Liên tục nhiều tháng qua, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kontum. Nhiều chuyên gia cảnh báo có thể tái diễn động đất kích thích như ở Sông Tranh 2 với Kontum, nếu Chính phủ Việt Nam không làm gì.

Bản đồ các thủy điện ở tỉnh Kon Tum.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận gần 500 trận động đất, với trận mạnh nhất 4,7 độ Richter. Chỉ riêng trong năm 2023, đã có hơn 40 trận động đất xảy ra tại Kon Tum và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Nhiều chuyên gia về động đất và cả Viện Vật lý nhận định động đất tại Kon Tum đang có xu hướng gia tăng.

Cảnh báo đỏ

Một cán bộ tên Truyền tại Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, thuộc Viện Vật lý địa cầu, mới đây cho RFA hay nhận định của ông về động đất tỉnh Kon Tum mà cụ thể là tại huyện Kon Plông như sau:

“Hiện tượng động đất xảy ra gần đây ở tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum… thì theo đánh giá sơ bộ nhiều khả năng do hoạt động động đất kích thích. Xảy ra động đất kích thích chủ yếu là do các tác động nhân sinh, ví dụ như là làm thủy điện… Thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra động đất kích thích phổ biến.”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, khi trả lời báo chí Nhà nước về động đất tại tỉnh Tây Nguyên này cho rằng, theo khảo sát của các nhà khoa học, động đất xảy ra ở Kon Plông và khu vực lân cận là động đất kích thích, xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước.

Người ta không đánh giá hiện tượng động đất kích thích, vì làm vậy đòi hỏi dữ liệu đo đạc tính toán phức tạp thêm. Cho nên ở Việt Nam nhiều công trình người ta bỏ qua những khâu kiểm tra như thế.
-Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 22/3 giải thích với RFA:

“Khi làm các hồ thủy điện tích nước, nếu chiều sâu càng lớn và phạm vi càng lớn… thì nó tạo áp lực trong lòng đất, như vậy nó sẽ tăng kích thích động đất. Khi xây dựng một công trình thủy điện, người ta phải đánh giá nhiều mặt, nhưng nhiều lúc người ta bỏ qua. Ví dụ như người ta không đánh giá hiện tượng động đất kích thích, vì làm vậy đòi hỏi dữ liệu đo đạc tính toán phức tạp thêm. Cho nên ở Việt Nam nhiều công trình người ta bỏ qua những khâu kiểm tra như thế.”

Giải pháp cần

PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất từng nhận định với truyền thông nhà nước rằng động đất ở Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2 (Quảng Nam).

Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My trong thời gian dài.

Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu, khi trả lời RFA liên quan nhận định “động đất ở Kontum là do tác động của hồ chứa thủy điện”, cho rằng:

“Thực ra khi làm Thủy điện thì không ai lường tới được là động đất kích thích ở khu vực ấy. Từ trước đến nay ở Việt Nam khi xây dựng thủy điện thì mọi người luôn luôn nghĩ rằng ở những vùng ngoài Bắc thì động đất mạnh hơn, thì có thể gây nên động đất kích thích. Thí dụ Hồ thủy điện Hòa Bình hoặc tiếp sau đó là Thủy Điện Sơn La thì mới đặt vấn đề nghiên cứu về động đất kích thích. Thực tế nếu như mà lường trước được động đất kích thích thì tôi nghĩ rằng không nên xây dựng thủy điện. Vì cái lợi của thủy điện mang lại là có điện nhưng lại mang điều bất an tới cho nhân dân, nếu mà lường trước được thì chả ai cho xây dựng đập thủy điện.”

Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, có 28 dự án đã hoàn thành.

Sau hàng loạt trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kontum vào năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã đề nghị đại diện các công ty thủy điện phải có phương án theo dõi, xử lý động đất trên địa bàn.

Những dự án nào đã cấp phép, nhưng chưa xây dựng, nếu như kiểm tra tính toán lại thấy không an toàn thì nên mạnh dạn rút giấy phép.
-Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khuyến nghị:

“Bây giờ nếu như mà Nhà nước quyết tâm thì cần kiểm tra lại tất cả các dự án thủy điện, cái nào đã xây dựng xong thì phải có biện pháp như thế nào để giảm thiểu tác hại. Còn những dự án nào đã cấp phép, nhưng chưa xây dựng, nếu như kiểm tra tính toán lại thấy không an toàn thì nên mạnh dạn rút giấy phép. Theo tôi nghĩ nên như thế.”

Cũng theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, để thực hiện các dự án thủy điện thường người ta bỏ ra số tiền lớn với mục đích thu lại lợi nhuận, thế nhưng một khi các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng các dự án đó nguy hiểm, thì chính quyền cũng nên “bỏ” chứ không có cách gì khác.

Bởi lẽ, theo giáo sư Hùng: “Tính mạng con người là quan trọng bậc nhất, chứ không thể làm ra để lấy tiền rồi gây thiệt hại sinh mạng người dân. Sinh mạng là quí nhất, công trình xét thấy cần bỏ là phải bỏ”.

RFA Tiếng Việt

https://www.rfa.org/