Tác giả chia sẻ, trong gần ba thập niên thi hành thừa tác vụ, tôi đã tư vấn cho hàng ngàn người bị đè bẹp vì những vấn đề hôn nhân và gia đình, những kẻ buồn phiền vì cô đơn, trầm cảm, sầu khổ và “trống rỗng” nội tâm.

Lắng nghe chuyện đời của họ, tôi đã đi đến kết luận sau đây: Điều duy nhất khiến những kẻ ấy phiền muộn, chính là việc họ không yêu thích bản thân mình. Vấn đề của họ không phát xuất từ bên ngoài, nhưng phát xuất từ bên trong con người của họ.

Tác phẩm: Yêu thương bản thân – nguyên tắc và thực hành

Tác giả: Michael R. Kent

Nguyên tác: Falling in Love with Yourself: The Principles and Practices of Self-love

Chuyển ngữ: Lm. Nguyễn Ngọc Kính, OFM

Kính thưa quý độc giả,

Mở đầu tác giả kể câu chuyện về: Chú Vịt Con Xấu Xí.

Một quả trứng thiên nga được bỏ vào ổ trứng vịt. Vịt mẹ ấp tất cả ổ trứng cho đến khi nở. Bầy vịt con càng lớn lên, thì sự khác biệt giữa vịt và thiên nga càng thấy rõ. Rốt cuộc thì tất cả bầy vịt con trông giống như các chú vịt trưởng thành, còn chị thiên nga thì lại quá lớn, quá nặng, vụng về và nhất là… chị kêu như ngỗng trời, chứ không quạc quạc như vịt. Thiên nga bộc lộ mặc cảm tự ti. Chị cảm thấy nhục, vì mình khác biệt với những chú vịt. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay lông, chị thiên nga tỏ mình là một nàng thiên nga mỹ miều. Chị lướt nhẹ trên mặt hồ và đến nhập đoàn với những chị thiên nga khác, và sống hạnh phúc mãi mãi.

Chị thiên nga trong câu chuyện ngụ ngôn là một kẻ may mắn. Sau khi trải qua những cơn khủng hoảng trong quá trình phát triển, cuối cùng thì chị nhận biết mình là một nàng thiên nga xinh đẹp. Sau một thời gian cảm thấy xấu xí, vì mình trông khác biệt với những chú vịt, chị thiên nga đã tìm thấy hạnh phúc khi nhận biết mình là một tác phẩm tuyệt đẹp của công trình tạo dựng. Chị thiên nga đã tập yêu thương chính mình.

Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu câu chuyện ngụ ngôn không kết thúc một cách tích cực như vậy? Sẽ như thế nào, nếu chị thiên nga mãi mãi cứ nghĩ mình là vịt? Sẽ như thế nào, nếu chị chẳng nghĩ mình là thiên nga, mà chỉ là chú vịt xấu xí? Sẽ như thế nào, nếu chị không bao giờ biết bản chất của thiên nga? Chắc hẳn là chị sẽ trải qua cuộc đời này với một nhận thức thiếu sót về giá trị bản thân, quý trọng bản thân và yêu mến bản thân.

Nội dung

Tác giả chia sẻ, trong gần ba thập niên thi hành thừa tác vụ, tôi đã tư vấn cho hàng ngàn người bị đè bẹp vì những vấn đề hôn nhân và gia đình, những kẻ buồn phiền vì cô đơn, trầm cảm, sầu khổ và “trống rỗng” nội tâm. Lắng nghe chuyện đời của họ, tôi đã đi đến kết luận sau đây: Điều duy nhất khiến những kẻ ấy phiền muộn, chính là việc họ không yêu thích bản thân mình. Vấn đề của họ không phát xuất từ bên ngoài, nhưng phát xuất từ bên trong con người của họ.

Mỗi ngày, chúng ta sống với bản thân mình hai mươi bốn giờ, vậy mà bản thân chúng ta vẫn cứ là một bí ẩn. Đa số chúng ta là những kẻ thông minh và am hiểu nhiều vấn đề, nhưng chúng ta lại không hiểu lý do khiến chúng ta khó chịu, hay tại sao chúng ta không bằng lòng với cuộc sống của mình. Chúng ta cảm thấy thoải mái hay khó chịu, nhưng chúng ta thường không thể giải thích lý do khiến chúng ta cảm thấy như thế. Chúng ta dễ bị tổn thương và bực mình. Chúng ta nhạy cảm với một lời phê bình nhỏ nhặt. Chúng ta không biết lý do khiến một số điều làm cho chúng ta buồn phiền, trong khi những điều ấy chẳng làm ai buồn phiền. Vấn đề của chúng ta là vấn đề yêu mến bản thân.

