ThuongNien12Chúa Nhật 12 Mùa Thường Niên, Năm C

Dcr 12:10-11; 13:1; Gl 3:26-29; Lc 9:18-24

Người ta bảo Thầy là ai? Kẻ thì thưa là Gioan. Người lại đáp là Elia, hay Giêremia. Người thì cho rằng Thầy là một tiên tri nào đó, chưa rõ. Còn Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Lc 9, 20).

Thiết tưởng, nếu bởi xác thịt thì Phê-rô cũng không khác gì những anh em bạn chài, những anh em thực dụng, mà trả lời cách ởm ờ rằng chưa biết rõ Thầy mình. Nhưng không, câu nói của Phêrô mang đậm màu mạc khải, câu nói xuất phát bởi Thần Khí, nói đúng căn tính của một con người mang tên Giêsu, được gọi là Kitô, đấng được Thiên Chúa Xức Dầu, để chu toàn Thánh Ý của Thiên Chúa. Căn tính ấy, được Chúa Giêsu cho biết khi Ngài mời gọi các môn đệ: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Lc 9,23). Điều ấy được hiểu rằng, như Ngài đã từ bỏ mọi sự của chính mình Ngài mà làm theo ý của Cha Ngài.

Hai chi tiết “Kitô” và “từ bỏ” có tương quan mật thiết, không phải ngẫu nhiên, nhưng là căn tính độc đáo của của một tôn giáo mang tên “Kitô Giáo” do chính Chúa Kitô thiết lập. Độc đáo vì “từ bỏ”, nhưng không mất mát, mà lại là được tất cả. Được tất cả, nhưng không phải được cho mình, mà là cho Thiên Chúa. Rồi, trong Thiên Chúa, người từ bỏ tất cả lại có được tất cả.

Thật là tuyệt diệu lạ thường, khi nhớ lại lần lãnh bí tích Rửa tội của mỗi người, để trở nên con cái Chúa, con cái của Hội Thánh Chúa, mỗi người đã tuyên hứa từ bỏ ma quỷ và các việc của ma quỷ. Như vậy việc từ bỏ ở nơi mỗi Kitô hữu công giáo, đã là một điều kiện ắt có và đủ, và phải thực hiện trong suốt cuộc sống đức tin của người tín hữu ấy.

Một điều kiện song song với điều kiện từ bỏ là phải tin vào Đức Kitô: Con Thiên Chúa, Ra đời làm người, chịu chết, sống lại, và lên trời để bảo đảm cho kẻ tin vào Người được phần rỗi đời đời.

Và điều kiện cuối cùng là sống tình huynh đệ trong Giáo Hội Chúa Giêsu đã thiết lập.

Lời Chúa hôm nay cho thấy Giáo Hội của Chúa đã thi hành đúng đắn ý định của Chúa Giêsu cho và trong toàn thể nhân loại. Và thêm một lần nhắc nhở các tín hữu rằng tin vào Đức Kitô là phải từ bỏ mọi sự để hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, mà theo cách nói của Thánh Phaolô, là “mặc lấy Chúa Kitô”: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gal 3, 26-27).

Và nên một trong Chúa Kitô:

“Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gal 3, 28)

Các Kitô Hữu thêm một lần có cơ hội đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc: Chúa Giêsu mà tôi đang tin và đi theo Ngài, là ai? Và tôi, với danh xưng Kitô hữu Công giáo, nghĩa là gì, phải làm gì, phải sống thế nào ?

Có thể nói không ít người trong chúng ta, theo đạo từ đời cha ông đến nay, vẫn nghĩ rằng tôi theo đạo để được mọi thứ: Nước Trời, sự sống đời sau, cứu rỗi…, mà quên rằng trước khi được là tôi phải mất: mất chính mình-mất con người cũ rích của mình trong tình trạng tội lỗi:

-Mất tự do theo kiểu của ma quỷ hướng tới điều bất toàn, bất lương, bất an, bất hạnh…, để được tự do theo Thần Khí mà tiến lên trong đường hướng thánh thiện của Thiên Chúa toàn thiện, toàn mỹ, toàn an, toàn phúc.

-Mất chính mình để được Thiên Chúa và anh em của Thiên Chúa.

-Mất danh dự phù du của mình để tìm lại danh dự vĩnh cửu trong uy tín danh dự cao trọng vô cùng của Thiên Chúa.

-Cả việc mất mạng sống mình ở đời nầy, để được sống vĩnh cửu với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại muôn đời trong sự sống viên mãn của Thiên Chúa.

Vì khi tháp nhập với Đức Kitô trong thân thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh qua Bí Tích rửa tội, mỗi Kitô Hữu cũng tháp nhập vào căn tính của Chúa Kitô là “Từ bỏ và cứu thế”. Ý nghĩa nầy rõ nét nhất nơi các Kitô hữu được thông truyền chức linh mục đời đời của Chúa Giêsu để trở thành một Alter Christus, nhưng cũng không thể mờ nhạt nơi các tín hữu được ‘xức dầu’ với ơn Tư tế, vương đế, và tiên tri.

Nhìn lại những tấm gương “từ bỏ và cứu thế” của các Kitô Hữu Linh Mục trong suốt hành trình 350 của Giáo Hội Việt Nam, hết thảy chúng ta có quyền và có bổn phận vui mừng Tạ Ơn Chúa, Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, vì đã có những thế hệ linh mục không chỉ từ bỏ mà từ bỏ cách tận hiến cả đời mình, tận hiến tất cả cho Lời Vàng Phúc Âm sống động trong tâm hồn các tín hữu, và cũng đã có biết bao linh mục đổ máu minh chứng cho Đức Tin, hoặc không đổ máu nhưng đổ hết tấm lòng cho những người nghèo khố, để các bạn chí thiết của Thiên Chúa được sống trong Chúa, trong bình an thật. Đồng thời, chúng ta cũng không quên tha thiết cầu nguyện cho các linh mục thời nay trong giai đoạn khó từ bỏ các phương tiện, tiện nghi, danh dự, chức quyền mà ma quỷ đang dọn sẵn đầy hấp dẫn, thật cuốn hút và nhiều khi tưởng như là thật giá trị, thật hợp thời.

Các Kitô hữu giáo dân cũng đã đóng góp phần từ bỏ đáng trân trọng của mình qua các thời kỳ để gieo hạt giống đức tin Kitô Giáo và đã có hạt trổ sinh muôn bông trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc thờ ơ với danh xưng Kitô hữu nơi một số thành phần, thờ ơ từ việc chưa hiểu ra ý nghĩa tháp nhập với Đức Kitô, đến việc đi ngược lại tinh thần của Chúa Giêsu trong những giai đoạn thực sự là cần thiết, giai đoạn giáo hội bị bức bách chẳng hạn. Nếu đức tin công giáo phải được kế thừa cách trân trọng như gia sản thiêng liêng Thiên Chúa đã ban cho thế hệ trước, thì các Kitô hữu chuyển giao thế hệ mang trọng trách lớn lao đối với các thế hệ hậu duệ trong một đất nước đã đổi lấy Đức Tin bằng máu của các Thánh Tử Đạo anh hùng.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” vẫn luôn là một lời mời gọi khẩn thiết, nếu không nói đó là một đòi hỏi tự căn tính của Bí tích rửa tội, một lời thề hứa long trọng trước Thiên Chúa, mà mỗi Kitô hữu không thể thờ ơ hay bỏ qua như chuyện chơi đùa với Thiên Chúa, với Thần Linh được.

Thật quí trọng thay danh xưng Kitô Hữu, nhưng cũng đầy tính trách nhiệm với lời hứa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội.

Trước khi ra sân trong trận Nam Phi gặp Uruguay, lượt 2 của vòng World Cup 2010, hình ảnh những cầu thủ Nam Phi, cổ động viên Nam Phi hát Quốc ca thật trang nghiêm, như thật hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn trên những khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ làm tôi nghĩ đến tinh thần cần có của các Kitô Hữu Công Giáo dưới ngọn cờ Thánh Giá Chúa Kitô, những người đang hát bài Quốc Ca Nước Trời dưới chân cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô “xương xẩu, khắc khổ”. Có thể các Kitô hữu đa số là những người “xương xẩu khắc khổ” trong nhân loại nhưng họ lại là của Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô hay đúng hơn họ chính là những Chúa Kitô đang hoạt động. Vì không phải họ chỉ “có” Chúa Kitô, mà họ còn là “một Kitô khác” sống động với Tin Mừng giữa đời thường. Tưởng như họ đang thua trong cuộc chạy đua, cuộc tranh chấp ngôi vị trần thế, hoặc tưởng như họ đang thất bại trước những đàn áp của bạo lực của bất công của thế quyền, nhưng thật ra họ đang cùng Chúa Kitô chiến thắng.

“Chúng nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu qua.” (Zach 12, 10)

Trong Chúa Kitô, các Kitô hữu sống đúng tinh thần từ bỏ và ý hướng cứu thế của Tin mừng, cũng bị các thế lực trần gian “đâm thâu qua”, nhưng họ luôn luôn là người chiến thắng, như Chúa Kitô đã chiến thắng.

Như vậy, hành trình đức tin của tôi, của bạn, của những người mang danh xưng Kitô hữu công giáo là hành trình của chính Đức Kitô “từ bỏ chính mình” để “Tử nạn”, nhưng lại là một hành trình vinh dự mang lại chiến thắng cứu rỗi nhân loại, như trong bài ca:

“Vinh dự của chúng ta, là Thập Giá Đức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ ta, sức sống của ta, và sự Phục sinh của ta”. (Gal 6,14)

Lạy Chúa, chúng con theo đạo Chúa Kitô để được “mất tất cả cho vinh danh Thiên Chúa”, và tin tưởng rằng, khi Thiên Chúa được Vinh Danh, chúng con lại được tồn tại muôn đời trong vinh danh của Thiên Chúa.

Xin cho nguyện ước nầy trở nên công việc cụ thể là “từ bỏ ma quỷ và các việc của nó” để “sống trong tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô” trong giáo hội, trong suốt hành trình đức tin và đời người chúng con. A men.

PM. Cao Huy Hoàng