Lời Toà Soạn: Ban Biên Tập cho đăng bài viết này nhận được của tác giả Lữ Giang để độc giả tham khảo và mở rộng đường suy luận. Riêng câu cuối cùng của bài viết: 'Biểu tình, tuyên ngôn, tuyên cáo, kháng thư, hịch tướng sĩ...chẳng có ảnh hưởng gì'  không phản ảnh lập luận của Toà Soạn.

Các tài liệu được công bố từ trong nước, hoặc bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh, trong thời gian gần đây cho thấy trong một năm trở lại đây, các chuyên gia ở Việt Nam đã càng ngày càng nhận ra được những điểm then chốt trong vấn đề Biển Đông, bỏ cách nhìn và phương thức phản chứng cũ, đi theo cách nhìn mới và phương thức phản chứng mới phù hợp với luật pháp và tập tục quốc tế hơn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, trong khi đó các nhà tranh đấu ở trong nước và đa số người Việt chống cộng ở hải ngoại vì không bắt kịp thời thế, vẫn có cách nhìn cũ và đi theo con đường cũ.

Cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington trong hai ngày ngày 20 và 21.6.2011 đã đưa ra ánh sáng thực chất của cuộc tranh chấp về Biển Đông hiện nay và cho Trung Quốc cũng như thế giới thấy giải pháp phải đi tới. Đây là một vấn đề rất phức tạp, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng trình bày đơn giản để độc giả có thể nắm bắt được.

Lịch sử không liên quan gì cả

Trước tiên, Trung Quốc đã dùng “lịch sử” để chứng minh các hòn đảo nằm trên Biển Đông là của Trung Quốc, sau đó họ lại dùng “lịch sử” để chứng minh cả Biển Đông nằm trong vùng “đường lưỡi bò” là đất nước của họ.

Quan_Dao_Truong_Sa_Hoang_Sa_a_-4Phủ Lục Tạp Biên của Lê Quí Đôn năm 1776 cho biết Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa đi kiểm hải vật trên quần đảo. Đại Nam Nhất Thống Chí của Việt Nam ấn hành năm 1908 cho biết vua Gia Long (1802 – 1819) đã thiết lập đội Hoàng Sa để kiểm soát và triển khai quần đảo này. Nhưng trong bài thuyết trình vào sáng 20.6.2011, giáo sư Tô Hảo (Su Hao), Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường Đại Học Ngoại Giao Trung Quốc, lại nói rằng Trung Quốc đã có chủ quyền về lịch sử không chối cãi đối với Biển Đông từ 2000 năm về trước. Từ đời nhà Tống cách đây vài trăm năm, Trung Quốc đã có một cơ quan phụ trách hành chính về khu vực này và đã có đội tàu đi tuần trên biển.

Những cuộc tranh cãi căn cứ vào “lịch sử” theo kiểu này đã kéo dài  hơn nữa thế kỷ và có thể còn kéo dài vô tận, nhưng sau khi giáo sư Tô Hảo thuyết trình xong, ông Termsak Chalermpalanupap, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thư ký ASEAN đã lên tiếng như sau:

"Tôi không cho rằng Công Ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền".

Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Hoa Kỳ cũng có quan điểm tương tự:

"Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS."

Giáo sư Dutton đã nhấn mạnh rằng việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS.

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

Những lời tuyên bố này không phải chỉ nói lên những sai lầm của Trung Quốc mà của cả Việt Nam trong nỗ lực dùng tài liệu lịch sử để chứng minh chủ quyền trên Biển Đông: “Ai chiếm trước, người đó có chủ quyền”!

Hiện nay. Trung Quốc đang theo đuổi chủ thuyết “vùng biển lịch sử” để xác định vùng nằm trong khu vực “đường lưởi bò” là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chủ thuyết này đang bị phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc tạm thời quay trở lại chủ trương Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc theo lịch sử.

Vấn đề thụ đắc các hoang đảo

Vấn đề thụ đắc chủ quyền đối với các hoang đảo trên biển là vấn đề thuộc quốc tế công pháp và khá phức tạp.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 15, phong trào đi tìm thuộc địa của các quốc gia Tây phương bùng nổ mạnh, khởi đầu là Bồ Đào Nha, rồi  đến Tây Ban Nha, Anh, Pháp, v.v. Đến năm 1922, thuộc địa Anh chiếm 1/4 tổng số diện tích toàn cầu với khoảng 1/8 dân số thế giới. Pháp là nước đứng thứ hai. Dĩ nhiên, trong cuộc chính phục thế giới này, vấn đề tranh chấp lãnh thổ thường xẩy ra, trong đó có vấn đề tranh chấp các hoang đảo, thường được gọi là các đảo vô chủ (ownerless islands).

Để giải quyết tranh chấp về các hoang đảo trên biển, các nguyên tắc về chấp hữu đât vô chủ (possession of ownerless vacant land) ở trong dân luật của các quốc gia theo hệ thống Roman Law đã được đem áp dụng. Các nguyên tắc này được tìm thấy dễ dàng trong các bộ dân luật Pháp và dân luật VNCH trước đây.

Nói một cách tổng quát, học lý, tục lệ và án lệ quốc tế chỉ công nhận quyền sở hữu của một quốc gia về một đảo vô chủ trên biển khi sự chấp hữu (possession) hội đủ những điều điều kiện sau đây:

(1) Sự chấp hữu phải công khai và minh bạch (publique, non équivoque).

(2) Sự chấp hữu phải hoà bình (paisible), tức không có sự đối kháng của người khác.

(3) Sự chấp hữu phải liên tục và không gián đoạn (continue et non interrompue).

(4) Sự chấp hữu phải với tư cách là sở hữu chủ (à titre de propriétaire). Nếu chỉ chấp hữu để làm một đài quan sát hay một nơi tạm trú, chứ không muốn làm chủ thì không được chấp nhận.

Như chúng ta đã biết, các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là đảo đá (rocky islands) hay đảo đá ngầm (reefs), không thể có sự sống bình thường, nên cả Trung Hoa lẫn Việt Nam khó đáp ứng điều kiện thứ ba là đã chấp hữu một cách liên tục và không gián đoạn. Vì thế, khi Giáo sư Tô Hảo cho rằng Trung Quốc đã chấp hữu hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách đây 2000 năm, bà Bà Caitlyn L. Antrim, Phó Đại Diện Hoa Kỳ trong Hội Đồng LHQ về Luật Biển đã nói:

"Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu.”

Nói cách khác bà Antrim muốn lưu ý Trung Quốc rằng dù Trung Quốc có chấp hữu các đảo trong đường lưỡi bò 500 trước, nhưng sự chấp hữu đó không liên tục, bị gián đoạn, thì không thể được coi như đã thụ đắc chủ quyền trên các đảo đó.

Điều kiện thứ hai là phải sự chấp hữu hoà bình, không có ai phản kháng. Nếu theo điều kiện này thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam khó hội đủ vì khi bên này chấp hữu, bên kia đã phản kháng ngay.

Năm 1887, khi thảo luận về hiệp ước vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc yêu cầu thảo luận luôn về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Pháp gạt đi, nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Vì có sự phản kháng của Trung Quốc, sự chấp hữu của Pháp và Việt Nam không thể được coi là hoà bình.

Trong thực tế, sự chấp hữu có khi còn tiến hành bằng bạo lực, như trường hợp Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 và 6 đảo ở Trường Sa năm 1988 (sát hại 74 người).

Chủ thuyết 'vùng biển lịch sử'.

“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra hiện nay lúc đầu là do chủ trương của chính phủ Tưởng Giới Thạch. Tháng 1 năm 1948, Bộ Nội Vụ nước Cộng Hòa Trung Hoa chính thức công bố một bản đồ có tên “Nanhai zhudao weizhi tu” (Bản đồ các đảo trên Nam Hải), trên bản đồ này có xuất hiện một đường hình chữ “U”. Đó là một đường đứt khúc gồm 11 đoạn, bao gồm cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung quốc gọi là Trung Sa).

Tuy nhiên, theo bản đồ do chính phủ CHNDTQ của Mao Trạch Đông công bố năm 1953, đường này chỉ còn lại 9 đoạn. Hai đoạn đứt khúc đã bị hủy bỏ, một đoạn nằm giữa đảo Hải Nam và bờ biển VN trong vịnh Bắc Bộ, và một đoạn nằm giữa Đài Loan và các đảo Lưu Cầu (Ryukyu) của Nhật Bản. Đường này được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ở quanh Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines, bao gồm 80% Biển Đông và thường được gọi là “đường chữ U” (U shaped line), “đường đứt đoạn” (dotted line) hay “đường lưỡi bò”.

Ngày 7.5.2009 Trung Quốc đã gởi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc một công hàm phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới thềm lục địa nới rộng của Việt Nam. Kèm theo công hàm này là một sơ đồ trên đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông như đã nói trên. Công hàm nói rõ:

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển nam Trung Hoa (tức biển Đông - TN) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó (xem sơ đồ kèm theo)”.

Dựa vào đâu Trung Quốc đã coi 80% Biển Đông là của Trung Quốc?

Trung Quốc quan niệm rằng vùng nước được con đường chữ U bao bọc được coi là “vùng nước lịch sử” theo chế độ nội thủy của Trung Quốc, theo đó tất cả các đảo, đá, bãi ngầm, vùng nước nằm trong con đường đó đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc coi Biển Đông chỉ là vùng ao hồ của Trung Quốc.

Quan niệm “vùng nước lịch sử” (historic water) này lấy ở đâu ra? Trong luật quốc tế về biển năm 1958 cũng như năm 1982 không hề nói đến “vùng nước lịch sử”. Người ta chỉ tìm thấy nó trong phán quyết ngày 18.12.1951 của Toà Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice) xét xử vụ tranh chấp giữa Anh và Na Uy về vùng đánh cá. Trong phán quyết này tòa đã nói đến “quyền sử hữu lịch sử” (historic title).

Hội Nghị LHQ về Luật Biển ngày 27.4.1958 đã ra nghị quyết yêu cầu Đại Hội Đồng LHQ cho nghiên cứu về “chế độ pháp lý của vùng nước lịch sử” (the juridical regime of historic waters), kể cả các “vịnh lịch sử” (historic bays).

Theo Niên giám của Uỷ Ban Luật Quốc Tế năm 1962, Vol. 11, khái niệm "vùng nước lịch sử"có gốc trong thực tế lịch sử mà các quốc gia thông qua các thế hệ khẳng định và duy trì chủ quyền trên vùng biển mà họ coi là quan trọng đối với họ, không chú ý nhiều đến ý kiến khác nhau và thay đổi về những gì mà luật pháp quốc tế nói chung có thể quy định liên quan đến việc phân định lãnh hải”.

Nói một cách vắn tắt, “vùng nước lịch sử” là vùng biển mà một quốc gia đã chấp hữu qua nhiều thế hệ và trở thành vùng sống còn của quốc gia đó.

Trong các cuộc họp về dự thảo Công Ước LHQ về Luật Biển từ năm 1973 đến năm 1982, Colombia đã yêu cầu đưa “vùng nước lịch sử” và “vịnh lịch sử” vào dự thảo công ước, nhưng LHQ không xét. Cuối cùng, Ủy Ban Luật Quốc Tế của LHQ đã quyết định không đưa chế độ “vùng nước lịch sử” và “vịnh lịch sử” vào Công Ước LHQ về Luật Biển năm 1982, có lẽ vì các lý do sau đây: Chế độ “vùng nước lịch sử” và “vịnh lịch sử” rất mơ hồ và có thể đưa tới những tranh chấp chính trị. Luật Biển mới đã ấn định lãnh hãi rộng đến 12 hải lý (thay vì 3 hải lý như cũ) và vùng khai thác kinh tế đến 200 hải lý, nên chế độ “vùng nước lịch sử” và “vịnh lịch sử” không cần thiết nữa.

Nay Trung Quốc đi lượm lại một chế độ pháp lý về luật biển đã bị Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 loại bỏ để xác định chủ quyền của họ trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc cũng không xác định được sự chấp hữu liên tục, không gián đoạn và yên ổn của Trung Quốc trên Biển Đông trong lịch sử, không xác định được ngay cả tọa độ chính xác từng đoạn của “đường lưỡi bò”.

Vã lại, ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước CHNDTQ đã đưa ra bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý, bao gồm cả đất liền và các đảo ngoài khơi. Khi tuyên bố như vậy Trung Quốc đã thừa nhận Biển Đông thuộc về nhiều quốc gia và là biển quốc tế. Nay Trung Quốc lại đưa ra “đường lưỡi bò”, coi Biển Đông như ao hồ của mình, tức là tự mâu thuẫn.

Dĩ nhiên, Đài Loan ủng hộ tuyên bố về “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra vì chủ trương đó do chính phủ Tưởng Giới Thạch đưa ra từ năm 1948, và khác với một số người Việt chống cộng ở hải ngoại, Đài Loan vẫn coi Trung Quốc là tổ quốc của mình, mặc dầu đang do Cộng Sản cai trị.

Giải pháp đề nghị

Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao không đưa vấn đề Biển Đông ra trước LHQ hay Tòa Án Quốc Tế? Câu trả lời là rất khó thực hiện được. Tại Hội Đồng Bảo An LHQ, Trung Quốc có quyền phủ quyết nên khó có thể thông qua nghị quyết nào trái với ý của họ.

Pháp Viện Quốc Tế (International Court of Justice) có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế, nhưng muốn đưa ra trước pháp viện này, hai bên phải cam kết thi hành phán quyết của toà. Nếu Trung Quốc không chịu cam kết, toà không xử được. Toà Án Quốc Tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea) cũng qui định rằng các bên tranh chấp phải đồng ý đưa nội vụ ra toà, tòa mới xử được.

Vã lại, dù có tranh tụng, Việt Nam chưa chắc đã thắng, vì cả Việt Nam lẫn Trung Quốc rất khó chứng minh được quyền sở hữu chấp hữu (possessory title) về một số đảo đá trên Biển Đông theo đúng các tiêu chuẩn luật định. Trong cuộc hội thảo về Biển Đông tại Washington vừa qua, phóng viên Việt Hà của đài RFA đã hỏi Đại diện Việt Nam là luật sư Nguyễn Duy Chiến, cộng tác viên của Học viện quốc tế, về vấn đề này, ông đã trả lời:

“Đấy là cái đánh giá của mình, mình có nhiều chứng cứ như vậy, nhưng còn cái ra tòa án thế nào thì còn tùy thuộc vào các thẩm phán họ quyết định”.

Để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, hôm 4.11.2001, các quốc gia thuộc khối ASEAN đã ký một bản Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – gọi tắt là DOC) cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế và các hiệp ước đã ký kết, giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và quyền hạn bằng các phương tiện hòa bình. Trung Quốc đã ký kết nhưng sau đó lại không tuân theo.

Tiếp pheo, các nước ASEAN đã soạn thảo xong Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (Code of Conduct in the South China Sea – gọi tắt là COC), nhưng Trung Quốc không chịu thông qua.

Ông Termsak Chalermpalanupap, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thư ký ASEAN cho biết những nỗ lực mà ASEAN đã làm nhằm đưa ra tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông thành một bản quy tắc có tính ràng buộc nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này.

Năm 2011, Trung Quốc đã tiến lên hàng thứ hai sau Mỹ về phát triển kinh tế, về chi phí quốc phòng, về tiêu thụ dầu lửa, v.v., nên Trung Quốc cũng muốn bắt chước Mỹ, “biểu dương khí thế” của Trung Quốc. Mỹ và NATO đã tấn công Iraq và Libya để giành quyền khai thác dầu lửa, cạnh tranh với Trung Quốc, tại sao Trung Quốc không dùng sức mạnh của mình để giàng quyền khai thác dầu lửa ở Biển Đông? Nhưng Trung Quốc đã đi quá sớm, vì sức mạnh hải quân Trung Quốc còn thua Mỹ đến 20 năm.

Món nợ của Việt Nam

Trong cuộc hội thảo tại Washington, ông Tô Hảo, học giả của Trung Quốc, đã nói rằng “trong hệ thống luật quốc tế có một nguyên tắc là nếu một nước đã có tuyên bố về chủ quyền và một số nước đã chấp nhận tuyên bố này. Tuy nhiên rất tiếc là hiện có một số nước đã thay đổi quan điểm của mình”.

Lời tuyên bố này đặc biệt ám chỉ Việt Nam.

Năm 1958, một bản hoà tấu đã được thực hiện: Ngày 4.9.1958, Bắc Kinh chính thức tuyên bố hải phận của họ bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, trong đó tính gồm cả các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và các đảo khác thuộc về Trung Quốc. Hà Nội hợp tấu ngay: Ngày 14.9.1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi công hàm công nhận tuyên bố nói trên của Bắc Kinh.

Về pháp lý, chúng ta có thể coi lời tuyên bố của Thủ Tướng Đồng là không có giá trị vì lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VNCH. Hơn nữa, theo hiến pháp 1956, mọi quyết định liên quan đến lãnh thổ đều phải có sự phê chuẩn của quốc hội, công hàm của Thủ Tướng Đồng không hội đủ điều kiện đó.

Nhưng về phương diện khác, có thể coi công hàm của Thủ Tướng Đồng như một lời hứa bán. Lúc đó, nguyên tắc “Promesse de vente vaut vente” được áp dụng, tức hứa bán có giá trị như bán, khi hai điều kiện sau đây hội đủ: (1) Vật hứa bán đã được xác định, đó là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (2) Giá bán cũng đã được thỏa thuận, đó là Trung Quốc viện trợ cho Hà Nội đủ phương tiện để đánh chiếm miền Nam. Do đó, Trung Quốc có thể bắt Hà Nội phải giao nạp Hoàng Sa và Trường Sa sau khi chiếm miền Nam.

Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương chỉ can thiệp khi nào Trung Quốc nhất quyết dùng chế độ “quyền sở hữu lịch sử” (historic title) để chiếm Biển Đông, phương hại đến hải lộ quốc tế. Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào sự tranh chấp về “quyền sở hữu chấp hữu” (possessory title) các đảo trên Biển Đông. Vậy Hà Nội chỉ còn có thể trông chờ vào “Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông” mà ASEAN chờ thông qua. Biểu tình, tuyên ngôn, tuyên cáo, kháng thư, hịch tướng sĩ... chẳng có ảnh hưởng gì.

Ngày 28.6.2011

Lữ Giang

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch