Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt các cung bậc cảm xúc của con người, là phương tiện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất.
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt các cung bậc cảm xúc của con người, là phương tiện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất. Âm nhạc gắn liền với cuộc sống của con người từ rất xa xưa, nó vừa là sản phẩm của trí tuệ và cảm xúc thăng hoa lại vừa là thức ăn tinh thần mà nếu thiếu đi cuộc sống của con người sẽ buồn chán, tẻ nhạt. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất, trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: Tôi hát là tôi hiện hữu.”
Bên cạnh đó, âm nhạc trở nên một loại hình nghệ thuật để giải trí, là một thần dược giúp con người xua đi những đau khổ làm cho tâm hồn trở nên vui sướng, tươi trẻ, bình an, thanh thản, tràn đầy lòng yêu mến đối với cuộc sống này. Sức tác động mạnh mẽ của âm nhạc đến tư tưởng tình cảm của con người cũng góp phần vào việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách, giáo dục thẩm mỹ. Có thể nói âm nhạc là quà tặng vô giá của cuộc sống.
Đối với Đạo Công giáo, ngay từ những ngày đầu âm nhạc đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cử hành các nghi lễ phụng vụ, giúp các tín hữu hướng lòng về Thiên Chúa. “Mục tiêu tối thượng của âm nhạc không nên là gì hơn ngoài việc vinh danh Chúa và làm khỏe khoắn tâm hồn” (Johann Sebastian Bach). Có thể thấy rằng trải qua bao thế kỷ, âm nhạc mang âm hưởng công giáo nói chung và thánh nhạc nói riêng vẫn là một trong những nét đặc sắc làm nên bề dày lịch sử và sự cổ kính, trang nghiêm cho Giáo hội.
Sống trong thời đại kỹ thuật số với sự bùng nổ của thế giới âm nhạc, các Kitô hữu nói chung, cách riêng là người trẻ bị ảnh hưởng một cách sâu sắc bởi những trào lưu và thể loại nhạc khác nhau làm cho họ dường như lạnh nhạt với âm nhạc công giáo, xa lạ với cụm từ thánh nhạc và chưa hiểu hết ý nghĩa thánh nhạc trong đời sống phụng vụ.
Trong dịp kỷ niệm bách chu niên Tự sắc Tra le sollecitudini, một tự sắc bàn về cuộc canh tân âm nhạc trong Phụng vụ của thánh Giáo hoàng Piô X, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến tính thời sự và tầm quan trọng của thánh nhạc trong phụng vụ, ngài nói: “Thánh nhạc được thánh Piô X trình bày như là một phương tiện để nâng tinh thần lên Thiên Chúa, hoặc như một sự trợ giúp quý báu để các tín hữu “tham dự sống động vào các mầu nhiệm thánh, vào các cuộc cầu nguyện công cộng và long trọng của Giáo hội”[1]. Đức Thánh Giáo hoàng nhắc nhở phải chú ý đặc biệt đến thánh nhạc, bởi vì “là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ trọng thể, thánh nhạc cũng được tham dự vào mục tiêu tổng quát của phụng vụ, đó là vinh danh Thiên Chúa, thánh hóa và xây dựng các tín hữu”[2].
Chính vì thánh nhạc có vai trò như một trợ tá cho Phụng vụ nên mỗi người tham dự phụng vụ là một thừa tác viên ca hát để nâng tâm hồn lên cùng Chúa, thánh hóa bản thân và cộng đoàn. Bài viết này xin được trình bày vai trò của âm nhạc trong đời sống người trẻ, cũng như ảnh hưởng của Thánh nhạc đối với người trẻ, qua đó tìm kiếm một lối mục vụ Thánh nhạc cho người trẻ trong xã hội hôm nay.
Trước khi bàn về vai trò của âm nhạc đối với người trẻ ta không thể không nói đến vai trò của âm nhạc đối với đời sống con người nói chung:
Nếu như ngôn ngữ tách biệt con người với loài động vật thì âm nhạc chính là cội nguồn của ngôn ngữ. Thời kỳ nguyên thủy, trước khi có tiếng nói loài người đã biết hét hò gọi bầy, hò reo ăn mừng, hò la đuổi muông thú, chim chóc. Các giai điệu trầm bổng cất lên từ giọng người, từ các nhạc cụ thổi hơi thô sơ như sừng thú, ốc biển, ống sậy, lá cây... tạo nên âm nhạc. Con người ta đã ca hát và chơi đàn theo bản năng như nói, cười, khóc, nhảy nhót... Những cuộc vui chỉ có nhịp nhảy, những câu hát ru, những câu hát tỏ tình, những chiếc kèn lá... là những “dụng cụ âm nhạc” được con người sử dụng.
“Có thể nói những “hoạt động âm nhạc” thô sơ ban đầu đó đã thỏa mãn nhu cầu rất tự nhiên của con người là được bộc lộ cảm xúc, được chia sẻ nỗi niềm, được kết nối và hòa nhập vào cộng đồng.”[3]
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho ra kết luận rằng âm nhạc giúp con người, nhất là thời thơ ấu đang phát triển, lớn lên về mọi mặt: văn, thể, mỹ, đức, trí. Một con người ngay từ khi còn là bào thai nếu được nghe nhạc đúng cách thì có khả năng phát triển về trí tuệ cũng như tâm tư tình cảm hơn so với những ai không được nghe nhạc. Hai nhạc sĩ thiên tài viết nhạc này phải kể đến là Mozart và Vivaldi. Các nghiên cứu khoa học cho hay âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do Bộ Giáo Dục Mỹ thực hiện trong 10 năm, với khoảng 25.000 trẻ em.
Âm nhạc đã gắn liền mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của đời người, từ lúc chào đời đến khi giã từ cuộc sống. Đó là những khúc hát ru thuở ban đầu; những bài đồng dao khi khôn lớn, những bài hát vui, dí dỏm trong các trò chơi trẻ thơ; những bài hát giao duyên, tỏ tình khi trưởng thành; những bài ca sinh hoạt; những bài nhạc hiệu xuất trận; những bài hát trong lao động học tập và cả những khúc hát tiễn đưa con người trở về với cát bụi.
Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về các mối quan hệ xã hội, quan hệ huyết thống và luân lý đạo đức đời thường. Âm nhạc là nguồn cảm hứng nội tâm có khả năng tạo ra sự sung mãn về tâm hồn, nâng cao ý chí nghị lực trong cuộc sống. Khi nói đến vai trò âm nhạc ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách, một bài viết được đăng trên http://www.nhaccu.com.vn đã viết như sau: “Nghệ thuật âm nhạc ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Sức mạnh cảm hóa của âm nhạc tiến bộ, lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn”.
Có ai đó đã nói rằng “Âm nhạc đi từ trái tim đến trái tim”. Thật vậy, âm nhạc là cách kết nối tuyệt diệu giữa người với người, giữa người với vạn vật trong thiên nhiên, với các đấng siêu nhiên trong tưởng tượng và xa hơn nữa là với vũ trụ bên ngoài trái đất. Robert Schumann nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức đã từng nói: “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”.
Và hơn thế nữa âm nhạc thực sự được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc là sợi dây gắn kết giữa con người với con người, Vì bản chất của âm nhạc đó là sự phong phú muôn màu muôn vẻ nên cũng làm nên cho con người một đời sống tinh thần phong phú, nếu ta biết sử dụng âm nhạc hợp lý và đúng cách, thì món ăn tinh thần này sẽ trở thành người bạn thân thiết, trở thành nơi để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp con người thêm yêu cuộc sống hơn. Và nói như Beethoven nhà soạn nhạc cổ điển người Đức: “Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh”.
Trong những năm gần đây ta thấy xuất hiện nhiều chương trình âm nhạc mua bản quyền nước ngoài hay nhất được phát trên VTV3 như: Gương mặt thân quen - Your Face Sounds Familiar, Gương mặt thân quen Nhí - Your Face Sounds Familiar Kids, Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol, Giọng hát Việt - The Voice of Vietnam, Bài hát hay nhất - Sing My song, Chinh phục đỉnh cao - Popstar to Operastar, v.v... Người ta gọi VTV3 là kênh truyền hình sở hữu nhiều “cơn bão” âm nhạc nhất. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà VTV3 lại bỏ ra một số tiền lớn để mua bản quyền của các chương trình âm nhạc nói trên, nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế về tầm ảnh hưởng của âm nhạc đối với đời sống con người hôm nay đặc biệt là với các bạn trẻ.
Thật vậy, cuộc sống với biết bao lo toan, mệt mỏi cũng làm cho giới trẻ trở nên áp lực, căng thẳng cho dù các bạn có năng lượng, có nhiệt huyết đến đâu đi chăng nữa. Có nhiều bạn trẻ tìm giải quyết những căng thẳng trong cuộc sống bằng rượu, bằng thuốc, bằng những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng, bằng mê game, bằng lướt web, bằng facebook... nhưng có những bạn trẻ lại chọn giải quyết những căng thẳng mệt mỏi bằng du lịch, bằng yoga, bằng hội họa hay bằng âm nhạc và có lẽ chọn âm nhạc là sự giải tỏa cho mọi căng thẳng trong cuộc sống các bạn trẻ sẽ là một chọn lựa khôn ngoan.
Như đã nói ở trên, âm nhạc chính là món quà tinh thần vô giá để chúng ta làm cho cuộc sống mình vui vẻ hơn, sinh động hơn, xua tan mọi nhọc nhằn cuộc sống. Đối với giới trẻ thì càng không thể thiếu đi thứ gia vị này. Âm nhạc có vai trò nuôi dưỡng tâm hồn các bạn trẻ. Bởi mọi tâm trạng buồn, vui đều được âm nhạc lột tả một cách chân thực, dễ cảm thụ nhất qua từng giai điệu. Một tâm hồn đang đau khổ có thể được thức tỉnh và chữa lành nhờ được nghe một tác phẩm âm nhạc.
Bên cạnh đó âm nhạc còn giúp các bạn trẻ nối kết với nhau. “Việc gắn kết con người với con người với nhau chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ khi mà công nghệ và internet phát triển mạnh mẽ. Có thêm sự góp mặt của âm nhạc càng làm cho mối quan hệ được mở rộng. Thông qua các câu lạc bộ, chương trình, sự kiện âm nhạc, các Fanpage mà bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi đam mê rồi trở nên thân thiết hơn.”[4]
Âm nhạc không chỉ nối kết các bạn trẻ với nhau mà làm cho các bạn trẻ giàu thêm nghị lực sống: Có nhiều bạn trẻ đã từng chia sẻ, âm nhạc đã giúp cho họ tìm lại được nghị lực trong cuộc sống, thoát ra khỏi những bế tắc mà tưởng chừng như không thoát ra được, như Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh, một đạo diễn trẻ công giáo, cũng đã từng chạm đến cái chết bởi cơn bệnh hiểm nghèo, sau khi được cứu sống anh đã viết quyển sách “Sự sống đáng giá bao nhiêu” cũng như lời bài hát “Sự sống đáng giá bao nhiêu” và được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phổ nhạc. Bài hát thật sự rất hay và đã chạm đến trái tim của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Có những bạn trẻ kể lại đã từng có ý định tìm đến cái chết vì quá căng thẳng mệt mỏi với cuộc sống nhưng khi nghe ca khúc “Sự sống đáng giá bao nhiêu” thì được thức tỉnh vượt qua và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn tràn đầy hy vọng hơn nên đã bỏ ý định tiêu cực. Như thế âm nhạc thực sự đã giúp các bạn trẻ có thêm nghị lực sống và vươn lên.
Bên cạnh đó âm nhạc đi vào tâm hồn các bạn trẻ và làm cho tâm hồn các bạn nhạy bén và giàu cảm xúc hơn. Có nhiều bạn trẻ đã từng nhận mình là con người khô khan cứng nhắc nhưng từ khi có thói quen tập nghe nhạc như các bạn cùng phòng thì sau một thời gian bạn trẻ đã nhận thấy sự thay đổi trong tâm hồn mình. Một con người khô cứng khó gần nay trở nên nhẹ nhàng tinh tế, sâu sắc và thân thiện nhạy bén hơn trước nhu cầu của bạn bè. Quả thực, theo các nhà khoa học chứng minh thì nếu biết nghe nhạc đúng cách, đúng phương pháp, lựa chọn âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, nghe nhạc ở mức âm lượng vừa đủ tránh ảnh hưởng tới sức khỏe thì âm nhạc sẽ mang lại cho bạn những điều hết sức kỳ diệu trong cuộc sống, những giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các bạn trẻ vươn tới một nhân cách toàn vẹn hơn.
Như thế âm nhạc thực sự đóng vai trò quan trọng đối với người trẻ hôm nay vì: “Nghệ thuật âm nhạc ngoài khả năng đem lại niềm vui, sự sảng khoái và nguồn nghị lực cho con người trong cuộc sống còn có tác dụng thức tỉnh tình cảm của họ qua những cung bậc hết sức tinh tế. Sức mạnh cảm hóa của âm nhạc tiến bộ lành mạnh sẽ giúp con người vươn tới một nhân cách toàn vẹn. Nói như Platon: “Người tràn ngập âm nhạc trong lòng mới có thể tràn ngập lòng yêu mến đối với những thứ đẹp đẽ nhất”.
Platon, triết gia Hy Lạp thế kỉ IV TCN nói: “Một thiếu nhi được giáo dục trong âm nhạc sẽ nhận ra cách chính xác những gì là bất toàn và thiếu sót trong các công trình của thiên nhiên và nghệ thuật. Em sẽ nhìn những gì không lương thiện với lòng khinh bỉ và gớm ghét. Âm nhạc giúp em mở rộng tâm hồn đón nhận những vẻ đẹp của cuộc đời, và lấy nó làm nuôi dưỡng tâm hồn mình”[5]. Âm nhạc có tác dụng giáo dục với người trẻ thế nào thì thánh nhạc cũng có một ảnh hưởng quan trọng trong việc giáo dục đức tin và ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người trẻ như vậy.
Tuy nhiên không tránh khỏi mặt trái của việc sử dụng âm nhạc: thực tế xã hội cho thấy sự phát triển nhanh chóng của nền âm nhạc hiện đại với sự tràn ngập của các ấn phẩm âm nhạc, sự phát triển của các dòng nhạc trên thị trường âm nhạc đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến não trạng và thị hiếu âm nhạc của người trẻ, chưa kể đến những tác động tiêu cực của phong cách âm nhạc thị trường. Người trẻ công giáo đứng giữa một thế giới âm nhạc đầy hỗn tạp với những ca từ không được chắt lọc, người trẻ dễ sa đà vào những giai điệu sôi động, những câu từ gây sốc và tạo trend hơn là những bài thánh ca. Với phong cách trẻ trung, năng động, người trẻ thích những gì sôi động, hấp dẫn. Chính vì thế mà người trẻ có vẻ xa lạ với Thánh nhạc. Nếu không thường xuyên đến nhà thờ và học hỏi giáo lý cách nghiêm túc cũng khó có thể phân biệt được đâu là Thánh nhạc đâu là âm nhạc mang âm hưởng công giáo. Khi hát Thánh ca trong phụng vụ nhiều bạn trẻ chưa hiểu được những quy luật của Thánh nhạc nên đưa vào phụng vụ những bài hát thiên về cảm xúc không phù hợp với nghi thức phụng vụ. Với người trẻ, Thánh nhạc rất lạ nhưng lại rất quen, rất cũ nhưng lại rất mới. Sở dĩ Thánh nhạc rất cũ, rất quen vì từ ngay từ thời thơ ấu trong môi trường sinh hoạt phụng vụ giáo xứ, những bài Thánh ca đã vang lên quen thuộc và để lại một dấu ấn trong tâm hồn thơ ấu thiêng liêng. Thánh nhạc rất lạ, rất mới vì mỗi bản nhạc khi hát lên ở những giai đoạn cuộc đời khác nhau lại mang đến trải nghiệm thiêng liêng khác nhau. Mặt khác, các phương tiện truyền thông một mặt nào đó giúp con người đến gần với Thánh nhạc nhất là qua việc tiếp xúc với những thánh ca truyền thống của Giáo hội mang âm điệu nhạc bình ca, người trẻ hiểu và cảm nhận được sâu hơn tính thánh thiêng của âm nhạc thánh.
Dù xu hướng chung của người trẻ thiên về những thể loại nhạc trẻ trung sôi động nhưng Thánh nhạc dù ít hay nhiều vẫn luôn có những tác động tích cực trên tâm hồn người trẻ. Trước hết Thánh nhạc đưa dẫn những người trẻ đi vào đời sống đức tin của Giáo hội, những bài Thánh ca trong Thánh lễ giúp người trẻ cùng với Giáo hội tuyên xưng niềm tin của mình, đi vào tâm tình thờ phượng Thiên Chúa và làm cho người trẻ ý thức sống cảm thức thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội. Mặt khác thánh nhạc xây dựng trong tâm hồn người trẻ những tâm tình tốt đẹp, những khát vọng, lí tưởng cao đẹp, lôi người trẻ ra khỏi vòng xoáy của một xã hội vô cảm, vị kỉ và hưởng thụ để sống cùng nhau, cho nhau và phục vụ lẫn nhau. Những bài Thánh ca vào đời được dùng trong những sinh hoạt chung của người trẻ mang lại một bầu khí của tình hiệp thông, tạo nên môi trường năng động tích cực lôi cuốn người trẻ hăng say tham gia vào sinh hoạt chung của giáo xứ, các hội đoàn: giới trẻ, sinh viên công giáo, các ca đoàn...
Thánh nhạc nâng tâm hồn người trẻ lên cùng Thiên Chúa khi những lời ca của Thánh nhạc chứa đựng những cung bậc cảm xúc đồng điệu với những tâm tình cảm xúc trong tâm hồn người trẻ, nhất là khi họ gặp những vấp ngã trong đời sống. Thánh nhạc là “liều thuốc tâm linh” nối kết, xoa dịu và chữa lành tâm hồn, đưa họ đến gần Thiên Chúa hơn mà ở đó họ có thể đi sâu hơn vào tương quan cá vị với Thiên Chúa để cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và thay đổi đời sống.
Có những ơn gọi dâng hiến được gợi lên từ chính những điệu hát cung đàn. Thánh nhạc khơi gợi lên trong tâm hồn người trẻ những khát vọng cao đẹp trong đó có khát vọng dâng hiến, người trẻ được mời gọi tiếp bước Chúa Kitô và những thế hệ đi trước trong ơn gọi làm linh mục và sống đời thánh hiến, quảng đại dấn thân trao ban chính mình để lo cho vinh danh Nước Chúa và phần rỗi các linh hồn.
Giữa một xã hội ồn ào với biết bao âm thanh hỗn tạp, thánh nhạc là thanh âm trong trẻo, thuần khiết và linh thánh làm cho đời sống người trẻ thêm phong phú, đưa họ vào đời sống của Giáo hội, đem người trẻ đến gần với Thiên Chúa hơn và giữ họ khỏi những lôi cuốn thế tục.
Trong cuộc thi Tiếng Hát Giáo Đường năm 2018 được tổ chức tại Tổng giáo phận Sài Gòn, ở tất cả các vòng thi, khán giả luôn chờ đợi sự xuất hiện của thí sinh mang SBD 005, bởi thí sinh này luôn mang đến nhiều điều bất ngờ cho khán giả với phong cách thể hiện độc đáo truyền cảm đầy nội lực và có hồn. Trong mọi ca khúc thể hiện ở các vòng thi, bạn trẻ đó luôn lột tả xuất sắc từng lời ca và sống hoàn toàn trong ca khúc như một lời cầu nguyện tha thiết dâng lên Chúa. Có những ca khúc khi giọng ca của bạn cất lên thì thấy trong khán phòng có nhiều người gạt nước mắt vì bạn hát rất hay, rất xúc động chạm đến trái tim của Ban Giám khảo cùng khán giả. Người ta thắc mắc sao tất cả các thí sinh xướng lên đều có tên thánh còn bạn trẻ này chỉ có họ và tên, và sau cùng bạn được giới thiệu là một người khác tôn giáo. Bạn đến với cuộc thi là do yêu thích hát Thánh ca và tuy chưa có đạo, nhưng thường hay đi lễ do được các bạn rủ đi và tham gia hát lễ cũng như các sinh hoạt trong nhóm Sinh viên công giáo, và điều kỳ diệu đã đến với bạn trong đêm chung kết là bạn đã trở thành Quán Quân của cuộc thi Tiếng Hát Giáo Đường 2018 và sau này bạn đã được rửa tội và gia nhập đạo thánh Chúa. Bạn chính là Trần Thị Mỹ Kim SBD 005. Khi kết quả đọc lên cả hội trường vỗ tay vang dội vì bạn thật xứng đáng vì tất cả các bài Thánh ca bạn hát đều như chính bạn đang cầu nguyện.
Có không ít các bạn trẻ tự nguyện xin gia nhập Giáo hội sau thời gian được tham gia tập hát, hát lễ cùng các bạn trẻ công giáo, chính nơi thánh lễ và trong lời ca tiếng hát của mình các bạn trẻ đã được Chúa biến đổi, cảm hóa và được ngài chiếm lấy để trở thành khí cụ của Chúa. Trong rất nhiều những sinh hoạt của các bạn trẻ nơi các giáo xứ, các bạn trẻ công giáo cũng luôn ý thức được vai trò của mình là lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh và ý thức sứ mạng của mình là giới thiệu Chúa đến với các bạn trẻ không cùng tôn giáo và cũng nhờ chính những buổi hát Thánh ca, những giờ cầu nguyện và phục vụ thánh lễ mà các bạn trẻ không cùng tôn giáo có cơ hội hiểu biết về Chúa hơn và biết được những việc làm tích cực của các bạn trẻ công giáo, rồi từ đó yêu mến Giáo hội và mong ước được gia nhập Giáo hội.
Việc giới thiệu Chúa cho mọi người bằng con đường Thánh ca có sức lan tỏa trong những năm gần đây của các bạn trẻ công giáo phải kể đến “Dàn Hợp Xướng Trẻ Công Giáo Hà Nội” trong cuộc thi Vietnam's Got Talent 2016. Các bạn đã giới thiệu Chúa cho mọi người bằng chính những lời ca thánh thiện du dương của mình qua các bài hợp xướng Latinh mang đậm chất nhạc bình ca, đây chính là loại hình Thánh ca giữ vị trí chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác trong các hoạt động phụng vụ và được Giáo hội đề cao: “Giáo hội nhìn nhận bình ca là gia sản riêng của phụng vụ Rôma: vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác[6]. Đã có rất nhiều khán giả khi xem các tiết mục biểu diễn của các bạn mới biết được Đạo Công giáo có một thể loại âm nhạc hay đến thế. Ca khúc du dương sâu lắng thanh thoát nhẹ nhàng cứ như đưa khán giả bước vào một cõi linh thánh. Một trong những tiết mục biểu diễn nhận được nhiều lời ca ngợi từ khán giả và nhận được Nút Vàng phải kể đến tác phẩm Thánh nhạc Benedictus được biểu diễn trong đêm Bán Kết với nút vàng của giám khảo Thanh Lam.
Sau cuộc thi Vietnam's Got Talent 2016, các bạn trẻ công giáo được biết đến nhiều hơn bởi hiệu ứng của công nghệ truyền thông với những bài Thánh ca của rất nhiều các nhóm sinh viên, của các ca đoàn giới trẻ trong các giáo xứ và cũng từ đó càng có nhiều bạn trẻ khác tôn giáo muốn được gia nhập các nhóm sinh viên công giáo để được tham gia vào các buổi sinh hoạt cộng đoàn như cầu nguyện, hát Thánh ca, hát lễ. Bởi các bạn đều cảm nhận được tham gia những nhóm hát Thánh ca thánh nhạc trên sẽ giúp cho đời sống của các bạn tốt lên rất nhiều.
Phải khẳng định rằng Thánh nhạc có ảnh hưởng tích cực trên đời sống không những của các bạn trẻ công giáo, mà còn cả các bạn trẻ đã một lần được nghe được hát Thánh nhạc. Cũng chính vì Thánh nhạc có ảnh hưởng tích cực trên đời sống các bạn trẻ trong xã hội hôm nay nên cần có một hướng mục vụ thánh nhạc sâu, rộng và thiết thực cho các bạn trẻ hôm nay.
Ý thức hơn về tầm quan trọng của Thánh nhạc đối với người trẻ, vậy phải làm thế nào để đưa Thánh ca đi vào đời sống của các bạn trẻ? Làm sao để nhạc thánh có sức ảnh hưởng trên phong thái của họ? Làm sao để bản nhạc họ muốn bất chợt hát lên là lời ca thánh. Thiết tưởng cần xem nhạc thánh là một khía cạnh mục vụ quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này. Từ đó mọi thành phần hữu trách của người trẻ, và Ban Thánh Nhạc có thể có những hướng đi mới, làm cho Thánh nhạc gần gũi với người trẻ và người trẻ song hành cùng Thánh nhạc.
Với những suy tư như vậy, xin mạo muội bày tỏ cái nhìn và những ước mong sau đây:
Đối với người Việt Nam, tuổi thơ của mỗi người gắn liền với lời hát ru, những câu ca, điệu hò. Những giai điệu ngọt ngào ấy in sâu vào trí lòng, làm nên một ký ức tuổi thơ êm đềm, trong sáng.
Vậy làm thế nào để một người trẻ công giáo được nuôi dưỡng từ tuổi thơ bằng những ca từ và giai điệu Thánh ca linh thiêng, thánh thiện? Trong các gia đình công giáo Việt Nam, nhiều bài Thánh ca đã nằm lòng và trở thành những lời cầu nguyện chân thành quen thuộc. Thật tốt đẹp nếu mỗi người trẻ được nuôi dưỡng từ các giờ kinh chung trong gia đình với những bài thánh ca gần gũi quen thuộc ấy
Những CD Thánh ca được mở thường xuyên trên trong gia đình cũng tạo nên bầu khí thánh thiêng và là cách để những bài Thánh ca được đi vào lòng các bạn trẻ ngay cả khi vô thức.
Gia đình cũng cần khích lệ con em tham gia các hoạt động của giới trẻ trong giáo xứ, tham dự thánh lễ và các sinh hoạt trong xứ đạo của mình.
Nhận thấy ảnh hưởng của âm nhạc đối với người trẻ là một thuận lợi để đưa Thánh ca vào tâm hồn người trẻ. Vì thế:
- trước hết, cần lưu tâm cách đặc biệt hơn tới người trẻ, mời gọi, khích lệ và tạo cơ hội để họ phát huy hết sức trẻ, phục vụ trong những sinh hoạt của giáo phận, giáo xứ;
- tổ chức những buổi tọa đàm trò chuyện hoặc giải thích về Thánh nhạc dành cho người trẻ;
- có những chỉ dẫn cụ thể về Thánh nhạc cho các bạn trẻ là ca trưởng phụ trách các ca đoàn giới trẻ trong các giáo xứ,
- tổ chức định kỳ ngày hội Thánh nhạc cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận.
Giáo xứ là môi trường thuận lợi nhất để đưa người trẻ đến gần với nhạc Thánh ca. Người trẻ vốn dễ bị thu hút bởi âm nhạc, nên việc tạo những sân chơi âm nhạc tại giáo xứ để quy tụ người trẻ là bước khởi đầu không nhỏ để hướng tới mục vụ Thánh nhạc cho người trẻ. Tại các giáo xứ thành phố nơi có nhiều bạn trẻ đến học tập và làm việc thì việc quy tụ người trẻ thông qua những sinh hoạt chung mang tính cộng đoàn lại càng cần thiết, vì trong bối cảnh xa quê, người trẻ có nguy cơ xa rời môi trường giáo xứ, xa lạ với các hoạt động tôn giáo và tất nhiên cũng có nguy cơ xa lạ với thánh nhạc.
Việc thành lập các ca đoàn giới trẻ, mở các lớp học đàn, nhạc lý cho người trẻ, khích lệ và tạo những cơ hội cho người trẻ tham dự vào các nhiệm vụ trong giáo xứ liên quan đến thánh nhạc như: hát lễ hằng tuần, trong tháng... các buổi cầu nguyện hát thánh ca... là những cách thế đã và nên được các vị mục tử quan tâm.
Ngoài những website Thánh ca việt Nam, những Album Thánh ca, hiện nay, còn có những chương trình hát Thánh vịnh hằng tuần, với hình thức khá mới mẻ với sự đóng góp của người trẻ. Cần đẩy mạnh và cổ võ sử dụng thánh ca trên truyền thông. Tìm những phương thế mới phù hợp để người trẻ dễ tiếp nhận và tương tác.
Có nên chăng việc đặt tên cho những Album thánh ca bằng những tên mang tính phổ quát hơn, có thể trở thành nhu cầu tìm kiếm của con người bất cứ họ là ai như: Những bản nhạc mang lại bình an, thư thái cho tâm hồn; Những lời ca chữa lành vết thương; Những giai điệu thánh giúp bạn sống cao thượng... Đây có thể là cơ hội để những bạn trẻ công giáo gặp được nguồn suối mát, nâng đỡ đức tin của họ trong khi một cách nào đó họ chưa hiểu về thánh ca và có những lấn cấn về truyền thống hay ý niệm về sự giáo điều. Không chỉ người trẻ công giáo mà ai đang tìm kiếm một điều gì đó trong cuộc sống cũng có thể gặp được vì âm nhạc vốn có sức cảm hóa. Thánh ca càng có sức mạnh chạm tới lòng người hơn.
“Âm nhạc gắn liền với mọi khoảnh khắc đời người, từ khi mới sinh ra cho đến khi giã từ cuộc sống. Âm nhạc cũng là hơi thở của cuộc sống, cần thiết cho cuộc sống như không khí mang sự sống của mỗi người. Chính vì vậy, âm nhạc có mặt ở khắp nơi và có ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống con người.”[7]
Xin mượn ý nghĩa của trích đoạn trên để nói đến Thánh ca trong đời sống của người trẻ. Một sự so sánh tuy hơi khập khiễng nhưng cũng phần nào diễn tả được vai trò quan trọng của thánh ca trong đời sống của người Kitô hữu. Từ đó có thể nói được rằng người trẻ công giáo nếu không gắn liền với Thánh ca thì đức tin như khô cằn, tẻ nhạt, thiếu sức sống. Những lời cầu nguyện từ thâm sâu nhất của cõi lòng, những khát khao mãnh liệt nhất của phận người... như những tâm tình nguyện ước của con người được diễn tả qua thánh nhạc hướng về Thiên Chúa là nguồn cội và cùng đích của cuộc đời. Thánh ca vốn gắn liền với đời sống đức tin của người tín hữu. Người trẻ cũng cần được nuôi dưỡng, củng cố và bày tỏ đức tin, sống đức cậy và đức mến nơi kho tàng thánh ca này.
Nói tới Thánh nhạc là nói tới một lãnh vực rộng lớn. Một vài điểm trên đây chỉ là những suy tư cá nhân được gợi lên trong bối cảnh đại dịch Covid 19.
Đại dịch, đóng cửa nhà thờ, các cử hành phụng vụ bị ngưng. đã bao lâu bạn chưa nghe lời hát Thánh ca vang lên trong sự ấm cúng an bình? Phải chăng đây là cơ hội dừng lại để ý thức sâu xa về việc thông hiệp với Thiên Chúa qua các cử hành phụng vụ thánh và đặc biệt các bài Thánh ca.
Trong bối cảnh bị ly cách bởi đại dịch, Thánh nhạc cũng là mạng lưới liên kết tâm hồn các bạn trẻ với Thiên Chúa, và làm rung lên những cung bậc của yêu thương và niềm vui. Tuổi trẻ vốn gắn liền với ước mơ và khát vọng. Hãy để cho những giai điệu linh thiêng, thánh thiện của nhạc thánh nâng bạn trẻ lên cao, đưa bạn trẻ đi xa trong khát vọng sống cao thượng, sống tròn đầy ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Hãy để những lời Thánh ca ru lại tuổi thơ và làm đẹp cho tuổi xuân của bạn. Người trẻ, bạn muốn múa nhảy ư? Theo nhịp Thánh ca, không chỉ đôi chân mà cả con tim bạn cũng nhảy múa. Môi bạn cứ thử cất lên bài Thánh ca đi, bạn sẽ cảm nếm.
Lm. Phanxicô Xaviê Trần Truyền Giáo
Tổng Giáo phận Hà Nội
----------------------
Tài liệu tham khảo thêm:
- HĐGMVN ủy ban Thánh nhạc - Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc - 4/2017
- http://ttmucvusaigon.org/hoc-vien-muc-vu/thanh-nhac/thanh- nhac-ho-tro-ho-phung-vu-va-phuc-vu-dan-chua/
- https://vietthuong.vn/vi-tri-cua-am-nhac-doi-voi-doi-song-con- nguoi
- calendi.com/thanhnhac/HoiDapThanhNhac
- https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/ds/strcats/110/sw/a
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)
[1] Đức thánh Giáo hoàng Piô X, Tự sắc “Tra le Sollecitudini” (Quy luật về thánh nhạc), số 1.
[2] Đức thánh Giáo hoàng Piô X, Tự sắc “Tra le Sollecitudini” (Quy luật về thánh nhạc), số 1.
[3] https://vietthuongshop.vn/tai-sao-am-nhac-dong-vai-tro-quan- trong-trong-cuoc-song-cua-con-nguoi
[4] https://mp3motivators.com/vai-tro-cua-am-nhac-doi-voi-gioi- tre-hien-nay/
[5] Trích trong tập sách: “Nền Cộng Hòa”, số 401e
[6] CĐ VATICAN II, Hiến Chế Phụng Vụ số 116
[7] https://vietthuong.vn/vi-tri-cua-am-nhac-doi-voi-doi-song-con-nguoi