Chúa Nhật 30 MùaThường Niên, Năm C

Lc 18: 9-14

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đang vẽ lên hai diện mạo đối chọi nhau hoàn toàn: ‘một người thuộc nhóm Biệt Phái / người kia làm nghề thu thuế’. Cả hai diện mạo này đều rất gần gũi và điển hình trong xã hội Do Thái thời bấy giờ: một thật tích cực đáng trọng và một thật tiêu cực đáng khinh.

Nhưng chính kết luận của Người mới thực sự gậy kinh ngạc vì nó ngược hẳn với lối suy nghĩ thông thường vẫn được mọi người chấp nhận; và nếu như thế thì bài học Người muốn chuyển tải chắc hẳn phải quan trọng lắm đối với Tin Mừng mà Người đang ra công quảng bá. Và quả đúng như thế, vì nó liên quan tới khái niệm ‘công chính’, một khái niệm nền tảng của tất cả mọi trật tự xã hội và tôn giáo mọi thời.

Tất cả mọi xã hội loài người, kể cả các xã hội bán khai hơn hếtđều đề ra các tiểu chuận ‘công chính’ cho mình, thường thì các tiêu chuẩn này dựa trên nền luân lý và luật pháp được xã hội đó chấp nhận. Bất cứ ai giữ luân lý và luật pháp, hay duy trì trật tự mà xã hội đó đề ra, đều được coi là công chính, là lương thiện, là mẫu mực; còn ngược lại thì bị coi là thành phần bất lương, phản động, gây gương mù gương xấu. Ngay cả trong các tập thể tôn giáo, các cộng đoàn tu trì thì định luật trên vẫn cứ được áp dụng cách triệt để! Bất cứ xã hội nào thì cũng phân chia các phần tử của mình thành hai hạng: ‘công chính’ và ‘bất chính’, dựa theo tiêu chuẩn luật pháp. Đây quả là một phân biệt rất cần thiết cho mọi trật tự, cũng như cho sự tồn vong của xã hội đó!

Theo tiêu chuẩn này, xã hội Do Thái thời Đức Giêsu cũng có sự phân định rõ: hai hạng người được nêu lên đúng là tiêu biểu: Biệt Phái là những người, theo tiêu chuẩn luân lý và luật pháp Mô-sê, phải được coi là công chính nhất; còn bọn ‘thu thuế’, dựa trên cùng một tiêu chuẩn đó, rõ ràng là bất lương nhất. Như vậy người Biệt Phái, trong cái xã hội ông đang sống, tự coi mình – hay được người khác suy tôn – là công chính thì cũng chẳng có gì sai; và nếu ông có cho mình là hơn kẻ kia thì cũng hoàn toàn hợp lý thôi; “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Ngay giữa các người có đạo hay tu sĩ cũng chẳng như thế là gì! Trong Giáo Hội người ta coi người này là đạo đức, kẻ kia là tội lỗi, tùy thuộc vào người đó có giữ các phép đạo hay không. Trong cộng đoàn tu sĩ cũng thế, người ta phân biệc: tu sĩ tốt và tu sĩ xấu, từ đó điều chỉnh cách cư xử khen / chê, giữ thái độ trên / dưới, phản ứng trọng / khinh, thì cũng là điều đương nhiên thôi.

Thế nhưng, trong câu chuyện được kể, Đức Giêsu đã không đặt hai hạng người này trên bình diện xã hội, mà là trên diện Tin Mừng, tức là trước lối nhìn của Thiên Chúa; ‘Có hai người lên đền thờ cầu nguyện…’. Cái sai của người Biệt Phái là ở chỗ: đứng trước Thiên Chúa mà ông vẫn cứ tiếp tục giữ thái độ xã hội. Còn người thu thuế thì khác; chính địa vị xã hội hèn kém (‘Người thu thuế thì đứng ở đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời’) đã là cơ sở để ông có được tư thế ‘công chính’ trước mặt Thiên Chúa. Tư thế ‘công chính’ đối với Tin Mừng chính là một người có thể kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Hình như Đức Giêsu muốn khảng định rằng: bất luận tình trạng công chính xã hội của một người có là thế nào đi nữa, thì người đó vẫn có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, một khi biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình và khiêm tốn khẩn cầu (hay tin tưởng vào) lòng thương xót Chúa, còn ai cứ khư khư tự tôn tự mãn về sự công chính xã hội của mình, để không cầu khẩn – đón nhận lòng thương xót, thì sẽ trở thành bất chính trước mặt Thiên Chúa; “Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Khi nói câu này Đức Giêsu hầu như muốn khảng định: sự công chính theo luật pháp của con người không có mấy giá trị trước mặt Thiên Chúa; nắm giữ một nền luân lý cao đẹp tới đâu đi nữa, sẽ không bao giờ có thể là mục tiêu tối hậu của niềm tin Ki-tô hữu. Công chính đích thực trước mặt Thiên Chúa nhân ái lại rất đơn giản: chỉ cần khiêm tốn đón nhận tình yêu cứu độ. Điều này là một đòi hỏi chung cho tất cả mọi người, cho bất kỳ ai, kể cả các bậc thánh hiền đạo đức nhất. Vì trước mặt Thiên Chúa ngay cả các thánh cũng có thể lỗi phạm tới bẩy lần một ngày! Bình đẳng tuyệt đối của con người trước Thiên Chúa chính là ở đây: sang / hèn, cao / thấp (về chức tước hay sự kính nể của người đời), tốt / xấu, lương thiện / bất lương (trước mặt xã hội) đều không mấy quan trọng. Phương thế tối cần để đạt được sự công chính của Nước Trời chỉ là: khiêm hạ (con là kẻ tội lỗi, xin dủ lòng thương xót con!). Ai khiêm hạ cầu khẩn lòng thương xót, người đó sẽ được tình yêu Thiên Chúa nâng lên cao, được nên công chính; ngược lại kẻ tự tôn tự đại, cho dẫu có đạo đức thánh thiện (trước mặt con người) tới mấy, cũng sẽ không bao giờ được coi là công chính trước mặt Thiên Chúa. Quả thế: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Trong tư cách linh mục, có thể tôi là: đáng kính đáng nể trước mặt xã hội, nhưng trong tư cách Ki-tô hữu, làm sao tôi trở thành ‘công chính’ trước mặt Chúa đây? Thật là thiếu yếu việc tôi phải tìm ra đáp án cho vấn nạn này và sống nó cách trung thực.

Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã cho một Phê-rô, một Ma-đa-lê-na, một Mát-thêu, một tên gian phi thống hối, được trở nên công chính! Con cũng hằng được Chúa mời gọi chiêm ngưỡng sự công chính cao cả của Đức Ma-ri-a nơi cõi lòng khiêm cung sâu thẳm của người; xin hãy giúp con để, mỗi khi vì bất hạnh rơi vào vòng tội lỗi, con vẫn biết như thánh Âu-tinh coi đó là dịp hồng phúc để con trở nên công chính hơn trước mặt Chúa; chính vì nhờ đó con mới có thể khám phá sâu hơn lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty