Trong tuần tĩnh tâm linh mục, một người anh em cùng lớp với tôi đã tâm sự với tôi rằng nhiều lúc anh cảm thấy mình chẳng làm gì được cho giáo dân. Anh có nhắc lại với tôi câu chuyện Thánh Phaolô đã tự làm việc để nuôi sống bản thân.

Còn linh mục chúng ta thì chỉ làm những việc thiêng liêng mà quên hẳn luôn khía cạnh làm việc để có của ăn nuôi sống. Cuối cùng anh bảo tôi lúc nào viết một chút về đề tài này cũng thú vị đấy.

Có lẽ tôi cũng chung quan điểm với anh. Nhiều khi các linh mục về một cộng đoàn giáo xứ với những lời tung hô có cánh ca ngợi chức linh mục. Linh mục là người mang Chúa Kitô đến cho anh em. Linh mục hằng ngày dâng lễ tế lên Thiên Chúa để đền tội mình và đền tội thay cho dân. Linh mục là người giảng Lời Chúa cho giáo dân. Linh mục là người điều hành quản trị để kết nối anh chị em giáo dân với nhau, xây dựng sự hiệp nhất và bình an trong giáo xứ. Linh mục là một Chúa Kitô khác… Có thể nói rằng chúng tôi được ca ngợi và tung hô như những vị thánh. Thế nhưng chúng tôi cũng chỉ là con người với những giới hạn, mong manh và yếu đuối. Những tâm sự của người anh em linh mục không phải không có lý. Tôi chia sẻ với anh chút tâm tình của tôi. Tôi thấy Linh mục chúng tôi nhiều khi thi hành các bổn phận thiêng liêng nhưng lại không có đời sống nội tâm tương xứng. Chúng tôi làm các việc như một cỗ máy vô hồn. Đôi lúc, chúng tôi giống như một công chức làm việc hành chính. Chúng tôi chất lên vai anh em gánh nặng về tiền bạc bởi những công trình xây dựng tốn phí. Chúng tôi tra tấn anh chị em giáo dân bằng những lời không xứng với linh mục trong các bài giảng. Chúng tôi hành xử làm khó dễ anh chị em trong các bí tích nhất là bí tích hôn phối. Tóm lại là chúng tôi không mang lại niềm vui cho anh chị em. Chúng tôi chưa thực sự thương anh chị em giáo dân của mình. Tôi vẫn còn nhớ như in lời của một cha giáo lớn tuổi trong chủng viện. Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi bao giờ ngài cũng nói: “khi nào các ông ra trường, các ông nhớ thương giáo dân nhé”.

Phải chăng tôi và anh bạn tôi có cái nhìn hơi bi quan quá về linh mục chăng? Cũng có thể là chúng tôi hơi bi quan. Vẫn còn nhiều linh mục tuyệt vời đem lại niềm vui hạnh phúc cho cộng đoàn mà các ngài hiện diện. Nhưng thực sự, chúng tôi thấy nêu ra vấn đề để chúng tôi biết nhìn lại chính mình mà sám hối. Nếu chúng tôi đã lãnh nhận mọi sự nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không như vậy. Nếu chúng tôi chưa thực sự thương giáo dân, chúng tôi cũng đừng mong người giáo dân thương mình. Gieo cái gì thì sẽ gặt cái đó thôi. Quy luật của cuộc sống luôn là như vậy. Chúng tôi hiện diện ở một cộng đoàn mà không chuyển hoá được những người chúng tôi có trách nhiệm để họ sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn thì chắc hẳn chúng tôi chưa hoàn thành được sứ mạng Chúa trao.

Sáng nay, sau khi dâng lễ chúa nhật cho thiếu nhi xong, tôi vẫn còn trong phòng thánh thì có một bà giáo dân tới gặp tôi. Bà đưa cho tôi một số tiền và nói đây là tiền xin lễ, còn đây là tiền con tạ ơn Chúa và cám ơn cha. Tôi hỏi lại lý do bà tạ ơn Chúa và cám ơn tôi là gì? Bà kể cho tôi rằng bà đã lên xin tôi cầu nguyện cho hai người cháu của bà. Cả hai đều đã được Chúa ban ơn cho. Một người thì xảy ra trục trặc với gia đình nên bỏ đi. Nhưng người đó đã trở về đoàn tụ với gia đình. Còn một người cháu bị nhiễm Covid trong Sài Gòn. Khi bà lên xin tôi cầu nguyện là lúc người đó đang trong giai đoạn nguy kịch. Bà bảo trong phòng có 3 người nguy kịch thì hai người chết còn cháu bà thì được ơn Chúa thương cho sống. Anh năm nay 41 tuổi. Bà nói với tôi rằng nhờ cha cầu nguyện mà Chúa đã nhậm lời. Trong lời nói và ánh mắt của bà, tôi biết bà rất tin tưởng vào lời cầu nguyện của tôi.

Nghe xong tâm sự của bà, thú thực lòng tôi vui mừng vô hạn. Tôi vui không phải vì mình đã làm được một cái gì đó cho cuộc đời này. Tôi vui vì thấy lòng tin của bà thật mạnh mẽ. Có lẽ chính lòng tin của bà mà Chúa thực hiện những điều tốt đẹp cho hai người cháu của bà. Tôi chỉ là một người trung gian, một chất xúc tác để tạo thêm niềm tin cho bà mà thôi. Trong Tin mừng, Chúa đã từng nói: “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi thì dù anh em có bảo núi này “rời đi khỏi đây, qua bên kia” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20). Quả thực đã nhiều lần Chúa Giêsu khẳng định lòng tin của con đã cứu con. Chính lòng tin là điều làm nên những phép lạ thực sự trong cuộc sống hằng ngày. Khi trở về quê hương, Chúa đã không thể thực hiện được phép lạ nào bởi vì những người dân quê hương của Chúa không có lòng tin.

Câu chuyện của bà cụ làm cho tôi cảm thấy xác tín hơn vào ơn gọi và sứ mạng của linh mục. Nếu các linh mục chúng tôi chuyên chăm cầu nguyện và có một đời sống nội tâm sâu sắc thì sự hiện diện của chúng tôi luôn là niềm vui cho cộng đoàn. Trái lại, nếu chúng tôi thi hành sứ vụ linh mục như kiểu thế gian thì quả là một thảm hoạ cho cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên, là con người, chúng tôi vẫn dễ dàng sa ngã phạm tội mất lòng Chúa. Ước gì mỗi lần chúng tôi vấp ngã là mỗi lần chúng tôi thêm mạnh để hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Nhờ vậy, chúng tôi ngày một nên giống Chúa Giêsu mục tử, Đấng luôn yêu thương và săn sóc đàn chiên của mình, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch