Le_Chua_Ba_Ngoi_C_copyLễ Chúa Ba Ngôi, Năm C

Cn 8:22-31; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15

Một trong những đặc tính của loài người là tính tò mò muốn biết sự thật. Có những tính tò mò đã đưa đến những phát minh về khoa học, kỹ thuật, vật lý, có lợi ích cho nhân loại. Có những tính tò mò lại gây thiệt hại đến danh dự tiếng tốt của người khác. Nhiều nhà thần học cũng như triết gia Kitô giáo cũng vì tính tò mò đã tốn nhiều thời giờ suy nghĩ để giải thích tín điều Một Chúa Ba ngôi. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Trong khi nhận thức rằng có Ba Ngôi Vị trong một Chúa, bởi vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã bầy tỏ cho nhân loại biết như vậy, người ta vẫn không hiểu làm sao có thực thể đó. Không có nhà thần học nào đã hiểu hay sẽ hiểu được làm sao có thể có Ba Ngôi Vị trong một Chúa. Người ta chỉ có thể dùng hình tam giác cân và đều để giải thích về mầu nhiệm Ba ngôi một Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, thì ba cạnh và ba góc đều bằng nhau, tượng trưng cho Ba Ngôi Một Chúa. Nếu trí khôn loàì người có thể hiểu được những mầu nhiệm trong đạo thì cái gọi là đạo, không còn phải là đạo nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay hệ thống khoa học.

Vấn đề ở đây là tại sao người ta không hiểu mà lại tin? Tin là dựa trên thế giá của người khác và tin là cảm nghiệm được bằng con tim điều mình tin. Trong trường hợp này, tin là dựa trên thế giá của Ðức Kitô. Người đến để bầy tỏ cho nhân loại mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.

Ðôi khi những bậc làm cha mẹ, thầy cô, linh mục, tu sĩ nóng lòng, không biết phải dạy kinh bổn hay giáo lí cho con cháu, cho học sinh và cho giáo dân như thế nào? Dĩ nhiên có nhìều lẽ đạo phải dạy bảo, cắt nghĩa và giải thích. Tuy nhiên đức tin và hiểu biết thuộc hai lãnh vực khác nhau. Người ta có thể biết nhiều về đạo giáo và Thánh kinh, nhưng không nhất thiết họ phải là những người tin tưởng. Vì vậy điều quan trọng là đức tin cần  được truyền đạt và cảm nghiệm. Ðiều cần thiết là sống niềm tin tôn giáo thế nào để chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo và cảm nghiệm sống đạo cho người khác.

Trong khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại La mã 1998, Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà nội, có đề cập đến kinh nghiệm tôn giáo. Trong bài phát biểu, Hồng Y Tụng nêu lên lý do tại sao việc truyền giáo tại Á châu không mang lại kết quả khả quan? Lí do theo vị Hồng Y là vì người Kitô giáo nói chung và công giáo nói riêng, ít có cảm nghiệm về tôn giáo. Họ chỉ biết về đạo mà không có kinh nghiệm tôn giáo và không có cảm nghiệm sống đạo - một kinh nghiệm khiến cho con tim vui mừng và rung động(1) khi sống niềm tin tôn giáo. Theo Hồng Y Tụng, làm sao người công giáo trả lời câu hỏi của người ngoài công giáo: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quí vị ?(2). Rồi vị Hồng Y phát biểu tiếp là những lễ nghi phụng tự của người công giáo dù có được hội nhập văn hóa cũng chỉ xuất hiện như những: bắt chước méo mó, nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa tình thương, của Thánh Thần ban sự sống (3).

Như vậy cách thế làm việc đạo (modus quo) của người làm việc đạo (ex opere operantis) và tâm tình biểu lộ trong khi làm việc đạo là quan trọng đối với người ngoài nhìn vào: công giáo cũng như ngoài công giáo. Còn việc đạo được thực hiện (id quod hay nói cách khác ex opere operato) mà làm một cách máy móc cho có hình thức thì người ngoài trông vào: công giáo cũng như ngoài công giáo cũng chỉ thấy và biết vậy thôi, không gây được ấn tượng thiêng liêng nào đối với họ.

Thiết tưởng lời phát biểu của Hồng Y Tụng có thể được diễn tả bằng một giả dụ như sau. Dù hàng giáo sĩ Việt Nam có bận áo thụng, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia để cử hành lễ nghi chẳng hạn, nhưng nếu lời cầu nguyện và việc phụng thờ chỉ nằm khơi khơi trên bề mặt thì cũng không gây được ấn tượng thiêng liêng nào nơi người ngoài công giáo. Nói cho cùng thì việc bận áo thụng, đội mũ cánh chuồn, chân đi hia cũng chỉ là lai căng, chứ không phải Việt Nam. Quá quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hoá vào đạo, chẳng qua có thể là phản ứng của kẻ tự ti măc cảm về phương diện nào đó. Lễ nghi công giáo là lễ nghi công giáo. Ðó là căn tính của lễ nghi công giáo. Phẩm phục của lễ nghi Công giáo là căn tính của phẩm phục lễ nghi Công giáo; cũng như phẩm phục của lễ nghi Phật giáo là phẩm phục của lễ nghi Phật giáo. Ðem phẩm phục không phải là công giáo vào lễ nghi công giáo mà không qua một nghi thức ‘rửa tội’ nào đó cho phẩm phục đó thì giống như là ‘đem râu ông cắm cằm bà’ vậy.

Văn hoá chẳng qua là vấn đề tiếp nối, được đến trước hay đến sau mà thôi. Có những sắc thái văn hoá mà người ta bảo đó là của dân tộc, thì cũng đã hội nhập từ ngoài vào từ lâu đời, làm thành văn hoá bản xứ. Những nét văn hoá đến sau mà được thanh lọc, đào thải và thích ứng, thì lâu ngày cũng sẽ trở thành văn hoá bản xứ. Tôn giáo cũng là việc hội nhập vào một quốc gia theo thời gian: đến trước hay vào sau. Cổ võ việc hội nhập văn hoá bản xứ vào đạo Kitô giáo, thì cũng cần tìm cách giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân bản xứ nữa, để lâu ngày văn hoá Kitô giáo cũng sẽ thấm nhập vào lòng dân bản xứ. Đại thi hào Nguyễn Du đã phải nghe biết hay đọc giáo lí công giáo nên mới viết trong truyện Kiều rằng: Biết đâu địa ngục, thiên đường là đâu?

Vào thập niên cuối cùng của thế kỉ hai mươi, người ta thấy có những xóm đạo ở miền Nam Việt Nam cho đặt tượng hoặc bàn thờ Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ngay ngoài trời ở góc khu phố, xóm chợ. Bên đèo Bảo lộc cũng thấy có đặt tượng Mẹ Maria lớn ở nơi nghỉ chân. Tại Bãi Dâu ở Vũng Tàu còn thấy tượng Ðức Mẹ ở ngoài trời. Ai đi đường qua lại cũng có thể trông thấy dễ dàng. Trên núi Tao Phùng ở Bãi Sau Vũng Tàu, xe cộ hay tầu bè qua lại phải thấy một pho tượng Chúa Kitô vua, khổng lồ, bao quát cả vùng trời núi, giang tay hướng về biển Ðông Việt như là vua biển cả, khiến sóng gió, bão táp phải yên lặng (Mt 8:26; Mc 4:39; Lc 8:24). Nói đến việc giới thiệu văn hoá Kitô giáo vào lòng dân tộc, thì không thể không nhắc đến chữ quốc ngữ, bầu khí dịp lễ Giáng sinh và nhạc giáng sinh. Chữ quốc ngữ là một món quà vô giá của đạo công giáo vào lòng dân tộc Việt Nam.

Người ngoài công giáo vào nhà thờ, họ có thể ngại ngùng vì cảm thấy lạc lõng. Tuy nhiên cầu nguyện trước tượng Chúa, Mẹ Maria hay ông thánh nọ, bà thánh kia ở góc phố hay lộ thiên ngoài trời, hay nghe nhạc đạo một mình, người ta có thể thấy thoải mái hơn. Sau năm 1975, cũng đã có nhóm người Việt ở Mĩ phổ nhạc ca vọng cổ vào những câu chuyện Thánh kinh như Phêrô chối Chúa hay Giuđa bán Thày. Ca lên, nghe cũng rất là mùi mẫm, khiến thính giả vỗ tay nhiệt liệt (4). Ðó là những cách thế đem văn hoá và giáo lí Kitô giáo vào đời. Nói cho cùng thì tôn giáo thuộc lãnh vực phi văn hoá. Khi người ta đã có niềm tin tôn giáo rồi, thì việc bầy tỏ niềm tin đó bằng bất cứ văn hoá nào cũng có thể đánh động tâm hồn của người thuộc văn hoá khác. Nói đúng hơn, cảm nghiệm tôn giáo là vấn đề siêu văn hoá.

Ðôi khi ta tự hỏi: ta phải cầu xin với Ngôi vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa? Câu trả lời là: mối liên hệ của ta đối với mỗi Ngôi Vị có thể khác nhau. Nếu cảm thấy gần gũi với người cha ruột thịt của mình, ta nên cầu xin với Thiên Chúa Cha. Những người mồ côi cha từ tuổi thơ ấu thường không có kinh nghiệm về tình phụ tử. Trường hợp đó khi lớn lên phải cố gắng tìm cách làm tăng triển tình con thảo với Chúa như là cha. Nếu có kinh nghiệm gần gũi với Chúa Giêsu như là người bạn Thầy chí thánh (Ga 15:14,15) như những anh chị em trong Phong Trào Học Hội Kitô Học (Cursillo), ta nên cầu nguyện nhiều với Ngôi Hai Thiên Chúa. Nếu có cảm nghiệm về sức tác động tâm hồn và quyền năng biến đổi đời sống của ơn Chúa Thánh Thần, ta nên cầu xin nhiều với Ngôi Ba Thiên Chúa như những anh chị em trong Phong Trào Canh Tân Thánh Linh. Dầu sao đi nữa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Chúa trong Ba Ngôi. Khi cầu nguyện với một Ngôi vị, là ta cầu nguyện với Ngôi vị kia như Chúa Giêsu xác quyết: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở  trong Thầy (Ga 14:11).. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14:15). Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy (Ga 16:15). Sau khi cầu nguyện với từng ngôi vị, ta có thể chuyển hướng cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc cho chắc ăn, chẳng hạn như: Lạy Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, con thờ lạy, cảm tạ và ca tụng Chúa. Xin Ba Ðấng ban cho con được thế này, thế nọ, thế kia.

Ði vào thực tế, ta đã dạy con cháu sống niềm tin tôn giáo thế nào trong việc làm dấu thánh giá, kêu cầu đến Chúa Ba Ngôi? Ta có ý thức được ý nghĩa khi làm dấu thánh giá, hay chỉ làm theo hình thức hời hợt cho qua lần chiếu lệ? Có khi còn tạo thêm một ngôi vị nữa một cách vô ý thức như khi đọc nhân danh Cha và Con và Thánh, và thần thay vì và Thánh Thần. Làm dấu thánh giá là cách thế bầy tỏ niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Làm dấu thánh giá là cách thế kêu cầu Ba ngôi Thiên Chúa giúp ta làm việc nọ việc kia theo đường lối của Chúa. Làm dấu thánh giá còn nhắc nhở cho người tín hữu về mầu nhiệm cứu rỗi: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Còn làm dấu thánh giá một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ thì không thể giúp ghi nhận được những cảm nghiệm tôn giáo và những ấn tượng thiêng liêng.

Ngoài ra ta có tạo hoàn cảnh và điều kiện để giúp con cháu biết tự cầu nguyện một mình bao giờ không? Khi con cháu Rước Lễ lần đầu hay chịu phép Thêm Sức hoặc cưới hỏi, ta có khuyến khích con cháu cầu nguyện, sửa soạn tâm hồn bên trong hay chỉ để ý sắm quần áo, mua bông hoa để tạo ra hiện tượng pháo bông cho việc ăn mừng và chụp thật nhiều hình kỉ niệm? Đốt pháo bông trông thì đẹp nhưng lại rất mau tàn. Do đó mà con cháu không ghi được ấn tượng thiêng liêng nào vì không cảm nghiệm được niềm tin tôn giáo khi lãnh nhận bí tích. Không có kinh nghiệm tôn giáo khi lãnh nhận phép bí tích, thì xem hình chụp cũng chỉ biết vậy thôi, nghĩa là có thấy hình chụp mà không ghi nhớ được ấn tượng thiêng liêng nào. Hình chụp chỉ giúp hồi tưởng lại kỉ niệm ngày lãnh nhận một bí tích. Còn kinh nghiệm tôn giáo và ấn tượng thiêng liêng mới kéo dài và giúp cho con tim được vui mừng và hứng khởi trong việc sống đức tin.

Lời cầu nguyện: xin cho được ơn cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi:

Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi con thờ!

Sao con làm việc đạo

mà lòng con cảm thấy khô khan như gỗ đá?

Xin cho con biết tìm ra ý nghĩa và mục đích

khi phụng thờ Chúa: dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện,

và phục vụ tha nhân là hình ảnh Chúa.

Quyền năng và ân sủng Chúa ở đâu?

Xin cho con được cảm nghiệm

để con được vui sống đức tin. Amen.

Lm Trần Bìng Trọng

________________________________________________________

  1. Hồng Y Phạm Ðình Tụng: Những ưu tư của công việc rao giảng Phúc Âm tại Á Chấu.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Phiên họp khoáng đại # 13. Vatican 28/04/1998.

2. Như trên

3. Như trên

4.   Băng ca vọng cổ Thánh kinh có bán tại Hoa kì.