CN_11_TN_CChúa Nhật 11 Thường Niên, Năm C

2 Sm 12:7-10, 13; Gl 2:16, 19-21; Lc 7:36-50 hay 7:36- 8:3

Trên đường hành trình đức tin, người ta có thể đi trong ánh sáng hoặc quẹo vào những khúc quanh đen tối. Bốn nhân vật trong Thánh kinh hôm nay tượng trưng cho bốn loại người tội lỗi. Bài trích sách Samuen kể lại việc vua Ða-vít phạm tội ngoại tình với vợ của viên tướng lãnh U-ri-gia là bà Bát Seva. Sau khi phạm tội với bà, vua Ðavít cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài trận địa về nhà với vợ, để mai mốt bà có sinh con, thì thiên hạ sẽ cho rằng đó là con của vị tướng. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chuyên nghiệp, muốn sống chết với binh sĩ ngoài chiến trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế cho giết vị tướng là chồng bà ngoài chiến tuyến để vua có thể cưới lấy bà.

Ðến đây Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để làm thức tỉnh lương tâm nhà vua. Ðược thức tỉnh lương tâm, vua Ðavít liền ăn năn hối lỗi, vội trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12:13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối cho tội lỗi đã phạm được bầy tỏ trong Thánh vịnh 51 mà truyền thống cho rằng vua David là tác giả.

Còn Phúc âm kể lại câu chuyện về người phụ nữ tội lỗi. Tội lỗi đã đọa đầy chị ra ngoài vòng xã hội. Cuối cùng chị đến xin Chúa Giêsu ban cho chị đời sống mới và một tình yêu đổi mới. Chị ta chứng tỏ cho Chúa thấy biểu hiệu của tình yêu bằng cách rửa chân Chúa bằng nước mắt thống hối và dùng tóc mình mà lau chân Chúa và sức dầu thơm cho Chúa. Do đó tội lỗi của chị đã được tha thứ nhiều vì chị yêu mến nhiều (Lc 7:47).

Vậy thì người phụ nữ tội lỗi đến xức dầu thơm lên chân Ðức Giêsu trong Phúc âm thánh Luca là ai? Người ta có thể trả lời rằng chị ta là người vô danh. Chị không phải là người phụ nữ ngoại tình, cũng vô danh, trong Phúc âm thánh Gioan, bị nhóm kinh sư và Pharisêu đem đến hỏi ý Ðức Giêsu về việc ném đá phạm nhân ngoại tình theo luật Môsê (Ga 8:3-11). Chị ta cũng không phải là bà Maria Mácđala như người ta lầm tưởng trước đây (Mc 16:9; Lc 8:2). Và chị ta cũng không phải là cô Maria, em cô Mácta, cũng xức dầu thơm cam tùng hảo hạng lên chân Ðức Giêsu khi Người đến dùng bữa tối tại Bêtania, có cô Mácta hầu bàn, trong Phúc âm thánh Gioan (Ga 12:3-8).

Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy có sự tương phản giữa thái độ khiêm tốn và tâm tình sám hối của người phụ nữ và thái độ kiêu căng tự phụ của người Pharisêu. Người Pharisêu có tên là Simon (Lc 7:40) đã không làm gì để tỏ ra tinh thần hiếu khách của chủ nhà. Ông ta tự hỏi nếu Ðức Giêsu có tri giác luân lí của một ngôn sứ, thì Người phải biết quá khứ tội lỗi của người phụ nữ, chứ đâu có để chị ta làm ô danh mình. Vì thế người Pharisêu không tin rằng Ðức Giêsu là một ngôn sứ.

Ðến đây Chúa Giêsu quay vấn đề trở lại với người Pharisêu. Chúa đối chất với tư tưởng thầm kín của người Pharisêu và khởi sự giảng dạy cho ông về tình yêu và lòng tha thứ. Mối quan tâm của người Pharisêu về luật lệ đặt ra những hạn chế cho việc tiếp xúc giữa người tội lỗi với người chân chính, cộng thêm thái độ kiêu căng của ông đã khiến ông quên đi tinh thần hiếu khách của người chủ nhà. Ông cũng không tỏ ra tinh thần thống hối cho tội kiêu căng và giả hình của tính Pharisêu nơi ông.

Trong thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát, ta nhận ra người Pharisêu nữa tên là Phaolô. Khi còn là người Pharisêu, Phaolô cũng mang tội như ông Simon, nghĩa là cũng giả hình, kiêu ngạo, cứng lòng và còn thêm tội nữa là bách hại các tín hữu Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên khi được ơn trở lại, thì ông đổi mới hoàn toàn. Thánh Phaolô bây giờ có được kinh nghiệm sống trong tình yêu, lòng nhân từ và tha thứ của Ðấng đã chiếu toả ánh sáng làm ông choáng mắt ngã xuống đất trên đường đi lùng bắt người tín hữu.

Câu chuyện về những người tội lỗi có lòng ăn năn sám hối và được tha thứ như vua Ðavít, như người đàn bà tội lỗi và như thánh Phaolô nói lên lương tâm biết hối hận của tội nhân. Hổ thẹn là đặc tính của loài người. Sau khi phạm tội, ông bà nguyên tổ cảm thấy hổ thẹn nên mới lấy lá che thân. Do đó miêu duệ loài người cũng thừa hưởng tính hổ thẹn đó. Một nhà xã hội học định nghĩa: Người là con vật biết hổ thẹn. Vậy nếu sau khi làm những việc tội lỗi và bị phơi bầy, mà người ta vẫn trơ trẽn, là người ta đã mất đi tính hổ thẹn của loài người.

Việc làm của người đàn bà tội lỗi chỉ cho thấy làm sao có được tâm tình sám hối. Ðể có được tâm tình sám hối, người ta phải tỏ lòng khiêm tốn, chấp nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Người biết sám hối là người ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Người đàn bà tội lỗi khi nhận thức được mình là kẻ có tội, đã ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt. Chỉ khi nào người ta ý thức được về tội lỗi của mình, người ta mới cảm thấy nhu cầu cần Chúa. Còn người Pharisêu tự coi mình là công chính nên mới không cảm thấy cần sám hối. Tâm tình sám hối ở đây khác với mặc cảm tội lỗi. Khi được tha thứ tội lỗi trong toà cáo giải, người ta không cần mang mặc cảm tội lỗi, hoặc hồ nghi xem tội mình có được tha không? Mang mặc cảm tội lỗi có thể khiến người ta nghi ngờ lòng thương xót tha thứ của Chúa. Tuy nhiên người ta nên duy trì tâm tình sám hối vì sống trong tâm tình sám hối sẽ giúp người ta sống gần bên Chúa mãi.

Có những người có thể ghen tị với những người có cuộc đời đổi mới toàn diện, một cuộc chuyển hướng rõ rệt từ bóng tối tội lỗi vào ánh sáng ơn nghĩa như thánh Âu-tinh vì họ được điều họ muốn ở đời này và cả niềm vui nước trời đời sau. Tuy nhiên người ta phải nhận thức rằng con đường hành trình đức tin của mỗi người có khác nhau. Ðể có thể sám hối, ta phải cầu xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ mà không dám đến gần  Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan (Hc 1:14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Lời cầu nguyện xin cho được sống tâm tình sám hối:

Lạy Chúa Giêsu chí thánh!

Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.

Chúa ghét tội, nhưng lại thương kẻ có tội.

Xin dạy con biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi mình

và khơi dậy tâm tình ăn năn sám hối

để con tìm đến toà cáo giải

hầu được Chúa xót thương tha thứ. Amen.

Lm Trần Bình Trọng