Chúa Nhật 25 Mùa Thường Niên, Năm B

Mc 9: 29-36

Lần thứ hai Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về số phận của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại”.

Đây là lần thứ hai, Người đề cập đến vấn đề nầy. Thánh Maccô đã chú thích: Ngài nói không úp mở; nghĩa là rõ ràng. Nhưng lần này Thánh Maccô lại nói rõ: “Các môn đệ không hiểu Ngài muốn nói gì và các ông sợ không dám hỏi Người”.

Các môn đệ không hiểu, nhưng chúng ta có hiểu không?

Chúng ta đã nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều hơn các môn đệ, nhưng hình như chúng ta cũng chẳng hiểu gì. Tâm trí chúng ta mù tối. Hình như Chúa Giêsu là một người xa lạ. Ngài sống hay chết, chúng ta cảm thấy như ngoại cuộc, người dưng nước lã.

Giữ đạo là gì?

Đâu phải chỉ là những nghi thức phải giữ, những lề luật phải tuân hành!

Giữ đạo chính là gắn bó với Chúa Giêsu đến nỗi thân phận của Ngài trở nên thân phận của chúng ta. Cái gì liên hệ đến Ngài là liên hệ đến chúng ta. Phải là một với Ngài như vợ chồng thương nhau.

Chúng ta có cảm thấy cuộc sống chúng ta liên hệ mật thiết với Ngài không?

Thánh Phaolô đã đạt đến mức độ đó: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Chúa Kytô sống trong tôi”.

Tuy chúng ta chưa đạt đến mức độ thâm sâu đó, nhưng chúng ta có xem đó như mục tiêu chúng ta phải đạt đến không? Và từng ngày, chúng ta nhắm đích điểm đó để tiến tới. Tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Không có tình yêu, tất cả chỉ là vô nghĩa. Tình yêu của Chúa Giêsu mới mang lại cho chúng ta lẽ sống và ý nghĩa tròn đầy của nó. Thánh Phaolô đã nói rõ điều đó: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa…Giả như tôi được nói tiên tri và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”.

Các môn đệ không hiểu lời Chúa nói vì đó chỉ là tiên báo, còn chúng ta, đó không còn là tiên báo mà đã trở thành hiện thực rồi. Chúng ta chưa hiểu sao? Chúng ta không thấy tử tội trên thập giá hay sao? Sao chúng ta vẫn chưa hiểu? Ngài đã yêu thương chúng ta đến như thế, chúng ta vẫn dửng dưng, lòng trí chúng ta vẫn mù tối đến mức độ nào nữa?

Phải nhận chân rằng chúng ta vẫn chưa hiểu tình yêu của Ngài, làm sao có thể yêu Ngài như Ngài đáng được yêu?

Các môn đệ không thể hiểu vì việc đó chưa xảy ra, họ không thể nghĩ rằng số phận của Thầy bi đát đến thế. Còn chúng ta, chúng ta đã thấy, đã nghe, chúng ta vẫn không hiểu. Làm gì hơn nữa để chúng ta biết được rằng Ngài đã yêu chúng ta đến chết và chết trên thập giá? Tại sao Ngài phải lãnh nhận một thân phận đau đớn như thế?

Chúng ta chưa hiểu, nhưng chúng ta có cố gắng tìm hiểu hay không? Đó chính là vấn đề cần phải  lưu tâm.

Khi về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi ngay: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau việc gì vậy?” Họ không trả lời vì dọc đàng, các ông đã cải nhau xem ai là người lớn hơn cả…”

Đây là một bài học khác mà Chúa Giêsu muốn dạy các ông. Ngài đã biết mọi sự, nhưng Ngài muốn các ông ý thức hơn.Vì thế Ngài nói ngay: “Ai muốn là người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.

Thoạt nghe như thế, chúng ta tưởng như Chúa đảo lộn tất cả, nhưng Chúa chỉ nhắc lại một điều bình thường , chính chúng ta mới đảo ngược. Xin đan cử một ví dụ: cha mẹ là gì của con cái? Cha mẹ sinh ra con, đúng ra cha mẹ có quyền trên con mình; nhưng nghĩ cho cùng, cha mẹ chỉ là đầy tớ của con cái. Vậy là đúng với điều Chúa nói: “Ai muốn làm lớn, phải là người rốt hết…” Chính chúng ta đảo ngược chứ không phải Chúa.Thế gian không biết phục vụ. Người lớn cứ tưởng mình có quyền sai khiến người nhỏ hơn mình, buộc người dưới quyền phải phục vụ mình nhưng phải là người phục vụ mới đúng. Chúng ta cần thiết lập lại trật tự đầu tiên.

Chính Chúa Giêsu đã thiết lập lại những gì con người đã đảo lộn. Chính Ngài trở thành con người phục vụ: “Ở giữa chúng con, Thầy là tôi tớ”. Ngài là Thiên Chúa, Ngài biết quyền lực của Ngài, Ngài biết Ngài là Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng Ngài đã “chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai giành được chỗ đó của Ngài”. Chúng ta nghĩ sao?

Các môn đệ tranh nhau chỗ cao nhất. Chúng ta nhớ câu chuyện của hai anh em con ông Giêbêđê: bà mẹ của hai anh em nầy đến xin Chúa Giêsu cho hai đứa con mình một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả. Chúa Giêsu không trả lời mà chỉ mời gọi họ uống chén của Ngài. Uống chén tức là thông dự vào cuộc khổ nạn, chịu chết với Ngài.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài cho đi. Đó là định luật căn bản Ngài thiết lập khi tạo dựng con người. Chúa Giêsu là Tình Yêu, Ngài luôn giữ đúng định luật đó. Chúng ta thì không. Thế gian đã đảo ngược định luật của Ngài. Chúng ta cần trở về nguồn để tìm lại một nếp sống thực sự là Công giáo, tức là sống cho tình yêu, sống cho tha nhân chứ không chỉ sống cho bản thân mình. Lề lối thế gian đã ăn sâu vào trong chúng ta đến nỗi chúng ta không còn biết cho đi mà gom góp. Chúng ta không còn biết yêu thương là gì?. Hãy thành thật nhìn lại nếp sống của chúng ta, chúng ta đã sống cho ai? Chúa Giêsu đến, phá đổ thành trì ích kỷ của chúng ta, Ngài dẫn chúng ta đi vào con đường của Ngài và chúng ta la hoảng lên vì sợ người khác dẫm lên chúng ta. Chúng ta sợ thua kém người khác.Vậy bài học khiêm tốn của Chúa Giêsu, chúng ta đã để ở đâu?

Thiên Chúa là sự khiêm tốn. Cha Henri Varillon đã viết một quyển sách để chứng minh cho mọi người Thiên Chúa khiêm tốn như thế nào, chỉ vì Ngài là Tình Yêu. Chúng ta không thể đi con đường nào khác. Thế gian không biết yêu thương là gì, vì thế họ cũng không bao giờ biết khiêm tốn là gì. Chỉ có con người biết yêu thương mới khiêm tốn và ngược lại con người biết khiêm tốn mới biết yêu thương. Và khiêm tốn mới có thể phục vụ.Phục vụ mới đem đến hạnh phúc. Ông Gandhi, một vị anh hùng hiếm có trong thế giới đã nói rất chí lý:

“Đêm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc.

Khi tỉnh giấc, tôi thấy đời là phục vụ.

Khi phục vụ, tôi thấy đời là hạnh phúc”.

 

Một người không phải là công giáo đã tìm được con đường của Tin Mừng. Ông đã thuộc lòng sách Tin Mừng mặc dù ông không là người Công giáo. Thật đáng cho chúng ta khâm phục!

Tất cả những ai Giáo Hội tôn phong hiển thánh đều là nhưng con người phục vụ tối đa. Thánh Gioan Maria Vianney đã phục vụ các linh hồn trong công việc Mục vụ, nhứt trong Tòa giải tội. Thánh Gioan Boscô phục vụ các thanh thiếu niên bụi đời đến chết. Thánh Đamiên phục vụ những người cùi. Thánh Maximilianô Kolbê đã chết để cứu một người tù. Chúng ta đã phục vụ ai chưa? Phục vụ đến mức độ nào?

Trên hết, Chúa Giêsu đã phục vụ chúng ta đến chết trên thập giá, và giờ đây vẫn còn phục vụ chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Nét phục vụ của Ngài không ai so sánh được, và Ngài đang mời gọi chúng ta làm như Ngài, trong thực tế của hôm nay. Hãy đi vào con đường của Ngài, chúng ta sẽ thấy cuộc sống chúng ta phong phú và tuyệt diệu.

Lm. Trầm Phúc