Ngày nay, chuyện các cặp vợ chồng kéo nhau ra tòa ly dị không còn là chuyện hiếm hoi nữa; thậm chí, người ta còn đề xuất, trong tương lai, việc lý hôn không cần đến tòa án, chỉ cần ra phường xã là có thể “đường ai nấy đi”. Trước thực trạng xã hội này, người Công giáo với hôn nhân “bất khả phân ly” có thực sự sống đời hạnh phúc, sống thánh thiện trong ơn gọi của mình hay không?

Bên cạnh đó, bao lâu nay, số người Công giáo Việt Nam vẫn chưa đạt đến 10% dân số, liệu rằng ưu tư truyền giáo có còn nằm trong suy nghĩ của những người con Chúa, cả những người sống đời tu và đời thường?

Trước thực trạng đó, “để hâm nóng” lại nhiệt huyết truyền giáo cũng như mời gọi các gia đình củng cố lại đời sống hôn nhân Kitô giáo, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra định hướng mục vụ nhằm nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cụ thể “Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”.

Dinh-huong-muc-vu-cua-Giao-Hoi-Vietnam

Trong chiều hướng đồng hành cùng Giáo hội tại Việt Nam, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn đã triển khai Chuyên đề Khóa 28 mang tên Kỹ Năng Sống Đời Hôn Nhân. Đề tài đầu tiên với tên gọi “Phúc - Âm - Hóa đời sống gia đình”, do chính Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP, Đặc trách Chuyên đề, trình bày vào chiều thứ Bảy 07/12/2013, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.

Phuc-Am-Hoa-doi-song-gia-dinh

Mỗi người chúng ta đều có một ơn gọi, người sống đời tu, người sống đời thường, người trở thành tu sĩ, có người được phong chức linh mục, giám mục nhưng đa phần còn lại sống ơn gọi giáo dân, nhất là sống ơn gọi hôn nhân gia đình. Sr. Maria Hồng Quế đã nêu bật đời sống gia đình khi nói rằng Chúa Giêsu và Hội Thánh không lấy mẫu cộng đoàn tu sĩ để diễn tả tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với con người nhưng đã dùng hình ảnh tình yêu của đôi vợ chồng và tình yêu của gia đình để diễn tả tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu cũng như tình yêu của Hội Thánh đối với con người. Chính trong đời sống gia đình, có sự hy sinh, có sự dâng hiến cho nhau và có khi chết đi cho nhau.

Nhưng trước thực tế xã hội và thực tế truyền giáo, chúng ta cần nhìn lại thời gian qua, công việc mục vụ có đạt kết quả hay không; và để tốt hơn, chúng ta cần phải làm gì để giới thiệu Chúa Giêsu cho con người trong thời đại ngày nay? nhất là, cho chính đồng bào mình trên quê hương Việt Nam? Chúng ta phải làm gì khác hơn trong năm tới? có sáng kiến gì giúp Giáo hội tại Việt Nam trong công việc củng cố gia đình?

Tân Phúc-Âm-Hóa là gì?

LogoNamGiaDinhThư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa ngày 10/10/2013 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc đến công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa, từ ngữ này nghĩa là gì? Xuất phát từ đâu, phải chăng chúng ta cần rao giảng một Phúc Âm mới?

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người đầu tiên dùng từ “Tân Phúc - Âm - hóa” vào năm 1979 khi ngài về thăm quê hương Ba Lan. Năm 1983, trong cuộc nói chuyện với Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, ngài xác định ý nghĩa của từ ngữ “mới”: không phải là một Phúc Âm mới, nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả“Đức Giê-su Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 07/10/2012, ĐTC Bênêđictô XVI, một lần nữa, khẳng định rằng Tân Phúc - Âm - hóa “chủ yếu hướng tới những người, tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo hội, và sống mà không hề tham chiếu về luân lý Kitô giáo (...), để giúp họ tái gặp gỡ Chúa, là Đấng duy nhất làm cho cuộc sống chúng ta có được ý nghĩa sâu xa và an bình; để giúp tái khám phá đức tin, là nguồn mạch ân sủng mang lại vui mừng và hy vọng trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội”.

