Chúng ta thường ngại giới thiệu về Đạo, đôi khi lại còn mặc cảm về Đạo trước những công kích của người bài tôn giáo… Nhưng nếu phải bệnh vực hoặc phải giới thiệu về Đạo trước mặt mọi người, thì chúng ta lại lúng túng không biết phải nói gì! Nếu xác tín được những điều sau đây, chắc chúng ta sẽ hãnh diện về đức tin Công giáo và dễ dàng giới thiệu về Đạo Chúa cho anh em lương dân thành tâm đi tìm đạo.
1. ĐẠO CÔNG GIÁO LÀ ĐẠO TRỜI
Thờ Trời, Ông Trời, Chúa Trời, Thiên Chúa, Thiên Chủ - Các đạo khác chỉ thờ Thánh hiền, Hiền nhân, Ông Bà Tổ Tiên…
Đạo Công giáo là từ trời: Trời sai Thiên Tử xuống thế làm người để cứu nhân độ thế và dạy cho con người biết Đạo Trời. Vì thế Công giáo gọi là Đạo Mạc Khải - Các tôn giáo khác từ đạo lý con người do các Thánh hiền, Hiền nhân, Hiền Sư dạy.
2. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ GIÁO LÝ VỀ ĐỜI SAU VÀ HỨA MỘT SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Không một tôn giáo nào dạy rõ ràng về đời sau như Đạo Công giáo. Có khoảng 300.000 trang web nói về sự sống đời sau theo Công giáo.
Không một Đấng Sáng lập nào hứa hẹn một sự sống đời đời cho tín hữu như Chúa Kitô: Ngài vừa dạy, vừa hứa, vừa chuẩn bị, vừa chết và sống lại để ban cho các tín hữu sự sống đời đời đó.
3. ĐẠO CÔNG GIÁO THỐNG NHẤT & HIỆP THÔNG TOÀN THẾ GIỚI
Nhìn từ bên ngoài: thống nhất về cơ chế tổ chức (giáo hội phẩm trật với giáo quyền, giáo luật, giáo sĩ…) và về sinh hoạt (các họ đạo, các cộng đoàn tu sĩ, giáo phận & HĐGM…) trên toàn thế giới.
Nhìn từ nội bộ: hiệp thông về sức sống (niềm tin, đức cậy, lòng mến…), về giáo lý (thánh kinh, thánh truyền, nền thần học…), và về phượng tự (phụng vụ, bí tích, kinh nguyện, lễ nghi…).
4. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ NỀN GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO
Giáo hội Công giáo dành cho tín hữu một nền giáo dục vừa rộng (mọi giới, tiệm tiến, liên tục, suốt đời, qua bao thế hệ ), vừa sâu (bằng lời nói & tinh thần, truyền thống & thực hành, qua cơ chế, giáo luật, giáo sĩ, cơ sở vật chất…): Hằng triệu giáo dân tham dự Thánh lễ mỗi Chúa nhật tại các nhà thờ trên thế giới, cùng học một bài Lời Chúa, cùng hồi tâm suy niệm, cùng được hướng dẫn tâm linh & cầu nguyện… (Một thanh niên 25t sẽ có hơn 1000 giờ giáo dục tôn giáo! và cứ tiếp tục suốt đời).
Như một "trường chuyên", Giáo hội Công giáo dạy một đạo lý "kỷ cương"và có nền luân lý "nghiêm túc": hôn nhân một vợ một chồng, bảo vệ sự sống chống ngừa thai & phá thai, giữ công bằng vay trả tận đời sau, sống chân thật tự thâm tâm, giữ thanh khiết từ tư tưởng, tha thứ cho kẻ thù, kiểm điểm tự giác, xưng tội thành thật…
5. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ NỀN PHỤNG TỰ ĐỘC ĐÁO
Nền phụng tự Công giáo có những nét đặc sắc hơn các tôn giáo khác: bình dân (ai cũng hiểu, cho mọi người) vừa thánh thiêng (nghi lễ phụng vụ, hiến tế…) vừa cộng đồng (dành cho mọi người) vừa riêng tư (hợp cho từng cộng đoàn tín hữu, riêng từng tâm hồn) vừa vui tươi (thánh nhạc, thánh ca) vừa trang trọng (yên lặng, trật tự, phẩm trật) vừa sinh động (kinh, hát, cử điệu, giảng…) vừa thâm trầm (cầu nguyện, sám hối…). Độc đáo!
6. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ MỘT SINH HOẠT SINH ĐỘNG
Sinh hoạt cơ bản nhất của Giáo hội Công giáo hiểu hiện qua Cộng đồng Họ Đạo: một nhóm tín hữu thân tình như một dòng tộc, gắn bó nhờ chung niềm tin & lòng mến, có cùng một lịch sử, qui tụ quanh một ngôi nhà thờ, dưới sự hướng dẫn của một chủ chăn, điều hành do một hội đồng quản trị, hoàn toàn dựa trên tự nguyện & miễn phí, sống một đời sống vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, vừa xây dựng xã hội trần thế vừa kiến tạo một thiên đàng…
7. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ MỘT HÀNG GIÁO SĨ ƯU TÚ
Về đào tạo: Hàng giáo sĩ Công giáo vừa trí thức vừa nề qui cũ, được đào tạo lâu dài và cẩn thận, vừa xét theo khả năng vừa xét theo đạo đức, có "bài bản" kết hợp với thực tế… dễ tạo được uy tín trong nội bộ, thế giá đối với bên ngoài, và hữu hiệu trong công tác.
Về đời sống cá nhân: Đại đa số đều sống độc thân, có đời sống đạo đức, và lấy tinh thần vâng phục làm tôn chỉ, nên giai cấp lãnh đạo Công giáo tạo được một sức mạnh tinh thần cho Giáo hội, một chỗ dựa vững chắc cho giáo dân, một nể phục ngay cả nơi người chống đối Giáo hội…
Về cung cách phục vụ: Với những năng lực trí tuệ và tinh thần như vậy, các linh mục lại còn làm việc bằng lòng đạo đức, bằng sự dấn thân, bằng lòng nhiệt thành, nên đạt kết quả cao trong việc quản lý và hướng dẫn tín đồ.
8. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ MỘT SỨC SỐNG OAI HÙNG & MÃNH LIỆT
Không có một tôn giáo nào bị bách hại khốc liệt và triền miên như Giáo hội Công giáo, với đủ mọi thứ hình khổ, trong thời kỳ non trẻ và những thời điểm sống còn. Nhưng càng bị bách hại, Giáo hội Công giáo càng phát triển về chiều sâu (vững mạnh đức tin) cũng như chiều rộng (tăng số tín đồ). Đó gọi là "Biện chứng hạt lúa mì".
Trải qua bao trăm năm bị bách hại, cụ thể là thuở Giáo hội sơ khai, cũng như buổi ban đầu của Giáo hội tại Việt Nam, đạo vẫn tồn tại và lớn mạnh, trong khi các chế độ chính trị và trào lưu tư tưởng đều hoặc lỗi thời hoặc bị đào thải và tan biến. Giáo hội Công giáo không bao giờ chết và sẽ tồn tại đến tận cùng lịch sử.
9. ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ NIỀM TIN VUI TƯƠI & THANH THẢN
Giáo lý Công giáo trình bày một nhân sinh quan vững chắc, rất tích cực và vui tươi, trả lời thoả đáng được vấn nạn về cuộc sống (nguồn gốc và ý nghĩa đời người, vận mệnh và tương lai cuộc sống, đau khổ, chết, đời sau…).
Người Công giáo sống lạc quan vì có Thiên Chúa là Cha nhân từ, với mọi người là anh em, đau khổ mang giá trị cứu chuộc, triều thần thánh là đồng minh, các linh hồn là bạn hữu… Hơn nữa, niềm tin vào cuộc sống đời sau và sự phục sinh giúp tín hữu nỗ lực sống lành thánh, với niềm chờ mong phần thưởng là sự sống lại và phúc thiên đàng mai sau…
Trong khi anh em bên lương phải chịu bao nhiêu khốn khổ, thì người Công giáo không kiêng kỵ, không cúng vái vong hồn, không hãi sợ tà ma, không mê tín dị đoan, không coi ngày giờ năm tháng, không trốn tránh cái chết… sống thanh thản và tự do vì ý thức mình là con cái Ông Trời.
10. ĐẠO CÔNG GIÁO PHỤNG THỜ TỔ TIÊN
Người Công giáo bị tiếng là "bỏ ông bà tổ tiên". Đó chỉ là những xuyên tạc và hiểu lầm trong lịch sử truyền giáo. Trong khi giáo lý Công giáo dạy phải "thảo kính cha mẹ" như một điều răn ngay sau điều răn phụng thờ kính yêu Chúa. “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này." (Eph 6,1-3), “Ai yêu mến cha mình, sẽ đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tang.” (Hc 3,3 tt) …
Giáo hội Công giáo vẫn nhớ tới ông bà tổ tiên trong lời cầu nguyện mỗi ngày, mỗi thánh lễ… và hướng dẫn nhiều cách thức để tưởng nhớ, cầu nguyện, giúp đỡ người quá cố, các dịp đặc biệt trong năm: Mồng 2 Tết, Lễ Các Đẳng, suốt Tháng 11, và hằng ngày trong thánh lễ… vẫn nến hương nhang đèn, giữ ngày giỗ kỵ, nhưng với cách thức riêng của người Công giáo, nhất là tránh những nghi thức mang tính dị đoan, mê tín (đốt vàng mả, đồ dùng, cúng thức ăn…).
Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh làm cho người Công giáo đầy tin tưởng và hăng hái cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, và nuôi niềm hy vọng mai ngày sẽ được tái hợp với tiên nhân.
***
KHÓ KHĂN CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO
1. Cánh đồng truyền giáo quá bao la: tỉ lệ lương dân quá cao. Biết chừng nào mới xong.Công tác truyền giáo không bao giờ xong!!!
2. Gian khổ, quá khó nhọc, vất vả, đòi hỏi rất nhiều kinh phí, nhân sự, công sức...
3. Không rõ đường hướng: Không biết bắt đầu từ đâu, khi sai đi Bề trên thường không nêu rõ đường hướng, thường ai cũng tự "mày mò" và khởi sự từ bác ái xã hội…
4. Hiểm nguy, bách hại: Hoàn cảnh xã hội bài tôn giáo, cản trở và cấm cách.
5. Ít được hỗ trợ của bề trên, của anh em. Đơn độc trong công tác.
6. Không thấy hoa trái và thành quả của việc truyền giáo.
7. Thích công tác mục vụ lo cho đoàn chiên tín hữu, hơn là lo việc truyền giáo:
vừa cám dỗ, vừa mệt, và không còn giờ. Chỉ lo mục vụ!
8. Giáo lý và nền luân lý Công giáo đòi hỏi quá cao; trong khi dân quê, dốt nát. Khó khăn
9. Cái nhìn của đương sự về đạo: mỗi người có cảm nghĩ và quan niệm khác nhau về đạo Công giáo, có những ý nghĩ tốt và cũng có những ý nghĩ xấu về đạo... Cần được giải toả.
10. Bầu khí bài tôn giáo và hoàn cảnh khó khăn.
Nếu cần giới thiệu với anh chị em tôn giáo bạn một bài hát ý nghĩa và phản ánh tinh thần Kitô giáo, thì không bài hát nào bằng...
KINH HOÀ BÌNH
Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy DÙNG con như khí cụ bình an của Chúa
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù đem thứ tha vào nơi lăng nhục
đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.
Để con dọi ánh sáng nơi vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn ưu sầu.
Lạy Chúa xin hãy DẠY con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản than.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con.
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ƠN AN BÌNH...
Lm GB Trương Thành Công