Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

Mc 10: 35-45

Có chức có quyền là điều nhiều người mong ước, vì người có chức có quyền thường thống trị người khác và bắt người khác phục vụ mình; tuy nhiên theo Đức Giêsu, người lớn nhất phải là người phục vụ người khác, phải là người “nô lệ” người khác.

Chức quyền: điều nhiều người mong ước

Tiền của địa vị, giầu sang chức quyền, là những điều người đời vẫn tìm kiếm. Người có tiền của, có thể dùng tiền của để mua gần như được tất cả; người có chức quyền được người khác phục vụ, vì những người này có thể cho người ta điều họ mong muốn. Có những người có chức có quyền được hối lộ để họ cho người ta được quyền này quyền nọ, phép này phép kia, hầu những người này có thể làm được nhiều tiền hơn. Người có chức quyền thường được người ta trọng vọng, ăn trên ngồi trước. Có lẽ đó là những lý do nhiều người thích có chức vị quyền hành.

Các tông đồ khi theo Đức Giêsu cũng còn có tham vọng tương tự. Họ có ao ước lớn muốn giải phóng Israel khỏi ách thống trị của người Roma, nhưng cũng ao ước có chức có quyền. Điều này được thấy khi hai anh em Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi bên tả bên hữu thầy khi thầy được vinh quang. Các tông đồ khác tức giận khi biết hai ông xin điều đó; sở dĩ vậy vì các ông cũng ao ước cùng một điều. Gioan và Giacôbê quá khôn nên muốn “qua mặt” các ông.

Đức Giêsu sẵn sàng cho hai môn đệ thân yêu được chia sẻ chén đắng và phép rửa của Ngài, nhưng còn việc ngồi bên tả bên hữu thì lại không thuộc quyền Ngài. Cái nhìn của Đức Giêsu về quyền hành chức vị khác người đời quan niệm rất nhiều. Với người đời, những người có chức có quyền được người khác phục vụ; còn đối với Đức Giêsu và cả những người theo Đức Giêsu, những người muốn làm lớn nhất giữa anh em mình, thì phải làm người phục vụ anh em, phải là tôi tớ anh em, phải là người “tùy thuộc” anh em để mưu lợi ích cho anh em mình.

Ai muốn làm lớn nhất phải là nô lệ của tất cả

Quyền hành đối với những người theo Đức Giêsu, không được dùng để trục lợi riêng cho mình như người đời thường làm, nhưng phải dùng để xây dựng, để làm tốt cho cộng đoàn. Với những thẩm quyền trong Giáo Hội, chẳng hạn như các cha xứ hoặc nơi những bề trên của các hội dòng, quyền bính là để phục vụ những thành viên trong giáo xứ hoặc cộng đoàn. Ai dùng quyền hành để bắt người khác phục vụ mình, là không sống theo lời dạy của Đức Giêsu, là không sống theo Đức Giêsu, và không là môn đệ đích thực của Ngài.

Trong Giáo Hội, có nhiều giáo xứ mà các tín hữu trong giáo xứ không phục tùng cha xứ, cũng có tu sĩ không phục tùng bề trên vì cho rằng bề trên không cai quản như người đại diện Thiên Chúa mà xử sự theo ý riêng của mình. Một người sống theo Đức Giêsu có lẽ cũng không buộc người khác phải vâng phục mình. Con người chỉ phải vâng phục Thiên Chúa thôi, và chỉ không vâng phục Thiên Chúa mới là tội thôi, còn con người với nhau, mình có khá gì hơn người khác mà đòi người ta tùng phục mình! Thiên Chúa đâu phải của riêng ai. Thiên Chúa đâu có thiên tư tây vị. Đâu phải chỉ mình có Thánh Thần còn người khác không có Thánh Thần! Đâu phải chỉ có những người có địa vị hoặc chức thánh mới có Thánh Thần! Đâu phải các tín hữu không có Thánh Thần! Kéo Thánh Thần về mình và “không cho” Thánh Thần hiện diện với người khác, là tội “ngăn cản” Thiên Chúa (mà đâu có ngăn cản được Thiên Chúa!).

“Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga.20, 23). Quyền này được ban để tha tội; còn nếu người đó không có tội thì quyền này đâu được ban để buộc tội người ta. “Ai nghe các con, là nghe Ta” (), nhưng điều này đâu có nghĩa: ai không nghe các con là không nghe Ta. Khi những người có trách nhiệm ở trên tòa giảng dạy dỗ nhân danh Thiên Chúa, thì phải vâng phục họ, nhưng đừng bắt chước việc họ làm (Mt.23, 2-3). Tuy nhiên, nếu có một vị nào đã không dùng quyền hành để phục vụ dân Chúa, thì cũng không vì vậy mà phải liên minh chống lại họ. Hơn nữa, có chắc là họ dùng quyền hành để phục vụ họ không? Sao mình dám làm quan tòa mà phán xét họ. Thiên Chúa là Đấng thông biết tất cả, biết cả những gì kín ẩn, sẽ là Đấng phán xét chí công. Còn con người, có chắc gì những điều tôi biết về người đó là đúng, có chắc gì những gì tôi biết về người đó không nằm trong một “âm mưu” của một con người nào đó?

Phục vụ giúp người ta triển nở và hạnh phúc

Có lẽ những ai bận tâm về quyền hành nhiều, cũng là người thích quyền hành. Phải chăng nên là đừng bận tâm về quyền hành, hoặc nên tự do với quyền hành? Hãy phục vụ theo gương Đức Giêsu, phục vụ những con người cụ thể, làm tất cả những gì mình có thể làm được. Ai muốn có quyền để phục vụ, cứ để họ dùng quyền mà phục vụ. Những người không có quyền, cứ phục vụ như những người không có quyền. Cứ vâng phục lẽ phải, sẵn sàng vâng phục tất cả mọi người, cứ coi mình như nhỏ bé nhất để phục vụ, như vậy là theo gương Đức Giêsu. Bận tâm về những điều thuộc quyền bính làm gì! Đòi hỏi người khác phải làm điều này điều kia để làm gì! Tại sao họ lại phải làm theo ý tôi? Đâu phải chỉ những điều tôi cho là đúng mới là đúng!

Quyền hành không quan trọng bằng phục vụ. Nếu chọn giữa chức quyền địa vị và việc phục vụ, thiết tưởng tôi sẽ chọn việc phục vụ, vì phục vụ làm mình lại gần con người, làm mình có “trọng lượng thật” hơn, làm mình có công phúc hơn, làm mình triển nở và hạnh phúc hơn. Quyền hành địa vị so với việc phục vụ, là như tiếng thanh la vang dội, như phù vân giả tạo, như hình bóng so với cái thực. “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá cứu chuộc nhiều người”.

Tạ ơn Đức Giêsu, Ngài đã dạy con đường hạnh phúc đích thực cho con người. Phục vụ, là điều làm cho con người triển nở và hạnh phúc. Không có con đường nào tuyệt vời hơn con đường Đức Giêsu đã đi. Đức Giêsu đã tự hủy để phục vụ, để dạy con người bước đi theo Ngài; và một khi theo Ngài, con người sẽ tìm được bình an, triển nở, và hạnh phúc đích thực.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Địa vị chức quyền đem lại gì cho bạn? Nó có giúp bạn triển nở hơn không? Tại sao?

Bạn có nghĩ: phục vụ làm bạn triển nở và hạnh phúc hơn không? Tại sao?

Làm sao để một người hiểu rằng: phục vụ làm cho người phục vụ triển nở và hạnh phúc thật sự?

 

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm