Lời Toà Soạn: Thường những tin có tính cách địa phương, không thấy xuất hiện trên những diễn đàn không thuộc địa phương. Tuy nhiên xét rằng:
(1). Với ước muốn của giáo dân Giáo Họ Đồng Nhân muốn có lại nhà thờ như những giáo họ lẻ khác trong Giáo phận cũng như ngoài giáo phận.
(2). Với sự cố gắng hết mình của giáo dân trong những việc có thể tự làm để thu dọn khu đất mới được cấp, sửa chữa lớp học làm nhà nguyện để tiết kiệm khi chưa cần đến thợ chuyên môn. (3) Với lối điều hành của linh mục chánh xứ Dưỡng Điềm: khởi công rồi dừng, rồi cho quyên tiền, rồi xây, rồi mừng từng giai đoạn với ngụ ý cho dân chúng địa phương Công giáo cũng như ngoài Công giáo thấy rằng Giáo họ còn thiếu thốn và cần sự giúp đỡ, rồi xây tiếp. (4) Nhà cung cấp vật liệu xây cất thông cảm nên cứ để cho Giáo Họ đem vật liệu xây cất về làm, trước khi có thể trả tiền. Do đó Mục Vụ Văn Bút cho đăng tin này với mục đích khích lệ và chúc mừng.
Nhấn vào Google rồi đánh máy tên: ‘Giáo Phận Phát Diệm’, nhích mouse chuột qua lại, lên xuống để tìm trong bản đồ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình sẽ thấy nhiều hình thánh giá, nghĩa là nhiều nhà thờ Giáo xứ trong Huyện. Ngoài nhà thờ của mỗi giáo xứ, mỗi giáo xứ còn có năm, sáu, bảy, tám, chín hay mười nhà thờ giáo họ lẻ. Toàn huyện Kim Sơn đời xưa là đất bồi. Theo thời gian khi đất bồi lớn đủ thì dân làng cho đắp đê chặn nước lũ và nước mặn để cầy cấy. Rồi khi lớp đất bồi mới lớn đủ, họ lại cho đắp đê mới nữa để chặn nước. Huyện Kim Sơn là do Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ, năm Minh Mạnh thứ 10, 1828, dâng sớ lên Triều đình Nhà Nguyễn ở Huế xin khai khẩn đất bồi trong tỉnh Ninh Bình.
Năm 1829 Nguyễn Công Trứ về thành lập huyện Kim Sơn trong Tỉnh Ninh Bình, chiêu mộ dân ở những tỉnh khác về khai khẩn đất bồi. Trong đó có những gia đình của những nhóm nghĩa quân nổi dạy chống lại Nhà Nguyễn mà Nguyễn Công Trứ xin Triều Đình ở Huế tha cho họ bằng cách đưa họ đi khai khẩn đất bồi. Vào thời đó nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dạy khắp nơi chống lại nhà Nguyễn vì những lí do như sưu cao thuế nặng, quan lại tham nhũng bóc lột, dân chúng thiếu ăn, nhân nạn đói lớn năm 1821 tại miền Nam Định, Thái Bình. Vì có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy, nên người ta gọi là giặc châu chấu vì thời bấy giờ họ quan niệm được làm vua, thua làm giặc.
Năm 1830, Nguyễn Công Trứ cho đắp đê Đường Quan từ Phụng Công vào Hảo Nho, phái Hoàng Thụ và Ninh Phát về lập ra 57 làng và đặt tên các làng theo thứ tự từ đầu tới cuối huyện Kim Sơn trong đó có làng Đồng Nhân. Chiều ngang mỗi làng chỉ rộng chừng 50 mét, còn bề dài thì dài tho-òng, từ đê cũ đến đê mới. Đa số giữa làng nọ qua làng kia có con sông đào để dân làng chở lúa thóc bằng thuyền ra gieo ngoài đồng và chở bó lúa về xay, giã thành gạo nấu cơm và chở rơm rạ cho trâu ăn hoặc dùng thay than củi để nấu cơm.
Về làng Đồng Nhân lánh nạn và tái lập nghiệp khoảng năm 1830, thì có Cụ Bà Thiết, người làng Trà Lũ, Nam Định với 5 người con trai. Ông nhà Bà là Thiết tên thật là Trần Văn Uy bị tử trận mất xác khi làm tướng Nghĩa quân của mặt trận Phan Bá Vành (Ba Vinh). Miêu duệ của Bà Trần Văn Uy sau này có một số người theo đạo ông Giáo, trong số đó có 3 người làm linh mục trong Nam và đang sống ở ngoại quốc.
Một số người Công giáo đang bị bắt dạo ở nơi khác, nhất là miền Trà lũ, Nam Định có dịp cũng đến miền đất mới bồi ở Kim Sơn để dung thân, giữ đạo và tái tạo cuộc sống. Có lẽ vì thế mà ở huyện Kim Sơn trước năm 1954 khi có cuộc di cư vĩ đại vào Nam, thấy có những làng người ta gọi là toàn tòng, nghĩa là theo đạo Công Giáo hết, như làng Dưỡng Điềm và Đạo Củ mà người ta gọi là ‘hai làng toàn giáo ở liền bên sông’ (Sông Dưỡng Điềm là sông tự nhiên). Còn những làng khác người ta gọi là làng sôi đỗ, vừa theo đạo Trời (Đạo Ông Bà) và đạo Công giáo. Làng toàn tòng cũng như làng sôi đỗ đều có nhà thờ. Riêng làng sôi đỗ như Đồng Nhân còn có miếu (khác chùa) của làng, với đình làng cho toàn dân làng, không phân biệt tôn giáo, đến hội họp và đánh chén, kiểu ăn nhậu thời bấy giờ chỉ có ba xì đế với thịt cầy lòng heo, chứ không phải như kiểu ăn nhậu đời nay như một tờ báo viết đầu đề: ‘Hà Nội nhậu trưa, Sài Gòn nhậu tối’. Trong làng còn có nhà để đòn mầu đỏ cho dân làng dùng để khiêng quan tài ra nghĩa địa.
Giáo họ Đồng Nhân cũng là làng Đồng Nhân thuộc Giáo xứ Dưỡng Điềm đã có nhà thờ được xây năm 1938 do Linh mục Hiên như các giáo họ khác trong huyện Kim Sơn đều có nhà thờ. Tiếc rằng tác giả không tìm được hình ảnh nhà thờ cũ này để đăng.
Sau năm 1954 đa số dân Công Giáo Làng Đồng Nhân di cư vào Nam. Do đó chính quyền địa phương trưng dụng khu đất nhà thờ, dùng ao nhà thờ để thả cá. Tại miền đó thường nhà thờ nào cũng có ao để thả cá mè ăn gỏi và để cho dân rửa chân trước khi vào nhà thờ sau khi đi bộ từ nhà trên đường lầy lội vào trời mưa.
Theo tập lịch sử Giáo xứ Dưỡng Điềm do Linh mục Trần Hùng Sỹ biên soạn năm 1980, thì HTX Hồi Ninh đào thêm ao thả cá xung quanh nhà thờ Giáo họ Đồng Nhân, khiến nhà thờ phải rỡ đi. Còn tượng Thánh Phanxicô, bổn mạng Giáo họ được cất giữ tại Giáo xứ Dưỡng Điềm.
Sau năm 1980 theo Ông Trùm Giáo Họ Đồng Nhân cho biết thì họ cấp cho Giáo họ Đồng Nhân một miếng đất chỉ rộng 500 mét vuông để bù lại, quá nhỏ cho việc phát triển và sinh hoạt của Giáo họ.
Năm 2010, UBND Tỉnh Ninh Bình cấp cho Giáo Họ Đồng Nhân khu nhà đất khác gần đó vì đất nhà thờ thì phải do cấp tỉnh cấp. Nghe vậy, một linh mục quê Đồng Nhân đang sống ở ngoại quốc nhờ người đến chụp hình khu nhà đất, nghe nói rộng 1284 mét vuông, có nhà trường với 5 lớp học như thấy trong hình. Có ai phơi rơm ngoài sân, và có ai đang đốt gì mà khói bốc um lên vậy, không sợ cháy nhà sao?. Để nhận khu nhà đất này, nghe nói Giáo họ Đồng Nhân phải trả cho cơ quan cấp nhà đất 140 triệu VN. Gần đây nghe nói hàng xóm ngỏ ý muốn bán thêm đất cho Giáo họ.
Còn khu nhà đất nhà thờ cũ của Giáo họ Đồng Nhân theo Lm Chánh Xứ Dưỡng Điềm thì nằm trong qui hoạch Trung tâm của UBND Xã Hồi Ninh. Cộng với đất tậu mãi thêm, nay Xã Hồi Ninh đã cho xây trường học hai lầu cho cả Xã và trụ sở UB ND Xã Hồi Ninh. Nếu vào Google, đánh máy: Map of Ninh Binh Province, Vietnam’, dùng mouse nhấn vào Map, rồi nhấn vào dấu + mấy lần cho Map lớn ra. Từ tỉnh lị Ninh Bình, dùng mouse theo QL 10 về Kim Sơn, qua Đường Đê, qua đường 481 B, qua Nhà thờ Phúc Nhạc bên phải, quẹo trái vào đường làng Đồng Nhân’ hướng về phía đông, sẽ tới trường học Xã Hồi Ninh, khi đường làng Đồng Nhân bắt góc lên phía bắc. Đó là nhà thờ Đồng Nhân xưa kia toạ lạc tại đó. Phía đông của đường làng Đồng Nhân hướng về phía bắc là sông Dưỡng Điềm có mầu xanh biếc.
Năm 2011, Ban Đại diện Giáo họ Đồng Nhân với sự chấp thuận ngầm của Linh mục Chánh xứ Dưỡng Điềm vào Nam quyên tiền sửa nhà trường làm nhà nguyện. Linh mục quê Đồng Nhân lại nhờ người đến chụp hình thì thấy Giáo Họ đã cho phá đi ba lớp học, giữ lại một lớp làm nhà kho, sửa sang lớp kia làm nhà nguyện. Gạch bị phá đi được dùng để xây tường bao quanh khu nhà đất như thấy trong hình. Nghe nói Mùa Chay năm 2012 Cha xứ có đến dâng lễ và Ban Đại Diện Giáo họ tổ chức ngắm đứng.
Tháng 02/2013, linh mục quê Đồng Nhân ở ngoại quốc nhận được thư của Lm Nguyễn Công Tráng, Chánh xứ Dưỡng Điềm, với ấn kí của Giám mục Giáo Phận Phát Diệm, giới thiệu hai Ông Đại diện Giáo họ Đồng Nhân vào miền Nam quyên tiền. Tuy nhiên trong thực tế họ chỉ xin cố hương Giáo Xứ Dưỡng Điềm giúp đỡ, đặc biệt là đến cố Hương Giáo họ Đồng Nhân. Ngưới đọc hiểu được Giáo xứ Dưỡng Điềm mới xây lại Nhà xứ và trong tương lai gần sẽ phải tái thiết Nhà thờ Giáo xứ cũng đang xuống cấp nặng, nên việc quyên góp mới được giới hạn trong phạm vi cố hương Dưỡng Điềm và Đồng Nhân sống trong Nam thôi. Nghe nói khi vào Nam, mấy người con cháu của Ông Bà, Cha Mẹ họ sinh trưởng ngoài Bắc có đưa họ đi đến giới thiệu với miêu duệ Đồng Nhân trong Nam. Tuy nhiên kết quả mấy chuyến đi kêu gọi trong Nam rất là khiêm tốn vì đa số giáo dân gốc Đồng Nhân và Dưỡng Điềm trong Nam đã quá cố hay cao niên, không còn làm ra tiền. Còn con cháu họ thì không biết gì về Giáo xứ/Giáo họ của Ông Bà Cha Mẹ ngoài Bắc nữa.
Tháng 01/2013, linh mục quê Đồng Nhân ở ngoại quốc lại nhận được thư nói đã xây xong phần nền móng bằng bêtông cốt thép cho nhà thờ Đồng Nhân tốn phí 400 triệu VN và công việc tạm dừng để đó. Theo bản vẽ, nhà thờ Đồng Nhân rộng 8m, dài 21m, có mái thượng và mái hạ. Tháp cao 21m. Sau đó cắt ngắn đi còn 19 mét. Trên ngọn tháp và mái đầu nhà thờ có gắn cột thu lôi. Kinh phí xây cất là 2.1 tỉ (khoảng 100 ngàn mĩ kim). Cùng với thư là những hình ảnh đính kẻm.
Tháng 08/2013, nghe nói linh mục quê Đồng Nhân, ở ngoại quốc lại nhờ người đến chụp hình nhà thờ Đồng Nhân đang được kiến thiết thì thấy đã đang xây tường bằng gạch. Từ đó linh mục đương sự tiếp tục liên lạc với Giáo Họ, Giáo Xứ và Giáo Phận liên hệ và theo dõi tiến trình xây cất.
Ngày 05 Tháng 12/2014, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo Phận Phát Diệm về làm phép khánh thành Nhà thờ và dâng lễ tạ ơn với Cha xứ và một số linh mục trong Giáo phận. Quí chức trong Giáo xứ Dưỡng Điềm và ngoài Giáo xứ cũng được mời đến cùng tạ ơn và chung vui. Còn giáo dân trong Giáo họ và mỗi gia đình của mỗi giáo họ trong Giáo xứ gửi một người đại diện đến dự.
Đúng 8g sáng các Hội đoàn trong xứ đã tập hợp đông đủ theo như lơi kêu gọi của Cha Xứ để cùng tạ ơn Thiên Chúa với giáo dân Giáo họ Đồng Nhân và cũng để đón chào Đức Cha Giáo Phận.
Đến 9g30 thi Đức cha Giáo phận bắt đầu cử hành nghi thức cắt băng khánh thành nhà thờ. Thánh lễ hôm nay có rất đông thành phần dân Chúa trong và ngoài xứ Dưỡng Điềm, như Dục Đức, Quyết Binh, và Hòa Lạc, v.v. Đồng tế Thánh Lễ tạ ơn có Lm Chánh xứ Dưỡng Điềm, Lm Quản hạt, mấy linh mục trong Hạt, hai linh mục Quê Dưỡng Điềm, 10 linh mục họ hàng và bạn của Cha Chánh xứ Dưỡng Điềm. Cũng thấy có hai Sơ Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (1 trong 2 là quê Dưỡng Điềm) , một Sơ thuộc Tu Đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu cùng quê Dưỡng Điềm với Sơ Dòng Mến Thánh giá và là bạn từ nhỏ đứng chụp chung, một Sơ Đa Minh, nghe nói quê Đồng Nhân và một Sơ bận áo dòng xanh đậm. Trong thánh lễ Đức Cha có nói Giáo họ Đồng nhân nhỏ bé, mà nhờ ơn Chúa và mọi người cùng góp tiền bạc và công sức đã xây được ngôi thánh đường như thế này, thì chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa.
Tại sao giáo họ cần có nhà thờ?
Nếu có ai hỏi tại sao Giáo Họ lẻ Đồng Nhân toạ lạc gần Nhà thờ Giáo xứ chính như vậy mà cần xây nhà thờ. Nếu độc giả đặt mình vào trường hợp và hoàn cảnh của giáo dân Giáo họ Đồng nhân thì nghe họ đã có nhà thờ trước đây cả gần trăm năm rồi, và những họ lẻ trong Giáo Phận Phát Diệm cũng có nhà thờ, thì cũng hiểu tại sao họ muốn có nhà thờ. Nhìn xa hơn thì nhiều họ lẻ ờ những giáo phận khác cũng có nhà thờ. Gần đây theo thời gian là giáo họ lẻ Đại Hội, Giáo xứ Chính Toà Thái Bình, thuộc Giáo Phận Thái Bình cũng mới khánh thành nhà thờ mới 19-11/2014. Đến ngày 29-11/2014 nhà thờ Giáo Họ Quý Vinh, Giáo Xứ Yên Hoà, thuộc Giáo Phận Vinh, cũng khánh thành nhà thờ mới. Gần nhất theo thời gian cũng như không gian thì vào ngày 03-12/2014, chỉ hai ngày trước đó, nhằm lễ Thánh Phanxicô, Đức Cha Giáo Phận Phát Diệm đã đến dâng lễ tạ ơn và khánh thành Nhà thờ Giáo họ Đồi Bồ của người dân tộc Mường, Giáo xứ Lạc Bình, huyện Nho Quan, thuộc Giáo Phận Phát Diệm.
Đời xưa đơn vị làng mạc rất là quan trọng. Vì thế mà cha ông ta nói: ‘Phép vua, thua lệ làng’. Có lẽ vì thế mà các Cố Tây (linh mục ngoại quốc) cũng như Cố Ta (linh mục bản xứ) cho xây nhà thờ trong giáo họ lẻ trong làng cho người Công Giáo để giúp làm tăng triển căn tính Công Giáo của người Công Giáo trong làng. Mỗi năm có linh mục về nhà thờ họ lẻ ‘làm phúc’ mấy lần để dâng lễ, cử hành các phép Bí tích. Cũng đời xưa vì thiếu trường ốc, Ban hành giáo trong Giáo họ có thể tổ chức những lớp dạy giáo lí cũng như dạy chữ trong cơ sở của nhà thờ Giáo họ lẻ. Dù không có thánh lễ hàng ngày ở nhà thờ giáo họ, giáo dân cũng cảm thấy có được biểu hiệu của đạo mà họ theo trong làng.
Thời đó người Công Giáo gọi linh mục, giám mục ngoại quốc là Cố, có lẽ vì thấy để râu ria, nên cho là già. Có những giám mục, linh mục VN ta cũng để râu ria như Gm Phan Đình Phùng, Gm Trần Hữu Đức, Gm Hồ Ngọc Cẩn với bộ râu ria xồm xoàm trắng xoá, Gm Hoàng Văn Đoàn với kiểu râu Phú Mãn Chu; còn Gm Khuất Văn Tạo và Gm Nguyễn Năng (Gp Vinh) thì chỉ cần bộ râu ria lún phún thôi. Tất cả những giám mục để râu ria này đều đã quá cố. Sao hiện thời không thấy giám mục VN nào để cho râu ria mọc ra tự nhiên?
Nhân dịp khánh thành Nhà thờ Giáo họ Đồng Nhân, thấy cảnh vật còn ngổn ngang, hội trường đa dụng xây chưa xong ( xem hình ở đầu bài), Mục Vụ Văn Bút cũng gửi lời chúc mừng Giáo họ Đồng Nhân đã hồi sinh. Thấy những món ăn mừng trên bàn của Giáo Họ như vậy là thanh đạm đấy, nếu sánh với những món ăn uống của những tiệc mừng giáo xứ, giáo họ giầu có khác, nhất là trong Nam. Nghe nói có một số dân làng ngoài Công Giáo cũng đến chung vui và giúp việc nấu nướng cho bữa tiệc tạ ơn. Hi vọng giáo dân Công Giáo trong Giáo họ Đồng Nhân tiếp tục giang tay đón tiếp giáo dân ở những giáo họ khác đến đọc kinh, ngắm nguyện nhất là trong Mùa Chay. Cũng hi vọng giáo dân Công Giáo Đồng Nhân đón tiếp dân làng ngoài Công giáo khi họ có dịp đến thăm Nhà Thờ và hội trường nhỏ bé của Giáo Họ và tham gia việc làng Đồng Nhân như dân miền này đã cổ võ câu nói: ‘Lương giáo đoàn kết’ trước năm 1954.
Kim Bình tường thuật & thu hình / Mục Vụ Văn Bút
------------------------------------------------------
VIDEO Lễ làm phép Nhà Thờ by Huy Le
-----------------------------------------------------
Tin bổ túc:
Sau khi bản tin được đưa lên mạng mấy ngày, mới biết có những Sơ khác cũng đến dự lễ khánh thành. Được biết có 3 Sơ MTG Dưỡng Điềm, 2 Sơ MTG Như Sơn, 2 Sơ MTG Cách Tâm, 2 Sơ MTG Quyết Bình, 2 Sơ MTG Văn Hải. Xem số liệu thì người ta thấy các Sơ MTG đi đâu vẫn còn có ‘đôi’, có một bộ ba. Còn mấy Sơ bận áo mầu thì có vẻ đơn chiếc. Hôm nay các Sơ MTG còn giúp chưng bông cho buổi lễ, làm bông tặng Đức Cha, quí Cha và quí Khách. Trong lễ các Sơ ở trên gác đàn hát lễ. Sau lễ các Sơ đi lại trong hội trường đang xây dở chừng, dọn cơm và cùng chung vui trong bữa tiệc mừng với Đức Cha, quí Cha, quí Khách và quí Chúc trong Giáo Xứ và Giáo Họ nên người ta không thấy bóng dáng các Sơ thôi.
Hình bổ túc: Photo courtesy of Phạm Văn Khôi