Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên, Năm C

Lc 12: 32-48

Trong đời sống của người tín hữu, có một điều nghịch lý là “đầu đội trời, chân đạp đất”. Sống trong trần gian mà quê hương là Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế và Ngài đã từ trời đến với chúng ta trong trần gian này để nói cho chúng ta biết điều đó và Ngài đã về trời, “ngự bên hữu Chúa Cha”, chứng minh cho chúng ta thấy, quê hương thật của chúng ta là nơi Ngài chứ không ở trong quả đất khổ lụy này.

Nếu quê hương thật của chúng ta là Nước Trời thì trần gian này là gì? Là một nơi sống tạm, một đoạn đường phải vượt qua. Thân phận chúng ta là lữ hành. Chúng ta không bám vào cái gì được cả, vì mọi sự đều mau qua, chóng tàn và luôn thay đổi. Không có gì bảo đảm cho chúng ta cả.

Là lữ hành, chúng ta không thể dừng chân, dù muốn dù không chúng ta cũng phải đi thôi.

Nhưng đi về đâu?

Đi về miền ánh sáng diệu huyền mà Chúa Giêsu là người dẫn đường về “Nước mà Cha chúng ta đã vui lòng ban cho chúng ta”.

Thời nay, muốn đi đâu, chúng ta có đủ phương tiện xe cộ và có thể chở theo tất cả những gì mình muốn. Nhưng chuyến đi về Đất Hứa không có phương tiện nào cả, phải đi bộ. Đường dài, đi bộ, thì chúng ta mang theo được gì? Vì thế, Chúa Giêsu căn dặn chúng ta trước: “Hãy bán tài sản của anh em mà bố thí. Hãy sắm sẵn những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt, nơi kẻ trộm không bén mãng, mối mọt không đục phá”.

Chúng ta luộm thuộm đủ thứ ở trần gian: tiền bạc, tiện nghi… Chúa bảo: muốn đạt đến Nước Trời phải đi tay không, bố thí tất cả.

Chúa đưa ra điều kiện quá gắt gao, không thể thực hiện được! Bố thí thì phần nào thôi chứ! Cần phải sống nữa chứ!

Chúa muốn nói rằng Nước Trời quí báu hơn bất cứ cái gì ở trần gian, hơn của cải, tiền bạc, hơn cả mạng sống. Ngài cũng đã nói: “Ai liều mạng sống mình vì Nước Trời thì sẽ tìm được mạng sống…”

Chúng ta dám liều cho đi tất cả để được Nước Trời không?

Chắc không mấy người dám liều, nhưng nhiều người đã dám. Thánh Matthêu là một người thu thuế, tham nhũng, giàu có nhờ bóc lột thiên hạ, nhưng khi nghe tiếng gọi mời của Chúa, ông không ngần ngại, bỏ ngay mọi sự: bỏ cả tiền bạc, tương lai và đi theo Ngài.

Thánh Phanxicô Assisi, một thanh niên con của một đại gia giàu nhất thành Assisi, ngày ngày vui chơi với bạn bè, nhậu nhẹt, ca hát, tiền luôn đầy túi, nhưng khi đã nghe tiếng gọi trong tâm hồn, anh đã bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa và sống hoàn toàn nghèo khó.

Nhìn vào các thánh, chúng ta thấy biết bao nhiêu người đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.

Các thánh tử đạo dâng hiến cả mạng sống mình cho Chúa.

Đó chỉ là một vài ví dụ. Tại sao các ngài có can đảm để làm như thế? Vì họ có một túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không hao hụt”…

Kho tàng đó là gì? Và ở đâu? Nơi trần gian này hay ở chốn trời cao?

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết, kho tàng tồn tại không ai cướp được, đó chính là Ngài. Phải buông bỏ mọi sự để gắn bó với Ngài, chúng ta mới hạnh phúc, chỉ có Ngài thôi. Ai trong chúng ta không biết điều đó, nhưng thường chúng ta hay bắt cá hai tay. Chúng ta muốn đoạt cả kho tàng trần gian và cả kho tàng thiên quốc. Chúa Giêsu không thể chấp nhận thái độ nước đôi đó. Ngài đòi hỏi tuyệt đối.

