Tin vào Tuyệt Ðối hay Thiên Chúa, đó là niềm tin nền tảng của mọi tôn giáo. Thiên Chúa hay Thực Tại Tuyệt Ðối này được gọi bằng những tên khác nhau tuỳ theo mỗi tôn giáo hoặc theo những nền văn hoá khác nhau: người Do Thái giáo gọi là Ðấng Toàn Năng, Thiên Chúa hay Giavê, v.v., người Hồi giáo gọi là đức thánh Allah, người theo Ấn giáo gọi là Brahma, người Phật giáo gọi là Vô hay Hữu!

Tác phẩm: Sẽ sống nếu bạn tin

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ

Là kitô hữu hay tín hữu của bất kỳ một tôn giáo nào đó, đều phải tin. Các tôn giáo, cụ thể là Kitô giáo, đặt nền tảng trên niềm tin.

Có người do ảnh hưởng tinh thần duy khoa học, cho rằng khoa học có thể giải thích tất cả. Họ chủ trương rằng hôm nay có nhiều điều khoa học (thực nghiệm, thuần lý hay nhân văn) chưa giải thích được, nhưng chắc chắn trong tương lai chúng sẽ được giải thích thỏa đáng. Những người này chủ trương không gì vượt ngoài khả năng con người; và như vậy, con người chỉ phải tin những gì khoa học chưa giải thích được, còn trong tương lai khoa học sẽ giải thích được và con người sẽ không phải tin nữa. Hiểu như vậy, “tin” là tri thức “không chắc chắn,” đồng nghĩa với “ý kiến” mà thôi; vậy phải chăng kitô hữu là những người kém thông minh, mù quáng, thiếu hiểu biết và thiếu trưởng thành?

Nội dung

Con người là một sinh vật có tính xã hội, nên niềm tin vào Thiên Chúa của con người cũng có tính xã hội. Niềm tin vào Tuyệt Ðối của một tập thể được thể hiện một cách hữu hình, gọi là tôn giáo.

Có người cho rằng: “Mục đích của tôn giáo không là Thiên Chúa nhưng là sự sống.” Chúng ta có thể đồng ý nếu chỉ nhìn Khổng giáo và Phật giáo. Khổng tử nhấn mạnh đến “thành nhân,” còn Ðức Phật thì dạy người ta “thoát khổ.” Nhưng chúng ta cũng thấy quan niệm trên của W. James không đúng đối với Do Thái giáo và Kitô giáo, vì Do Thái giáo khởi đầu với một ơn gọi (St 12:1tt), và Kitô giáo hình thành với niềm tin Ðức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa.

Một số người cho rằng có những tôn giáo không muốn bàn đến Thiên Chúa và chỉ muốn đề cập tới con người. Tác giả viết, theo thiển ý của tôi, thực tại tuyệt đối vẫn mặc nhiên ẩn tàng nơi mọi tôn giáo bởi vì nếu không có Tuyệt Đối Thường Hằng thì làm gì có hạnh phúc vĩnh cửu.

Thiên Chúa có nhiều tên gọi

Tin vào Tuyệt Ðối hay Thiên Chúa, đó là niềm tin nền tảng của mọi tôn giáo. Thiên Chúa hay Thực Tại Tuyệt Ðối này được gọi bằng những tên khác nhau tuỳ theo mỗi tôn giáo hoặc theo những nền văn hoá khác nhau: người Do Thái giáo gọi là Ðấng Toàn Năng, Thiên Chúa hay Giavê, v.v., người Hồi giáo gọi là đức thánh Allah, người theo Ấn giáo gọi là Brahma, người Phật giáo gọi là Vô hay Hữu!

Ðể nhận biết tôn giáo nào là con đường tuyệt hảo và chắc chắn nhất giúp con người sống hạnh phúc đích thực bây giờ và mãi mãi, trên nguyên tắc, chúng ta phải tìm hiểu từng tôn giáo. Nhưng thật may mắn cho chúng ta là những người đang sống trong đạo Công Giáo. Ðạo Công Giáo là con đường tuyệt hảo, được Thiên Chúa muốn là tôn giáo giúp con người sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để biết chắc chắn điều này trong những trang tiếp theo.

Từ đây, tác giả sẽ đề cập đến Thiên Chúa can thiệp trong dòng lịch sử

Trước hết, theo tác giả, có những người tin Thiên Chúa, không phải nhờ họ nhìn vũ trụ vạn vật rồi siêu vượt gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng vì họ đã có kinh nghiệm đặc biệt với Thiên Chúa.

Ông tổ dân Do Thái là Abram. Abram đã nghe được tiếng Thiên Chúa mời gọi bỏ quê cha đất tổ để đi tới đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Thiên Chúa hứa sẽ cho ông thành một dân lớn, sẽ chúc lành cho ông, và sẽ cho ông trở nên mối chúc lành.

Và không chỉ với Abraham, mà cả với con của Abraham là Isaac, và với con của Isaac là Giacóp, Thiên Chúa vẫn giữ mối tương quan đặc biệt với họ (St 12-49).

Môsê với biến cố Xuất Hành

Hơn bốn thế kỷ sau khi dân Do Thái vào đất Ai Cập, Thiên Chúa lại chọn Môsê để có tương quan đặc biệt với ông. Thiên Chúa đã tỏ mình cho ông qua bụi gai bốc cháy nhưng không tàn trên núi Sinai; Ngài đã sai ông đi giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ bên Ai Cập.

Biết bao điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm để dẫn dân Do Thái ra khỏi Ai Cập (Xh). Dân Do Thái trở thành dân riêng của Thiên Chúa, khi họ bằng lòng tuân giữ thập giới dưới chân núi Sinai. Kinh nghiệm Vượt Qua là kinh nghiệm nền tảng và đã được lưu truyền từ đời nọ tới đời kia trong con cái Israel. Dân Do Thái cảm thấy Thiên Chúa thật gần với họ, Ngài luôn “ở với họ.”

Tiên tri

Thời các vua xuất hiện bao vị ngôn sứ đại diện Thiên Chúa, nói Lời Thiên Chúa cho dân, cảnh cáo dân lẫn vua quan về những bất trung với Thiên Chúa của giao ước, giúp dân giữ thập giới, loan báo tin vui an ủi trong những ngày đại họa lưu đày.

Thiên Chúa không bỏ dân Ngài, Ngài vẫn ở với họ ngay cả trong khi họ tưởng Thiên Chúa đã quên họ! Các tiên tri biết rõ điều này.

Như vậy, những người có kinh nghiệm trực tiếp với Thiên Chúa như Abraham, Isaac, Giacóp, Môsê, v.v, biết Thiên Chúa không phải chỉ bằng tin hay siêu vượt nhưng còn bằng chính kinh nghiệm sống của họ: họ đã gặp gỡ Thiên Chúa! Abraham đã nghe tiếng Chúa phán (St 12:1), đã nghe được Lời của Giavê trong thị kiến (St 15:1), đã được Thiên Chúa hiện ra và phán bảo (St 17:1), đã được gặp gỡ và nói chuyện với Thiên Chúa như nói chuyện với con người (St 18,1-5). Giacóp đã mơ thấy Thiên Chúa (St 28:2-22), đã “vật lộn” với Thiên Chúa (St 32:23-31). Thiên Chúa can thiệp trong cuộc đời lưu lạc của ông (St 37–50). Môsê được gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai bốc lửa nhưng không tàn trên núi Sinai (Xh 3:1-15), và trở thành khí cụ làm những điều kỳ diệu bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa (Xh 5–17; 19–20).

Có rất nhiều người trên hoàn vũ này tin có Thiên Chúa nhờ siêu vượt qua những dấu chỉ tự nhiên, còn những người đặc biệt kể trên tin có Thiên Chúa không chỉ nhờ họ siêu vượt qua các dấu chỉ tự nhiên mà còn nhờ những kinh nghiệm đặc biệt trong đời họ. Họ tin có Thiên Chúa nhờ những dấu chỉ đặc biệt! Dân Do Thái ở chân núi Sinai, cũng như trước đó trong tiến trình rời khỏi Ai Cập, cũng đã được thấy bao dấu kỳ phép lạ. Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đối với dân Do Thái là kinh nghiệm “đặc biệt”.

Tin là phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa

Ðức tin của những người đặc biệt như Abraham, Isaac, Giacóp, Môsê, không chỉ là tin có Thiên Chúa (credere Deum), và cũng không chỉ là tin vào Thiên Chúa (credere Deo), mà còn là tin phó thác nơi Thiên Chúa (credere in Deum). Chính vì tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa mà Abraham đã rời bỏ quê cha đất tổ để đi theo Lời Thiên Chúa (St 12:4), dù đi mà không biết mình đi đâu (Hr 11:8), dù đi như vậy rất là nguy hiểm.161 Chính vì tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa mà Môsê dám trở lại Ai Cập để dẫn dân ra khỏi đó, chỉ với một cây gậy trên tay (Xh 5:1tt). Và cũng vì tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa mà Môsê dám dẫn một dân tộc đông đảo đi qua sa mạc khô cằn không nước và thức ăn.

Chính vì tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa, phó thác tất cả cho Ngài, mà những người tin vào Thiên Chúa (credere in Deum) vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa, vâng phục ngay trong những điều vượt hoàn toàn khả năng của con người, vượt khỏi sự hiểu biết bình thường của con người. Chẳng hạn Abraham vâng phục Thiên Chúa hiến tế con một mình là Isaac (St 22:1-19), Môsê đi vào Ai Cập để dẫn dân Do Thái ra khỏi đó (Xh 3-15).

Thiên Chúa Ðấng họ tin và gặp gỡ là một ngôi vị, Ðấng thật gần với họ, Ðấng luôn quan tâm đến họ, Ðấng nhìn thấy nỗi khổ của họ và sẵn sàng đáp cứu họ khi họ kêu cầu. Ðối tượng tin của những người đặc biệt này, không phải là các “tín điều” nhưng là “ngôi vị,” Ðấng tuy xa nhưng lại rất gần.

Mục lục

Sách gồm bốn phần:

Phần thứ nhất nhằm cho thấy ai cũng phải tin, dù là một người nông dân chân lấm tay bùn đến những người trí thức; không chỉ thế, mọi khoa học, mọi tri thức đều được đặt trên nền tảng niềm tin, dù đó là tri thức khoa học hay tri thức siêu hình;

Phần thứ hai cho thấy “tin” là siêu vượt khỏi mình và hướng tới gặp gỡ ngôi vị; tin là tương quan liên vị; tin là hành vi tự do, hợp lý và là ân sủng;

Phần thứ ba cho thấy nét đặc biệt của đức tin Kitô giáo: tin là đáp trả mặc khải của Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô; tin đòi hỏi phải phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa Tình Yêu;

Phần thứ tư cho thấy “tin” là sống; đức tin được biểu lộ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người; chính nhờ tin mà con người được cứu độ.

Tác phẩm “Sẽ sống nếu bạn tin” dày 206 trang trên khổ giấy 13x20.5 cm với mục đích giúp người trẻ ngày nay có cái nhìn đúng đắn về đức tin Kitô giáo và giúp các tín hữu trẻ không mặc cảm về hành vi tin của mình, cũng như nhằm trình bày thần học về đức tin Kitô giáo cho các kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Văn Cương, SJ - Vatican News

21 tháng mười 2022, 10:52