Theo tác giả, để phục hồi lòng yêu mến bản thân nhất thiết phải đặt nền tảng trên chiều kích tâm linh. Tác phẩm này muốn giúp bạn nhận thức về bản thân một cách sâu sắc trên bình diện tâm linh và thực hành phương pháp phục hồi lòng quý mến bản thân. Quý mến bản thân là khởi điểm của cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện. Trái lại, thiếu lòng quý mến bản thân là khởi điểm của phần lớn những nỗi bất hạnh và bất mãn của chúng ta.

Điều này sẽ được nói rõ trong chương 1, chúng ta sẽ thấy rằng thiếu lòng quý mến bản thân là gốc rễ của nhiều vấn đề làm cho chúng ta suy nhược - nếu không muốn nói đó là gốc rễ của phần lớn các vấn đề - trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Hàng triệu người vẫn chưa tìm thấy động lực hay những kỹ năng cần thiết để quý mến bản thân. Vì sợ hãi, hàng triệu người đang bị tê liệt trong cuộc sống, hoặc tự cô lập, hoặc bù trừ quá mức bằng những hành vi tai hại. Hàng triệu người không yêu thích bản thân, đến mức họ mãi mãi mong muốn trở nên một ai khác. Họ sống như “kẻ hâm mộ”, say mê những hình ảnh tưởng tượng trong bi kịch và phim ảnh, hay nghiện đi siêu thị. Hàng triệu người tỏ ra dễ thương và quan tâm đến tha nhân, nhưng không biết tại sao mình cứ cảm thấy “trống rỗng”.

Hàng triệu người vốn là “thiên nga”, nhưng lại cứ xem mình là “vịt”, những chú vịt xấu xí. Để thấy mình là thiên nga, chứ không phải vịt, chị thiên nga cần phải nhận thức, giác ngộ và biến đổi trên bình diện tâm linh. Ngay từ đầu chương trình phục hồi lòng quý mến bản thân, chúng ta sẽ khám phá được những nhận thức sáng suốt trên bình diện tâm linh, vốn là yếu tố thiết yếu của loại “hoán cải” ấy.

Mục lục

Trong tác phẩm này, những nguyên tắc và bài tập nhằm phục hồi lòng quý mến bản thân đã được rút ra từ các công trình nghiên cứu sâu rộng.

Trong phần I, chúng ta sẽ khảo sát những xu hướng mà chúng ta phải bắt đầu đối phó, nếu chúng ta muốn phục hồi và tăng cường lòng quý mến bản thân. Chúng ta sẽ tìm hiểu những thiệt hại mà chúng ta phải chịu, nếu thiếu lòng quý mến bản thân thích đáng; những tác nhân khiến chúng ta không quý mến bản thân, và những yếu tố giúp chúng ta bắt đầu phục hồi lòng quý mến bản thân. Chúng ta sẽ nghiên cứu cách thức quản lý tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân: Đâu là chướng ngại vật cản trở chương trình phục hồi bản thân, và đâu là những điều không giúp chúng ta phục hồi lòng quý mến bản thân?

Phần II sẽ đề cập đến những nhận thức và thái độ tinh thần, mà tôi xem là những yếu tố thiết yếu trong tiến trình phục hồi lòng quý mến bản thân. Chúng ta sẽ phác thảo một chương trình hành động nhằm thể hiện lòng quý mến bản thân. Chúng ta thật sự là ai? Và chúng ta có bị điều khiển bởi một “Quyền Năng Thượng Đẳng” vì lợi ích của chúng ta không?

Phần III sẽ khảo sát những phương pháp, bài tập, kỹ thuật mà chúng ta có thể sử dụng để tiếp tục phục hồi lòng quý mến bản thân, nhất là trong những thời điểm khó khăn và trong những tình huống đe dọa lòng quý mến bản thân.

Tiếp đến, tác phẩm này mời gọi chúng ta tìm kiếm những giá trị thiêng liêng, chân thành suy tư về con người đích thật của mình.

Tác phẩm “Yêu thương bản thân – nguyên tắc và thực hành” dày 438 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, tác phẩm này muốn mời gọi bạn đánh giá bản thân như một tác phẩm nghệ thuật. Cuộc đời của bạn là một tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta được mời gọi đi vào cuộc sống để vẽ nên một kiệt tác nghệ thuật là con người chúng ta. Thương thay, nhiều người trong chúng ta sợ cầm cọ. Hãy để cho những người khác vẽ bức tranh sơn dầu của họ. Tác phẩm này cũng khích lệ chúng ta nhặt chiếc cọ lên và tự mình vẽ nên chân dung của mình. Những nét vẽ chính là những hành động yêu thương mà chúng ta thực hiện vì lợi ích của mình. Khi bạn tiếp tục tô điểm cho kiệt tác của mình, rốt cuộc bạn sẽ yêu thương mình hơn.

Văn Cương, SJ - Vatican News

13 tháng mười hai 2022, 09:43