Chua_Nhat_5_Mua_ChayChúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm A

Ed 37:12-14; Rm 8:8-11; Ga 11:1-45

Làng Bêtania nằm bên sườn núi Ôliu cách Giêrusalem gần ba cây số về phía đông. Nhà Bêtania là nhà của ba chị em Mácta, Maria và Ladarô. Gia đình của ba chị em xem ra có vẻ khá giả. Vì thế nhà Bêtania được coi là nhà trọ, nơi ăn ở miễn phí của Ðức Giêsu và các tông đồ (Mt 21:17; Mc 11:11; Lc 10:38-42; 21:37; Ga 11:11,17; 12:1) mỗi khi Thầy trò về Giêrusalem. Do đó cô Maria đã có thể cung cấp dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu (Mt 26:6-7; Mc 14:3-9; Ga 12:3) khi Chúa được mời đến dùng bữa ăn tại Bêtania. Rồi hai chị em còn lập mộ trong hang với tảng đá lớn lấp mộ cho em là Ladarô (Ga 11:38-39). Theo giới học giả Thánh kinh, cô Maria làng Bêtania không phải là Maria Mácđala, cũng không phải người phụ nữ vô danh sám hối tội lỗi đã mang bình dầu thơm sức chân Chúa tại nhà người Pharisêu tên là Simon (Lc 7:46-50).

Khi Ladarô đau bệnh, hai chị em sai người đến nhắn tin cho Ðức Giêsu biết người mà Thầy thương mến đang bị đau nặng (Ga 11:3). Tuy nhiên Chúa còn trì hoãn lại thêm hai ngày nữa ơ nơi mà Người đang ở. Vậy nơi Người đang ở là đâu? Theo Phúc âm thánh Gioan, thì Chúa sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa (Ga 10:40). Nơi mà ông Gioan làm phép rửa là Bêtania nằm bên kia sông Giođan (Ga 1:28). Bêtania bên kia sông Giođan ngày nay không còn thấy trong bản đồ nữa.

Khi Chúa tới nơi, thì cô Mácta ra đón có vẻ trách móc mà nói: Thưa Thày, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết (Ga 11:21). Sau này cô Maria cũng nói với Chúa dùng lời lẽ giống hệt như chị đã nói với Chúa (c.32). Như vậy lời nói của hai chị em ám chỉ rằng Chúa là nhân vật đặc biệt đối với Ladarô và với hai chị em và họ đặt tin tưởng vào quyền năng của Chúa, có thể cứu chữa cho Ladarô khỏi chết mà cho sống lại. Vậy mà Chúa lại không đến sớm hơn. Ðể trấn an hai chị em, Chúa bảo Ladarô sẽ sống lại. Cô Mácta hiểu và tin là em mình sẽ sống lại trong ngày sau hết. Lòng tin của cô Mácta cho thấy cô đã am hiểu khá về giáo lý Chúa dạy về kẻ chết sống lại.

Hai chị em đã có thể nghe về phép lạ Chúa làm cho người con trai duy nhất của bà goá thành Nain (Lc 7:11-16) và con gái của viên trưởng hội đường tên là Giaia (Mt 9:18-26; Mc 5:21-43; Lc 8:40-56). Tuy nhiên trong trường hợp này, em các cô đã chết được bốn ngày và đã được chôn cất thì làm sao sống lại được? Khi thấy cô Maria khóc và người Do thái cũng khóc, Ðức Giêsu  cũng thổn thức và xao xuyến trong lòng (c.33). Và khi họ chỉ cho Chúa đến xem mộ, Chúa  liền khóc (c.35). Việc Chúa khóc nói lên Chúa cũng có tình cảm của con người với một trái tim biết rung động trước nỗi khổ đau của hai chị em.

Trên đường ra nơi chôn cất Ladarô, cô Mácta nói với Chúa phải nặng mùi rồi vì em cô đã ở trong mồ được bốn ngày. Theo thói quen của xứ Paléttin thời đó, người ta chôn cất người chết vào cùng ngày họ chết, một phần vì thời tiết nóng nảy mà lại không có nhà ướp lạnh để giữ xác được lâu như ngày nay. Dầu vậy, Chúa Giêsu vẫn ngước mắt lên trời cầu nguyện, gọi lớn tiếng bảo Ladarô đi ra. Và kìa, Ladarô liền bước ra khỏi mồ sống động với thân xác, trí khôn và linh hồn.

Ðể được sống động với thần khí là điều mà ngôn sứ Êdêkien đã tiên báo cho người Do thái như là những xương khô vì đã mất niềm hi vọng trong cuộc lưu đầy và Chúa sẽ đặt thần khí vào trong họ (Ed 37:14) để họ được nên sống động. Sống động trong thần khí là điều mà thánh Phaolô bảo tín hữu Rôma: Anh em không bị tính xác thịt chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em (Rm 8:9).

Cuộc phục sinh của Ladarô theo lời Chúa truyền, tiên báo sự chết và phục sinh của Chúa.

Có vài điểm tương đồng giữa hai cái chết và phục sinh. Tuy nhiên còn có sự khác biệt lớn giữa cuộc phục sinh của Ladarô và của Chúa Giêsu. Việc Ladarô bước ra khỏi mồ chưa phải là lúc ông có thể sống sung mãn với Chúa. Do đó Ladarô còn phải chết đi một lần nữa mới có thể đi vào cuộc sống sung mãn và vĩnh cửu. Như vậy thì đâu là lý do để cho Ladarô được sống lại ở đời này? Ðối với Ðức Giêsu, việc cho Ladarô sống lại là để làm vinh danh Thiên Chúa, làm cho người Do thái và các tông đồ tin vào việc Ðức Giêsu được sai đến, và cũng để an ủi chi em Mácta và Maria.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay bàn về việc Ladarô sống lại phải khơi dậy trong ta niềm hi vọng vào ngày sống lại ngay cả trong mùa chay khi ta suy ngắm về sự thương khó và tử nạn của Ðức Kitô. Ta biết điều đó phải xẩy đến như vậy vì đời sống và sứ vụ của Ðức Kitô không thể nào chỉ được kết thúc trong cuộc thương khó và tử nạn mà thôi. Do đó trong lễ nghi phụng vụ, Giáo hội luôn nhắc nhở cho ta về cuộc phục sinh của Chúa Kitô như ta tuyên xưng sau phần truyền phép Mình Máu Thánh: Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên  tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.

Lời nguyện xin cho được hưởng sự sống lại:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, con xin tạ ơn Ngài

đã tạo dựng nên con có hồn có xác.

Xin cho loài người biết nhận thức rằng

mọi quyền sinh tử đều nằm trong tay Chúa.

Xin cho họ biết tôn trọng mạng sống loài người

gồm cả mạng sống của chính mình họ.

Xin cho những người chết vì chiến tranh bạo động,

những người chết mà không ai khóc thương, không ai chôn cất

xin cho họ được tìm thấy niềm an ủi do lòng Chúa xót thương.

Và  khi nào Chúa gọi con ra khỏi đời này,

xin cho con được hưởng ơn nghĩa trong Nước Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng