clip_image002_thumb4Chúa nhật 27 Thườngg Niên, Năm C

Kh 1:2-3; 2:2-4; 2Tm 1:6-8, 13-14; Lc 17:5-10

Qua kinh nghiệm yếu đuối, chúng ta có thể nói: Chính sự yếu đuối của con người đã làm cho đức tin vào Thiên Chúa của họ ra yếu đuối, cho dù hôm nay đức tin ấy có thể mạnh mẽ, nhưng ngày mai đã biến đổi thành yếu đuối! Sự yếu đuối hiện hữu ngay trong bản tính tội lỗi của mình. Chúng ta nghiệm thấy cuộc sống thường ít hướng về sự thiện, ngay cả khi tưởng mình đang hướng về sự thiện, vì từ đáy sâu tâm hồn vẫn có thể vương màu tội lỗi do những đam mê xấu và các mối tội đầu, nhất là mối tội kiêu ngạo “muốn bằng Thiên Chúa.” Làm sao đức tin có được và trở nên mạnh mẽ, nếu trong lòng bị điều khiển bởi sự kiêu ngạo? Chúng ta nhớ có lần mấy tông đồ đi với Chúa qua một ngôi làng để đến Giêrusalem, và những người làng đó không đón tiếp thầy trò họ, họ liên tâu với Chúa để xin lửa từ trời xuống thiêu đốt tất cả những người trong làng đó không! Hoặc có lần ông Phêrô tuyên bố, “dù mọi người bỏ thấy, con đây cũng không bỏ thầy”, nhưng sau đó thì sao? Chính ông đã vô tư chối thầy kèm lời “thề không biết” cả đến ba lần!

Ngoài nguyên do tội lỗi làm suy yếu đức tin, chúng ta còn có thể nhận ra nguyên nhân khác nữa, đó là ỷ y vào đức tin của mình đã sẵn có đó, mà không chịu vun trồng mỗi ngày. Có thể các tông đồ ở bên Chúa, mắt mở thật to để chiêm ngưỡng các phép lạ, nhưng những sự lạ chỉ tác động các nhu cầu ngoại tại, mà không đâm rễ sâu trong tâm hồn, nên đức tin vào Chúa không thể vững bền và tồn tại lâu dài. Thử nghĩ coi, sau phép lạ Chúa làm bánh hóa nhiều, Người đã nói các tông đồ và dân chúng, tôi biết các anh chỉ theo tôi vì thức ăn cho thể xác, nhưng hãy theo tôi không phải vì những thứ đó, mà hãy hướng mắt nhìn về thức ăn không hề hư nát nhé! Đó là chính thịt và máu Chúa mà Người đã không ngại nói thẳng ra cho những người đang theo Người. Và ngay lập tức một số môn đệ đã bỏ Chúa. Quả thực, đời sống con người bị lệ thuộc quá nhiều vào vật chất và thế giới này!

Điều quan trọng là biết đức tin chúng ta nhận được chính là quà tặng Chúa ban nhưng không. Quà tặng ấy lại lệ thuộc vào tự do và sự chọn lựa của chúng ta. Khi dùng tự do và ý muốn cho các mục đích khác mà không phải mục đích tin Chúa, thì quà tặng đức tin sẽ không còn chiếu sáng cho linh hồn. Chúng ta hãy tự hỏi: Làm sao tôi có thể xứng đáng với quà tặng đức tin cao quí mà Chúa đã ban, khi chính mình không quí trọng nó? Nên biết rằng: Mỗi hoàn cảnh cuộc đời vui buồn sướng khổ, đều phản ảnh sự yếu đuối và giới hạn của con người, và đòi buộc chúng ta phải nhìn chúng bằng con mắt đức tin, mới có thể chiêm ngưỡng và bền vững trong phép lạ sự sống Chúa ban cho con người. Và hy vọng nhờ đó quà tặng đức tin mới cứu rỗi chúng ta như Chúa đã phán dạy nhiều lần trong Phúc âm.

Lm. Raphael Xuân Nguyên