Một số người trong chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, chịu phép Rửa Tội, nhưng lắm khi chỉ có danh mà không có thực, chỉ đi lễ ngày Chúa nhật, giữ đạo trong nhà thờ nhưng ra khỏi nhà thờ thì chúng ta không sống đạo. Đường hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam giải thích rõ: Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ” (HĐGMVN, Thư Chung ngày 10/10/2013, số 4). Nghĩa là đặt ra vấn đề cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và cả giáo dân phải làm sao để Kitô hữu đi sâu vào đời sống đức tin hơn, giúp họ tái gặp gỡ Chúa.

Sr.Maria-Hong-Que-thuyet-trinh-Tan-Phuc-Am-Hoa

Tân Phúc - Âm - hóa trước hết, là đổi mới nhiệt huyết loan báo Tin Mừng trong sự kết hợp cá vị nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu ngày một hơn, để từ đó, xuất hiện những cách thế mới, sáng kiến mới, phương pháp mới trong các chương trình mục vụ của Hội Thánh.

- Mới về lòng nhiệt thành: Làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.

- Mới trong phương pháp: Biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật.

- Mới trong cách diễn tả: Cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.

Trong quyển sách Đường Hy Vọng, Đức Hồng y Phanxixô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắc nhở chúng ta rằng: “Canh tân là trở về nguồn. Công thức canh tân: Làm cho người Công giáo trở lại đạo Công giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Mới nghe, con ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ lại, con sẽ thấy đúng như vậy. Một câu nói của thánh Gandhi nhiều lần khiến ta suy nghĩ: ‘Tôi mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô’”. Là người Công giáo đi theo Chúa, nhưng chúng ta đã gặp gỡ Chúa chưa, có chiếu tỏa ánh sáng của Chúa không? Chúng ta đã có cùng nhịp đập trái tim của Chúa để cùng thao thức với người nghèo, để nhìn ra những bất công của Giáo hội và xã hội chưa? Tôi là người Công giáo, tôi phải làm gì trước những vấn nạn của xã hội hôm nay?

Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình

Trước khi trình bày về Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình, Sr. Maria Hồng Quế đã giới thiệu gợi ý mục vụ cho 12 tháng của năm tới để các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ, cùng nhau suy tư, cử hành và sống lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu các đề tài về tình yêu-hôn nhân-gia đình sau đây: Theo gợi ý của Ủy ban Mục vụ Gia Đình, mỗi tháng, các gia đình học hỏi và thực hành một chủ đề với câu Lời Chúa, những điểm giáo lý của Hội Thánh, tài liệu huấn quyền và bài ca ý lực được đề nghị (Xin xem thêm Tân-Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình)

Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.

Để thực hiện việc Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng gia đình thành: Một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.

Gia đình: Cộng đoàn cầu nguyện

Đã từ lâu, Hội Thánh nhắc nhở các gia đình hãy sống đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thông truyền đức tin. Mới đây, vào chiều thứ By 26/10/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 150.000 tín hữu tham gia cuộc hành hương của các gia đình tại Roma nhân dịp Năm Đức Tin, ngài đã nhắc gia đình cần phải sống đời sống cầu nguyện: “Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”.

Gia đình Kitô hữu là trường học đầu tiên giúp cho con cái học cầu nguyện, các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái biết cầu nguyện, biết thờ kính Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.

Kinh nguyện gia đình là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên xây dựng gia đình hạnh phúc. Các thành viên càng cầu nguyện chung với nhau, thì càng hiệp nhất bền chặt vì cảm nhận được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu. Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình sẽ tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Sr. Maria đã giới thiệu một cách cầu nguyện của gia đình thời hiện đại bằng cách thực hiện Phút Hồi Tâm (Xin xem bài viết Canh tân kinh nguyện gia đình qua Phút Hồi Tâm)

Gia đình: Cộng đoàn yêu thương

Gia đình là trường học đầu tiên để ta học cách sống thương yêu và phát triển nhân tính. Gia đình mãi mãi là chốn bình yên và thân thương, là chốn cho ta trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc, sau thời gian xa cách vì công tác. Hôn nhân gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội vì nó là khối kiến trúc cơ bản cho một xã hội lành mạnh.

Mục đích của hôn nhân Công giáo là hợp nhất thường xuyên trong tình yêu giữa vợ chồng và sinh sản con cái, hai yếu tố này gắn liền với nhau không thể tách biệt. Để đạt được mục đích này, giữa hai vợ chồng cần có một Tình yêu thực sự: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa Hội Thánh... Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình” (Ep 5,25; 5,28), và ngược lại.

Theo niềm tin Kitô giáo, hôn nhân gia đình hướng tới một tình yêu thương chân thật để sinh sản và dưỡng dục con cái theo niềm tin Kitô giáo nhằm xây dựng nên một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Qua việc dấn thân cho nhau, cho giáo xứ, và làm những công tác xã hội, gia đình trở nên nhân chứng của sự hiệp nhất và yêu thương của Thiên Chúa cho con người.

Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn vợ chồng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Ai cũng chỉ có một đời để sống, chẳng ai muốn cuộc đời mình bất hạnh và vô nghĩa. Đó là ước nguyện chân thành và chính đáng biết bao! Nhưng không phải bất cứ ai cũng thành công khi biến ước mơ đó thành sự thật. Vì vậy, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).

Được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống, vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người trưởng thành và nên con cái thánh thiện của Chúa và Hội Thánh. Mỗi người cha, người mẹ có trách nhiệm phải làm cho thế giới này nên dễ sống hơn cho con cái, và phải cho chúng thấy rằng cuộc sống là tốt đẹp và đáng sống để gia đình trở thành cộng đoàn phục vụ và yêu thương.

Tan-Phuc-Am-Hoa-doi-song-gia-dinh

Gia đình tham gia vào sứ vụ Phúc-Âm-Hóa

Bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể, chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng.

Các gia đình Kitô hữu còn góp phần vun trồng ơn gọi nơi con cái mình, “dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người”. Cha mẹ là sứ giả đầu tiên thông truyền đức tin cho con cái nhằm giúp con cái tin vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái: “Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng” (GLCG 2226).

Tin Mừng hóa gia đình là môi trường để Tin Mừng được truyền đạt và lan tỏa, Tin Mừng hóa được thể hiện nơi gia đình qua đời sống làm chứng dấn thân cụ thể. Tin Mừng hóa gia đình bắt đầu từ việc dạy giáo lý trong gia đình: “Ở những nơi tôn giáo bị cấm cách, tín ngưỡng hỗn độn và thế tục thì gia đình là môi trường tốt nhất cũng như độc nhất truyền thụ giáo lý chân chính cho trẻ em và thanh niên” (FC 52).

Tin Mừng hóa giúp gia đình trở thành môi trường, là cái nôi cho con cái trưởng thành trong đức tin: “Việc rao giảng Tin Mừng, giáo lý trong gia đình chính là việc phục vụ có tính cách Hội Thánh. Các bậc cha mẹ phải luôn kết hiệp mật thiết và hòa nhập một cách có ý thức với cộng đồng Hội Thánh địa phương, tức là giáo xứ và giáo phận” (FC 52).

Qua bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Hôn Phối, gia đình trở thành chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “thừa sai” đích thực của tình yêu và sự sống: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Khi đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, gia đình tham gia sứ mạng Phúc - Âm - hóa bằng cách kết nghĩa, làm bạn với anh chị em lương dân, yêu thương giúp đỡ họ và nói cho họ về Chúa.

Sr. Maria Hồng Quế đã trình bày khái quát những đặc tính tiêu biểu cần thiết để xây dựng gia đình Kitô giáo, nhưng để Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng” thì vẫn còn đó nhiều việc phải làm, và rất cần sự cộng tác của từng gia đình, từng giáo xứ để cụ thể hóa đường hướng mục vụ của Giáo hội. Sr. Maria cũng cho hay trong năm tới sẽ mở những chuyên đề chuyên sâu, cụ thể hóa hơn nữa những việc phải làm để giúp các gia đình trở thành ánh sáng loan truyền Tin Mừng. Mong lắm thay sự hưởng ứng của các thành phần Dân Chúa để năm “Phúc - Âm - Hóa đời sống gia đình” thực sự gặt được những thành quả như lòng mong muốn của các vị chủ chăn cũng như để đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Người.

Tạ Ân Phúc

 

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch