CN_10_TN_CChúa Nhật 10 Thường Niên, Năm C

1 V 17:17-24; Gl 1:11-19; Lc 7:11-17

Mối cảm xúc của Chúa Giêsu là một phần bản tính nhân loại nơi Chúa. Nơi con người Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Chúa Giêsu đến mặc lấy bản tính loài người, chịu đau khổ và tử nạn vì tội lỗi nhân loại.

Chúa cũng cảm xúc và thương xót. Chúa khóc thương thành Giêrusalem (Lc 19:41) trước viễn tượng bị phá huỷ. Trong vườn cây dầu, Chúa cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến bồi hồi (Lc 22:44).

Chúa còn chia sẻ những nỗi đau khổ với loài người: người nghèo đói, bệnh tật, đau khổ về thể xác và tinh thần, người mất mát người thân yêu. Hôm nay đến thành Nain, Chúa gặp một đám tang. Dự đám tang là một cơ hội buồn rầu. Người di dự đám tang bận quần áo mầu đen hoặc trắng tuỳ theo văn hoá, với nét mặt ủ rũ để chia sẻ nỗi buồn với gia đình người quá cố. Dự đám tang của người thanh niên trẻ trung, con một bà goá lại càng buồn rầu hơn nữa. Động lòng thương xót, Chúa Giêsu đã truyền cho người chết sống lại: Hỡi người thanh niên, tôi truyền cho anh: hãy trỗi dậy (Lc 7:14).

Để có thể thương xót, người ta phải biết chia sẻ. Chia sẻ trong trường hợp đám tang, là chia sẻ nỗi buồn, nỗi đau khổ với bà goá, với tang quyến. Để có thể chia sẻ nỗi buồn khổ, người ta phải biết thông cảm. Không biết thông cảm, hay cảm thông, nghĩa là vô tư, hoặc trơ như gỗ đá, thì không thể chia sẻ.

Phúc âm thánh Gioan còn ghi lại rằng khi thấy cô Maria khóc và người Do thái cũng khóc: Ðức Giêsu cũng thổn thức và xao xuyến trong lòng (Ga 11:33). Và khi họ chỉ cho Chúa đến xem mộ, Chúa liền khóc (c.35). Việc Chúa khóc nói lên Chúa cũng có tình cảm của con người với một trái tim biết rung động trước nỗi khổ đau của hai chị em.

Ngôn sứ Êlia cũng vì lòng thương xót một bà goá thành Xarépta đã cầu nguyện, xin Chúa cho con trai bà chủ nhà sống lại (1V 17:21-22). Và bà nhận ra ông Êlia là: Người của Thiên Chúa (1V 17:24). Nếu có ai hỏi: như vậy Êlia cũng có quyền năng ngang hàng với Đức Giêsu sao? Như vậy thì có sự khác biệt nào giữa việc làm phép lạ của Chúa và của Elia không? Thưa rằng vẫn có một sự khác biệt lớn. Ðể làm cho con bà goá sống lại, Êlia đã phải nằm phủ lên đứa bé và kêu cầu đến Thiên Chúa ba lần, xin Chúa thương bà goá đã cho ông ở trong nhà mà cho con bà sống lại (1V 17:21). Còn Chúa Chúa Giêsu chỉ cần động vào quan tài và truyền cho người chết sống lại (Lc 7:14).

Ðể có thể bầy tỏ lòng xót thương, mỗi người cần tự hỏi xem mình đã chia sẻ và cảm thông nỗi đau khổ của tha nhân như thế nào? Không cần nhìn xa xôi mà chỉ cần nhìn quanh, ta cũng thấy biết bao người đang gặp đau khổ về phần xác và tinh thần như chịu cảnh nghèo đói, tai nạn, bệnh hoạn, tật nguyền, đổ vỡ trong gia đình.. Chúa muốn dùng loài người như là dụng cụ để xoa dịu vết thương lòng của loài người.

Trong xã hội ta đang sống, nhiều khi người ta quá chú tâm đến vấn đề tự chủ và tự túc. Vì thế mà người ta ngại không muốn biểu lộ mối xúc cảm của mình với người khác nơi công cộng ngay cả những người trong gia đình. Người ta có thể gặp những người bên ngoài xem ra có vẻ bình thường, nhưng họ đang mang trong mình những nỗi đau khổ về thân xác như bệnh tật, về vật chất như nghèo đói, về tinh thần như gặp cảnh gia đình đổ vỡ, gặp cảnh đàn áp. Trong một gia đình cũng cần sự nâng đỡ tinh thần của lẫn nhau. Ở quê hương, người vợ gặp chuyện buồn còn có nhiều người chia sẻ như bà con và bạn hữu chia sẻ ủi an. Ở xa cha mẹ họ hàng và bạn hữu, nhiều người phải mang nỗi buồn khổ một mình. Như vậy người vợ gặp chuyện buồn khổ mà không được chồng nâng đỡi ủi an, thì rất có thể tìm an ủi nâng đỡ nơi người khác phái. Đó là mối nguy cơ cho mối liên hệ vợ chồng.

Trong kì cấm phòng năm cho linh mục đoàn ở một giáo phận kia, linh mục giảng phòng có nêu lên những liên hệ đối nghịch giữa áp lực ngoại lai và và tình trạng tinh thần nội tâm. Khi người ta bị đòi hỏi trong sở làm, trong gia đình cũng như trong xứ đạo, mà người ta chưa thực hiện được hay không thực hiện được, người ta sẽ bị xuống tinh thần. Ngược lại khi không bị yêu sách, tinh thần sẽ được thoải mái. Linh mục giảng phòng còn kể câu chuyện có thực xẩy ra trong một giáo phận kia. Số là linh mục đoàn của một giáo phận phàn nàn là không được giám mục giáo phận nâng đỡ tinh thần khi gặp chống đối. Ðức cha giáo phận trả lời vậy còn ngài khi bị chống đối, sao các cha không ủng hộ ngài?

Làm sao đối đầu với những cảnh đau khổ về vật chất, về thể xác và tinh thần nếu không còn được sự trợ lực ngoại lai? Thưa rằng người ta phải học để nhìn những đau khổ về thể chất, thân xác và tinh thân không phải như đường cùng không lối thoát, nhưng biết kết hợp những đau khổ của ta với những đau khổ của Chúa. Ta dâng những đau khổ của mình để hoà lẫn với những khổ đau của Chúa để đền tội cho nhân loại và đền tội cho chính mình. Đem ý tưởng đền tội cho mình vào việc mình chịu đựng khổ đau và thiệt thòi vì lòng yêu mến Chúa, sẽ giúp mình chịu đựng cách nhẹ nhàng.

Lời cầu nguyện xin cho có được một trái tim biết rung động:

Lạy Chúa Giêsu giầu lòng thương xót!.

Chúa có một trái tim biết rung động

trước khổ đau của loài người.

Xin uốn mềm trái tim con,

để con cũng biết chia sẻ những nỗi đau khổ của tha nhân:

hầu làm nhẹ bớt những nỗi đau đớn của họ về thân xác

và xoa dịu những vết thương lòng của họ.

Xin biến đổi con thành dụng cụ của lòng Chúa xót thương. Amen.

Lm Trần Bình Trọng