CN_33_TN_CChúa Nhật 33 Thường Niên, Năm C

Ml 3:19-20; 2 Tx 3:7-12; Lc 21:5-19

Phụng vụ lời Chúa vào cuối năm phụng vụ đặt trước mắt người tín hữu viễn tượng của việc Chúa đến lần thứ hai vào ngày thế mạt. Khi chọn đoạn Thánh kinh từ sách Malakhi, Giáo hội muốn nhắc nhở cho người tín hữu về ngày của Chúa, ngày mà mặt trời công chính (Ml 3:20a) sẽ được chiếu sáng trên những kẻ kính sợ Người. Còn bài Phúc âm đưa ra những hình ảnh về: Chiến tranh, loạn lạc (Lc 21:9), động đất, ôn dịch, đói kém, những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao (c. 10), khiến người ta lầm tưởng rằng ngày chung cục (c. 9), là ngày sau hết đã đến gần.

Khi bàn về ngày sau hết, tác giả Thánh kinh thường nại đến loại ngôn ngữ khải huyền, nghĩa là ngôn ngữ hay mẫu tư tưởng biểu tượng khó hiểu về ngày sau hết. Sách Danien, một phần sách Êdêkien, sách Khải huyền, phần bàn về ngày cánh chung trong Phúc âm Mát-thêu, Mác-cô và Luca, gợi lại những tai hoạ với những hình ảnh tàn phá xẩy ra trong vũ trụ như chiến tranh, động đất, bão tố, lụt lội và chết chóc.

Những hình ảnh tàn phá mà các tác giả Thánh kinh dùng để nói về ngày sau hết đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó trên thế giới rồi, chứ không hẳn được tiên đoán sẽ xầy ra trong tương lai. Văn chương khải huyền được giả sử viết trước khi tai hoạ sẽ đến  để cảnh giác người đọc, nhưng thực ra được viết sau khi tai hoạ xẩy ra. Ngày sau hết cũng được mô tả bằng hình ảnh khải huyền trong sách Malakhi: Ðốt cháy như hoả lò (Ml 3:19) và bằng hình ảnh biểu tượng: Mặt trời công chính (Ml 3:20a). Như vậy những hình ảnh tàn phá trong ngôn ngữ khải huyền, không hẳn nói về những biến cố sẽ xẩy ra trong ngày sau hết. Nói cách khác, ngôn ngữ khải khuyền không nhằm tiên đoán tương lai. Ý nghĩa của ngôn ngữ khải huyền chỉ có dụng ý là để cảnh giác người nghe và người đọc rằng sẽ có ngày sau hết và Thiên Chúa sẽ thống trị. Ngày sau hết là điều sẽ xẩy ra và là điều người tín hữu phải tin. Còn ngày sau hết xẩy ra như thế nào thì không hẳn như được diễn tả trong ngôn ngữ khải huyền. Việc dùng ngôn ngữ khải khuyền chỉ nhằm mục đích là để cảnh tỉnh những tâm hồn lơ là về đời sống nội tâm hoặc những tâm hồn chỉ đam mê sự đời mà thôi (1).

Như vậy thì không phải hễ có chiến tranh, động đất và tai hoạ xẩy ra là ngày sau hết sắp đến. Ðền thờ Giêsusalem đã bị phá huỷ. Nhiều người đương thời cũng đã chứng kiến cảnh chiến tranh, động đất, thiên tai, nhưng người ta vẫn sống, thế giới vẫn tồn tại. Vậy thì lời Chúa dùng ngôn ngữ khải huyền trong Phúc âm hôm nay muốn nhắc nhở cho người tín hữu rằng sẽ có ngày sau hết. Tuy nhiên khi thấy những tai hoạ xẩy đến thì không có nghĩa là ngày sau hết đã gần.

Thánh Phaolô đã nhận ra lỗi lầm đó nơi một số tín hữu Thêxalônica. Họ nghĩ rằng ngày sau hết gần đến, nên họ chỉ ăn không ngồi rồi để đợi chờ và còn sống vô kỉ luật nên đã bị thánh Phaolô cảnh giác, bảo họ: Hãy ở yên mà làm việc (2 Tx 3:12). Và đó là quan niệm bi quan, chán đời, không thực tế. Trong quá khứ, có nhóm giáo phái Kitô giáo tại Hoa Kì tiên đoán ngày tận thế sẽ đến vào khoảng thời gian từ 21 Tháng 3, 1843 đến 21 Tháng 3, 1844 (2). Qua thời gian đó, không có gì xẩy ra, họ lại đề nghị năm khác cho ngày tận thế.

Trước khi bước sang thiên niên kỷ thứ ba, người ta cũng nghe những tin giật gân từ những tiên tri giả tung ra và được những cơ sở truyền thông loan tải, cho rằng sẽ có tai hoạ xẩy ra và rồi ngày tận thế sẽ đến vào năm 2000. Có những người nhẹ dạ, tìm đến nhà thờ xin nhiều nước thánh để rảy hầu xua đuổi ma quỉ (1Pr 5:8) và ra tiệm mua nhiều nến để đốt trong những ngày họ cho là đen tối sắp đến (Ge 2:10; Ge 4:15; Mt 24:29; Mk 13:24). Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu bảo: Anh em đừng có theo họ (Lc 21:8). Về vấn đề kĩ thuật, người ta bàn nhiều đến Y2K vào năm 2000 trong máy vi tính. Người ta sợ sang năm 2000 máy vi tính không in ra số tiền lương hay những dữ kiện khác được. Sợ là vì trước đó thay vì ghi bốn số của năm nọ năm kia vào máy vi tính như năm 1999, người ta chỉ ghi hai số cuối cho lẹ là ’99. Sang năm 2000, thi người ta sợ là máy vi tính có thể đọc là năm 1900 hay năm của số không. Do đó máy cũng không in ra được gì, không in ra được tiền lương, không ra được món hàng để đặt mua.

Là người công giáo, ta tin Chúa cứu thế sẽ đến vào ngày thế mạt như người tín hữu tuyên xưng sau khi truyền phép Thánh thể: Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến. Sự việc Chúa đến lần thứ hai là đối tượng của đức tin của người công giáo. Trong tất cả những lần đàm thoại về ngày thế mạt (cánh chung), Chúa Giêsu không bao giờ ám chỉ về thời gian khi nào ngày sau hết (tận thế) sẽ đến.

Vậy ngày tận thế có thể được hiểu là ngày sau hết của đời sống mỗi người ở trần thế, hoặc là ngày tận cùng của thế giới. Nếu hiểu ngày tận thế là ngày cuối cùng của cuộc sống mỗi ngườì ở trần thế, thì ngày tận thế chính là cái chết của mỗi người, ngày Chúa gọi mỗi người ra khỏi thế gian đến trước toà thẩm phán. Khi nào ngày cuối hết của mỗi người hay khi nào ngày cuối hết của thế giới xẩy ra, và xẩy ra thế nào, không hẳn là điều quan trọng. Ðiều quan trọng là người tín hữu sửa soạn cho ngày đó. Làm thế nào để sửa soạn cho ngày sau hết? Trước hết người ta phải thanh toán nợ nần với Chúa và với tha nhân bằng cách làm hoà với Chúa qua bí tích cáo giải. Nếu có gia tài đáng kể, người ta cần viết di chúc để con cháu khỏi tranh chấp tố tụng lẫn nhau. Dù gia tài nhỏ bé, người ta cũng nên viết di chúc để con cháu biết ý mà tổ chức cho tang lễ của mình. Người cẩn thận còn liệt kê xem ai làm gì trong tang lễ nữa.

Trong khi sống giữa thời gian, thời gian sau khi Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử loài người và thời gian trước khi Người sẽ trở lại trong vinh quang để kết thúc lịch sử loài người, người tín hữu không được giả bộ làm ngơ. Nếu trung thực với lòng mình, ta phải nhận thức rằng ta vẫn còn thời giờ cho việc phát triển đời sống nội tâm, và đời sống đức tin, và phát triển mối liên hệ với Chúa. Với đức tin, người tín hữu phải coi những thiên tai như động đất, bão tố, lụt lội, dịch tả .. và những tai hoạ do loài người gây nên như chiến tranh, tai nạn, khủng bố gây đổ nát, thiêu huỷ và chết chóc cho hàng trăm, hàng ngàn người như là những dấu hiệu Chúa muốn nói với ta điều gì đó. Phải chăng Chúa muốn bảo ta phải sửa soạn tâm hồn sẵn sàng để đến trước toà Chúa vì ta không biết ngày giờ nào ta phải đối diện với tử thần, ngày tận thế của đời sống cá nhân mỗi người. Các tác giả Thánh kinh dùng ngôn ngữ khải huyền nói về chiến tranh, động đất, hoả hoạn, lụt lội .., chết chóc để cảnh giác những tâm hồn lơ là, hay đam mê sự đời. Vậy những người chứng kiến chính những thiên tai như lụt lội, hoả hoạn, động đất, chiến tranh, chết chóc trong thời đại mình đang sống có biết tự đề cao cảnh giác không?

Lời cầu nguyện xin đừng quên sửa soạn cho ngày sau hết:

Lạy Chúa, Chúa là khởi thuỷ và cùng đích của mọi loài mọi vật.

Chúa cầm giữ vận mạng con người trong tay.

Xin dạy con biết sửa soạn tâm hồn đến trước toà Chúa.

Cũng xin chỉ cho con biết sống mỗi ngày,

như là ngày cuối hết của đời con,

để con được sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

____________________________

  1. Xem thêm Stuhlmueller, Carrol. ‘Post-exilic Period: Spirit, Apocalyptic in Jerome Biblical Commentary. Prentice – Hall, Inc. Englewood Cliffs, New Jersey 1968. Sections  20:21-24.
  2. Festinger, Leon, etc. When Prophecy Fails. New York, N.Y. : Harper & Row, 1964. pp. 12-30.