Chẳng có gì bất thường khi tình cờ bắt gặp thuật ngữ “luật tự nhiên” trên báo chí hay tập san Công giáo. Thông thường, bối cảnh là một cuộc thảo luận về những vấn đề luân lý gây tranh cãi trong cuộc chiến văn hóa, chẳng hạn vấn đề phá thai, an tử, đồng tính, điều hòa sinh sản, và cái được gọi là “quyết định trợ tử”.

Thật khích lệ khi thấy Tòa Thánh thường xuyên quy chiếu đến luật tự nhiên trong thời gian gần đây, khiến cho những trường hợp này xuất hiện nhiều hơn trên báo chí. Đức Thánh Cha đã thực hiện một nỗ lực nghiêm túc để làm cho học thuyết xưa cũ này của truyền thống Công giáo được biết đến rộng rãi hơn nữa.

Nhưng thế nào là “luật tự nhiên”? Nó có nguồn gốc từ đâu? Mục đích của nó là gì? Tôi nhận thấy một số người Công giáo hoàn toàn không biết về khái niệm này, và do đó, họ chỉ có thể hiểu rất ít về những chủ đề liên quan trên các phương tiện truyền thông Công giáo.

Với những cân nhắc vừa nêu, thật đáng giá để đưa ra một cái nhìn khái quát cho đề tài vô cùng quan trọng này.

Theo thánh Tôma, người có những suy tư về chủ đề mà chúng ta chỉ đơn thuần khai mở, luật tự nhiên “không gì hơn là sự tham dự vào luật vĩnh cửu của thụ tạo có trí năng” (ST I-II, q. 91, a. 2)[1]. Lý thuyết về luật tự nhiên của ngài cho rằng luật vĩnh cửu, điều nằm trong trí tuệ của Thiên Chúa, có thể được nhận thức ở một mức độ giới hạn bởi trí năng hữu hạn của con người. Điều đó có nghĩa, đây không chỉ là một quy luật hay trật tự trong tự nhiên, nhưng còn là trật tự hay quy luật được trí năng con người tiếp nhận.

Để hiểu bối cảnh lịch sử hình thành nên lý thuyết luật tự nhiên của thánh Tôma, chúng ta có Kho tàng Đức tin Công giáo (Thánh kinh và Thánh truyền), cũng như truyền thống triết học của trường phái Khắc kỷ La mã.

Thánh kinh và Thánh truyền chứng nhận về sự hiện diện của luật Thiên Chúa, trong đó, con người dự phần bởi bản chất lý tính của mình. Một tài liệu tham khảo mang tính truyền thống của Kinh thánh về luật tự nhiên là bản văn Rm 2,14, ở đó, thánh Phaolô so sánh sự hiểu biết của dân ngoại về Thiên Chúa thông qua tự nhiên và sự hiểu biết của người Dothái về Thiên Chúa thông qua mặc khải: “Vì khi dân ngoại không có Luật, nhưng theo lương năng mà làm những điều Luật dạy, thì họ, những kẻ không có Luật, họ là Luật cho chính mình họ”. Những nguồn Thánh truyền, chẳng hạn như các tác phẩm của thánh Âutinh, Basiliô, Gioan Đamascênô cũng được viện dẫn trong lập luận của thánh Tôma, và được tham chiếu rõ ràng trong bộ Tổng luận. Tư tưởng của các triết gia Hy lạp và La mã, đặc biệt là phái Khắc kỷ La mã (trong số đó, Julius Caesar được tham chiếu – x. ST I-II, q. 91) cũng được sử dụng. Các công trình của Aristote, của Boethius – một triết gia trường phái Aristote thời trung cổ, và bộ Giáo luật[2] thời của ngài cũng xuất hiện trong sự giảng giải của thánh nhân.

Điều mà các thần học gia gọi là “nguồn khởi phát” (tức nơi phát sinh ra) của luật tự nhiên là Luật Vĩnh cửu, tức sự Quan phòng của Thiên Chúa để cai quản công trình sáng tạo. Nguồn gần của nó (tức nơi chúng ta có thể thấy được) là lý trí con người – một lý trí độc lập. Thiên Chúa sắp đặt mọi thụ tạo hướng về sự hoàn thành những mục đích nào đó và trao cho từng thụ tạo phương tiện để nhờ đó chúng có thể đạt được cùng đích của mình. Con người, một hữu thể được phú ban lý trí, có nơi mình các phương tiện để có thể hướng về cùng đích đích thực của một thụ tạo lý tính. Luật tự nhiên nằm trong số các phương tiện này.

Luật tự nhiên là một hệ thống được xây dựng trên các nguyên lý đúng sai. Các nguyên lý thứ cấp phát sinh từ những nguyên lý sơ cấp. Nói theo thánh Tôma, “nguyên lý thứ nhất của trí năng thực tiễn là nguyên lý có nền tảng trên yếu tính của sự tốt, và đây là nguyên lý: ‘Sự tốt là cái gì mà tất cả mọi hữu thể đều ước muốn’. Vậy giới mệnh thứ nhất của pháp luật tự nhiên là ‘phải làm và tìm kiếm sự tốt, và tránh sự xấu’. Chính công lý này làm nền tảng cho mọi giới mệnh khác của pháp luật tự nhiên; đó là nói: cái gì người ta phải làm hoặc phải tránh lệ thuộc vào các giới mệnh của pháp luật tự nhiên; và trí năng thực tiễn một cách tự nhiên quan niệm chúng nó là những sự tốt của nhân loại” (ST I-II, q. 94, a. 2).

Hiển nhiên việc “làm lành, lánh dữ” chưa phải là một hướng dẫn đầy đủ cho tất cả hành vi của con người! Nhưng đấy là một khởi đầu tốt. Nhận thức được sự thiện hảo nơi những khuynh hướng tự nhiên theo bản chất lý tính của mình, trí năng thực hành của con người sẽ đối xử với chúng như những nguyên lý để từ đó minh xác những giới mệnh cụ thể hơn của luật tự nhiên, mà nền tảng trước hết là khuynh hướng bảo tồn bản thân. Nguyên lý đầu tiên này là “bảo tồn sự sống”. Ở đây, chúng ta thấy Điều răn thứ năm, “Chớ giết người”, thực sự là một phần của luật tự nhiên. Thiên Chúa không cần phải mặc khải điều đó trên Núi Sinai, nhưng Ngài đã làm vậy vì lòng thương xót. (Điều tương tự cũng đúng đối với tất cả các giới luật của Mười điều răn, ngoại trừ sự định rõ ngày Sabát là ngày thánh. Thiên Chúa đã mặc khải điều này thành Luật Thực định).

Việc chuyển từ các nguyên lý và giới mệnh chung của luật tự nhiên sang các hành động cụ thể là điều hết sức khó khăn bởi bản chất phức tạp nơi hành vi con người. Có thể có nhiều hơn một trong những nguyên lý thứ cấp của luật tự nhiên xuất hiện trong việc vận dụng vào một trường hợp cụ thể; và có thể có những sự kiện ngẫu nhiên và tiến trình phức tạp của nguyên nhân thứ cấp làm cho diễn tiến thích hợp của hành vi hoàn toàn không dễ kết luận. Cuối bài viết, với một trường hợp tương đối đơn giản (nhưng có lẽ hợp lý!), tôi sẽ minh họa cho cái cách mà sự phức tạp ấy xuất hiện trong lĩnh vực đạo đức y học.[3]

Luật tự nhiên chỉ dành cho người Công giáo?

Một số người có thể cho rằng luật tự nhiên là một khái niệm của thần học luân lý Công giáo, và do vậy, nó không phải là điều mà tất cả mọi người nhất định phải tuân giữ.

Chẳng điều gì có thể trỗi vượt hơn chân lý.

Chính khái niệm “luật tự nhiên” ngụ ý về một điều gì đó không phụ thuộc vào mặc khải siêu nhiên của Thiên Chúa. Đức tin Công giáo là một mặc khải siêu nhiên, nhưng luật tự nhiên lại là một cái gì phổ biến cho tất cả mọi người.

Đối với người Công giáo, những người có thể không thừa nhận việc áp dụng phổ quát luật tự nhiên (như nhiều người theo chủ nghĩa tự do), tôi xin lưu ý đến chứng ngôn của thánh Phaolô như đã trích: “Vì thử dân ngoại không có Luật, nhưng theo lương năng mà làm những điều Luật dạy, thì họ, những kẻ không có Luật, họ là Luật cho chính mình họ” (Rm 2,14). Điều này thường được giải nghĩa rằng, những ai không nhận được ơn ích từ mặc khải Cựu ước (cụ thể là Luật Môsê), họ vẫn được Đấng Tạo hóa phú ban cách tự nhiên năng lực của lương tri để phân định thiện ác. Câu tiếp theo [Rm 2,15] nói rằng người ngoại thể hiện “việc Luật dạy đã được viết trong lòng họ, khi mà lương tâm họ họa theo làm chứng, là những suy tính nảy lên mà cáo tội hay biện hộ cho nhau”.

Truyền thống ấy được chứng thực ngay tại Công đồng Vatican II. Hiến chế Gaudium et Spes (số 16) nhắc đến việc luật này được ghi khắc nơi trái tim: “Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy”.

Các đoạn chú thích của bản văn công đồng lấy từ tác phẩm Tổng luận Thần học của thánh Tôma (ST II-II, q. 32, a. 5, ad. 2; q. 66, a. 2). Nơi tác phẩm ấy, vị Tiến sĩ Thiên Thần khẳng định rằng toàn thể nhân loại, chứ không riêng người Công giáo, biết được về lề luật vĩnh cửu của Thiên Chúa theo mức độ mà họ nhận thức về các nguyên lý phổ quát của luật tự nhiên. Giáo huấn này không chỉ của riêng thánh Tôma: “Giáo huấn phổ biến của các thần học gia nói rằng những nguyên tắc hàng đầu và tối thượng [của luật tự nhiên] được tất yếu biết đến đối với mọi thực thể sử dụng lý trí” (The Catholic Encyclopedia, “Natural Law”[4]).

Đối với người không Công giáo, những người có thể tuyên bố rằng luật tự nhiên không ràng buộc họ, vì nó là của Công giáo, tôi xin đưa ra một vài điểm như sau:

 - “Hãy làm lành lánh dữ” – giới mệnh thứ nhất của luật tự nhiên – được tìm thấy nơi các bộ luật, tác phẩm triết học, sách tôn giáo, và những công trình văn chương bất hủ của mọi nền văn minh, cổ đại lẫn hiện đại.

- Nhiều giới mệnh thứ cấp của luật tự nhiên – như cấm giết người, trộm cắp, và ngoại tình – được tìm thấy trong những ghi chép lịch sử tương tự, chẳng hạn Bộ luật Hammurabi, một bộ luật cổ xưa của dân Babylon.

- Nhiều tác phẩm văn học hiện đại, được xem là “có lập trường trung lập”, chứa nhiều câu chuyện về nỗi cay đắng của tội lỗi đang ray rứt những người làm trái lương tâm đối với các giới mệnh sơ cấp và thứ cấp của luật tự nhiên

Tóm lại, kinh nghiệm chung của nhân loại thừa nhận tính phổ quát của luật tự nhiên.

Tầm quan trọng của luật tự nhiên trong việc rao giảng Phúc Âm.

Luật tự nhiên là nền tảng mà từ đó chúng ta có thể tiếp cận với những người không Công giáo. Chúng ta bắt đầu với điều mà chúng ta vừa quả quyết, đó là, luật tự nhiên áp dụng cho tất cả mọi người và tất cả đều có sự hiểu biết về các giới mệnh nền tảng. Bởi đó, chúng ta thấy rằng luật tự nhiên là một phần không thể thiếu trong đời sống luân lý Công giáo. Vì tất cả đều biết đến những nguyên lý này trong một mức độ nào đó, họ sẽ thấy những giáo huấn cơ bản về luân lý của Giáo hội thật tốt đẹp và hữu lý. Dĩ nhiên, tội lỗi làm trí năng ra tối tăm và ý chí không còn kiên vững, do vậy, nó có thể và thường xuyên gây rối loạn tiến trình này. Nhưng chẳng có lý do nào để bỏ cuộc trước khi bạn bắt đầu. Chúng ta phải quả quyết cách chắc chắn rằng, tất cả mọi người đều được khắc ghi lề luật tự nhiên nơi trái tim mình. Vì lý do này, luật tự nhiên cung cấp một nền móng vững chắc để bắt đầu cuộc đối thoại giữa chúng ta với những người không Công giáo.

Căn cứ vào những gì đã trình bày, chúng ta thừa nhận, với thánh Tôma và với phần đông các nhà thần học, thật dễ lẫn lộn khi áp dụng các nguyên lý thứ cấp của luật tự nhiên. Như thánh Tôma dạy trong tác phẩm Tổng luận chống Dân ngoại, những người khao khát sự hiểu biết cũng muốn lẫn tránh sự vô tri (III, 50, 6) và đó là những ước muốn không hoàn hảo để được nên hoàn hảo (III, 50, 2). Vì thế, những người theo đuổi sự thông tuệ, kiến thức, và sự hiểu biết sâu rộng hơn về lề luật được khắc ghi trong tim mình – nếu việc theo đuổi của họ đi cùng một thiện chí cương quyết – sẽ nhận ra sự hợp lý của các giáo huấn về luân lý của đức tin Công giáo, là những điều làm sáng tỏ các giới mệnh thứ cấp của luật tự nhiên. Dĩ nhiên, điều này có thể là một thái độ đưa đến sự hoán cải.

Một ví dụ trong lãnh vực đạo đức y học.

Giờ đây là ví dụ về cách mà các giới mệnh thứ cấp của luật tự nhiên có thể trở nên phức tạp khi áp dụng: Có thể có ai đó tại bệnh viện sẽ gặp phải tình trạng bị nguy kịch khi hấp thụ chất lỏng, chẳng hạn như chứng suy thận hoặc suy tim sung huyết. Với sự thực hành thận trọng biện pháp y tế, áp dụng nguyên tắc “bảo tồn sự sống”, có thể chỉ định cho bệnh nhân này giới hạn nghiêm nhặt việc hấp thụ nước (ít nhất cho đến khi thuốc lợi niệu và việc thẩm tách máu có thể được áp dụng). Tình trạng này lại làm cho bệnh nhân rất khát nước. Lúc này, luật tự nhiên đặt ra cho bệnh nhân khuynh hướng tự bảo tồn, thúc giục người bệnh rằng uống nước thì tốt hơn là không uống. Tuy nhiên, thực tế về hiểu biết y khoa cho thấy việc hấp thụ nước vào lúc này có thể gây bất lợi, cần phải kiềm chế sự thôi thúc muốn uống nước của bệnh nhân. Điều này là do nguyên lý xác định rằng sự sống phải được duy trì và cần tránh nguy cơ tử vong nhờ hạn chế hấp thụ chất lỏng. Trong ví dụ này, chúng ta không chỉ thấy được một minh họa về nguyên lý thứ cấp của luật tự nhiên (bảo tồn sự sống), mà chúng ta còn thấy được một điển hình về việc  áp dụng chính xác luật tự nhiên có thể gây nguy hiểm đến thế nào (ít nhất là trong tâm trí bệnh nhân); bởi vì trong tâm trí của bệnh nhân, việc uống một lượng nước lớn là điều hợp lý.

Tác giả: Tu huynh André Marie

Người dịch: Grêgôriô Võ Trần Nhựt

Nguồn: https://catholicism.org/ad-rem-no-27.html

https://gpquinhon.org/q/than-hoc/luat-tu-nhien-la-gi-3256.html

 ---------------------------------------

 [1] Đối với các trích dẫn trực tiếp từ bộ Tổng luận Thần học của thánh Tôma, xin lấy theo bản dịch Việt ngữ của cố Linh mục Giuse Trần Ngọc Châu: TÔMA AQUINÔ, Tổng luận Thần học, Trần Ngọc Châu dịch, Nxb. Phương Đông, 2017.

[2] The Decretals. Ở đây chỉ bộ Liber Sextus Decretalium, do Đức Giáo hoàng Boniface VIII (1235-1303) sưu tập.

[3] Một cái nhìn cụ thể hơn:

- Nguyên lý khởi phát của luật tự nhiên: Sự thiện là cái mà mọi vật đều tìm kiếm.

- Nguyên lý này dẫn đến giới mệnh đầu tiên: Hãy làm điều thiện và tránh làm điều dữ.

- Nhưng thế nào là điều thiện đối với hành vi của nhân loại? Luật tự nhiên xác định chúng dựa trên khuynh hướng mà bản tính con người thể hiện ra. Con người có ba khuynh hướng theo ba cấp bậc hữu thể mà họ tham dự:

+ Thứ nhất, con người là một thực thể và chia sẻ khuynh hướng bảo tồn sự hiện hữu giống các sự vật khác.

+ Thứ hai, con người thuộc nhóm sinh vật và có khuynh hướng duy trì, bảo tồn nòi giống.

+ Thứ ba, con người là sinh vật có lý trí và bị thôi thúc tìm kiếm chân lý. Nơi cấp hữu thể này, vì có xã hội tính nên con người có thêm khuynh hướng sống trong xã hội.

- Như vậy, ba khuynh hướng này có thể được chia làm hai nhóm giá trị:

+ Nhóm 1: Sự sống và sinh sản.

+ Nhóm 2: Sự hiểu biết và xã hội tính.

- Khi vận dụng 4 giá trị căn bản này của luật tự nhiên vào từng trường hợp cụ thể, có khả năng chúng không đồng thời được thông qua. Đây chính là rắc rối thường gặp. Do đó, người ta sử dụng thêm hai quy tắc thêm vào là quy tắc song hiệu và quy tắc tước đoạt.

Để hiểu rõ thêm những vấn đề này, xin xem thêm: C. E. Harris, The Ethics Of Natural Law, http://falcon.tamucc.edu/~sencerz/Harris_Nat_Law.htm

[4] https://www.newadvent.org/cathen/09076a.htm. Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch