Ai cũng phải có một đời sống thiêng liêng. Dù sự thật này đã rõ ràng, nhưng trong nền văn hóa phương Tây ngày nay nó không được hiểu một cách rõ ràng cho lắm, hay đã được chấp nhận nhiều cho lắm.

Hai chức năng của linh hồn

Linh hồn là gì? Thật thú vị khi ghi lại cảm nhận đến ngay lập tức trong đầu khi nghe hai chữ tâm hồn. Đối với nhiều người, tôi ngờ rằng, nếu từ này có gợi lên chút gì đó, thì đó là một hình ảnh, một hình ảnh rất mơ hồ, mờ ảo, của một tấm giấy mỏng thiêng liêng nào đó màu trắng, gần như không nhìn thấy, được trôi nổi đâu đó sâu trong chúng ta, bị nhuốm bẩn khi chúng ta phạm tội, và sẽ rời thân xác chúng ta khi ta chết, và bay đi để chịu sự phán xét của Chúa. Dù hình ảnh này không phù hợp đến mức nào, thì nó không phải là không có giá trị. Rốt cuộc chúng ta đang cố gắng hình dung về một điều không thể hình dung được, và chúng ta cần hình thành một hình ảnh nhất định về  nó.

Tuy vậy, điều sai lầm trong quan niệm này là nó tách bạch linh hồn quá mức khỏi cái cốt lõi của bản thân con người chúng ta, khỏi bản sắc ý thức của chúng ta. Linh hồn chúng ta không phải là cái mà chúng ta có, mà đúng hơn, đó chính là chúng ta. Đó chính là mạch sống, xung năng trong chúng ta, chính nó làm chúng ta còn sống. Chính vì vậy, khi chúng ta nói ai ở phút lâm chung là nói lúc hồn lìa khỏi xác. Điều này hoàn toàn chính xác. Linh hồn là nguyên tắc sống trong một cơ thể con người, vì quả thật, đó là xung động sống trong bất cứ sinh thể nào. Như vậy linh hồn có hai chức năng:

Trước hết, nó là nguyên tắc năng lượng. Sự sống là năng lượng. Chỉ có duy nhất một thể xác không hề có bất kỳ năng lượng hoặc căng thẳng nào bên trong, đó là xác chết. Linh hồn là cái đem lại sự sống. Bên trong nó là ngọn lửa, là lửa yêu, là năng lượng điều khiển chúng ta. Vì thế, lúc nào chúng ta còn sống thì lúc đó linh hồn còn ở trong thể xác chúng ta, và chúng ta chết ngay giây phút linh hồn rời khỏi thể xác.

Điều thú vị là đôi khi chúng ta dùng từ linh hồn và nghĩ rằng chúng ta đang nói một cách ẩn dụ, nhưng thật ra chúng ta đang sử dụng từ đó một cách chính xác đến lạ lùng. Chẳng hạn khi chúng ta nói “nhạc có hồn” (soul music). Cái gì làm cho âm nhạc có hồn? Sẽ hiểu rõ điều này nếu nhìn vào cái ngược lại. Cứ tưởng tượng loại nhạc bạn nghe mãi ở phi trường, siêu thị, trong thang máy. Nó đơn giản chỉ là loại nhạc máy móc lấp cho đầy, không có tâm hồn. Nó chẳng tác động gì đến bạn. Nó không làm cho tế bào của bạn rung cảm. Một số loại nhạc khác làm cho bạn rung cảm, vì thế chúng ta gọi nó là nhạc có hồn. Nó đầy năng lượng, đầy lửa yêu, và tất cả những gì lửa yêu mang đến – ước muốn, khắc khoải bồn chồn, hoài niệm, thèm muốn, khao khát và hy vọng. Lửa yêu là linh hồn và linh hồn cho năng lượng.

Nhưng linh hồn không chỉ đơn thuần cho năng lượng. Nó cũng là chất kết dính gắn bản thân ta lại, là nguyên tắc tụ và tính cá biệt của chúng ta. Linh hồn không chỉ làm chúng ta sống, nó còn làm chúng ta là một thể hợp nhất. Điều này dễ thấy ở cấp độ thực thể. Về mặt sinh học, thể xác chúng ta chỉ là tổng hợp của các hóa chất. Tuy nhiên, chừng nào chúng ta còn sống, còn có một linh hồn bên trong, thì tất cả hóa chất này cùng kết hợp với nhau, tạo ra một sinh thể hợp nhất, một thể xác, trong đó tất cả các chất hóa học đơn lẻ và tất cả tiến trình mà các hóa chất này tạo ra kết hợp với nhau để tạo ra một cơ thể sống hợp nhất, một thể hợp nhất vốn dĩ cao hơn một phép phối hợp đơn thuần tất cả các bộ phận của nó. Chúng ta gọi đây là một cơ thể, và mỗi cơ thể phụ thuộc vào một linh hồn mới tồn tại được. Vì vậy, khi thấy một người nào đó chết, chúng ta thấy chính xác là từ giây phút họ chết trở đi, chúng ta không còn một cơ thể nữa. Đúng ra, chúng ta thậm chí còn không gọi đó là cơ thể nữa, mà gọi là xác chết. Ngay giây phút chết, tất cả các hóa chất bắt đầu đi theo con đường riêng của chúng. Cái chết và sự mục rữa chính là đây. Các hóa chất trước đây cùng kết hợp để tạo ra một thể hợp nhất, và thật sự chúng là một thể hợp nhất, thì từ nay mỗi thứ đi mỗi đường. Một thời gian sau khi chết, chúng vẫn còn giữ hình dạng của một cơ thể, nhưng chỉ vì chúng còn dính với nhau. Nhưng điều đó cũng sớm thay đổi. Một khi linh hồn đã lìa khỏi xác, cơ thể không còn là cơ thể nữa. Các hóa chất, mỗi thứ đi mỗi nẻo, không làm nên sự sống nữa.

Cái gì đúng về mặt sinh hóa thì cũng đúng về mặt tâm lý. Ở đây cũng vậy, linh hồn là nguyên tắc hợp nhất. Trong tâm trí chúng ta, linh hồn cũng là cái gắn kết bản thân ta lại. Do đó, khi chúng ta dùng cụm từ “đánh mất linh hồn,” không hẳn chúng ta nói đến án phạt đời đời. Theo cách nói lóng ngày nay, đánh mất linh hồn nghĩa là rã ra. Đánh mất linh hồn một người là làm cho nó tan rã. Vì thế khi tôi cảm thấy thế giới nội tâm của tôi sụp đổ hoàn toàn, khi tôi không còn biết tôi là ai, khi tôi phóng ra theo mọi hướng nhưng cùng lúc lại không biết mình đang đi đâu, đó là lúc tôi đánh mất linh hồn. Điều đó, cũng như câu hỏi về sự sống đời đời, là khi Chúa Giêsu hỏi: “Được cả thế gian thì ích gì khi đánh mất linh hồn của chính mình”?

Vì vậy, một linh hồn lành mạnh phải làm hai chuyện cho chúng ta. Trước tiên, nó phải châm chút lửa trong mạch máu, giữ cho chúng ta đầy tràn sinh lực, sống động, say mê, tràn đầy hy vọng, cảm nhận cuộc sống rốt cuộc thật ý nghĩa, tuyệt đẹp và đáng sống. Bất cứ lúc nào ngọn lửa này suy sụp trong lòng chúng ta, thì hẳn linh hồn chúng ta đang không ổn. Khi nỗi hoài nghi, tuyệt vọng, cay đắng hay trầm cảm làm tê liệt năng lượng chúng ta thì một phần linh hồn chúng ta đang bị tổn thương. Thứ hai, một linh hồn lành mạnh phải gắn kết bản thân ta lại. Nó phải liên tục cho chúng ta cảm nhận chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta đi về đâu, và ý nghĩa của tất cả những chuyện này. Khi chúng ta đứng trước gương, hoang mang nhìn chính mình và tự hỏi liệu có có ý nghĩa gì hay không trong cuộc sống chúng ta, là lúc chính nửa kia của tâm hồn chúng ta, nguyên tắc tụ của chúng ta đang yếu đi.

Nói cách khác, linh hồn có một nguyên tắc hỗn loạn và một nguyên tắc trật tự, sự lành mạnh của linh hồn tùy thuộc vào việc dành cho mỗi phần này một mức thích đáng. Quá nhiều trật tự thì bạn có thể chết ngộp; quá nhiều hỗn loạn thì bạn chết vì tán loạn. Vì thế, mỗi linh hướng lành mạnh phải có hai đền thờ: các đền thờ của Chúa hỗn loạn và đền thờ của Chúa trật tự. Vị Chúa này giữ cho chúng ta tràn đầy năng lượng, vị Chúa kia giữ bản thân chúng ta gắn kết lại. Hai chức năng này của linh hồn luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng có tính sáng tạo. Điều này giải thích vì sao đôi khi chúng ta trải qua những đấu tranh nội tâm mãnh liệt. Năng lượng và sự kết tụ, đam mê và khiết tịnh, lửa và nước, luôn luôn cự lại với nhau, và mỗi thứ đều có chuyện chính đáng để lo cho sức khỏe chúng ta. Chẳng ngạc nhiên khi thấy sống không phải là điều đơn giản.

Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn đối với cuộc sống của chúng ta. Cái gì lành mạnh và không lành mạnh cho linh hồn chúng ta? Vì vậy, chẳng hạn, có lành mạnh khi xem những cảnh bạo lực, tình dục trên phim hay vô tuyến không? Kinh nghiệm cụ thể này hay kinh nghiệm kia lành mạnh hay không lành mạnh cho tôi bây giờ? Trong bối cảnh này, chúng ta thấy vấn đề cái gì làm cho linh hồn lành mạnh hay không lành mạnh rất phức tạp, vì có ngày chúng ta cần kết tụ, cần định nhiều hơn cần năng lượng, có ngày thì ngược lại. Chỉ cần lấy một ví dụ đơn giản: Nếu tôi cảm thấy tán loạn, không biết tôi là ai và đâu là ý nghĩa của đời tôi, thì tôi nên đọc sách của Jane Austen hơn là của Robert Wailer, xem phim Lý trí và Tình cảm (Sense and Sensibility) hơn là xem Những cây cầu ở quận Madison (The Bridges of Madison County), dành thì giờ để thinh lặng hơn là đến chốn phồn hoa. Ngược lại, nếu tôi cảm thấy lòng tôi như chết, không thể tìm được một sức sống nào, tìm thấy bất kỳ nhiệt tình nào cho cuộc sống, thì tôi cần phải xem lại công thức sống. Có những thứ mang lửa lại cho chúng ta, có những thứ khác giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng căng thẳng. Cả hai đều có vị trí riêng của nó trong đời sống linh hướng.

Vì lý do đó mà các yếu tố nước và lửa luôn luôn là biểu tượng trọng tâm trong các tôn giáo. Lửa tượng trưng cho năng lượng, tình yêu, đam mê. Nước tượng trưng cho sự dịu lại, kiềm chế, một khuông bảo bọc an toàn. Theo thần thoại, đời sống thiêng liêng thường được ví như một tương tác, đan xen giữa các yếu tố này, lửa và nước. Cũng không lấy làm ngạc nhiên. Trong huyền thoại, linh hồn luôn luôn ở trong lò luyện kim, được lửa hun nóng và định dạng, sau đó được nước làm nguội lại.

Cùng trong chiều hướng đó, thật ngoạn mục khi nghiên cứu, các câu chuyện cổ tích khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau về nguồn gốc linh hồn, và tất cả những gì liên hệ đến việc linh hồn đi vào thể xác chúng ta.

Trong văn hóa Nhật Bản, có một quan niệm rằng trẻ sơ sinh bước vào cộng đồng loài người từ một nơi rất xa. Linh hồn của nó còn lạ lẫm với thế giới này, nên điều tuyệt đối quan trọng là thoạt tiên, đứa bé phải luôn được chăm chút sát sao, và bà mẹ hay người săn sóc ban đầu không bao giờ được để em bé một mình. Tạo vật lạ này phải làm sao luôn cảm nhận là mình được chào đón. Có một cái gì đó, một ngọn lửa, bên trong em bé, vốn dĩ đến từ một nơi khác. Trong số các câu chuyện cổ tích của Na Uy, có một truyền thuyết rất đẹp là, trước khi đặt linh hồn vào cơ thể, Thiên Chúa hôn linh hồn đó và, trong suốt cuộc sống trên trái đất, linh hồn vẫn giữ ký ức không rõ ràng, nhưng rất mạnh, sâu thẳm, về nụ hôn đó, và liên hệ tất cả mọi điều đến nụ hôn đó. Còn truyền thuyết Do Thái thì cho rằng trước khi Thiên Chúa đặt linh hồn vào cơ thể, linh hồn đó được yêu cầu quên đi cuộc sống siêu nhiên trước đây của nó. Vì vậy, ngay khi linh hồn nhập vào cơ thể, thì một trong những thiên thần của Chúa ấn miệng em bé lại, một cử chỉ nói lên rằng, trong suốt cuộc sống trần thế của em, em phải giữ thinh lặng về nguồn gốc thiêng liêng của mình. Vết lõm nhỏ ngay dưới mũi chính là dấu ấn ngón tay trỏ của thiên thần, niêm phong đôi môi của bạn – đó là lý do tại sao, khi bạn cố gắng nhớ một điều gì, khi bạn suy nghĩ, ngón tay trỏ của bạn tự nhiên đưa lên và để vào vết lõm đó.

Đúng là các huyền thoại đẹp đã vinh danh linh hồn. Chúng cũng gợi cho biết, như chúng ta nãy giờ đã nói, có một ngọn lửa từ rất xa đến trong linh hồn chúng ta và những gì linh hồn làm trong cuộc sống này đều được ngọn lửa này hướng dẫn rất nhiều.

Một điều cuối cùng, và là điều quan trọng, là linh hồn hiện diện trong tất cả mọi sự của thiên nhiên. Người thời cổ đại và trung cổ tin rằng, không phải chỉ có con người mới có linh hồn và đời sống thiêng liêng. Theo quan điểm của họ, mọi sinh vật sống, cây cối, côn trùng, súc vật đều có linh hồn và đời sống thiêng liêng. Họ đúng. Hơn nữa, ngày nay, với sự hiểu biết của chúng ta về vật lý, chúng ta biết ngay cả các hạt nhỏ nhất của vũ trụ, với điện tích dương và điện tích âm, đều có một cái gì đó giống như khao khát, và vì thế chúng cũng có một loại linh hồn riêng. Quan trọng là nhận ra điều này, không phải vì lý do lãng mạn hay thần thoại, mà vì tất cả chúng ta đều là một mảnh nhỏ của thiên nhiên. Để hiểu chính mình, và hiểu linh hướng có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta, chúng ta cần đặt chính mình trong bối cảnh lớn nhất có thể – toàn thể vũ trụ.

Pierre Teilhard de Chardin*, vừa là khoa học gia, vừa là thần học gia, từng định nghĩa con người là một quá trình tiến hoá để trở nên tự tri. Đó là một tri kiến sâu sắc, bởi vì chúng ta, những con người, không tách ra khỏi thiên nhiên, mà đơn giản là một phần của thiên nhiên biết suy nghĩ, cảm nhận, hành động có ý thức về bản thân. Thiên nhiên là một tổng thể, một chuỗi tiếp nối; một số có thể tự tri, một số đơn thuần ý thức, một số chỉ có ý thức rất tối, ý thức mơ hồ. Nhưng tất cả, kể cả chúng ta, những con người, đều được hướng dẫn bởi linh hồn, tinh thần, ước muốn, lửa yêu, khát khao. Thiên nhiên cũng bị đốt cháy bởi một cơn điên cuồng đến từ các vị thần. Sự khác biệt ở đây là, trước khi có mức độ tự ý thức và tự do của con người, sức mạnh điều khiển thiên nhiên là một lực tối, dường như mù, đôi khi tàn nhẫn, không khoan nhượng. Không có gì thực sự tĩnh lặng, ở cả mức độ cơ bản nhất của thiên nhiên.

Ôxy kết hợp với hyđrô và sự kết hợp này đến lượt nó lại bị kéo ra ngoài để kết hợp với các nguyên tố khác, và cứ thế mà tiếp tục. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên, cũng như tất cả mọi người, đều mang bất an, căn bệnh nền tảng và bị thôi thúc ra bên ngoài. Dưới đây là một minh họa:

Một người bạn của tôi kể câu chuyện, sau khi mua căn nhà, anh quyết định chặt cây tre già ở lối xe ra vào. Anh đốn cây, lấy rìu chặt rễ, và sau khi diệt đi ở mức tối đa có thể, anh đổ một loại thuốc độc diệt cây cỏ vào phần còn lại. Cuối cùng, anh lấp hố bằng một lớp đá sỏi dày cả mét, đầm chặt lại rồi tráng xi măng lên.

Hai năm sau xi măng nứt, cây tre dần dần nhú lên mặt đất. Nguyên tắc sống của nó, cái lực sinh sôi vô hình, đã không hề bị búa rìu, chất độc, xi măng ngăn cản.

Trong tất cả mọi sự vật, chúng ta đều thấy cái linh hồn dường như mù, không thể tin nỗi này. Trong mọi sự vật, từ các nguyên tử cho đến con người, có một sức mạnh vô hình gắn kết mọi sự với nhau và phát triển. Không có gì có thể ngăn chặn được nó. Nếu bạn đặt một miếng thép cứng chung quanh cây dưa hấu đang lớn, khi cây lớn, nó sẽ phá tung miếng thép.

Tất cả đều hướng ra ngoài, đất đá, cỏ cây, côn trùng, súc vật đều tràn đầy tình ái, bị thúc đẩy không ngừng, cũng như con người. Ở đây, trong một mức độ nào đó, có một sự giống nhau lạ kỳ giữa giữa hình ảnh cây tre cố gắng đội bê tông nứt lên từ nơi mù mịt, việc cho em bé ăn, việc các thiếu niên bị kích thích tố chi phối không ngừng, trạng thái bất an rõ rệt trong một quán bar của những kẻ độc thân, Mẹ Têrêxa quỳ gối cầu nguyện đầy ý thức với Chúa. Khát khao đang thôi thúc trong mỗi trường hợp, đôi khi trong mù mịt, đôi khi có ý thức. Thánh Phaolô chắc sẽ nói, trong mỗi trường hợp, Chúa Thánh Thần đang cố gắng cầu nguyện thông qua một điều gì đó hay một ai đó. Luật của trọng lực và sức hút của ám ảnh xúc cảm cũng không quá khác nhau.

Teilhard de Chardin đã từng nói Thiên Chúa nói với mỗi yếu tố bằng ngôn ngữ mà yếu tố đó có thể hiểu được. Như vậy, Thiên Chúa hút khí hyđrô qua tính hấp dẫn của ôxy đối với hyđrô. Cũng một cách như vậy, Thiên Chúa lôi cuốn mọi thứ, kể cả từng người một trong chúng ta. Rốt cùng, có một sức mạnh, một tinh thần hoạt động trong toàn vũ trụ. Các hóa chất trong bàn tay chúng ta, các hoá chất trong bộ não chúng ta được tôi trong cùng một lò luyện với các vì sao. Chính cái tinh thần khiến khí ôxy gắn với khí hyđrô cũng làm em bé khóc khi đói bụng, làm các thiếu niên bị kích thích tố chi phối và tụ tập bên ngoài, mời gọi  Mẹ Têrêxa đến nhà thờ cầu nguyện. Có một sự bất mãn, một từ khác để chỉ linh hồn và tinh thần, trong mọi sự vật, và những gì mà những sự vật này, hay những con người này, ứng xử với tình trạng bất đồng đó chính là đời sống thiêng liêng của họ.

Chúng ta là một phần của vũ trụ, cái phần đã trở nên tự tri, nơi đó mọi thứ đều khát khao một điều gì vượt cao hơn chính nó. Trong con người chúng ta có linh hồn, có tinh thần, và những gì chúng ta làm với linh hồn chính là đời sống thiêng liêng của chúng ta. Ở một mức độ rất cơ bản, trước khi cần đề cập đến tất cả những gì là tôn giáo rõ ràng, thì sự thật là nếu chúng ta làm gì để duy trì cho bản thân có năng lượng và kết tụ, để ngọn lửa còn cháy và bản thân ta gắn kết, thì chúng ta có một đời sống thiêng liêng lành mạnh. Ngược lại, nếu khát khao của chúng ta đẩy chúng ta vào những hành động làm chai cứng tâm hồn hay làm chúng ta tán và chết, thì chúng ta có một đời sống thiêng liêng không lành mạnh. Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm với nỗi khát khao bất tận này trong lòng chúng ta, cái điên cuồng đến từ các vị thần.

Ai cũng phải có một đời sống thiêng liêng. Dù sự thật này đã rõ ràng, nhưng trong nền văn hóa phương Tây ngày nay nó không được hiểu một cách rõ ràng cho lắm, hay đã được chấp nhận nhiều cho lắm. Với tất cả mọi lý do, chúng ta đang gắng gỗ khó khăn với lối sống thiêng liêng, và dù có là kitô hữu hay không, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng vất vả chật vật với khía cạnh tôn giáo của đời sống thiêng liêng. Giờ đây chúng ta quay sang chính điều đó – những nỗ lực chật vật để hiểu điều đó cả về mặt lý thuyết lẫn hiện sinh.

* Pierre Teilhard de Chardin là khoa học gia, triết gia, thần học gia, nhà thơ. Ông sống từ 1882-1955. Ông là linh mục dòng Tên, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng thế giới. Ông nghiên cứu ngành cổ sinh vật học ở Trung Quốc nhiều năm, viết một số sách trong cả hai lĩnh vực khoa học và tôn giáo. Trong khoa học, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Phenomenon of Man (New York: Harper and Row, 1955). Trong thần học, tác phẩm lớn của ông là: The Devine Milieu (New York: Harper and Row, 1960). Ít người ở thế kỷ chúng ta tạo được sự kết hợp độc đáo và phong phú như vậy về khoa học, thần bí và đức tin kitô giáo như ông.

Nguyễn Kim Long dịch (Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser)

Gplongxuyen.org

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch