Lời tựa: Đây là Phần I gồm 6 bài trong 18 bài diễn giảng lễ cưới; Phần II gồm 6 bài tiếp nối; Phần III gồm 6 bài nối tiếp nữa. Có thể có hơn 18 bài nếu còn ý tưởng và còn hứng.

Wedding-1Hồi mới di cư ra hải ngoại, nghe một số bài giảng lễ cưới thường được trích dẫn bằng những câu ca dao tục ngữ như: ‘Yêu nhau cởi áo cho nhau.. Yêu nhau trăm sự chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng’. Hoặc: ‘Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Thất bát sông cũng lôi. Cửu thập đèo cũng qua’… Với năm tháng trôi qua, người ta không còn nghe những hình ảnh tỏ tình yêu như vậy nữa, vì lớp linh mục ra lò tại chủng viện Mĩ có thể không đọc ca dao tục ngữ Việt Nam và giới trẻ VN hải ngoại không đánh giá được yêu như kiểu ca dao tục ngữ là như thế nào?

Không kể những đám cưới cử hành trong suốt cả đời linh mục của tác giả bài này, trong vòng mười hai năm làm chánh xứ của một giáo xứ Việt Nam tại hải ngoại, tác giả cảm thấy nếu cứ nhai đi nhai lại mãi cùng một vài tư tưởng khi diễn giảng lời Chúa trong lễ cưới, giáo dân sẽ nhàm chán. Nhất là một thời có một ca đoàn được mời hát hầu hết các lễ cưới trong giáo xứ, nên cũng nghe hầu hết các bài giảng lễ cưới của Cha xứ. Vì thế phải tìm để nói ít là mấy ý tưởng khác đi cho mỗi lễ cưới, để khỏi bị ca viên cho là quen quá hoá nhàm. Để góp phần vào việc diễn giảng lời Chúa trong lễ cưới, mười tám đề tài được liệt kê sau đây, để chia sẻ:

-          Với quí linh mục diễn giảng lễ cưới,

-          Với cô dâu chú rể,

-          Vói cử toạ dự lễ cưới.

Khi dùng 1/18 – một trong mười tám - đề tài giảng lễ cưới được liệt kê dưới đây, linh mục diễn giảng lời Chúa trong lễ cưới tương lai có thể khai triển và thêm ví dụ cụ thể - dùng kiểu nói bình dân là thêm mắm muối, ớt tiêu.. cho bài giảng có gia vị. Linh mục cũng có thể nói thẳng với cô dâu chú rể. Linh mục đứng tuổi có thể gọi cô dâu chú rể còn trẻ là con như: chúng con, các con (CC). Linh mục trẻ có thể gọi cô dâu chú rể lớn tuổi hơn là: anh chị (AC). Khi diễn giảng trực tiếp với cô dâu chú rể thì có vẻ dễ nói hơn. Mặc dầu nói trực tiếp với cô dâu chú rể thì cũng nói gián tiếp với cộng đoàn tham dự lễ cưới và cộng đoàn cũng có thể học lại hay ôn lại được nhiều điều khuyên dạy trong bài diễn giảng lễ cưới nữa.

  1. 01. Sửa soạn bước vào đời sống hôn nhân

Để có được ngày hôm nay, Các Con /Chúng Con (CC) Anh Chị (AC) đã tìm hiểu nhau về tính tình, về lối sống, về việc làm, nhà ở, về con cái và cách giáo dục con cái.. Nói tóm lại CC, AC đã tìm hiểu nhau về những vấn đề có liên quan đến đời sống hôn nhân.

Mối liên hệ vợ chồng là một thứ liên hệ gần gũi và thân mật nhất trong các thứ liên hệ của loài người, nhưng cũng bao hàm trách nhiệm và hi sinh. Do đó trước khi bước vào đời sống hôn nhân, Giáo Hội đòi hỏi những cặp dự bị hôn nhân học hỏi và đọc sách với ý muốn tìm hiểu sứ mệnh và ơn gọi của đời sống hôn nhân, và tìm hiểu người yêu, hầu có thể xử sự với nhau thế nào cho vừa lòng nhau, để duy trì và làm tăng triển tình yêu hôn nhân. Giáo Hội cũng đòi hỏi một thời gian đợi chờ. Đợi chờ mới nhận ra được những tính tình, những cái nhìn về cuộc sống khác biệt để lượng xem có thể hay không thể hoà giải được. Đời nay có những cặp dự bị hôn nhân đến xin làm đám cưới không còn vội vã xin cưới như trước nữa, nhưng thường đắn đo hơn. Có lẽ họ đã ý thức và chứng kiến được những cảnh li dị ngay cả trong gia đình, họ hàng và bạn hữu.

AC, CC đã tham dự những lớp học, những khoá dự bị hôn nhân để tìm hiểu về đời sống hôn nhân, để tìm ra những mẫu số chung cho đời sống hôn nhân, để nhượng bộ những gì là riêng tư của mình và thoả hiệp những khác biệt. Trong khoá học, AC, CC đã học hỏi về cách thông đạt cảm tưởng và cảm tình. Chẳng hạn thay vì tố cáo nhau là sai trái, dối trái, AC, CC có thể nói với nhau: Hôm qua, anh/ em nói điều nọ, làm điều kia khiến anh / em buồn chẳng hạn. Lời nói đó sẽ khiến cho người phối ngẫu mủi lòng mà tự sửa đổi. Thêm vào đó những tiếng cám ơn, những lời xin lỗi cũng rất là quan trọng để duy trì tình yêu hôn nhân. Trong quan hệ hôn nhân, tình cảm thường thắng lí trí. Thiếu sự thông đạt về tình cảm, khi người vợ hay chồng không thể nói lên cảm nghĩ của mình, và khi nói mà người phối ngẫu không muốn nghe, đã khiến hàng trăm, hàng ngàn cặp vợ chồng phải chia tay để đi tìm những đôi tai biết lắng nghe và quả tim biết rung động.

Để có thể lắng nghe, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Để có thể lắng nghe, không những người ta chỉ nghe bằng tai, nhưng còn biết nghe với cả tâm hồn. Vì thế mà người ta nói, người nọ người kia nghe mà để ngoài tai, hoặc nghe tai nọ qua tai kia. Lắng nghe sẽ giúp người ta để ý đến nhu cầu tình cảm của người khác, và còn giúp người ta biết mình mà tự cải tiến. Nếu không biết lắng nghe thì chính mối liên hệ vợ chồng, một thứ liên hệ gần gũi và thân mất nhất trong các thứ liên hệ của loài người, cũng có thể trở nên nhàm chán và vô vị.

Sau khi cưới, CC, AC vẫn có thể đi dự những khoá hội ngộ phu thê, những buổi học về cách thăng tiến hôn nhân để làm giầu đời sống hôn nhân. Nếu cả hai thực sự muốn thay đổi và cầu tiến thì sau khi dự khoá về, họ sẽ trở nên hạnh phúc và do đó con cái cũng được hạnh phúc.

  1. 02. Những biểu hiệu trong đời sống hôn nhân

Trong đời sống hằng ngày, người ta dùng nhiều biểu hiệu để bày tỏ ý nghĩa và cảm tình. Nếu là thiên thần, người ta không cần biểu hiệu. Còn loài người bị giới hạn trong thân xác, người ta cần biểu hiệu hữu hình để tìm ra những ý nghĩa vô hình. Mỗi biểu hiệu mang ý nghĩa riêng biệt.

Ở phần đầu lễ cưới hai bà mẹ đã thắp lên hai cây nến hôn nhân, tượng trưng cho hai tâm hồn trẻ  được kêu gọi đến đời sống hôn nhân. Khi tình yêu hôn nhân đã được thánh hiến, cô dâu chú rể sẽ bước lên, lấy lửa từ hai cây nến nhỏ, thắp vào cây nến lớn ở giữa, rồi tắt đi hai cây nên nhỏ. Ý nghĩa ở đây được hiểu là cả hai đã trở nên một. Cây nến hôn nhân này, CC, AC cần giữ lại, để thắp lên vào những dịp kỉ niệm ngày cưới để hun đúc lại tình yêu hôn nhân

Còn chiếc nhẫn mà CC, AC trao cho nhau là biểu hiệu của tình yêu và lòng trung thành với lời hứa: ‘Anh hứa nhận em làm vợ, Em hứa nhận anh làm chồng, và cả hai cùng hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cả cuộc sống’ (Nghi Thức Hôn Nhân). Việc đeo nhẫn cưới phải nhắc nhở cho AC, CC về tình yêu hôn nhân và lòng trung thành. Và còn bao nhiêu biểu hiệu khác nữa mà AC, CC sẽ dùng để bày tỏ tình yêu.

Trong văn hoá Việt Nam, thì người chồng làm những việc nặng nhọc cho vợ. Cũng một việc làm nếu biểu lộ tình yêu, người khác sẽ nhận ra dễ dàng. Những việc vợ làm cho chồng như nấu ăn, dọn phòng, mà có biểu lộ tình yêu, người chồng cũng sẽ nhận ra được. Nói như vậy không có nghĩa là những việc trong nhà chồng cứ khoán trắng cho vợ làm hết. Người chồng cũng phải biết chia sẻ làm những việc trong nhà nữa.

Tặng quà cáp trong dịp lễ sinh nhật, kỉ niệm hôn nhân cũng là cách biểu lộ tình yêu. Để người nọ có thể đánh giá được món quà của người kia, CC, AC cần quan sát và ghi nhận xem người phối ngẫu thích gì. Chẳng hạn như người phối ngẫu thích kiểu áo nào, bận cỡ nào, thích màu gì, thích loại vải nào, kẻo mua về tặng mà người nhận không bận thì cũng uổng và buồn. Nhiều khi giá trị của món quà không tuỳ thuộc vào giá cả, nhưng tuỳ thuộc vào tính cách thực dụng của món quà, xem người khác có xử dụng không? Khi còn tình yêu thì người ta sẽ hồi hộp khi nhận quà, mở vội xem trong là thứ gì. Còn khi tình yêu đã phai nhạt hay chết trong lòng, người ta không còn muốn nhận quà nữa. Có nhận được cũng không muốn mở. Cả tuần, cả tháng hay cả năm cũng không mở. Vậy để cho những biểu hiệu trong đời sống hôn nhân có ý nghĩa sống động, thì cần có tâm tình bên trong đi kèm. Nếu không, biểu hiệu sẽ mất ý nghĩa. Như vậy thì ngay cả tác động chăn gối, một biểu hiệu sâu đậm nhất trong đời sống hôn nhân cũng cần đượm tình yêu.

Trong lễ cưới hôm nay CC, AC đã làm tập phụng vụ ghi lại những bài đọc Thánh Kinh, những lời cầu nguyện, những bài thánh ca, những lời hứa hôn nhân để cho CC, AC và mọi người hiện diện dễ theo dõi hầu có thể tham dự cách tích cực. CC, AC cần giữ lại tập phụng vụ hôn nhân này để làm kỉ niệm. Vào những ngày kỉ niệm hôn nhân CC, AC cho thắp lên bộ nến hôn nhân,  đọc lại những lời cầu nguyện, lặp lại những lời hứa hôn nhân, để giúp AC, CC làm mới lại tình yêu hôn nhân, hoặc ca lên những bài thánh ca cho đời lên hương. Khi có sự bất hoà về đời sống hôn nhân, AC, CC có thể đọc lại bài Thánh Kinh Thánh Phaolô khuyên nhủ người tín hữu nói chung và khuyên nhủ đôi tân hôn nói riêng: ‘Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trácch người kia’ (Col 3:12-13). Người vợ nào mà không muốn chồng đối xử với mình bằng những tâm tình ấy. Người chồng nào mà không muốn vợ đối xử với mình bằng những tâm tình như vậy?

  1. 03. Đám cưới là cơ hội cảm tạ/đội ơn

Đám cưới là cơ hội đặc biệt để cha mẹ, họ hàng, bạn hữu chứng kiến lời hứu hôn nhân, cầu nguyện cho đôi tân hôn và chia sẻ niềm vui của ngày đám cưới. Hôm nay AC, CC đừng quên cảm tạ Thiên Chúa cho cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục CC, AC cho tới ngày nay. Để tỏ lòng biết ơn, hôm nay CC, AC nhớ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. AC, CC cần cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi AC, CC từ những phương trời xa lạ đến đời sống hôn nhân. AC, CC cần cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi CC, AC đến đời sống đức tin Công Giáo để bây giờ CC, AC cùng theo đưổi một niềm tin, cùng nhìn về một hướng và theo đuổi cùng một mục đích. Việc mới theo đạo của C, A, C, không có nghĩa là từ nay phải cắt đứt với những liên hệ quá khứ. Người mới theo đạo vẫn có bổn phận thảo kính ông bà cha mẹ theo Giới răn Thứ Tư Chúa dạy là thảo kính ông bà cha mẹ.

Hôm nay để tỏ lòng thảo kính ông bà cha mẹ, AC, CC cầu nguyện cho ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. AC, CC cũng cảm tạ Thiên Chúa cho cha mẹ  đã để AC, CC quyết định lựa chọn người bạn đường. AC, CC cảm tạ Thiên Chúa đã kêu gọi AC, CC đến đời sống hôn nhân để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Nếu AC, CC coi những việc chồng làm cho vợ là nghĩa vụ, vợ làm cho chồng là bổn phận, thì AC, CC sẽ không nảy ra tâm tình biết ơn. Dĩ nhiên có những việc chồng làm cho vợ là nghĩa vụ, việc vợ làm cho chồng là bổn phận.  Tuy nhiên người ta phải biết vượt lên trên nghĩa vụ và bổn phận để có thể làm cho nhau vì yêu mến. Còn biết ơn nhau là dấu hiệu còn cảm tình với nhau, còn yêu mến nhau. Khi không còn biết ơn nhau nữa là dấu hiệu cảm tình đã phai nhạt. Chẳng hạn khi một người tặng quà cho người kia, mà đợi cả tuần, cả tháng, cả năm cũng không muốn mở gói quà ra xem là thứ gì, thì người ta phải đặt câu hỏi về cảm tình của người nhận quà.

Thường người ta chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình những gì là cụ thể như khi được Chúa ban cho có việc làm, có nhà ở.. vv. Tuy nhiên AC, CC cũng cần cảm tạ Thiên Chúa khi được tha thứ những lỗi lầm, những tội lỗi của mình. AC, CC cũng cần cảm tạ nhau khi chồng tha thứ cho vợ, vợ tha thứ cho chồng.

Hôm nay AC, CC đến nhà thờ để làm lễ thành hôn, AC, CC còn có sự hiện diện của cha mẹ, họ hàng và bạn hữu để chứng kiến lời hứa hôn nhân, để chia sẻ niềm vui mừng với AC, CC và cầu nguyện cho AC, CC. Cùng với mọi người hiện diện, Cha cũng cầu chúc cho đời sống hôn nhân của AC, CC được hạnh phúc. Nguyện xin Thiên Chúa là tình yêu chúc phúc cho tình yêu và đời sống hôn nhân của AC, CC hôm nay và mãi mãi về sau.

  1. 04. Giao ước hôn nhân và Bí tích hôn nhân

Theo Thánh Kinh thì mỗi mối liên hệ giữa Thiên Chúa với loài người được gọi là một giao ước. Thiên Chúa khởi sự giao ước bằng việc bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Và Thiên Chúa mời gọi loài người đáp trả lại tình yêu đó. Không những Thiên Chúa thiết lập giao ước hàng dọc, nghĩa là giao ước từ trên xuống dưới, giữa Thiên Chúa và dân Người, Thiên Chúa còn thiết lập giao ước hàng ngang giữa loài người với nhau. Sách Sáng Thế có ghi lại việc Chúa thiết lập giao ước hàng ngang, nghĩa là giao ước hôn nhân giữa Ađam và Evà.

Mỗi khi Thiên Chúa thiết lập một giao ước với dân Người, Chúa muốn dân của Người trung thành với lời giáo ước. Tuy nhiên dân Chúa trong Cựu Ước thường bất trung, phản nghịch cùng Chúa. Họ bỏ Chúa để đi thờ những thần tượng ngoại lai. Họ còn đúc bò vàng để thờ. Và mỗi khi họ tỏ lòng sám hối, Thiên Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về.

Khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm Người thì Người nâng giao ước hôn nhân lên hàng bí tích. Vậy Bí Tích Hôn Nhân là việc hai người Công Giáo thề hứa sống trung thành, yêu thương và phục vụ lẫn nhau cũng như yêu thương, chăm sóc, giáo dục và phục vụ con cái. Bí Tích Hôn Nhân có tính cách trường tồn. Bằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo, bây giờ cả hai người cùng chia sẻ một niềm tin, cùng nhìn về một hướng, cùng theo đuổi một mục đích, cùng nhắm đến hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài. Hạnh phúc toàn diện là hạnh phúc về vật chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Hạnh phúc lâu dài là hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đó là ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu hôn nhân Công Giáo.

Để cho tình yêu hôn nhân được trọn vẹn, tình yêu phải được ăn rễ sâu trong biển tình của Thiên Chúa. Lời hứa hôn nhân Công Giáo có tầm mức rất là quan trọng. Đây không phải là lời hứa có điều kiện, nhưng là lời hứa vô điều kiện. Lời hứa hôn nhân Công Giáo dựa trên đức tin vào Chúa và lòng  tin tưởng lẫn nhau. Sợi giây ràng buộc hôn nhân Công Giáo là đức tin và lòng trung thành. Quan niệm hôn nhân Công Giáo về một vợ một chồng không dựa trên phong tục hay luật pháp của loài người. Hôn nhân Công Giáo không xét có tục lệ đa thê hay luật li dị ở xã hội loài người. Khế ước hôn nhân mà loài người kí kết với nhau có tính cách bấp bênh. Thuận thì ở với nhau, còn không, thì huỷ bỏ: ‘Anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ đến thế thôi’. Còn hôn nhân Công Giáo là một bí tích có tính cách ràng buộc hai người trong suốt cả cuộc sống.

  1. 05. Hôn nhân Công Giáo được ăn rễ sâu trong tình yêu Thiên Chúa.

Nếu có ai hỏi Thiên Chúa là Ðấng nào?  Người ta sẽ được nghe những câu trả lời khác nhau, chẳng hạn như: Thiên Chúa là Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật và loài người; Thiên Chúa là Ðấng điều hành vũ trụ và vận mạng loài người cũng như loài vật; Thiên Chúa là Ðấng quan phòng đời sống loài người và thưỏng phạt người lành người dữ.

Đó cũng là quan niệm chung của dân gian Việt Nam về Trời. Khi hiểu theo nghĩa này thì người Việt Nam thường thêm từ ‘Ông’ vào trước và gọi là Ông Trời. Quan niệm chung của dân Việt về Ông Trời còn lưu hành những câu ca dao như: ‘Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp’. Có nơi đọc câu cuối là: ‘Lấy con tôm to’.

Ông Trời đó, của dân gian Việt Nam cũng là Thiên Chúa của người Công Giáo. Có điều là người Công giáo biết nhiều về Thiên Chúa qua Thánh kinh và qua những giáo huấn và mạc khải của Đức Kitô về Thiên Chúa. Những ai muốn định nghĩa Thiên Chúa thế nào thì cứ việc định nghĩa. Còn thánh Gioan chỉ định nghĩa một cách vắn tắt, không cần dài dòng văn tự, mà lại đầy đủ ý nghĩa: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4:8). Thật vậy vì yêu, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những công trình trên đây. Cũng vì yêu Thiên Chúa đã thiết lập đời sống gia đình bằng các kêu gọi Ađam và Evà đến đới sống hôn nhân để họ nương tựa giúp đỡ nhau. Người nam và người nữ được gọi để yêu thương, phục vụ lẫn nhau, nâng đỡ nhau về đời sống thể chất và tinh thần và để sinh con cái, tiếp nối dòng dõi. Sách Sáng thế có ghi lại: ‘Bởi thế người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt’ (St 2:24).

Nếu Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người, thì Thiên Chúa cũng chia sẻ tình yêu cho vợ chồng. Nói như vậy có nghĩa là khi chồng yêu vợ, thì chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho vợ mình. Và khi vợ yêu chồng thì cũng chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho chồng mình. Như vậy  Thiên Chúa có liên hệ mật thiết đến tình yêu hôn nhân. Tách biêt ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, tình yêu loài người sẽ bị ứ đọng, không phát triển và thăng tiến được dưới chiều hướng thiêng liêng và siêu nhiên.

Tình yêu đích thực bao hàm trách nhiệm: trách nhiệm đối với người yêu, trách nhiệm đối với con cái về đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống thiêng liêng. Yêu nhau là nhìn cùng về một hướng và cùng theo đuổi một mục đích. Yêu nhau là nhắm đến  hạnh phúc toàn diện: hạnh phúc về đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống thiêng liêng. Yêu nhau cũng cần nhắm đến hạnh phúc lâu dài, ở đời này và cả đời sau.

Người đời quan niệm tình yêu là cảm giác trìu mến và âu yếm, là cảm tình lôi cuốn giữa hai người khác phái. Người ta viết về tình yêu, người đón đọc chuyện tình yêu, người thì phác hoạ tình yêu trên tranh ảnh. Người khác thơ mộng hoá tình yêu bằng những vần thơ bất hủ, có người lại phổ nhạc vào tình yêu.

Nếu có ai nghe bài trích sách Diệu Ca lần đầu có thể nghĩ đó là một bức thư tình nào đó, của người con trai viết cho người con gái với những lời tỏ tình thơ mộng ướt át, rồi có thể hỏi: Lời Chúa gì mà lãng mạn thế. Tác giả sách Diệu Ca là một thi sĩ độc đáo và đại tài được ơn Chúa Thánh Linh linh ứng, đã xuất khẩu thành thơ để ca tụng tình yêu hôn nhân được Thiên Chúa chúc phúc, khi tình yêu đó được thánh hiến và đóng ấn trong giao ước hôn nhân trong Cựu ước. Tình yêu hôn nhân muốn được bền vững phải được nuôi dưỡng và ăn rễ sâu trong tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa chia sẻ tình yêu cho loài người. Tình yêu loài người là phản ảnh nhỏ trong biển tình bao la của Thiên Chúa.

  1. 06. Mời Chúa và Mẹ vào đời sống hôn nhân

Trong buổi tiệc cưới Do Thái cổ xưa mà hết rượu thì cả là một vấn để mất mặt cho chủ tiệc cưới. Đôi tân hôn nào mà bắt đầu cuộc sống hôn nhân như thế thì cũng cảm thấy buồn. Phúc âm hôm nay kể lại  việc Chúa Giêsu chúc lành cho tiệc cưới Cana bằng cách biến đổi nước thành rượu, cho đám cưới được tiếp tục vui. Chúa làm phép lạ do quyền năng nội tại của Chúa, với sự cộng tác của Mẹ Người, người chủ tiệc và những người giúp việc.

Trong tiệc cưới, Mẹ Maria tỏ ra có cặp mắt quan sát và tỏ mối quan tâm đến khách dự tiệc. Có lẽ những người dự tiệc cưới, không thấy được chủ tiệc hết rượu, hay có thấy chủ hết rượu, nhưng chỉ biết vậy thôi. Khi thấy chủ tiệc hết rượu, Mẹ đã cậy nhờ đến Chúa can thiệp. Chính mối quan tâm và săn sóc của người Mẹ tế nhị đã khiến Chúa hành động. Khi đôi tân hôn đương đầu với nỗi khó khăn đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân, thì có Mẹ can thiệp để Chúa hành động.

Trong đời sống hôn nhân, CC, AC cũng cần đế mắt quan sát những dấu hiệu, những phản ứng của người phối ngẫu để có thể đoán ý, trị liệu và sửa chữa. Đời nay ở nhiều nơi trên thế giới, sau khi lập gia đình, người ta muốn ở riêng, muốn tự cường, tự lập và tự túc. Người ta muốn giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống vợ chồng một mình, mà không cậy nhờ đến cha mẹ, không cậy nhờ đến ơn Chúa bằng lời cầu nguyện. Nhiều khi vợ chồng có những chuyện bất hoà, âm ỉ cả năm trời mà cha mẹ cũng không hay biết. Trong đại gia đình Á Đông xưa kia, vợ chồng sau khi cưới, nhất là đối với con trai trưởng thường ở với bố mẹ một thời gian. Do đó bố mẹ có cơ hội tiếp xúc với con đã cưới để hướng dẫn, khuyên can.

Nếu trong tiệc cưới Cana, Chúa đã biến nước thành rượu, Chúa cũng có thể biến đổi đời sống CC, AC, miễn là AC, CC mời Chúa vào đời sống hôn nhân để Chúa cùng đồng hành và làm chủ đời sống hôn nhân. Nhiều người chỉ biết mời Chúa vào đời sống cá nhân mà không biết mời Chúa vào đời sống hôn nhân. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là  cà hai vợ chồng sống theo luật Chúa và tuân giữ giới răn Chúa như Ông Tobia và Bà Sara cầu nguyện trong Thánh kinh trong buổi tối hôm thành hôn: ‘Giờ đây, thân lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lí do sắc dục mà con cưới em con làm vợ, nhưng chỉ vì mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng danh Chúa tới muôn đời’ (Tob 8: 7). Hoặc như lời Thánh Phaolô khuyên dạy: ‘Anh em (gồm cả chị em) hãy mặc lấy những tâm tình từ bị, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựn lẫn nhau và tha thứ cho nhau’ (Col 3:12-13). Đem Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là vợ chồng, con cái cùng sống đạo và giữ đạo, cùng đi dâng lễ Chúa nhật để thờ phượng, cảm tạ và cầu nguyện cách công cộng để chia sẻ niềm tin. Để có thể nhắm đến tình yêu trọn vẹn, CC, AC cần mời Chúa vào đời sống hôn nhân, để Chúa cùng đồng hành và làm chủ đời sống hôn nhân.

AC, CC cần tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Kính sợ Thiên Chúa đây không phải là xa tránh Chúa, nhưng chỉ có nghĩa là tránh làm những điều làm mất lòng Chúa, súc phạm đến Chúa. Kính sợ Chúa có nghĩa là tuân giữ giới răn Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa sẽ được Chúa chúc phúc. Chúa có liên hệ mật thiết đến đời sống hôn nhân bằng cách liên kết AC, CC lại trong tình yêu hôn nhân. Tình yêu hôn nhân Công Giáo không tách rời khỏi tình yêu Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là khi chồng yêu vợ thì chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho vợ mình, và khi vợ yêu chồng thì cũng chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho chồng mình.

Lm Trần Bình Trọng

-------------------------

Còn tiếp: Phần 2 gồm sáu bài và Phần 3 gồm sáu bài khác.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch