Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Năm C

Ga 14: 15-16, 23b-26

Đối với một vài quốc gia thuộc Châu Âu, lễ «Chúa Thánh Thần Hiện Xuống» là lễ trọng, do đó ngày nghĩ lễ cũng được kéo dài, có nhiều xưởng hãng cho phép «nghỉ bác cầu» từ chiều thứ năm đến sáng thứ ba tuần sau.

Và ta thấy từng đoàn xe nhôn nhao rời khỏi làng hoặc thành phố nơi mình trú ngụ để đi đây đi đó, lên núi hoặc xuống miền biển nắng ấm. Nếu những ngày đó có mặt trời và ta được dịp đi biển, hẳn nhiên ta sẽ chứng kiến những cánh buồm nho nhỏ hoặc ra khơi hoặc đùa giỡn với những làn sóng biển nhờ những luồng gió thổi mạnh. Con người chỉ cần lèo lái và ung dung đùa giỡn trên mặt biển, nhưng điều cần thiết là phải có gió.

Vậy thì bài đọc thứ nhất hôm nay cũng cho chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của Gió, vì gió và lửa biểu tượng sự hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa: «khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió thổi mạnh, lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện, và mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần» (Cv 2,1-11).

Khi đề cập đến «gió, lửa, mây mù, sấm chớp» như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, ta cần nhớ lại một vài đoạn Kinh Thánh: Lúc khởi đầu sáng tạo trời đất, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,1-2); lúc giải thoát dân It-ra-en ra khỏi đất Aicập vượt qua Biển Đỏ: Thiên Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh dồn biển lui, nước rẽ ra và con cái It-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn (Xh 14,15-31); lúc ban mười điều luật: Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì Thiên Chúa ngự trong đám lửa mà xuống và cả núi rung chuyển mạnh (Xh 19,16-24).

Gió không những biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, mà còn tượng trưng Thần Linh Thiên Chúa, vì Thần Khí là sự sống. Với lời văn bóng bẩy, tác giả sách Sáng Thế viết: Lúc tạo dựng, Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2,7); Trong sách Gióp, ông Êlihu nói: Sinh khí Thiên Chúa đã làm ra tôi, hơi thở của Đấng Toàn Năng đã cho tôi được sống (G 33,4). Lời văn tuy giản dị nhưng rất gợi hình và đầy ý nghĩa. Phải chăng khi đề cập đến người chết, ta cũng đã từng nói rằng (ông/bà) đó đã trút hơi thở cuối cùng. Vì hơi thở là sự sống, là Thần Khí, do đó sau khi Đức Giêsu Phục Sinh: Nơi các môn đệ ở, Ngài đến giữa các ông và nói «bình an cho anh em», đoạn Ngài thổi hơi cho các ông và bảo «anh em hãy nhận lấy Thánh Thần» (Ga 20,19-23). Từ lúc đó, các môn đệ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Linh.

Và Giáo Hội cũng được khai sinh vào lúc Thần Linh Thiên Chúa ngự trên các môn đệ với những dấu chỉ gió và lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ mừng kỷ niệm ngày khai sinh của dân Hy-bá tại núi Xi-nai đã trở thành ngày khai sinh của một Dân tộc mới, và từ nay Thần Khí đến thay thế Lề Luật. Ở núi Xi-nai, Lề Luật được ghi khắc bất động vào đá như một bảo chứng về lâu dài. Ngược lại, lửa và sinh khí của Thần Linh Thiên Chúa không bị chế ngự và giam kín, mà luôn soi sáng sứ điệp Tin Mừng cũng như thúc giục con người biết sống tự do không bị ràng buộc bởi tội lỗi, biết yêu thương như chính Thiên Chúa yêu thương.

Do đó, lễ Hiện Xuống được xem như biến cố phá tan những ranh giới văn hoá, sắc tộc, địa dư và tôn giáo tại Ít-ra-en. Từ nay nhân loại hoàn vũ với những khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, não trạng và truyền thống được mời gọi làm công dân Nước Thiên Chúa, chứ không chỉ riêng một dân tộc Ít-ra-en nhỏ bé khép kín với những đặc ân thuở xưa; hơn nữa, dấu chỉ thuộc dân riêng không cần được ghi khắc vào da thịt (nghi thức cắt bì) mà khắc ghi vào tim trong hoán cải canh tân.

Sự đa dạng của các dân tộc được xem như điều phong phú cho nhân loại, tuy nhiên tính cách đó, trong bóng tối tội lỗi, có cơ nguy gây chia rẽ và thù hận giữa con người với nhau, thí dụ điển hình cho sự bất hạnh nhân loại đó là «tháp Ba-ben»: dự án xây dựng một thành phố với tháp có đỉnh cao chọc trời, một dự án ngạo mạn loại bỏ Thiên Chúa, tức nhiên chối từ tình yêu đưa đến sự xáo trộn tiếng nói và từ đó nhân loại bị phân tán khắp nơi trên mặt đất (St 11,1-9).

Vậy thì lễ Hiện Xuống được xem như một sự đối chọi vang lừng với tháp Ba-ben: Lúc đó, tại Giêrusalem vào lễ Ngũ Tuần, mọi người kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông Đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục… (Cv 2, 1-11), bởi vì vượt trên các thổ ngữ, có một thế giới ngữ đó là tiếng nói của tình yêu và cũng chính là ngôn từ của Thiên Chúa.

Để đánh dấu điều mới mẻ căn bản của triều đại Thần Khí và các phẩm hạnh của vương quốc cần xây dựng tại trần thế, thánh Phaolô có viết trong bài đọc hai: Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa… Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: «Áp-ba! Cha ơi!» (Rm 8,8-17).

Tóm lại, nếu không có Thần Linh Thiên Chúa thì cũng không có Giáo Hội và chúng ta cũng không trở thành anh em. Nếu chúng ta được tràn đầy Thánh Thần, chúng ta sẽ nói những thứ tiếng hoàn toàn khác với những ngôn ngữ của thế giới ngày nay đang truyền đạt sự sùng bái các thần tượng, bao gồm những đam mê danh vọng, hận thù tranh chấp, ganh tị và chia rẽ. Nếu được tràn đầy Thánh Thần, mỗi người chúng ta sẽ phát biểu tuỳ theo ơn Chúa ban cho; lúc đó chúng ta sẽ là chứng tá của Đức Kitô, là sứ giả của Tin Mừng và Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Lm Lâm Thái Sơn