Trong tình yêu, người yêu chỉ có một. Không thể yêu hai người một lượt được. Đó chỉ là tình yêu giả dối thôi.

Kho tàng không hư nát của chúng ta chỉ có một và không có gì có thể thay thế. Phải buông bỏ của cải trần gian để chọn một mình Chúa. Những người dám theo Chúa sẽ không bao giờ thất vọng, nhưng tràn đầy bình an và hạnh phúc.

Chúa Giêsu cho chúng ta một dụ ngôn khác nhấn mạnh hơn bài học của Ngài: người đầy tớ tỉnh thức chờ chủ về. Nếu Chúa là niềm vui và hạnh phúc của chúng ta thì chờ đợi Ngài là một điều tất nhiên.

Một cô dâu hay chàng rể có thể ngủ được không khi ngày mai là đám cưới? Họ sẽ tỉnh thức và mong trời mau sáng.

Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta tỉnh thức vì không có hẹn trước. Ông chủ về có thể là nửa đêm hay sau nửa đêm. Nếu người đầy tớ vẫn tỉnh thức thì phúc cho y. Chủ sẽ thưởng công bằng cách đãi cho đầy tớ ấy một chầu và chính ông chủ sẽ dọn đồ ăn, rót rượu cho đầy tớ.

Ông chủ nào tốt đến thế?

Nhưng chúng ta có một ông chủ tốt hơn bội phần. Ngài sẽ đãi chúng ta một bữa tiệc đặc biệt hơn, Ngài đãi chúng ta bằng chính Thịt máu Ngài: “Này là mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn…”

Bữa tiệc này là phần thưởng lớn lao dành cho những đầy tớ luôn sẵn sàng phục vụ: “Ông chủ sẽ đặt người đầy tớ ấy coi sóc tất cả gia sản mình”, tài sản ấy chính là Ngài.

Ăn lấy Ngài, chúng ta sẽ chiếm lấy Ngài, làm một với Ngài. Đó là kho tàng quí báu mà thế gian không thể có được.

Nhưng Thiên Chúa của chúng ta là Đấng mà chúng ta không thể nắm trong bàn tay. Ngài đến với chúng ta một cách thiết thực như thế, nhưng chúng ta vẫn không thể chiếm lấy Ngài. Ngài sống trong chúng ta, làm một với chúng ta, nhưng chúng ta vẫn khao khát Ngài, vẫn cảm thấy mối tình của chúng ta chưa trọn vẹn.Vì thế, càng ăn lấy Ngài, chúng ta càng cảm thấy cần Ngài hơn, vẫn tiếp tục đợi chờ Ngài. Tổ phụ Abraham đã nhận được lời hứa sẽ là cha nhiều dân tộc. Ông vẫn đợi chờ cho đến khi rời bỏ trần gian mới thấy lời hứa được thực hiện.

Chúa Giêsu đãi chúng ta bữa tiệc Mình Máu Ngài ở trần gian, Ngài vẫn chưa thỏa mãn được ước mơ của chúng ta. Ngài muốn khơi lên trong chúng ta một khao khát triền miên, cho đến khi chúng ta dự tiệc Chiên Con trên trời.

Sự khao khát này là khao khát của tình yêu, thúc giục chúng ta luôn tìm kiếm, tỉnh thức, không chểnh mãng, không chạy theo những yến tiệc trần gian luôn mời gọi.

Chỉ có Ngài mới thỏa mãn con tim của chúng ta. Trần gian vẫn mời gọi. Yến tiệc trần gian chỉ đem lại nhàm chán. Chỉ có Chúa Giêsu mới mang lại sự sung mãn tuyệt vời thôi: “Ai uống nước này sẽ còn khát, còn ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ khát nữa”. Đừng tìm nơi đâu hạnh phúc ta khao khát. Hãy tỉnh thức chờ Ngài qua đêm tối trần gian, Ngài sẽ trở lại như Ngài đã hứa… Và chúng ta sẽ cùng Ngài hát khúc tạ ơn bất tận.

Lm. Trầm Phúc