CN_3_PS_CChúa Nhật 3 Phục Sinh, Năm C

Cv 5:27b -32, 40b- 41, Kh 5:11-14; Ga 21:1-19

Sau khi sống lại, việc Chúa hiện ra với các tông đồ đều nhắm một mục đích nào đó, chứ không phải Chúa cứ hiện ra khơi khơi, có hứng thì xuất hiện, còn không thì thôi. Mỗi lần  hiện ra với các tông đồ là mỗi lần Chúa trao ban cho các ông những sứ vụ khác nhau. Theo Phúc âm hôm nay ghi lại thì đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các tông đồ sau ngày Phục sinh.

Trong lúc tâm trạng các ông còn hoang mang với những vui buồn lẫn lộn: buồn vì cuộc tử nạn của Thày mình, vui vì Thày mình đã sống lại, hoang mang vì sự hiện diện của Thày mình sống lại, không còn thường xuyên như trước nữa, mà có lúc ẩn lúc hiện. Với tâm trạng vui buồn và hoang mang lẫn lộn đó, các ông bèn rủ nhau đi đánh cá cho khuây khoả. Xuống thuyền tại bờ hồ Galilê, các ông thả lưới suốt đêm mà không bắt được cá. Ở đây ta phải phục sự kiên nhẫn của các tông đồ. Thả lưới suốt đêm không bắt được con cá nào mà cứ vẫn tiếp tục.

Chính trong lúc các ông bị cụt hứng thì Chúa hiện ra với các ông. Chúa giả vờ hỏi: Không có gì ăn sao (Ga 21:5)? Các ông đồng thanh trả lời: Thưa không (Ga 21:5). Bấy giờ họ chưa nhận ra người khách lạ là Thày mình. Và theo đề nghị của người khách lạ, họ thả lưới. Kết quả là mẻ lưới của các ông nặng trĩu đầy cá. Bấy giờ người môn đệ Chúa yêu là ông Gioan mới nhận ra Thày mình. Ông Gioan trước đó còn nhận ra khăn che đầu khi táng xác Chúa được gấp lại là dấu chỉ Thày mình đã sống lại (Ga 20:8). Khi ông Gioan nhận ra Thày mình, thì ông Phêrô, theo tính bột phát, nhảy ra khỏi thuyền bơi về phía Chúa.

Trường hợp các tông đồ lúc đầu không nhận ra Chúa trong Phúc âm hôm nay và trong Phúc âm thánh Luca (Lc 24:37) cũng giống trường hợp bà Maria Mácđala và hai môn đệ đi thành E-mau lúc đầu cũng không nhận ra Chúa (Ga 20:14; Lc 24:16). Tại sao lại có chuyện như vậy? Lí do thứ nhất là vì các tông đồ không mong đợi việc Chúa sống lại với lòng xác tín như Chúa đã tiên báo đến cả hơn ba lần: lần một (Mt 16:21; Mc 8:31; Lc 9:22), lần hai (Mt 17:23; Mc 9:31), lần ba (Mt 20:19; Mc 10:34; Lc 18:33) và mấy dịp khác (Mt 17:9; Mc 9:9; Ga 2:19). Lí do thứ hai theo thánh Mác-cô là khi hiện ra với các môn đệ/tông đồ: Chúa tỏ mình dưới một hình dạng khác (Mc 16:12), nghĩa là hình dạng đã biến đổi. Hình dạng khác không phải tại Chúa bị xuống kí và yếu sức vì bị tra tấn và nằm trong mộ ba ngày, không ăn uống. Thánh Phaolô giải thích thân xác phục sinh của Chúa khác thân xác trước kia như sau: Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí (1Cr 15:44). Thân thể có sinh khí là thân thể xét về phương diện thể lí, khi mà các bộ máy hô hấp, bộ máy tuần hoàn và bộ máy tiêu hoá còn làm việc. Còn thân thể có thần khí là thân thể phục sinh. Chúa Giêsu nói về thân thể phục sinh của người phàm như sau: Quả thât trong ngày sống lại, người ta chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời (Mt 22:30). Trong thân thể phục sinh, người ta không có nhu cầu ăn uống và do đó cũng không còn nhu cầu đi vệ sinh. Phúc âm thánh Luca có ghi: sau khi sống lại, các tông đồ đưa cho Chúa một nhát cá nướng, rồi Chúa cầm lấy mà ăn (Lc 24:42-43). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng ghi: sau khi sống lại Chúa cùng ăn uống với các tông đồ (Cv 10:41). Việc Chúa ăn uống ở đây là vì các tông đồ chứ trong thân thể phục sinh của Chúa, Chúa không cần ăn uống. Việc Chúa ăn ở đây giống như thiên sứ Ra-pha-en ăn, rồi trả lời cho hai cha con ông Tôbít và Tobia rằng: Các ngươi đã thấy tôi ăn, nhưng thực ra tôi không ăn gì cả, đó chỉ là một thị kiến mà các ngươi thấy (Tb 12:19).

Các tông đồ nhận thức rằng mẻ lưới đầy cá là do quyền năng Chúa, chứ không phải do sự chuyên nghiệp của các ông. Mặc dầu là thuyền chài chuyên nghiệp, hôm nay các ông cũng chịu thua. Mẻ lưới mà các ông kéo lên đếm được một trăm năm mươi ba con cá. Tại sao Phúc âm không ghi con số chẵn 150 con cá cho dễ nhớ mà lại ghi 153 con? Theo thánh Hiêrônimô, một học giả về Thánh kinh thì số 153 có nghĩa là những nhà vạn vật học Hy lạp thời bấy giờ phân loại được 153 thứ cá khác nhau. Như vậy thì 153 có nghĩa là các tông đồ bắt được nhiều cá chứ không nhất thiết mẻ cá hôm đó đếm được 153 con. Nếu con số 153 mang ý nghĩa như vậy, thì Chúa muốn các tông đồ phải đi rao giảng tin mừng cứu độ cho cả thế giới, cho năm châu bốn bể. Như vậy con số 153 là biểu tượng con số đông đảo những tân tòng, những người sẽ nhận lãnh đức tin sau này. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại khi các tông đồi đi rao giảng Đức Kitô phục sinh thì có ngày có tới ba ngàn người trở lại (Cv 2:41).

Bài học mà Chúa muốn dạy các tông đồ là các ông phải tuỳ thuộc vào ơn Chúa và  quyền năng của Chúa. Các ông phải nhận thức rằng dù mình là thuyền chài chuyên nghiệp cũng không nhất thiết phải bắt được cá. Dụng cụ mà Chúa dùng để thi hành chương trình cứu độ, không tuỳ thuộc vào tài năng và sự hiểu biết của loài người, nhưng tuỳ thuộc vào sự cộng tác của loài người với ơn Chúa. Quyền năng Chúa phục sinh đã biến đổi các tông đồ. Trước đó các ông còn nhát sợ như cáy. Tại sân thượng tế, một đầy tớ gái vừa thấy ông Phêrô và đoán ông cũng thuộc nhóm ông Giêsu (Mt 26:69-70; Mc 14:66-68; Lc 22:56-57; Ga 18:25), ông Phêrô liền chối phăng ba lần. Sau khi đối diện với Chúa sống lại, các ông không còn sợ hãi trốn tránh nữa. Bài trích sách Tông đồ Công Vụ hôm nay ghi lại việc các ông trả lời công nghị: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Cv 5:29). Là chứng nhân, các tông đồ phải nói lên sứ điệp, dù sứ điệp đó không được hưởng ứng, mà còn bị đe doạ đến tính mạng.

Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người tín hữu được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, làng xóm và cộng đồng. Có nhiều hình thức và cách thế để làm chứng cho đức tin bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng cách sống đức tin, bằng việc từ thiện bác ái, bằng việc rao giảng Phúc âm. Thiên Chúa hằng hiện diện giữa ta. Chính những khi các tông đồ cảm thấy thất đảm sợ hãi sau cuộc tử nạn của Thày mình, thì Chúa ở giữa họ: Chúa đồng hành với họ trên đường Emau, Chúa hiện ra với họ khi họ không bắt được cá. Hôm nay ta cầu xin Chúa cho ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù ta không cảm thấy.

Lời cầu nguyện xin cho biết cậy dựa vào quyền năng Chúa:

Lạy Ðức Kitô Phục sinh!

Chúa là Ðấng quyền năng quyền phép.

Xin dạy con biết tuỳ thuộc vào Chúa,

đặt trọn niềm tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa

trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời:

khi vui cũng như lúc buồn,

khi thành công cũng như lúc thất bại,

khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ.

Xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng