LE_DUC_MARIA_ME_TC_BLễ Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Năm B

Ds 6:22-27; Gl 4:4-7; Lc 2:16-21

Mẫu tử là mối tình gần gũi, bền vững, đầy hi sinh vô vị lợi nhất trong các mối tình loài người. Vì tác dụng đa cảm của người đàn bà mà trong gia đình, con cái thường cảm thấy gần gũi mẹ hơn bố. Mẹ thường không trách phạt, lại để ý săn sóc cho con hơn, nhất là khi con còn nhỏ dại. Dù con có bệnh hoạn tật nguyền, người mẹ vẫn thương yêu và săn sóc.

Có những bà mẹ có thói quen lưu trữ những hình ảnh chụp về con vào dịp đặc biệt, hay ghi chép những mẩu chuyện về con từ khi sinh ra. Lại có những bà làm thành thói quen cầu nguyện cho con cái hằng ngày. Khi nhìn thấy con làm linh mục, thì bà vui mừng không kể siết mặc dầu có thể không biểu lộ ra bề ngoài như người Á đông.

Tình mẫu tử của mẹ Maria đối với người Con của Mẹ cũng phải rất đặc biệt vì Mẹ biết Con mình được thụ thai cách lạ lùng và sứ mệnh Con mình thật là cao vời. Phúc âm hôm nay ghi lại: Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2:19). Vậy ta cần tìm hiểu xem Mẹ ghi nhớ những gì? Mẹ ghi nhớ làm sao? Và Mẹ  suy gẫm thế nào?

Trước hết Mẹ phải ghi nhớ cảnh truyền tin, suy gẫm ý nghĩa của lời sứ thần chào: Kính chào bà Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà (Lc 1:26). Khi sứ thần nói trinh nữ sẽ thụ thai Con Ðấng Tối Cao, Mẹ cũng đã phải suy gẫm và thưa với sứ thần rằng việc đó không thể xẩy ra vì không biết đến việc vợ chồng. Khi thiên thần bảo đảm việc thụ thai là do quyền phép Chúa Thánh thần thì Mẹ chấp nhận cưu mang Ðấng Tối Cao.

Mẹ đã phải suy gẫm tại sao bà Êlisabét lại nói: Bởi đâu tôi được diễm phúc là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy (Lc 1:43). Mẹ cũng phải suy gẫm tại sao hài nhi trong lòng bà Êlisabét lại nhảy mừng (Lc 1:44). Mẹ đã phải suy niệm lời Thánh kinh Cựu ước đã được tiên báo cả bảy trăm năm trước về người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai (Is 7:14) là ám chỉ về Mẹ và về Con mình. Mẹ đã phải suy đi nghĩ lại và suy gẫm trong lòng nên mới có thể cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những hồng ân Chúa đã làm nơi Mẹ trong bài ca Ngợi Khen Magnificat như vậy (Lc 1:46-55).

Và dĩ nhiên Mẹ phải ghi nhớ cảnh Con mình sinh ra nghèo khó nơi hang bò lừa, xa nhà,  không được quán trọ chứa chấp, nhưng lại có thiên thần ca hát, chúc tụng và ba vị Ðạo sĩ đến thờ lạy. Khi dâng Con vào Ðền thờ, Mẹ cũng đã phải sửng sốt ghi nhớ lời ngôn sứ Simêon tiên báo về ơn cứu độ mà Con mình đem lại: Chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân (Lc 2:30-31). Mẹ phải kinh ngạc khi ông Simêon tiên báo: Còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà (Lc 2:35). Và Mẹ phải suy gẫm cả lời bà  Anna, một nữ ngôn sứ độc nhất vô nhị trong Thánh kinh, nói về Con mình nữa (Lc 2: 38). Khi tìm thấy Con bị lạc trong đền thờ và được Con trả lời: Cha Mẹ không biết con phải thi hành thánh ý Chúa Cha sao? (Lc 2:49). Ở đây Thánh kinh cũng ghi lại: Mẹ Người ghi nhớ những sự việc đó trong lòng (Lc 2:51).

Trong đời sống công khai của Con mình, Mẹ cũng phải suy gẫm những gì đã xẩy ra cho Con Mẹ: khi được người ta thán phục, ca tụng, khi bị người đời chống đối, tẩy chay. Dưới chân thánh giá, nghe Ðức Giêsu trối thánh Gioan cho Mẹ: Ðây là con của bà (Ga 19:26) và trối Mẹ cho thánh Gioan: Ðây là mẹ của con (Ga 19:27), Mẹ cũng phải ghi nhớ những gì đã xẩy ra vào những ngày cuối đời của Con Mẹ: chịu bách hại, chịu tra tấn, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai và chịu chết trên thập giá.

Thực tế thì Mẹ đã suy gẫm những lời Thánh kinh tiên báo về Con trong chín tháng mười ngày cưu mang và trong suốt cả cuộc đời Mẹ. Mẹ ghi nhớ và suy gẫm xem những sự việc, những biến cố xẩy ra cho Con của Mẹ, không phải để cho lo âu, buồn khổ nằm bất động trong đầu óc và làm ứ đọng tâm hồn, nhưng để xem những sự việc xẩy ra ăn khớp với những lời tiên báo trong Thánh kinh như thế nào. Mẹ ghi nhớ và suy niệm với niềm tin chấp nhận để hoà nhịp vào những đau khổ, mà Con Mẹ phải chịu theo chương trình cứu độ, để được tới vinh quang phục sinh.

Noi gương Mẹ, ta cũng suy gẫm lời Chúa trong Thánh kinh. Ta còn suy gẫm về những sự việc, những biến cố xẩy ra trong vũ trụ, và trên thế giới cũng như trong gia đình và chính cá nhân, để tìm ra ý nghĩa của mỗi sự việc và biến cố, hầu rút tỉa kinh nghiệm và học bài học, rồi làm lại cuộc đời. Ðể cho những sự việc và những biến cố xẩy ra trong đời ta và trên thế giới khỏi bị quên lãng, ta có thể ghi vào sổ nhật kí để tới ngày kỉ niệm ta ôn lại, rồi suy gẫm và cầu nguyện. Có những việc xẩy ra trong đời ta, ta coi là thiệt thòi, thất bại và đau khổ lúc đó. Rồi với thời gian trôi qua và suy gẫm lại, ta lại thấy có ích lợi cho ta trên đường dài về phương diện khác, nhất là về phương diện thiêng liêng chẳng hạn.

Hôm nay ta cần tự hỏi xem có bao giờ ta suy tư về những hoạn nạn xẩy ra cho cá nhân hay cho gia đình như bệnh tật, chết chóc không? Có bao giờ ta suy nghĩ về những thiên tai xẩy ra trong vũ trụ như động đất, bão lụt, hoả hoạn, hoặc những tai nạn về đắm tầu, máy bay rớt hay xe cộ đụng nhau chăng? Có bao giờ ta suy nghĩ về những tai họa xẩy ra trên thế giới như chiến tranh, khủng bố, bạo động không? Hay là ta để cho những hoạn nạn, những thiên tai, những tai hoạ và tai nạn qua đi, rồi đi vào quên lãng? Hoặc giả ta có nhớ, nhưng lại để nằm bất động trong đầu óc chăng?

Khi có mấy người đương thời kể cho Chúa về chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết chết, thì Chúa bảo, không phải những người Galilê đó tội lỗi hơn những người Galilê khác, nên mới bị giết. Chúa chỉ bảo họ cần sám hối để khỏi bị như vậy (Lc 13:2-3). Còn mười tám người bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, Chúa cũng bảo không phải họ mắc tội nặng hơn dân thành Giêrusalem. Chúa chỉ bảo họ phải sám hối để khỏi phải xẩy ra như vậy (Lc 13: 4-5). Như vậy thì hoạn nạn, thiên tai, tai nạn và tai họa có thể là những dấu chỉ Chúa muốn nói với ta điều gì đó chăng? Có phải Chúa bảo ta phải làm lại cuộc đời không?

Lời cầu nguyện: xin cho được ơn làm con của Mẹ:

Lạy Mẹ Maria! Dưới chân thánh giá,

Thánh Tử  đã trối Mẹ lại cho thánh Gioan.

Từ nay con xin nhận Mẹ là Mẹ.

Xin Mẹ cũng là Mẹ con,

để con được đồng hành với Mẹ

trên mọi nẻo đường đời.

Xin dạy con biết ghi nhớ và suy gẫm lời Chúa,

thứ đến những sự việc xẩy ra trong Giáo hội,

trong vũ trụ, trên thế giới và trong đời con,

để con biết tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống. Amen.

Lm Trần Bình Trọng