Vào lúc 14h30 tại Giảng đường lầu 1 Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, Chương trình chuyên đề lần thứ 125 đã được bắt đầu với chủ đề “Ghen và những giải pháp chữa trị” do diễn giả Phạm Gia Chi Bảo trình bày.

Đến với Chuyên đề chưa lâu, nhưng vị diễn giả nổi tiếng này đã nhanh chóng trở nên gần gũi và thân thiết với mọi người, đặc biệt hôm nay qua chủ đề “Ghen và giải pháp chữa trị”, một chủ đề hết sức thú vị và cả…nhạy cảm.

Ngoài thành phần cử toạ quen thuộc gồm đông đảo nam nữ tu sĩ, các sinh viên và nhiều giới thanh niên, lúc này, còn có sự hiện diện của nữ ca sĩ Công giáo Hà Bảo Thu, nghệ sĩ Kim Lệ và tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Bảo Cường và anh Phêrô Trần Vĩnh Hảo.

Sau nghi thức thánh hoá và múa cử điệu, cái nắng nóng dường như tạm lui để nhường chỗ cho sự chăm chú và cuốn hút của đề tài nhiều sinh động.

Phần trình bày gồm hai phần, phần triển khai đề tài, phần giải đáp thắc mắc và thảo luận.

Xin ghi lại những nét đại cương:

I./ Ghen, nguyên nhân, nhận diện, gốc và ngọn:

Ghen_Talk_copyCon người là một sinh vật hữu tình nên những mối quan hệ với nhau được thể hiện qua tình cảm, tình yêu, dù vậy, vẫn có sự khác nhau cơ bản giữa hai chữ TÌNH và chữ YÊU. Tuy khác nhau nhưng không mâu thuẫn, song chỉ bổ sung, giúp những mối quan hệ ấy thêm bền vững và hài hoà tốt đẹp, hoặc ngược lại sẽ rạn nứt, đổ vỡ.

Vì, YÊU chỉ là sự trao đổi những cung bậc cảm xúc, một sự qua lại có điều kiện giữa những cá thể.

Còn TÌNH là sự trao hiến, dâng tặng không điều kiện. TÌNH là sự cảm thông, chia sẻ, gánh bớt những khó khăn và gánh nặng không đòi hoàn trả cách tự nguyện, từ đó phát sinh TÌNH NGHĨA, TÌNH THƯƠNG…

Nếu chỉ YÊU mà thiếu TÌNH, thì trước sau thảm kịch cũng xảy ra, vì sự trao đổi cảm xúc là không cùng, là vô hạn, vì không ai có thể luôn luôn và mãi mãi thoả mãn những cảm xúc nhận được hoặc cho đi.

Cũng vậy, GHEN là tình trạng thiếu vắng chữ TÌNH khi đang YÊU, nhưng lại ngộ nhận vẫn có đầy đủ cả hai chữ TÌNH YÊU trong quan hệ của mình.

Ghen là đòi lại những gì đã mất như niềm tin, sự chung thuỷ, thoả mãn chiều chuộng….

Ghen là sự trực tiếp vun trồng bản ngã, nâng cao CÁI TÔI của mình trong mối quan hệ bị ngộ nhận là TÌNH YÊU. Bài thơ “Ghen” của cụ Nguyễn Bính được nghệ sĩ Kim Lệ trình bày đã minh hoạ rất rõ nét về điều này:

Cô nhân tình bé của tôi ơi!

Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

Những lúc có tôi và mắt chỉ

Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Tôi muốn cô dừng nghĩ đến ai

Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi

Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ

Đừng tắm chiều nay biển lắm người.

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa

Mà cô thường xức chẳng bay xa

Chẳng làm ngây ngất người qua lại

Dẫu chỉ qua đường khách lại qua

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh

Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô

Bằng không tôi muốn cô đừng gặp

Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ

Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.

Chân cô in vết trên đường bụi

Chẳng vết chân nào được dẫm lên.

Có nghĩa là ghen quá đấy mà thôi

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi

Và nghĩa là cô là tất cả

Cô là tất cả của riêng tôi.

