống trả cám dỗ để trình diễn và gây chú ý là tuỳ thuộc vào mức độ khiêm tốn và tinh thần mưu cầu lợi ích chung và tinh thần tự kỉ luật của người lãnh đạo hoặc hướng dẫn. Vì thế có những người quan sát với ý muốn phê bình, thì cho rằng có cả ‘cò mồi’ trong việc cổ võ hiện tượng nọ kia trong việc biểu lộ hay xin được ơn hay đặc sủng nào đó.

Do đó vị giảng phòng hay tuyên úy cổ võ đường lối sống đạo mới, cần hướng dẫn hội viên thế nào để khỏi gây hoang mang, chia rẽ, đố kị hay bè phái trong nhóm hoặc trong cộng đồng dân Chúa, chứ không phải chỉ cổ võ sao cho có nhiều hội viên. Thử vào làm hội viên của hết phong trào này đến hội đoàn kia, mà đi theo kiểu bắt cá hai tay, chỉ muốn ‘đá gà đá vịt’, để xem may ra có được ơn này hay đặc sủng kia không, chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn và đời sống nội tâm và dấn thân để xây dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của hội đoàn/phong trào, thì e rằng không biết có bắt được con cá nào không?

Lm Trần Bình Trọng

______________________________

Ghi chú: Những trích dẫn Thánh kinh là của:

Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng Vụ. Các tác giả giữ bản quyền. ã 1994, 1998.

Nguyệt San Hiệp Nhất. Santa Ana, California. Số 38. Tháng 2, 1996, trang 35.