Năm 2006, Shinya Yamanaka của ĐH Kyoto thực hiện một khám phá đáng chú ý. Ông thấy rằng khi chích các gien (genes) thuộc bộ bốn prôtêin vào các tế bào da của chuột, thì các tế bào này được tái thảo chương thành các tế bào rất giống với các tế bào gốc của phôi thai. Một năm sau, Bác Sĩ Yamanaka chứng minh được rằng cũng chính bốn yếu tố trên đã thực hiện được việc tái thảo chương các tế bào da của con người. Được biết dưới danh xưng các tế bào gốc đa năng được cảm ứng (induced pluripotent stem cells), các tế bào gốc mới này đã cách mạng hóa lãnh vực tế bào gốc trong sinh học.
Thực thế, đầu năm 2010, Tạp chí Nature Methods đã tuyên dương diễn trình tạo ra các tế bào gốc đa năng được cảm ứng là “Phương pháp của năm”, nhờ các hứa hẹn do các tế bào này đem lại cho ngành y khoa tái tạo (regenerative medicine) cũng như cho việc khám phá và phát triển các thứ thuốc. Vì nhìn nhận tiềm năng sinh y học của chúng, nên nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu đã tham gia chương trình tế bào gốc đa năng được cảm ứng này. Nhưng thực ra, các tế bào gốc đa năng này còn hứa hẹn nhiều điều hơn là cuộc đột phá sinh y học này. Vì có thể thay thế được tế bào gốc phôi thai, nên chúng có thể ‘gọn gàng’ gác qua một bên thế lưỡng nan đạo đức học từng đe dọa không cho lãnh vực nghiên cứu quan trọng này tiến bước. Nhờ ưu thế về đạo đức học này, không những các nhà khoa học mà cả các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo cũng hoan hô các khả thể nó cung hiến. Như thế, cả hai phía trong cuộc tranh luận gay gắt có tính lịch sử về tế bào gốc sẽ cùng ủng hộ kỹ thuật mới về nghiên cứu tế bào gốc đa năng.
Ấy thế nhưng chẳng may, vẫn còn một vấn đề đạo đức phụ thuộc: các tế bào gốc đa năng được cảm ứng này vẫn còn cần được thí nghiệm và chứng thực bằng cách sử dụng các tế bào gốc của phôi thai, ít nhất cũng trong giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu. Trong buổi giao thời có tính quá độ này, cuộc đối thoại có tính xây dựng giữa hai phía của cuộc tranh luận trên là điều sinh tử nếu ta muốn bước qua thời đại mới một cách nhanh chóng và hợp đạo đức, trong đó, các tế bào gốc của phôi thai không còn cần thiết cho việc nghiên cứu nữa.
Ưu thế đạo đức học
Ít nhất,ũng có ba ưu thế mạnh mẽ về đạo đức học trong việc theo đuổi kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng. Thứ nhất và trên hết, việc sản xuất ra các tế bào gốc này không bao hàm việc hủy diệt các phôi thai nhân bản. Đúng hơn, diễn trình tái thảo chương dùng để tạo ra các tế bào gốc đa năng được cảm ứng chỉ bao hàm việc tái chuyển hóa các thể bào (conversion of somatic cell), nghĩa là tái chuyển hóa các tế bào đã phát triển thành một phần đặc thù trong cơ thể rồi, như tế bào da chẳng hạn, trở lại trạng thái tế bào gốc có thể uốn nắn được để chúng phát triển thành các phần khác trong cơ thể. Việc này tương phản với việc cô lập hóa các tế bào gốc của phôi thai, là các tế bào vốn rút ra từ khối nội bào của phôi thai, tức khối nội bào được việc thụ tinh trong ống nghiệm tạo ra, để rồi sau đó giết chết chính phôi thai ấy.
Điều trên dẫn tới ưu thế đạo đức học thứ hai của các tế bào gốc đa năng được cảm ứng. Vì không có việc thụ thai trong ống nghiệm, nên trứng của người đàn bà không cần đến, và mọi vấn đề đạo đức học liên quan tới việc sản xuất và sử dụng trứng để nghiên cứu về tế bào gốc cũng như liên quan tới việc thụ tinh trong ống nghiệm, đều tránh được. Ưu thế thứ ba có quan hệ tới việc vốn được gọi là sinh vô tính để trị bệnh (therapeutic cloning), là việc chuyển dịch nhân của thể bào vào trong một trứng đã lấy nhân đi. Lý lẽ nguyên thủy bào chữa cho việc sinh vô tính để trị bệnh là nó giúp người ta có thể thực hiện được việc sản xuất ra các tế bào gốc có thể xứng hợp về di truyền học (và cả miễn dịch học nữa) với người hiến nhân của thể bào. Việc xứng hợp này không thể có được với lối dùng tế bào gốc của phôi thai vì các tế bào này lấy từ một cá nhân khác hẳn, tức từ phôi thai chứa chúng. Còn các tế bào gốc đa năng được cảm ứng thì vốn đã xứng hợp rồi vì nó được lấy từ chính bệnh nhân, như lấy từ các tế bào da bằng thủ tục sinh thiết (biopsy) chẳng hạn. Điều này khiến cho việc sinh vô tính không còn cần thiết nữa. Như thế, vệc sử dụng các tế bào gốc đa năng được cảm ứng tránh được các lưỡng nan đạo đức học có liên quan tới tế bào gốc phôi thai. Các phôi thai sẽ không còn bị tiêu diệt; việc thụ tinh trong ống nghiệm cũng không còn cần nữa; và việc sinh vô tính để chữa bệnh cũng thế, không ai cần đến ưu thế của nó nữa.
Hứa hẹn cho y khoa
Điều làm cho tế bào gốc phôi thai và tế bào gốc đa năng được cảm ứng trở thành các phương thế ưu hạng cho việc nghiên cứu sinh y học là điều gì? Không giống như các tế bào của cơ thể người trưởng thành, các tế bào gốc của phôi thai và các tế bào gốc đa năng được cảm ứng có khả năng vừa có thể tiếp tục phát triển mãi mãi khi được cấy vừa có thể biến đổi (morph) thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể (tính đa năng), khi gặp một tín hiệu thích hợp nào đó. Điều này có nghĩa là các tế bào gốc của phôi thai hay tế bào gốc đa năng được cảm ứng có thể được kích thích để trở thành các loại tế bào chuyên biệt, được khuếch đại khi cấy rồi sau đó được cấy trở lại để chữa bệnh, như chữa thương tích ở cột sống, bệnh Alzheimer hay chứng tiểu đường của trẻ em.
Bất cứ tế bào gốc đa năng nào, không kể loại, cũng có tiềm năng được dùng trong phương pháp trị liệu bằng cách ghép tế bào. Giống như tế bào gốc của phôi thai, người ta đã chứng minh được rằng các tế bào gốc đa năng được cảm ứng có khả năng dị biệt hóa để trở thành đủ loại các loại tế bào khác. Vì khả năng vô hạn trong việc cung cấp đủ loại tế bào (gan, thận, tim) lấy từ nhiều hậu cảnh di truyền khác nhau, nên không những các tế bào này giúp cho việc trị liệu bằng cách ghép tế bào có thể thực hiện được, mà chúng còn làm dễ diễn trình thanh lọc và phát triển các loại thuốc mới. Đàng khác, không giống như các tế bào gốc của phôi thai, các tế bào gốc đa năng được cảm ứng còn có thể được dùng cho các cuộc nghiên cứu “bệnh tình trên đĩa”, nghĩa là chúng có thể dùng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu việc tiến triển của bệnh. Trong các cuộc thí nghiệm này, các tế bào gốc đa năng được cảm ứng được lấy từ các thể bào của một bệnh nhân đang mắc chứng bệnh đặc thù. Một số bệnh, như Lou Gehrig, Parkinson, chứng teo cơ bắp cột sống, chứng thiếu máu vùng biển (thalassemia) và chứng loạn chức năng tự trị gia đình (familial dysautonomia), đã được nghiên cứu cách này.
Phần lớn những điều chúng ta biết về tế bào gốc đa năng được cảm ứng là do các cuộc nghiên cứu song song trên chuột. Một trong các thử nghiệm nghiêm nhặt nhất để chứng minh tính đa năng liên quan tới việc sinh sản chuột bằng diễn trình gọi là tứ bội bổ túc hóa (bổ túc hóa theo lối nhân bốn, tetraploid complementation [1]). Ở đây, bào thai được trực tiếp sản xuất ra từ các tế bào gốc đa năng đã được cảm ứng. Nếu con chuột được tạo ra sống thoát và tốt giống (fertile), thì đây là bằng chứng cho thấy các tế bào phát sinh ra con chuột này quả có tính đa năng trọn vẹn. Gần đây, các tế bào gốc đa năng được cảm ứng lấy từ chuột đã chứng tỏ được là có khả năng vượt qua được cuộc thử nghiệm nghiêm nhặt nhất, đủ thấy các tế bào loại này cũng tương đương như các tế bào gốc của phôi thai, ít nhất là nơi chuột.
Nhưng diễn trình bổ túc hóa theo lối nhân bốn không thể thực hiện được nơi con người vì cá nhân được sản xuất ra chỉ là một cá thể vô tính (clone), một hữu thể chưa có tính đạo đức học (an ethical nonstarter). Thành thử thay vào đó, trong các tìm tòi nghiên cứu về người, thì tính đa năng chỉ có thể được thử nghiệm bằng cách thực hiện các so sánh chi tiết có tính phân tử vốn dùng để thăm dò tính tương đương về chức năng giữa các tế bào gốc đa năng được cảm ứng và các tế bào gốc cùng loại của phôi thai. Việc sử dụng các tế bào gốc của phôi thai trong các cuộc so sánh này dĩ nhiên đã gây ra các nan đề đạo đức học còn sót lại đã được nhắc tới trên đây.
Tuy nhiên, những cuộc so sánh vừa nói hết sức chủ yếu đối với sự tiến bộ của khoa sinh y học. Cho đến nay, các cuộc so sánh này đã cho thấy: các tế bào gốc đa năng được cảm ứng đang có sẵn hiện nay không hoàn toàn giống như các tế bào gốc của phôi thai. Khám phá này tuy có làm ta thất vọng nhưng không bất ngờ. Thực vậy, làm sao Bác Sĩ Yamanaka có thể thành công trong việc pha chế một cách đúng đắn các yếu tố tái thảo chương này ngay từ lúc đầu được? Ai cũng nghĩ rằng một cải tiến nào đó cần phải thực hiện đối với thủ tục đầu tiên. Nhờ tận tình chú mục vào công việc, các nhà nghiên cứu hiện đang có được nhiều chỉ dẫn cho thấy những cải tiến này nên như thế nào. May mắn một điều, hiện nay rất có thể có cách thoát được vấn nạn đạo đức học mà các cuộc so sánh của phòng thí nghiệm đang gặp phải.
Cuộc chủng ngừa hợp đạo đức
Trong huấn thị “Dignitas Personae” (Phẩm Giá Con Người), công bố hồi tháng 12 năm 2008, Vatican có cân nhắc một số vấn đề đạo đức sinh học, trong đó có việc thụ tinh trong ống nghiệm, chẩn đoán di truyền trước khi ghép (preimplantation genetic diagnosis), trị liệu gien, sinh vô tính và tế bào gốc. Một vấn đề không được huấn thị nói tới chính là kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng. Bất chấp sự im lặng này, “Dignitas Personae” vẫn chứa một khuôn khổ cho một giải pháp đạo đức trong việc sử dụng tế bào gốc phôi thai để chứng thực cho các tế bào gốc đa năng được cảm ứng. Trong phần tựa là “Việc sử dụng các ‘chất liệu nhân bản’ có nguồn gốc bất chính”, liên quan tới việc sử dụng các thuốc chủng ngừa lấy từ các tuyến tế bào của các thai nhi bị phá trước đây, tài liệu của Vatican này viết: “nguy cơ đối với sức khỏe con cái có thể cho phép cha mẹ được sử dụng một thứ thuốc chủng ngừa từng được khai triển bằng cách sử dụng các tuyến tế bào có nguồn gốc bất chính, nhưng phải nhớ rằng mọi người đều có bổn phận phải nói rõ sự bất đồng của mình và yêu cầu hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình phải làm ra các loại thuốc chửng ngừa khác thay thế”.
Áp dụng cùng một lối lý luận như thế, rất có thể chấp nhận được về phương diện đạo đức nếu một ai đó dùng các phương pháp trị liệu hoặc chữa chạy lấy từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng đã được chứng nghiệm bằng cách so sánh với các tế bào gốc phôi thai, miễn là họ cần phải nói lên việc bất đồng của mình đối với việc dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu. Người trong trường hợp này không bị coi là đồng lõa (complicit) về luân lý với hành vi nguyên thủy nhằm hủy diệt phôi thai nhân bản để lấy ra các tế bào gốc phôi thai. Yếu tố chủ chốt của nguyên tắc này do đó vẫn là giả thuyết đòi rằng sẽ không tiếp diễn chương trình hủy diệt phôi thai.
Sự kiện không may hiện nay vẫn là: muốn cho kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng thành công thì phần nào đó nó vẫn còn tùy thuộc vào cái giá hy sinh của phôi thai người. Trên khắp thế giới ngày nay, hiện có khoảng 700 tuyến tế bào gốc phôi thai. Mỗi tuyến này đều có liên hệ tới cái chết của phôi thai người, tức một cá thể nhân bản. James Thomson một nhà sinh học thuộc Đại Học Wisconsin, Hoa Kỳ, người không những góp phần tạo ra các tế bào gốc đa năng được cảm ứng mà năm 1998 còn là nhà nghiên cứu đầu tiên cô lập được các tế bào gốc phôi thai từ các phôi thai người, từng nói rằng: “nếu cuộc nghiên cứu dùng tế bào gốc của phôi thai người ít nhất không làm bạn thỏai mái, thì bạn đâu có nghĩ ngợi đủ về nó”. Ta không nên thoải mái, trái lại phải làm mọi sự trong khả năng của ta để tối thiểu hóa việc hủy diệt các phôi thai người.
Xây đắp cuộc đối thoại tích cực
Về phương diện lịch sử, cuộc tranh luận về tế bào gốc phôi thai đã được mô tả như là cuộc tranh chấp giữa phe phò sự sống một bên và bên kia là các khoa học gia và các nhà nghiên cứu y khoa khác. Tuy nhiên, khi kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng ra đời, cuộc tranh luận trên đã bước vào một giai đọan mới. Cả hai phía đều muốn kỹ thuật này thành công. Phần lớn các nhà phò sự sống đều coi kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng là kỹ thuật có thể chấp nhận được về phương diện đạo đức học, và họ muốn khích lệ kỹ thuật này. Các nhà nghiên cứu y khoa cũng muốn thấy kỹ thuật này thành công vì tế bào gốc đa năng được cảm ứng không những không gặp khó khăn về đạo đức như các tế bào gốc phôi thai, mà chúng còn dễ dàng được sinh sản hơn trong phòng thí nghiệm. Ước muốn chung cho kỹ thuật này thành công đem lại một cơ hội chưa từng có để người ta đối thoại một cách xây dựng.
Để cuộc đối thoại này thành công, hai bên đều cần phải tương nhượng. Các nhà khoa học cần lượng giá xem có cần thêm các tuyến tế bào gốc phôi thai hay không để chứng thực tính đa năng của các tế bào gốc được cảm ứng cũng như để cải thiện diễn trình của các tế bào này hay chỉ cần tới mấy trăm tuyến hiện hữu cũng đủ. Khi chuẩn bị đưa ra câu trả lời, họ nên nhớ rằng đối với nhiều người, mỗi phôi thai người đều là một cá nhân độc đáo. Chịu thích ứng với quan điểm ấy, các khoa học gia nhất định sẽ nhận được lòng tôn kính của những người bênh vực cho giá trị của sự sống con người ngay lúc còn là phôi thai. Chứng tỏ một thiện chí như thế đối với phía bên kia là một điều quan trọng để đạt tiến bộ trong cuộc tranh luận này.
Về phần mình, các người phò sự sống phải đối diện với việc người ta có thể thí nghiệm thêm việc sử dụng tế bào gốc phôi thai để hoàn hảo hóa thủ tục tái thảo chương tế bào trong cuộc nghiên cứu dùng các tế bào gốc đa năng được cảm ứng. Sự thất vọng mà phương thức này đem lại đã bớt đi nhiều nhờ sự kiện này là người ta chưa cần phải tạo thêm tuyến tế bào gốc phôi thai mới. Sau cùng, các nhà lãnh đạo Công Giáo, trong ước muốn cổ vũ đạo đức học nhưng cũng đang càng ngày càng có thiện cảm với kỹ thuật tế bào gốc, thỉnh thoảng lại đưa ra những tuyên bố không chính xác, chẳng hạn ngụ ý rằng các tế bào gốc đa năng được cảm ứng là một loại tế bào gốc của người lớn. Quả các tế bào gốc ấy lấy từ các tế bào đã trưởng thành rồi, nhưng chúng không phải là loại tế bào của người trưởng thành. Không may, các lời tuyên bố thiếu chính xác loại này chỉ làm mù mờ thêm những người vốn không được huấn luyện trong các khoa học có liên quan và do đó chỉ làm hại cuộc đối thoại có ý nghĩa với các khoa học gia. Các nhà lãnh đạo của chúng ta nên thận trọng hơn về phương diện này.
Các cuộc nghiên cứu dùng tới kỹ thuật tế bào gốc đa năng được cảm ứng đang thay đổi cảnh giới y khoa và đạo đức sinh học. Nó đem lại nhiều hứa hẹn trong lãnh vực y khoa tái tạo, theo dõi sự tiến triển của bệnh tật và việc phát triển cũng như thử nghiệm các thứ thuốc. Chìa khóa giúp ta mau tiến tới và tiến tới một cách thành công bước vào được thời đại mới trong đó các tế bào gốc phôi thai không còn cần đến nữa phải là một cuộc đối thoại sáng suốt và trung thực giữa mọi tham dự viên của cuộc đối thoại mà trước đây từng bị bế tắc này.
Viết theo W. Malcolm Byrnes, giáo sư tại trường y khoa của ĐH Howard tại Washington D.C., đăng trong tạp chí America số ngày 16 tháng 10 năm 2010.
[1] Diễn trình tứ bội bổ túc hóa (tetraploid complementation) là một kỹ thuật trong sinh học qua đó hai phôi thai của loài có vú được phối hợp để tạo ra một phôi thai mới. Các thể bào bình thường của loài có vú có tính lưỡng bội: mỗi nhiễm sắc thể (và do đó, mỗi gien) đều hiện hữu dưới dạng kép. Còn kỹ thuật này khởi đầu bằng cách tạo ra một tế bào tứ bội (tetraploid, tăng gấp bốn) trong đó mỗi nhiễm sắc thể hiện hữu thành bốn. Điều này có được bằng cách lấy một phôi thai ở thời kỳ mới có hai tế bào và đốt nóng hai tế bào này bằng một dòng điện. Tế bào tứ bội phát sinh từ đó tiếp tục phân chia, và các tế bào con cũng sẽ tứ bội lên. Phôi thai tứ bội này phát triển bình thường qua giai đoạn phôi bào rồi được cấy vào tử cung. Các tế bào tứ bội có thể tạo nên các mô bên ngoài phôi thai (như nhau chẳng hạn), nhưng ít khi phát triển thành bào thai. Đến lúc này, người ta phối hợp phôi thai tứ bội với các tế bào gốc phôi thai nhị bội bình thường lấy từ một sinh vật khác. Phôi thai lúc ấy phát triển bình thường; bào thai sẽ chỉ phát triển từ các tế bào gốc nhị bội bình thường, trong khi các mô ngoại phôi thai thì chỉ phát triển từ các tế bào tứ bội (tài liệu của Wikipedia).
Vũ Văn An