Chúa Nhật 8 Thường Niên, Năm C

Hc 27:4-7; 1Cr 15:54-58; Lc 6:39-45

 Ðọc lời Chúa trong Thánh kinh, nhiều khi xem ra có vẻ mâu thuẫn. Lúc thì Chúa dạy thế này, lúc Chúa dạy thế kia về cùng một vấn đề. Ví dụ khi Chúa dạy: Chẳng có ai đốt đèn lên rồi đặt dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào nhìn thấy ánh sáng (Lc 11:33).

Chúa còn dạy: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tối đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời (Mt 5:16). Khi khác Chúa lại dạy khi chúng ta làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để được Chúa bù đắp lại (Mt 6:3-4).

 Xét cho cùng thì lời Chúa giảng dạy không có gì mâu thuẫn. Trong trường hợp trên Chúa dạy ta phải có ý ngay lành trong ý hướng làm việc đạo đức và thiện hảo. Khi làm việc thiện hảo và đạo đức, ta phải có ý tìm kiếm vinh danh Chúa, tìm mở mang nước Chúa thay vì tìm vinh dự cho mình.

 Dụ ngôn cái xà và cái bụi trong Phúc âm hôm nay đã trở nên quen thuộc đối với người tín hữu: Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? (Lc 6:41). Hình ảnh dụ ngôn trên diễn tả mức độ khoan dung đối với mình, nhưng lại khắt khe đối với tha nhân, cũng đã trở nên quen thuộc với người ngoài công giáo vì đã được đưa vào văn chương của nhân loại.

 Lời Chúa trong Phúc âm dạy ta trước khi phê bình người khác hay muốn người khác cải thiện, ta cần phải tự phê phán, tự kiểm thảo để rồi tự cải thiện. Ngạn ngữ La ngữ có câu: Nemo dat quid non habet: Người ta không thể cho điều mình không có. Có một người giáo dân Trung hoa đã cầu nguyện như sau: Lạy Chúa xin hãy cải hoá thế giới, nhưng xin cải hoá con trước đã; xin ban hoà bình cho nhân loại, nhưng xin hãy biến con thành dụng cụ bình an trước đã’. Sau khi tự kiểm, ta sẽ thấy được cái xà trong mắt mình. Cái xà đó có thể là tính kiêu căng, tự phụ, háo danh, tham lam, ích kỉ, lười biếng.., khiến ta bị mù quáng làm che đậy nhãn quang thiêng liêng của mình. Cái xà đó là vỏ trấu trong sách Huấn ca: Sàng rồi, trấu ở lại sàng. Nói ra cái dở rõ ràng thấy ngay (Hc 27:4).

 Tuy nhiên người ta có thể hiểu sai lời Chúa trong Phúc âm, khi người ta căn cứ vào dụ ngôn này để rồi không dám phê bình xây dựng gì hết, vì sợ mất lòng, sợ liên lụy, sợ phiền toái, sợ mất bạn, sợ bị chống đối, nên muốn dĩ hoà vi quí. Ðó có thể là thái độ trùm chăn. Ngay cả những người có trách nhiệm hướng dẫn đời sống luân lí và đạo đức của ngưòi khác, cũng có thể làm thinh trước những lời nói hay việc làm sai quấy của người tuỳ thuộc.

 Trái lại nếu không cẩn thận, ta có thể chỉ bới lông tìm vết rồi lên án chứ không phải là phê bình xây dựng. Trong khi phê bình thì nhằm xây dựng; còn kết án là nhằm triệt hạ, để chỉ đề cao mình. Kết án là kết quả của tính kiêu căng, tự phụ, háo hanh, làm người ta bị mù quáng, không thấy được cái xà trong mắt mình. Khi ta trở thành mù quáng, ta sẽ đi lạc đường và còn dẫn người khác đi lạc lối như lời Chúa phán: Người mù dẫn người mù, cả hai sẽ sa xuống hố (Lc 6:39). Khi bị mù loà về phương diện thiêng liêng, ta sẽ không nhìn thấy cái xà trong mắt mình, thì làm sao ta có thể cải tiến và hướng dẫn người khác được?

 Lời cầu nguyện xin cho được thấy cái xà trong mắt mình:

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng thế gian.

Chúa thấu suốt mọi sự và Chúa thấu suốt lòng con.

Xin Chúa chiếu soi ánh sáng vào tâm trí con.

Xin chữa con khỏi bệnh mù loà thiêng liêng

đẻ con có thế thấy và loại bỏ cái xà trong mắt con. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng