Dù bất kỳ ở thời đại nào, con người không ngừng tìm kiếm về căn tính và cội nguồn của mình. Những câu hỏi: “Tôi là ai? tôi từ đâu đến rồi sẽ đi đâu” không ngừng thôi thúc con người thuộc mọi nền văn hoá. Từ rất xa xưa, người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn cội loài người. Những sử gia đã dày công nghiên cứu và chứng minh, qua những truyền thuyết, những câu chuyện thần thoại tác giả Kinh Thánh Cựu Ước cũng đau đáu một niềm tìm về căn cội của mình, nhưng lại ở một lăng kính hoàn toàn khác.

Tuần này, chúng ta cùng đến với tác phẩm: Hỡi con người, bạn là ai?

Tác giả: : J. Grelot

Nguyên tác: Homme, qui est-tu?

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Diễm & Ban dịch thuật Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Hà Nội 

Kính thưa quý độc giả,

Dù bất kỳ ở thời đại nào, con người không ngừng tìm kiếm về căn tính và cội nguồn của mình. Những câu hỏi: “Tôi là ai? tôi từ đâu đến rồi sẽ đi đâu” không ngừng thôi thúc con người thuộc mọi nền văn hoá. Từ rất xa xưa, người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn cội loài người. Những sử gia đã dày công nghiên cứu và chứng minh, qua những truyền thuyết, những câu chuyện thần thoại và những tác phẩm văn chương, có lẽ vùng Lưỡng Hà (tức là lưu vực của hai con sông lớn là Tigris và Euphrates) là nơi đưa ra những giả thuyết về cội nguồn của con người sớm nhất, được ước tính từ thiên niên kỷ thứ IV tCN.

Tác giả Kinh Thánh Cựu Ước cũng đau đáu một niềm tìm về căn cội của mình, nhưng lại ở một lăng kính hoàn toàn khác. Cả hai truyền thống, tức truyền thông “Gia-vít” và truyền thống “Tư tế” trong sách Sáng thế đều trình bày Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người. Truyền thống “Tư tế” trình bày con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, trong khi truyền thống “Gia-vít” lại trình bày Thiên Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, giống như người thợ gốm nặn nên chiếc bình.

Tác giả J. Grelot, giáo sư Kinh Thánh tại Học viện Công giáo Paris và là tác giả của một số tác phẩm về vấn đề này, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu chúng, đã sưu tầm những tác phẩm văn chương cổ, để so sánh với trình thuật của Kinh Thánh và đưa ra một nhân sinh quan Do Thái giáo, Ki-tô giáo.

“Hỡi con người, bạn là ai?” câu trả lời được tìm thấy trong 11 chương đầu của sách Sáng thế: con người được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Con người được Chúa trao phó trông coi vũ trụ và canh tác đất đai. Con người dễ sa ngã trước những cám dỗ. Con người có liên đới với nhau trong đức hạnh và tội lỗi. Trên tất cả, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Sau này, Đức Giê-su rao giảng và làm chứng về điều ấy. (Lời giới thiệu của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Nội dung (Tạo dựng loài người).

“Lúc khởi đầu...”: sách Sáng thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh đã bắt đầu bằng những từ ấy. Lịch sử Kinh Thánh bắt đầu với tổ phụ Áp-ra-ham, vào khoảng thế kỷ XVI hoặc XVII tCN và sách Sáng thế kể câu chuyện này từ chương 12. Nhưng trước khi gợi lên diễn tiến về kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại đầy ý nghĩa, cuốn sách mời độc giả quay nhìn lại đàng sau, để hướng tới “lúc khởi đầu”: lúc khởi đầu của thế giới, của loài người, của cuộc phiêu lưu của mình…

Các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề này bằng các phương pháp riêng; các nghiên cứu ấy, đối với chúng ta, đôi khi có vẻ chỉ là sự tò mò của các chuyên gia. Tuy nhiên, khi suy gẫm đến chúng, chúng ta mới thấy những câu hỏi thiết yếu về hiện hữu của mình cũng có liên can. Sự hình thành chậm chạp của loài người qua hàng thiên niên kỷ tiền sử chẳng dẫn đến khoảng vài chục thế kỷ, lúc mà thảm kịch con người có thể nắm bắt trực tiếp, một thảm kịch mà mọi người chúng ta đều liên đới đó sao?

Chính về điểm khởi đầu của lịch sử này mà mười một chương đầu tiên trong sách Sáng thế mời gọi ta nhìn lại. Nhưng hãy cẩn thận! Các tác giả ấy không muốn cung cấp cho ta một bài học có tính khoa học để thỏa mãn óc tò mò; họ muốn chúng ta suy gẫm đến điều cốt yếu: thân phận con người chúng ta, địa vị của ta trước mặt Thiên Chúa, những chia rẽ bi thảm của chúng ta, cuộc đối đầu với một thiên nhiên thù địch và cuối cùng là ý nghĩa của một lịch sử mà chúng ta vừa là khán giả vừa là diễn viên.

Tiếc thay, với người thời nay, những chương này thường chỉ gợi lên những hình ảnh đầy màu sắc: con Rắn trong vườn địa đàng và cây trái cấm, cuộc đào tẩu của Ca-in sau khi giết A-ben, con tàu bập bềnh trên sóng nước Đại hồng thủy, ngọn tháp Ba-ben cao ngất trời xanh... Từ những nhà điêu khắc thời Trung cổ đến các họa sĩ thời Phục hưng, những chủ đề tương tự này thường được lặp đi lặp lại như thể những biểu tượng tiềm ẩn ấy vẫn mãi là một nguồn cảm hứng vô tận.

Nhưng sự tiến bộ của khoa học đã giáng cho họ một đòn chí mạng. Ngày nay, giữa kỷ nguyên đô thị hóa... làm sao còn tin được rằng thân xác con người được hình thành từ đất sét, chấp nhận vườn địa đàng tọa lạc ở phía Đông, Ca-in và A-ben là chuyện thật, Đại hồng thủy ngập khắp địa cầu, loài người bị tận diệt… Ngoài ra, đối với nhiều người trong thời đại chúng ta, những hình ảnh hoành tráng của sách Sáng thế đã mất đi, nếu không muốn nói đến nét thẩm mỹ, thì ít nhất là ý nghĩa và giá trị của chúng. Ta có thể nhận ra sự thật nào nữa nếu chúng bị coi là lạc hậu về mặt khoa học, là nhân chứng lạc điệu của một nền văn hóa lỗi thời? Nói một cách nôm na, câu hỏi được đặt ra là: liệu một người có thể vừa là tín hữu vừa có óc khoa học được không?

Đây là một câu hỏi nghiêm túc và ta không được quyền trốn tránh. Nhưng để đối diện với nó, phải bắt đầu bằng cách quét sạch khỏi tâm trí một số thái độ sai lầm trong nguyên tắc và tai hại trong kết quả. Một mặt, đó là sự tự mãn về tri thức của một chủ nghĩa khoa học ngu ngốc: “Mọi thứ có trước Thời đại Khoa học đều vô giá trị”; mặt khác là sự ngờ vực bệnh hoạn đối với nghiên cứu khoa học hoặc lịch sử: về điểm này, biết bao người đã tự giam hãm mình trong thứ chủ nghĩa hòa hợp hẹp hòi? Thái độ lành mạnh duy nhất là nghiên cứu phê bình nghiêm túc, được thực hiện dưới ánh sáng đức tin, để làm sáng tỏ những ám chỉ của các bản văn Kinh Thánh. Nhưng để đi đến đó, chúng ta phải đi đường vòng bằng cách đặt các bản văn vào bối cảnh lịch sử và văn hóa mà chúng đã được hình thành. Mọi văn bản của con người đều hình thành như vậy.

Trong trường hợp này, mười một chương sách Sáng thế tiêu biểu cho hai giai đoạn trong suy tư tôn giáo của Ít-ra-en: được viết vào thế kỷ thứ X và thứ VI tCN, chúng là một bài giáo lý thực sự nhằm hướng dẫn các tín hữu thời đó. Các tác giả thường diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường của thời đại mình: cần lưu ý rằng họ sử dụng các chất liệu và phương thức diễn đạt mà các dân tộc khác sử dụng, đặc biệt là ở vùng Lưỡng Hà. Việc đối chiếu cẩn thận các bản văn Kinh Thánh song song với các bản văn Lưỡng Hà giúp ta có thể phân biệt được điểm khác biệt giữa chúng, nhờ đó sẽ diễn dịch được sứ điệp của chúng.

Đến giai đoạn này của cuộc nghiên cứu, ta vẫn phải nhớ rằng sứ điệp này đã được thành hình, trong nhiều trường hợp, vào lúc mà mặc khải vẫn chưa kết thúc: bắt đầu với ơn gọi của Áp-ra-ham, mặc khải sẽ chỉ đạt tới tột đỉnh trong Chúa Giê-su Ki-tô, “A-đam mới”. Vào cuối cuộc tìm hiểu, ta sẽ nhận thấy rằng các chương này, dưới “hình ảnh đầy sắc màu”, trả lời cho câu hỏi quan trọng mà mỗi thế kỷ lại thấy xuất hiện ở phía chân trời: Hỡi con người, bạn là ai?

Mục lục

Mở đầu tác phẩm đề cập đến: Ít-ra-en trong vũ trụ của mình: Suy tư về con người tại miền Lưỡng Hà, Suy tư về con người trong Kinh Thánh, Vị trí của St 1–11 trong lịch sử thánh.

Phần I: Lúc khởi đầu St 1–3: Câu chuyện tạo dựng, Thảm kịch thiên đường, Những vấn đề thần học.

Phần II: Tạo dựng nhân loại, nguồn gốc Đại Hồng Thủy St 4–5: Cuộc tranh chấp giữa Ca-in và A-ben, Hai A-đam.

Phần III: Huyền thoại đại hồng thủy St 6,1–9,17: Chuyện Át-sua về Hồng thủy, Đại hồng thủy: Thần thoại hay Truyền thuyết?

Phần IV: Sự thống nhất của con người bị phá vỡ - St 9,18–11,32: Con người được định cư và bị phân tán trên mặt đất, Những khám phá khảo cổ và tháp Ba-ben.

Tác phẩm “Hỡi con người, bạn là ai?” trong tập sách này, Cha Grelot, giáo sư Kinh Thánh tại Học viện Công giáo Paris và là tác giả của một số tác phẩm về vấn đề này, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu chúng. Trước khi tiếp cận phần nghiên cứu văn chương, ngài sẽ cho chúng ta một vài trang hướng dẫn giúp hiểu rõ hơn những vấn nạn của con người ngày nay mà những câu chuyện này tìm cách trả lời.

Văn Cương, SJ - Vatican News

31 tháng một 2023, 00:42