Ngày nay, trên thế giới vẫn có rất nhiều sự việc được loan truyền là Đức Mẹ hiện ra và trong đó có những nơi có thể gieo rắc những sứ điệp tiêu cực, trái ngược với sứ điệp của Phúc Âm. Mẹ Maria là người đem lại hòa bình, Mẹ đến để hướng dẫn chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, Mẹ hiến dâng con Mẹ để cứu độ người tội lỗi. Theo cha Stefano Cecchin, chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học, có những tiêu chí để thiết lập tính trung thực của những lần Đức Mẹ hiện ra và tính xác thực của chúng.

 

Đền thánh Đức Mẹ Fatima, nơi Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ mục đồng

Ngày 15/4/2023, Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học ở Roma đã chính thức thành lập một uỷ ban để nghiên cứu và theo dõi các trường hợp được cho là Đức Mẹ hiện ra và các hiện tượng thần bí khác nhưng chưa được Giáo hội công nhận tính xác thực.” (Vatican News 21/04/2023)

Giáo hội xác nhận tính xác thực của các lần Đức Mẹ hiện ra

Thật ra, các sự việc được cho là Đức Mẹ hiện ra đã có từ những thế kỷ đầu trong lịch sử Giáo hội. Tin tức đầu tiên được lịch sử xác nhận về một cuộc hiện ra của Đức Mẹ bắt nguồn từ Thánh Gregorio thành Nissa (335 392); ngài đã kể về thị kiến ​​của một giám mục Hy Lạp, Đức cha Gregorio thành Taumaturgô, nhìn thấy Đức Mẹ vào năm 231. Một trong những chuyên gia về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra là viện phụ René Laurentin, trong tác phẩm “Tự điển về các lần hiện ra của Đức Trinh nữ Maria”, được xuất bản tại Ý vào năm 2010, đã thu thập hơn 2.000 sự kiện lạ thường về Đức Mẹ từ thời đầu Kitô giáo cho đến ngày nay. Trong số này, chỉ có khoảng 15 sự kiện được Giáo hội chính thức nhìn nhận là những lần Đức Mẹ hiện ra, nghĩa là Giáo hội đã ban các sắc lệnh nhìn nhận các sự kiện này. Điều này không có nghĩa là tất cả những trường hợp khác đều bị Giáo hội phủ nhận tính xác thực.

Quy tắc do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành năm 1978

Nhà nghiên cứu về thánh mẫu học Antonino Grasso, giáo sư tại Viện Khoa học Tôn giáo Cao cấp ở Catania, tác giả của cuốn sách “Tại sao Đức Mẹ hiện ra? Để hiểu các cuộc hiện ra của Đức Mẹ,” được xuất bản năm 2012, giải thích: “Theo các quy tắc do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành năm 1978, Giáo hội ủy quyền cho Giám mục kiểm tra các sự kiện, với một phân tích chính xác được giao cho một ủy ban gồm các chuyên gia, sau đó, Đấng bản quyền giáo phận là người tuyên bố. Tùy thuộc vào tính chất đặc biệt của cuộc hiện ra và ‘ảnh hưởng’ của nó, một Hội đồng Giám mục hoặc Tòa Thánh cũng có thể trực tiếp giải quyết sự việc”. Sau khi kiểm tra phân tích, có thể có ba phán đoán được đưa ra: không được công nhận, ‘chờ xem’ và chấp nhận.

Những lần Đức Mẹ hiện ra được công nhận dù không có sắc lệnh

Chuyên gia Thánh Mẫu học này cũng nhắc lại khả năng xảy ra một tình huống “trung gian”, trong đó một Giám mục không chính thức tuyên bố về các cuộc hiện ra nhưng công nhận “sự tốt lành” của lòng sùng kính xuất phát từ những sự việc này và cho phép thờ phượng. Cuối cùng, cũng có hai lần hiện ra đã được công nhận trên thực tế. Thứ nhất là cuộc hiện ra ở Guadalupe ở Mexico. Không có sắc lệnh chính thức, nhưng vị giám mục lúc bấy giờ đã xây dựng một nhà nguyện nơi ngài đã cầu xin Đức Trinh Nữ và thị nhân ​​Juan Diego đã được phong thánh. Sau đó là trường hợp của Thánh Catarina Labouré ở Paris: chỉ có một lá thư mục vụ từ giám mục cho phép sử dụng ảnh phép lạ, chứ không phải sắc lệnh của ngài. (Avvenire 31/07/2015)

“Uỷ ban quan sát” về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ 

Ngày nay, trên thế giới vẫn có rất nhiều sự việc được loan truyền là Đức Mẹ hiện ra và trong đó có những nơi có thể gieo rắc những sứ điệp tiêu cực, trái ngược với sứ điệp của Phúc Âm. Hồi tháng 4 năm nay, trong một thông cáo báo chí về việc thành lập “Uỷ ban quan sát” các sự việc Đức Mẹ hiện ra, cha Stefano Cecchin là chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học, nơi đã thành lập “Uỷ ban quan sát” về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các hiện tượng thần bí trên thế giới (OISA), nói rằng “Điều quan trọng là phải cung cấp sự rõ ràng, vì các thông điệp thường tạo ra sự nhầm lẫn, lan truyền các viễn cảnh về ngày tận thế gây lo lắng hoặc thậm chí là các cáo buộc chống lại Đức Giáo hoàng và Giáo hội.”

Cha đặt câu hỏi: “Làm sao Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, mẹ của lòng thương xót và là Nữ Vương hòa bình, lại có thể làm suy yếu sự toàn vẹn của (Giáo hội) hoặc gieo rắc sợ hãi và xung đột?” Do đó, theo cha, mục đích của “Uỷ ban quan sát” là “cung cấp sự hỗ trợ cụ thể cho việc nghiên cứu, xác thực và tiết lộ chính xác những sự kiện như vậy, luôn phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, các cơ quan hữu trách và các quy tắc hiện hành của Tòa Thánh.” Uỷ ban sẽ chuyên về các trường hợp như các lần được cho là Đức Mẹ hiện ra, các tượng Đức Mẹ “khóc”, các mặc khải tư và các dấu thánh.

“Uỷ ban quan sát” sẽ bao gồm các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, bao gồm một luật sư chuyên bảo vệ những người dễ bị tội phạm thao túng, gian lận hoặc lừa dối.

Cha Cecchin cho biết cơ quan này sẽ thành lập các ủy ban ở cấp quốc gia và quốc tế để “đánh giá và nghiên cứu các cuộc hiện ra và các hiện tượng thần bí được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới” và để thúc đẩy các cơ hội giúp mọi người cập nhật và giáo dục về các sự kiện cũng như “ý nghĩa thiêng liêng và văn hóa” của chúng. Các ủy ban địa phương cũng sẽ giúp Giáo hội địa phương và các giám mục trong vai trò cố vấn và cung cấp thông tin chính xác.

Cha Cecchin đề cập đến sự việc xảy ra ở Trevignano Romano ở Ý, nơi Đức Mẹ được cho là hiện ra vào các ngày thứ ba của mỗi tháng cho một người được cho là thị nhân, nghĩa là người được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra. Để nghiên cứu kỹ hiện tượng này, Đức cha Marco Salvi, Giám mục của Civita Castellana, đã thành lập một ủy ban, đồng thời khuyên không nên tham gia các cuộc tụ họp hàng tháng. Và Cha Cecchin giải thích: “Nhưng chúng tôi không liên quan gì đến hiện tượng này. Chúng tôi là một tổ chức liên ngành, nghiên cứu, thu thập tài liệu và cung cấp tài liệu đó cho việc đào tạo những người thuộc các ủy ban địa phương này. Nó giống như những gì xảy ra trong các trường đại học y khoa: phân khoa thì giảng dạy nhưng chính bệnh viện cung cấp các phương pháp điều trị. Chúng tôi là phân khoa, giáo phận là bệnh viện.”

Chỉ riêng ở Ý, hiện có khoảng một trăm trường hợp Đức Mẹ tỏ mình và hiện ra đang diễn ra. Cha Cecchin giải thích: “Chúng tôi làm việc để giúp mọi người có nhận thức phê bình về những hiện tượng này, để biết cách tự bảo vệ mình khỏi những kẻ muốn thao túng đức tin của họ.”

Mối nguy lợi dụng thao túng các tín hữu

Theo cha Cecchin, trên thực tế, nguy cơ có những người lợi dụng việc Đức Mẹ hiện ra để thao túng các tín hữu là điều rất cụ thể. “Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, chúng ta phải đối mặt với những hiện tượng thần bí trên thế giới, đề cập đến những chủ đề không liên quan chặt chẽ đến sứ điệp Tin Mừng, là lời loan báo niềm vui, là nhận ra Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh con của Người.”

Thật vậy, người ta chờ đợi những cuộc hiện ra của Đức Mẹ sẽ giải quyết những chủ đề “thánh thiêng”. Cha Cecchin nói: “Theo nghĩa này, chúng tôi cố gắng phân tích mọi thứ một cách hợp lý, bắt đầu từ những gì Tin Mừng dạy. Và do đó, chúng tôi nghiên cứu những gì được nói trong những lần hiện ra này, đâu là những trò chơi chính trị hoặc kinh tế có thể ẩn sau những dạng hiện tượng này.”

“Câu hỏi đặt ra là: những hiện tượng này vì lợi ích chung hay vì lợi ích của nhóm hay cá nhân? Và một lần nữa: tại sao ngày nay người ta muốn đặt Đức Giáo hoàng, Giáo hội, các tổ chức dân sự vào cuộc khủng hoảng? Mẹ Maria là người đem lại hòa bình, Mẹ đến để hướng dẫn chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa vì Chúa yêu thương chúng ta, Mẹ hiến dâng con Mẹ cho những người tội lỗi, chứ không phải để trừng phạt thế gian.”

Hai tiêu chí để xác định tính trung thực

Về vấn đề này, cha Cecchin cho biết có những tiêu chí để thiết lập tính trung thực của những lần Đức Mẹ hiện ra và tính xác thực của chúng.

Lời Chúa

“Điều đầu tiên, điều nền tảng, là Lời Chúa. Không sứ điệp nào trong những sự việc được gọi là những cuộc hiện ra riêng tư được trái ngược với sự mặc khải chứa đựng trong Kinh Thánh, trong Sách Thánh. Như chúng ta có thể hiểu, quay trở lại công việc của ‘Đài quan sát’, vai trò của học giả Kinh Thánh là cơ bản.”

Sự khiêm tốn của thị nhân

Một yếu tố khác của việc đánh giá liên quan đến người nhận được các sứ điệp. Cha Cecchin giải thích: “Con người của thị nhân phải là một người vô cùng khiêm tốn. Kinh Magnificat đọc: ‘Chúa đã đoái đến phận nữ tỳ khiêm nhường của Người’. Tôi nhận ra rằng có những thị nhân ​​hiện đại cần luật sư như thế nào. Nếu tôi có đức tin, nếu Mẹ Maria thực sự hiện ra với tôi, thì tôi không cần phải có chính quyền dân sự để bảo vệ tôi.”

Và phải nói rằng trong quá khứ chắc chắn không thiếu sự tương phản về số liệu của các thị nhân. “Nhưng trong lịch sử của những cuộc hiện ra và các hiện tượng thần bí, những người đã nhận được những món quà này chưa bao giờ chống lại Giáo hội. Đức Mẹ không đến để tán gẫu hay nói chống lại Đức Giáo Hoàng và Giám mục nhưng để hướng dẫn tôi đi theo Chúa Giêsu: hãy làm những gì Người nói, như Mẹ yêu cầu tại Tiệc Cưới Cana.”

Chúa Kitô là trung tâm

Nói tóm lại, thật vô nghĩa nếu chỉ chiêm ngắm Đức Mẹ. “Như chúng ta đã nói, Mẹ Maria luôn dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu; nếu tất cả hoàn tất nơi Mẹ, chúng ta đang thờ ngẫu tượng.” “Trong ảnh icona Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội của dòng Phanxicô, Mẹ Maria bồng Chúa Hài Nhi trên tay và chân đặt lên con rắn nhưng chính Hài Nhi đã nghiền nát nó bằng ngọn giáo hình chữ thập. Chúa Kitô là trung tâm.”

Các trình bày sứ điệp

Cha Cecchin giải thích thêm: Nếu như trọng tâm của Sứ điệp không thay đổi, thì phong cách mà nó được trình bày sẽ được thích nghi với thời đại. “Trong những lần hiện ra, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa nhìn vào nhu cầu của thời đại, não trạng, văn hóa hiện tại. Ví dụ, trong quá khứ, nổi bật là sự sợ hãi Chúa và sự trừng phạt của Người.”

Tuy nhiên, trọng tâm của Tin Mừng không phải là nỗi kinh hoàng của hỏa ngục. “Sứ điệp Tin Mừng trước hết là một lời loan báo niềm vui. Thiên thần nói với Mẹ Maria, ‘hãy vui mừng.’”

Sứ điệp Tin Mừng trước hết là một lời loan báo niềm vui

Vẫn cần phải hiểu tại sao chúng ta cần vui mừng. “Vì Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và hiến dâng con mình cho mọi người dù họ là kẻ tội lỗi.” Nói tóm lại, không phải là một hình ảnh sợ hãi. “Vấn đề là ma quỷ muốn chia rẽ Giáo hội. Và để đạt được điều này, nó cũng sử dụng các mặc khải giả tạo.”

Sự hỗ trợ của “Uỷ ban quan sát” 

Từ đó, cha Cecchin xác định rằng “Uỷ ban quan sát” được thành lập chính là để nhận ra các cuộc hiện ra thật hay giả. “Chính vì lý do này mà phương pháp tiếp cận này mang tính đa ngành, nó sử dụng các kỹ năng khác nhau và được chấp nhận, và có trình độ với tính khoa học cao.”

“Chúng tôi muốn trở thành một công cụ thông tin và đào tạo, không hề mong muốn thay thế các ủy ban giáo phận, mà ngược lại bằng cách hỗ trợ họ. Lý tưởng là trong mỗi Giáo hội địa phương đều có một nơi, một môi trường mà một nhóm người liên ngành, từ bác sĩ đến bác sĩ tâm thần, luật gia, v.v. có thể là điểm quy chiếu để phân định hồng ân thiêng liêng mà Thiên Chúa ban cho con người. Sau đó, tôi xin nhắc lại, việc thu thập tài liệu về các trường hợp cụ thể sẽ tùy thuộc vào Giám mục và Ủy ban giáo phận cho đến khi công bố tài liệu cuối cùng.”

“Nhiều chuyên ngành cùng nhau ủng hộ một cách tiếp cận hoàn chỉnh và do đó an toàn hơn. ‘Chúng tôi hoạt động để giúp những người đặc biệt mong manh có lương tâm phê bình, biết cách tự bảo vệ mình trước những gian dối, lừa đảo của những kẻ muốn lợi dụng những khó khăn về kinh tế, tinh thần, vật chất để thao túng họ. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn một ngôi nhà chung được tạo ra nơi mọi người tự chủ, độc lập, không bị điều kiện hóa.’ Trong việc tìm kiếm sự thật, con đường duy nhất, ngay cả trong lĩnh vực hiện ra, có khả năng giải thoát chúng ta.” (Avvenire 17/06/2023).

Hồng Thủy - Vatican News

20 tháng sáu 2023, 13:21

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch