Lời mở: Bài viết này không nhắm tính cách nghiên cứu chuyên môn. Phần lớn chỉ dựa trên kiến thức phổ thông, rồi đưa ra những nguyên tắc chung. Muốn tìm  hiểu theo nghiên cứu chuyên biệt, có thể đọc những bài về giáo dục con cái trên mạng này: www.chuanoitadap.net dưới mục: ‘Bài viết của các tác giả khách’.

Trước kia khi khoa học, kĩ thuật, kinh tế và hệ thống giáo dục chưa phát triển, thì có những cha mẹ làm giầu để của cho con. Ngày nay sống trong xã hội hiện tại và hiện đại nhất là ở hải ngoại, con cái lớn lên có bằng cấp, có nghề nghiệp chuyên môn, có thể làm nhiều tiền gấp bội cha mẹ. Cha mẹ về già lại có tiền hưu dưỡng, tiền an sinh xã hội và các thứ tiền bảo hiểm cung ứng. Nếu thiếu thì lại có quĩ an sinh xã hội bù vào. Vậy thì cha mẹ nên làm thế nào để sửa soạn cho con cháu vào đời, cho con cháu được hạnh phúc, không phải chỉ nhắm đến hạnh phúc vật chất, nhưng còn nhắm hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài cho con cháu.

day_con_tu_o_den_6Để được như vậy, cha mẹ cần để của tinh thần và của cải thiêng liêng cho con cháu. Của thiêng liêng mà Đức Kitô đã nói đến trong Thánh Kinh: Hãy tích trữ của báu không hao hụt ở trên Trời, nơi mà trôm cướp không thể lai vãng và mối mọt không thể đục khoét (Lc 12:33). Con cháu cần được phát triển một cách toàn diện về thể lí, trí tuệ, tình cảm và đạo đức để có thể có được nếp sống quân bình. Theo nhận xét của Montaigne thì ‘một bộ óc thăng bằng, chắc chắn thì hơn bộ óc đầy chữ’. Nếu cha mẹ ép con cái suốt ngày cặm cụi với bài vở mà không giúp con cái phát triển về những bộ môn khác như thể thao, văn nghệ, hội hoạ, thơ phú, giao tế.. thì e rằng con cái có thể trở thành những người lạc lõng, khó thích ứng, khó hội nhập vào xã hội. Khuôn khổ bài này chỉ cho phép bàn sơ quan về bốn lãnh vực đầu tư vào con cháu như sau:

Duy trì và phát triển căn tính nòi giống

Ở Mĩ trước đây người ta đưa ra thuyết ‘lò  đúc’ (melting pot) để mô tả dân tộc Hoa Kì. Họ cho rằng người Mĩ thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đến hợp thành một khối dân đồng nhất, giống như các thứ quặng mỏ bỏ vào nấu trong một nồi đúc khổng lồ để rồi hoà lẫn với nhau. Thuyết lò đúc ngày nay bị coi là lỗi thời vì sau cả mấy trăm năm, nước da của người Mĩ đen vẫn không đổi được. Thời gian đầu khi xuất hiện trên sân khấu người ta thấy Michael Jackson này là người da đen, sau một thời gian da mặt tài tử này trở thành trắng, thì người ta ngạc nhiên, không hiểu Michael Jackson đã dùng kĩ thuật gì trong việc đổi sắc. Cái mũi tẹt của người Mĩ vàng ở Mĩ hằng trăm năm vẫn không nhô lên được. Ngoài ra người Mĩ đen và người Mĩ vàng, dù sinh trưởng ở Mĩ vẫn còn một phần nào mang tâm trạng của tổ tiên họ từ Phi Châu hay Á Châu tới.

Vì thế ngày nay người ta hướng về thuyết ‘Đa Chủng – Đa Diện’ (Structuralism – Pluralism) để mô tả người Hoa Kì. Và người ta cổ võ hiện tượng ‘trăm hoa đua nở’, nghĩa là khuyến khích mỗi sắc dân duy trì những sắc thái độc đáo của nền văn hoá cha ông, để góp phần làm giầu cho nền văn hoá Hiệp Chúng Quốc. Và để duy trì văn hoá tổ tiên, người ta còn khuyến khích việc học tiếng mẹ đẻ, vì còn tiếng nói mới còn văn hoá. Ở Việt Nam, sau bao nhiêu năm bị ngoại bang đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn duy trì được tiếng mẹ.

Trẻ con sinh trưởng ở Mĩ thuộc bất cứ chủng tộc nào, khi còn nhỏ cho tới lớp ba, lớp bốn  thường chưa quan trọng hoá màu da, màu tóc và diện mạo của mình. Ở lớp tuổi này trẻ em dễ hội nhập và hoà đồng với nhau. Tuy nhiên khi lớn lên, học sinh hoặc sinh viên thuộc mỗi chủng tộc thường tìm đến với nhau: trắng với trắng, đen với đen, Phi với Phi, Nhật với Nhật, Việt với Việt.. Đó là một hiện tượng tự nhiên chứ không hẳn là kì thị. Nếu từ nhỏ cha mẹ không khuyến khích con cái học tiếng mẹ đẻ, học biết về phong tục, lịch sử và văn hoá nòi giống, thì khi lớn lên con cháu sẽ bị mặc cảm là không biết tiếng mẹ, không biết văn hoá lịch sử giống nòi. Ngăn trở này khiến con cái khó hội nhập với đám đông cùng màu da. Như vậy quan niệm sống ở ngoại quốc thì phải quên tiếng mẹ, phải được xét lại. Một điều nên biết là trí óc của trẻ con có thể lãnh hội và ghi nhận hai ba thứ ngôn ngữ cùng lúc. Cùng một tư tưởng được mỗi ngôn ngữ diễn tả bằng những cấu trúc và hình ảnh khác nhau. Vậy biết được nhiều cách diễn tả tư tưởng của mỗi ngôn ngữ sẽ làm cho đầu óc bén nhậy hơn. Kinh nghiệm những người lớn học tiếng ngoại quốc cho thấy khó khăn như thế nào.

Duy trì và phát triển căn tính tôn giáo.

Một vấn đề mà người ta phải đương đầu trên thế giới hiện nay và trong xã hội hiện tại là làm sao tìm ra ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống? Có những thanh thiếu niên đã tự kết thúc đời mình chỉ vì buồn chán và không tìm được lẽ sống. Ngoài đạo giáo, ai có thể giúp người ta tìm ra ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống? Có những cha mẹ lí luận cứ để con cái lớn lên, rồi tự quyết định nên theo tôn giáo nào. Lí luận như vậy là không thực tế. Lí do là vì nếu cha mẹ không hướng dẫn con cái học biết về đạo, làm sao con cái có thể làm quyết định sau này? Thánh Phaolô dạy rõ về điểm này: ‘Làm sao người ta có thể tin, nếu không bao giờ được nghe? Làm sao người ta có thể nghe, nếu không có người giảng dạy? Làm sao người ta có thể giảng dạy, nếu không được sai đi?’ (Rm 10:14-15).

Trước đây sống ở quê nhà, người ta không cần biết nhiều về đạo, nhưng vẫn có thể giữ đạo. Tuy nhiên nếu nghĩ rằng, con cháu của họ cũng chỉ cần biết về giáo lí của đạo giáo cách tối thiểu như họ, thì e rằng đời sống đức tin của con cháu họ sẽ bị lung lạc. Một điều nên biết là người Tin Lành Mĩ biết nhiều về Thánh Kinh và giáo lí của họ. Như vậy thế hệ của con cháu người mình hoặc ở Quê hương hay hải ngoại cũng cần biết đủ về giáo lí trong đạo để có thể trả lời cho bạn bè những câu hỏi tại sao về đạo như: Tại sao người Công Giáo giữ Mười Giới Răn Thiên Chúa? Tại sao người Công Giáo phải đi lễ ngày Chúa Nhật? Tại sao người Công Giáo tôn sùng Mẹ Maria và các thánh? Tại sao người Công Giáo tuân phục quyền bính Giáo Hoàng La Mã? Tại sao ngưòi Công Giáo thế nọ thế kia? Đối với người trưởng thành về đức tin, thì khi bị chất vấn mà không trả lời được, ít ra họ cũng tỏ thái độ và lập trường của mình. Tuy nhiên đối với thế hệ con cháu, khi bị chất vấn về đạo họ theo, mà không trả lời được, cũng không biết tỏ thái độ, thì đó là mối nguy cơ cho đời sống đức tin. Thống kê tại Mĩ cho biết nếu trẻ em học trường Công Giáo, hoặc học trường công lập, mà có đến nhà thờ học giáo lí cho tới lớp tám hay mười hai, thì dù sau này có bỏ việc thực hành đức tin, cuối cùng đương sự cũng sẽ tìm đường trở về với Chúa qua Giáo Hội.

Duy trì và phát triển căn tính phái tính

Một loại khủng hoảng thứ ba là khủng hoảng về phái tính. Trong gia đình nếu cha mẹ đối xử và chiều chuộng con trai như con gái, thì sau này chúng có thể trở thành yểu điệu. Có những trường hợp cha mẹ đặt quá nhiều hi vọng vào con trai về phương diện nào đó mà đứa con không thực hiện được, có thể làm giảm đi nam tính của con. Có những trường hợp khác, khi người mẹ khắt khe và người cha quá nhu nhược, khiến con trai có thể cho rằng người đàn bà nào cũng có thể dữ như mẹ mình và do đó nảy ra cảm tưởng sợ đàn bà.

Do khuynh hướng không thoải mái về phái tính của mình mà có những người tìm giải phẫu: đàn ông thành đàn bà, đàn bà thành đàn ông. Trong một cuốn phim của loạt phim gián điệp James Bond, xuất hiện một nữ tài tử bắn tên hết sẩy, lại có một sắc đẹp sắv sảo, có mái tóc huyền dài tới ngang lưng, với cặp mắt nhìn như muốn thôi miên khán giả. Khi khám phá ra nữ tài tử đó sinh ra là con trai, rồi đi giải phẫu thành con gái, khiến những anh chàng mê nữ tài tử giả dạng này phải vỡ mộng.

Trước đây, sống trong xã hội nông nghiệp, vai trò của con trai là cần thiết cho việc đồng áng. Vì thế con trai dễ nuôi hình ảnh người lực điền trong tâm trí. Trong xã hội này, thường nam nữ sinh hoạt tách biệt, nên thanh thiếu niên dễ duy trì căn tính phái tính của mình. Trong xã hội nông nghiệp xưa kia, cha mẹ cũng thường dựng vợ gả chồng cho con. Do đó con trai nhát gái cũng không phải lo xem có tìm được ý trung nhân hay không. Trái lại sống trong xã hội kĩ nghệ hoá hay hậu kĩ nghệ hoá, sức lao động của người đàn ông được máy móc thay thế. Lại còn có những vai trò và công việc mà đàn bà cũng làm được, thì người đàn ông cảm thấy vai trò của mình bị giảm đi trong xã hội. Khi người con trai cảm thấy con gái không để ý đến mình, thì cảm thấy nhụt khí. Ở xã hội này, nam tính được thể hiện trong một số môn thể thao. Vì thế khi con trai không chơi thể thao, hay không thích thể thao, mà cha mẹ bận tâm lo lắng khiến con trai không chơi thể thao cảm thấy nghi ngờ nam tính của mình. Tuy nhiên quan niệm nam tính không hẳn chỉ giới hạn trong các môn thể thao mà thôi. Trong trường hợp con trai không thích thể thao cha mẹ cần giúp con phát triển những sở thích và tài năng khác mà vẫn duy trì được nam tính của mình.

Sự hiện diện của người cha cũng như người mẹ, vai trò khác nhau mà người cha và người mẹ cần phải đóng cho thích hợp trong gia đình là những yếu tố quan trọng và cần thiất cho con cái phát triển một cách quân bình về đời sống tình cảm. Nếu cha mẹ đóng lộn vai trò: cha cư sử và hành động như mẹ, mẹ cư sử và hành động như cha, thì căn tính về phái tính của con cái có thể bị đảo lộn. Nhận thức được sự hiện diện của cha cũng như mẹ là cần thiết cho hạnh phúc về thể chất cũng như tình cảm của con cái, mà có những cha mẹ hoãn việc li thân cho tới khi con cái trưởng thành, hoặc quyết định cứ cố gắng chịu đựng sống chung cho trọn lời thề.

Duy trì và phát triển căn tính gia đình

Sống trong xã hội kĩ nghệ hay hậu kĩ nghệ, giờ giấc làm việc có tính cách gò bó. Thêm vào đó, có những cha mẹ muốn đốt giai đoạn, làm hai việc cho có nhiều tiền để mua nhà gấp. Vì thế cha mẹ không còn thì giờ cho con cái; không còn thì giờ để lắng nghe con, giải trí với con; không còn thì giờ để quan sát và hướng dẫn con cái; không còn thì giờ để ăn uống chung và cầu nguyện chung với con. Ở Mĩ người ta quan sát và ghi nhận là những gia đình ăn chung và cầu nguyện chung thường tránh được những đổ vỡ trong gia đình. Có những đứa con phàn nàn rằng cha mẹ cho con nhiều sự vật: tiền bạc, dụng cụ nhạc khí, dụng cụ thu thanh, thu hình, ngay cả xe hơi, ngoại trừ thì giờ và tình yêu.

Vậy việc đầu tư vào con cái cần bắt đầu ngay từ trước khi sinh con. Con cái được thụ thai phải là do kết quả của tình yêu giữa vợ chồng được thánh hiến và có bao hàm trách nhiệm qua lời hứa hôn nhân, chứ không phải là chuyện qua đường, ngẫu nhiên mà thụ thai. Có những cha mẹ đã có can đảm xin lỗi con cái hầu mong hàn gắn vết thương buồn tủi nơi đứa con vì đã thụ thai con thiếu tình yêu, hoặc thụ thai con mà không muốn cho con ra đời. Riêng người mẹ cần phải đầu tư vào đứa con ngay khi mới thụ thai, bằng cách kiêng cữ rượu mạnh, có thể làm suy bại thần kinh của bào thai. Ngoài ra người mẹ cần tránh việc nặng nhọc và cần ăn uống ngủ nghỉ cho điều hoà. Theo sự suy đoán của tác giả mà chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm, thì ngay cả những nỗi khổ tâm, những cảm tình buồn bực cũng có ảnh hưởng đến bào thai. Ví dụ một người đàn bà không muốn hoặc chưa muốn có con, mà tình cờ thụ thai, thì cảm tình lo buồn vì đã thụ thai con một cách bất đắc dĩ, sẽ chuyển từ hệ thống thần kinh của người mẹ xuống thần kinh bào thai. Và đứa con sẽ bị mặc cảm đau lòng ngay từ khi trong bụng mẹ.  Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của tâm trạng vui buốn của người mẹ lúc mang thai có liên hệ đến hạnh phúc đứa con trong tương lai, tác giả đề nghị các bà mang thai nên nhìn vào gương, mỉm cười mỗi ngày mấy lần.

Cha mẹ cần đầu tư vào con cái ngay từ khi mới sinh. Cha mẹ cần học hỏi và áp dụng phương pháp dưỡng nhi và giáo dục con cái. Tiếc rằng ỡ những xứ kĩ nghệ hoá, người ta không khuyến khích hay không có giờ nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó vì hoàn cảnh xã hội hay công ăn việc làm, nhiều người mẹ phải nuôi con bằng sữa hộp. Việc nuôi con bằng sữa hộp, việc để con thơ ngủ một mình trong nôi, việc gửi con còn đang mang tã, đã làm giãm đi sứ mệnh cao cả của người mẹ. Chỉ nguyên cái hình ảnh của người mẹ ôm con vào lòng, âu yếm nhìn con khi cho con bú đã nói lên được nét đẹp của tình mẫu tử.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại lợi ích về phương diện tình cảm và tâm lí cho đứa con. Việc tiếp súc giữa miệng đứa con với phần thân thể nuôi con của người mẹ thường cho đứa con một cảm giác an toàn, được che chở và bảo vệ, khiến đứa con khi ngủ, ít bị giật mình hay mê sảng. Nếu cái việc ngập núm cao su có thể làm cho trẻ thơ nín khóc, thì tại sao đôi khi người mẹ lại không cho con mọn bú - dù đã cai sữa - để làm tăng triển tình mẫu tử? Ở xã hội nông nghiệp quê hương trước đây, khi bà mẹ ra đồng cấy lúa hay gặt lúa, ở nhà bà nội, bà ngoại vẫn cho cháu bú - dù không còn gì cho cháu mà cũng giữ được cháu khỏi khóc. Những bà mẹ giao thời có thể nhớ lại cái tình mẫu tử của mình đối với đứa con bú sữa mẹ và đứa con uống sữa hộp khác nhau thế nào? Chỉ nguyên việc nhớ lại trước đây mình đã ôm con vào lòng, âu yếm vuốt ve cho con bú, cũng giúp cho việc phát triển và duy trì tình mẫu tử. Hi vọng đã có những người hay sẽ có những người làm cuộc điều nghiên về việc phát triển tình mẫu tử giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và việc cho con uống sữa hộp.

Một thời có phong trào khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ gọi là ‘La leche League’ (Leche theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là sữa). Có những người mẹ trẻ cũng đã hưởng ứng và quảng bá phong trào. Họ tạm nghỉ việc, chịu thắt lưng buộc bụng, kéo dài thời gian trả nợ tiền nhà, để ở nhà nuôi con bằng sữa mẹ và săn sóc con cái. Chính trong cái bầu khí an toàn và khung cảnh đầm ấm của gia đình mà những giá trị nhân bản, luân lí và đạo đức đưọc truyền đạt xuống cho con cháu.

Một điều cần lưu ý là trong gia đình, con cái gồm cả con trai, thường chịu ảnh hưởng của người mẹ nhiều hơn người cha vì con cái thường gần gũi mẹ hơn về tình cảm. Trong thế giới loài người, một trong những lý do khiến người ta chém giết lẫn nhau là vì đàn bà. Tuy nhiên nếu không có đàn bà, có lẽ người ta còn chém giết nhau hơn nữa. Có đàn bà mới xoa dịu được những cơn hung dữ, tàn bạo của đàn ông. Dường như đàn bà được tạo dựng  để làm cho thế giới loài người tươi mát hơn. Lí luận như vậy nên có những cha mẹ chủ trương cần để ý săn sóc, hướng dẫn con gái hơn con trai. Lí do thứ nhất là vì phái yếu và đẹp cần phải được săn sóc kĩ hơn. Lí do nữa là vì tác dụng đa cảm của người đàn bà nơi người khác. Trong khung cảnh gia đình và trong giới bạn bè, tình cảm thường thắng lí trí. Sự hiện diện của người thục nữ nơi đám đông thường tạo nên bầu khí đỡ căng thẳng hơn. Người hiền thê có thể gây nhiều ảnh hưởng tốt cho chồng. Người hiền mẫu thường ghi những ấn tượng dịu hiền và đạo hạnh nơi tâm khảm con cái.

Một điều khác cần nhắc lại là người ta chọn bạn chứ không chọn cha mẹ và con cái. Vì thế con cái cần được chấp nhận như món quà tặng của Thưọng Đế. Không bao giờ nên so sánh con mình thua kém con người khác về phương diện nọ kia. So sánh đứa con này với con nọ cũng không nên. Làm như vậy là có ý miệt thị con cái, khiến cho đứa con dễ bị tự ti mặc cảm. Con cái cần được chỉ dạy để có thể phân biệt và chọn lựa giữa phải trái, lành dữ, tốt xấu để có thể có được những nhận xét khách quan và tinh thần trách nhiệm cho bản thân cũng như lãnh trách nhiệm liên đới. Con cái cần được khuyến khích gia nhập những phong trào, hội đoàn để học hỏi với chúng bạn sao cho trở thành người con hiếu đễ, người công dân hữu dụng và người biết thực hành niềm tin tôn giáo. Con cái cần  được hưóng dẫn trong việc làm quyết định, nhất là trong việc tìm kiếm và lựa chọn người bạn đời, xem chàng và nàng có thể cùng nhau chia sẻ cuộc sống lứa đôi, cùng nhìn về một hướng và cùng theo đuổi một mục đích chung không? Nếu cấm đóan thì cần cắt nghĩa tại sao. Tuổi trẻ thường lí tưởng và phục thiện như cha ông thường nói: Nói phải thì ông củ cải cũng nghe’.

Có những phụ huynh không thấy có dấu hiệu biểu lộ nỗi lo ngại nơi con cái, không thấy con than trách, phá hoại, hoặc bỏ nhà ra đi...tưởng rằng con cái không có vấn đề. Tuy nhiên những khuynh hướng bất mãn, dồn ép, phản loạn.. có thể nằm âm ỉ trong tâm trí đứa con mà phụ huynh khó thấy hay không để ý vì trong thời buổi này cha mẹ và con cái ít khi gặp nhau do thời giờ làm việc của cha mẹ và học hành của con cái khác biệt. Để dễ bắt mạch con, cha mẹ nên sắp đặt chương trình để trong tuần gia đình ăn chung với nhau ít là mấy lần. Ăn chung là một trong những cơ hội thuận tiện để giúp cha mẹ nhận ra những triệu chứng đáng lo ngại nơi con cái như sao lúc này thấy nét mặt con có vẻ buồn bã, lầm lì, ít nói khác thường? Nếu hỏi tại sao con ít nói? Lúc đầu con cái sẽ chối hoặc nói quanh. Tuy nhiên nếu hỏi gạn mãi - nếu là con gái thì để mẹ hỏi – con sẽ trả lời. Bằng không nhận ra những triệu chứng đó mà tìm cách giúp đỡ, thì đến lúc triệu chứng bùng nổ một cách đáng tiếc, thì đã quá trễ.

Lm Trần Bình Trọng