Bài thơ thật là hay và cái ghen mà tác giả nói đến cũng rất thơ, ghen với cả “chàng trai trẻ trong mơ” mà cô gái sẽ gặp, ghen với cả mùi thơm của nước hoa “chẳng được bay xa” không được phép làm ngây ngất ai, dù chỉ là “khách lại qua”, ghen với cả vết chân bước đi trên bụi cát, đòi “chẳng vết chân nào được dẫm lên”, những hành vi ghen hết sức điển hình và sinh động cho sự ích kỷ, vì chỉ mãi đòi thoả mãn những cảm xúc riêng tư theo bản năng con người, dù vậy, cuối cùng ở đoạn kết, vẫn ngộ nhận và cho đó là “YÊU quá mất rồi”, một kiểu YÊU hoàn toàn vắng bóng chữ TÌNH.

Đó chính là cái tâm ích kỷ, cũng chính là phần gốc của tâm trạng và hành vi Ghen. Ngoài ra, tất cả mọi hiện tượng khác dù được thể hiện thế nào và ra sao đi nữa, cũng chỉ là phần ngọn. Phải điều chỉnh khởi từ phần gốc thì mới giải quyết được triệt để và rốt ráo vấn đề.

II/ Phần trao đổi, giải đáp thắc mắc

Sau giải lao, bầu khí trong Giảng đường như rộn ràng và sôi động hơn với tiếng hát của Ca sĩ Hà Bảo Thu qua hai nhạc phẩm “Vang khúc ca yêu đời” và “Thắp lửa cho đời” . Bầu khí lại như lắng xuống với giọng ngâm của nghệ sĩ Kim Lệ hoà cùng tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Bảo Cường qua hai bài thơ “Ghen” và “Độc quyền”. Đặc biệt, mọi người rất cảm động khi được biết nhiệt tình của nữ ca sĩ Bảo Thu đến từ Khánh Hoà, trước khi phục vụ các anh chị em di dân ở Bình Dương, ca sĩ này đã đến với “Chuyên đề cuối tuần” với tràn đầy tình cảm.

Chủ đề được tiếp tục dưới hình thức trao đổi và hỏi đáp qua những suy nghĩ và tình huống rất thực tế của cử toạ. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra:

Hỏi : “Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng. Vôi nào mà lại chẳng nồng, gái nào là gái có chồng không ghen”. Xin hỏi, qua câu dao này, hình như ghen là đặc quyền của phụ nữ đàn bà, và đàn ông nên ghen hay không và phải ứng xử thế nào?

Đáp: Ghen đến với tất cả mọi người, không chừa bất cứ ai hoặc giới tính nào. Ghen là tác nhân có thể gây thêm thi vị cho tình yêu, nếu biết xử dụng đúng cách, vừa đủ liều lượng vì thương mà ghen, và cũng giống như ớt vậy, vừa đủ thì kích thích khẩu vị giúp ăn ngon hơn, nhưng dùng quá nhiều, ớt sẽ gây bệnh nóng gan và mờ mắt. Phải hết sức cẩn trọng, dù chỉ “giả vờ ghen” hoặc thương mà ghen.

Hỏi : Là diễn viên, một nghề nghiệp đặc thù vì thường tiếp xúc với nhiều người đẹp, làm thế nào để bà xã anh không ghen và khi bà ấy nổi ghen, anh ứng xử ra sao?

Đáp :  Không kể trường hợp mình làm sai thì bị ghen là đáng rồi, ở đây chỉ nói trường hợp mình làm đúng mà vẫn bị nổi sùng ghen tuông, thì trước hết phải biết chủ động chuyển hoá cơn giận của chính mình, để giúp người khác vì tình thương, tất cả đều cần một sức mạnh rất lớn đôi khi phải lui một bước, chịu tổn thương, và chấp nhận chịu đựng những hậu quả không mong muốn, nhưng luôn ý thức rõ sự chịu đựng ấy chỉ vì tình thương, để vượt qua cái TÔI, chắc chắn, cuối cùng đối tượng cũng sẽ nhận ra tình thương đích thực trong những chịu đựng ấy, vì tình thương đích thực luôn có sức chuyển hoá diệu kỳ, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Hỏi: Ghen trong câm nín, gia đình xảy ra chiến tranh lạnh, em rất sợ, phải ứng xử ra sao?

Đáp: Có những kiểu thương sai hoặc thương không đúng chỗ. Đôi khi phải hy sinh cả những cảm xúc tốt đẹp, nếu nó chỉ phục vụ cho mình hoặc tôn cao cái bản ngã của mình. Tuy nhiên, cần phải lắng lòng lắm với sự bình tâm rất cao mới nhận ra điều ấy, và phải nhớ rằng, trong mọi mâu thuẫn xảy ra luôn có ít nhất hơn 60% sự đóng góp của bản thân mình. Phải trả lời câu hỏi, tôi làm việc này, nói lời kia vì chính tôi, hoặc vì người khác, sau đó sẽ quyết định sẽ phải nói hoặc im lặng.

Hỏi: Tôi thường thức khuya, một lần gọi điện cho bạn gái, dù lúc đó đã 12 giờ đêm, thật bất ngờ, máy bận. Dù đã bình tĩnh, tự nhủ lòng với rất nhiều lý do tốt đẹp để bào chữa cho người bạn gái, nhưng cả đêm vẫn bị trằn trọc mất ngủ và bất an, tôi phải làm sao?

Đáp: Một trong các tác nhân góp phần làm quá trình ghen là trí tưởng tượng, tưởng tượng ấy dù tốt hay xấu cũng là sản phẩm tưởng tượng để an ủi chính mình, không giúp gì cho đối tượng cả. Xét về góc độ YÊU thì mình đúng, nhưng về góc độ THƯƠNG thì mình sai hoàn toàn, vì đã áp đặt đòì hỏi của CÁI TÔI nổi dậy.

Chỉ cần ghi nhận và quan sát cơn ghen giận, luôn đưa suy nghĩ về hiện tại bằng cách tập trung vào hơi thở, tạm thời trói dòng suy nghĩ đó qua hơi thở hít vào và thở ra, sẽ giúp ngủ ngon.

HỎI: Cách đây 20 năm, tôi đã đau khổ vì thất bại trong hôn nhân, nếu tôi được biết những điều như hôm nay qua buổi học này, tôi đã không thất bại như thế, xin hỏi có cách nào loại trừ hẳn các cơn hờn ghen, giúp các lứa đôi bền vững?

ĐÁP: Chắc chắn chẳng bao giờ mất hẳn chữ GHEN trên đời, nhưng thật may, vì đã có một phương cách thay thế, đó là điều chỉnh bản ngã.

Thay đổi lại cách giải quyết, trước đây tôi chỉ muốn thay đổi người khác, nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, không thể hiểu và kiểm soát mọi đối tượng bên ngoài. Chỉ còn cách thay đổi chính tôi và khi tôi thay đổi chính mình, mọi sự sẽ thay đổi theo. Để làm được điều ấy, không còn cách nào khác là phải tập tành, rèn luyện để từng bước được đổi thay. Từ suy nghĩ đúng, sẽ có nhận thức và hành xử đúng. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và những quyết liệt không nhỏ.

Còn nhiều lắm câu hỏi chưa được đặt ra, nhưng thật tiếc, thời gian đã hết, mọi người đành chia tay nhau trong lưu luyến qua buổi học vô cùng thú vị hôm nay.

                                                     ****

Nếu TU là SỬA, thì việc TU và HÀNH không phải là độc quyền của các tu sĩ. Khoan hãy nói đến những mục đích hoặc lý tưởng cao cả nào khác, chỉ đơn giản một điều rằng, muốn được sống hạnh phúc, không còn cách nào khác, phải sửa đổi và điều chỉnh chính mình trước hết, một công việc đầy gian nan vất vả nhưng cũng rất đỗi lôi cuốn hấp dẫn khi học hiểu những ngóc ngách trong sâu thẳm trái tim mình, những gợi ý bước đầu của bài học chiều nay.

Phạm Gia Chi Bảo tường trình  

Xuân Thái tường thuật

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch