Vatican_2 Lời mở: Bài này đã đăng trên Đặc San Giáng Sinh, Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia, USA trước đây với lượng độc giả hạn hẹp. Nay được đánh máy lại với những sửa chữa và thêm bớt nhỏ để gửi đến khối độc giả trên những phương tiện truyền thông rộng lớn.

Một câu chuyện bên lề Công Đồng Vaticanô II được truyền khẩu trong số hàng giáo phẩm - sĩ như sau. Khi Giáo Hoàng Gioan XXIII dự tính triệu tập Công Đồng mới, ngài hỏi ý kiến một số Hồng Y, Giám mục có ảnh hưởng xem, Giáo Hội có cần mở cửa sổ để đón nhận những luồng gió mới không? Có những vị phản đối cho rằng mở cửa sổ sẽ bị trúng gió. Những vị khác lại phản biện, cho rằng nếu không mở, sẽ bị ngạt thở. Kết quả là vào ngày 20/01/1959 tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, Đức Giáo Hoàng loan báo cho mở cửa triệu tập Công Đồng Vaticanô II. Công Đồng Vaticanô II kéo dài với thời gian chuẩn bị từ 1959-1962, qua bốn kì họp: 1962, 1963, 1964, 1965, và được bế mạc vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 1965.

Thành phần bị trúng gió Công Đồng.

Thành phần bị trúng gió gồm cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Có người bị nặng, người bị nhẹ, có người chỉ bị hắt hơi sổ mũi qua loa. Ở những nơi có dịp tiếp cận với những tài liệu và áp dụng đổi thay sớm thì bị trúng gió trước. Họ bị khủng hoảng về đức tin khi chứng kiến những đổi thay trong Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập, và coi Giáo Hội như sắp đến ngày suy bại.

Bị trúng gió nặng là những người không thích ứng được với những đổi thay của Công Đồng. Họ bất mãn, bỏ việc thực hành đức tin, bỏ nếp sống tu trì. Sau Công Đồng Vaticanô II, số linh mục bên Âu Mĩ giũ áo ra đi không ít. Lí do không hẳn là muốn lập gia đình, nhưng là không muốn thích ứng hay không thể thích ứng với những đổi thay trong Giáo hội. Lập gia đình chỉ là bước kế tiếp, khi có cơ hội đến. Không may cho những người không thể thích ứng được với những đổi thay xảy ra trong thời gian họ đang sống. Giả sử họ sinh ra và lớn lên trong thời kì đang có sự đổi thay, thì những thay đổi không còn là vấn đề đối với họ. Thường người ta quan niệm ‘tre già khó uốn’, nghĩa là người lớn tuổi khó thích ứng với những thay đổi. Tuy nhiên khả năng thích ứng không chỉ tuỳ thuộc vào tuổi tác. Có những người trẻ mà lại khó thích ứng với những đổi thay. Như vậy khả năng thích ứng còn tuỳ thuộc vào bản năng và tâm tính của mỗi người.

Sống trong những giai đoạn chuyển tiếp của Giáo hội nghĩa là giai đoạn giao thời đang được áp dụng những thay đổi, thì người công giáo phải thích ứng với những đổi thay. Tuy nhiên việc thích ứng có thể là bất đắc dĩ, nghĩa là thích ứng mà vẫn khó chịu, vẫn còn thắc mắc. Chẳng hạn có linh mục kia khi ra ngoại quốc dâng lễ mà thấy có thầy phó tế vĩnh viễn trên bàn thờ thì không được vui.

Thành phần không muốn mở cửa.

Không thể chấp nhận những đổi thay trong Giáo Hội, không thích ứng hay không muốn thích ứng với những đổi thay trong lễ nghi phụng vụ sau Công Đồng Vaticanô II, họ cố giữ những nghi lễ và truyền thống cổ truyền. Họ là những thành phần phản đối việc bãi bỏ ngôn ngữ La tinh trong phụng vụ và bí tích mặc dù họ không hiểu biết thấu đáo hay khả năng hiểu biết của họ về cổ ngữ La Tinh trong lễ nghi phụng vụ có tính cách giới hạn. Họ luyến tiếc nhạc bình ca Grêgoriô trong phụng vụ thánh lễ. Họ không chấp nhận việc cho giáo dân, nhất là việc đàn bà trao Mính Thánh Chúa, hoặc đọc Sách thánh. Đối với họ, việc giữ chay, kiêng thịt đã trở nên quá lỏng lẻo, dễ dãi. Họ còn than trách Giáo hội về sự suy giảm ơn kêu gọi làm linh mục tu sĩ tại những nước Âu Mỹ.

Chống đối mạnh nhất phải kể đến nhóm linh mục và giáo dân bên Âu Châu và Mỹ Châu do Tổng Giám mục Marcel Lefèbre lãnh đạo. Năm 1970 Tổng Giám mục Lefèbre thiết lập Hiệp Hội Piô X đặt đại bản doanh tại Thụy sĩ, chống đối những cải cách của Công Đồng Vaticanô II. Năm 1988 tổng Giám mục Lefèbre tấn phong bốn giám mục trái phép là thách thức quyền bính của Đấng kế vị Thánh Phêrô. Bằng việc phủ nhận quyền đặt cử giám mục, bốn giám mục được tấn phong trái phép tự chuốc lấy vạ tuyệt thông tức khắc. Như vậy người ta thấy lập trường bảo thủ quá khích cũng đã gây thiệt hại cho Giáo hội Mẹ không kém, chứ không phải chỉ có lập trường cấp tiến quá khích mới gây thiệt hại cho Giáo hội mà thôi. Với thời gian trên thế giới đã có những nhóm tách rời khỏi sự kiểm soát của Hiệp Hội Piô X tại Thụy Sĩ để xin trở về hiệp thông với Toà Thánh La Mã. Điều cần ghi nhận ở đây là Công Đồng Vaticanô II không ban bố một sắc lệnh nào cấm chỉ lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh.

Xử trí của Toà Thánh Vatican đối với Nhóm không muốn mở cửa.

Dưới triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Toà Thánh cử đại diện thuyết phục Hiệp hội Piô X chấp nhận những cải cách của Công Đồng Vaticanô II. Hơn bốn mươi năm sau vào năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cho thu hồi lại vạ rút phép thông công bốn giám mục đã được tổng Giám Mục Lefèbre tấn phong trái phép và cho phép những linh mục nào vẫn thông hiệp với Toà Thánh, mà muốn dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh, thì được làm như ý. Trong khi những linh mục tiền Công Đồng Vaticanô, hoặc chịu chức vào giai đoạn giao thời lại không muốn trở về với lễ Tridentinô, mà một số linh mục mới chịu chức ở Âu Mĩ, không được học tiếng La tinh nhiều như những linh mục tiền Công Đồng Vaticanô II, lại thích dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh, vì những lí do cá nhân như tâm lí. Để dâng lễ Tridentinô trước Công Đồng Vaticanô II, linh mục quay lên đọc thì thầm bằng tiếng La tinh, còn giáo dân ở dưới cặm cụi nhìn vào cuốn sách lễ giáo dân, hay lần chuỗi riêng. Giáo dân không biết linh mục đọc thế nào, biểu lộ đức tin và tâm tình đạo đức ra sao. Còn trong Thánh lễ Vatican II, cả linh mục và giáo dân cùng thờ phượng và chúc tụng trong lễ nghi đối đáp. Linh mục chủ tế cần sửa soạn nhiều để cử hành thánh lễ Vaticanô II, nhất là bài giảng sao cho giáo dân có thể lãnh hội và được thúc đẩy đọc Lời Chúa. Trước Công Đồng Vaticanô II linh mục chỉ cần hiện diện để thi hành việc thờ phượng và bí tích ex opere operato. Linh mục của Công Đồng Vaticanô II còn cần chú ý đến cách thế thi hành việc thờ phượng và bí tích ex opere operantis thế nào để giúp giáo dân tăng thêm đức tin và lòng yêu mến Giáo Hội. Nói chung làm linh mục cũng như làm người giáo dân theo tinh thần Công Đồng Vaticanô II đòi hỏi nhiều thách đố, hiểu biết và thích ứng nơi linh mục cũng như giáo dân.

Giới quan sát gồm hàng giáo phẩm-sĩ và giáo dân có thể giải thích được việc thu hồi lại quyết định rút phép thông công cho bốn giám mục được tấn phong trái phép là để mở đường cho Hiệp Hội Piô X tại Thuỵ sĩ trở về với Giáo Hội Mẹ. Còn việc cho phép cá nhân những linh mục vẫn thông hiệp với Giáo hội Mẹ được dâng lễ Tridentinô bằng tiếng La tinh tư riêng được tự ý quyết định hoặc có giáo dân tham dự với sự ưng thuận của linh mục sở tại, thì lại gây phản ứng không thuận trong một số thành phần trong Giáo hội vì họ cho rằng việc cho phép như vậy sẽ gây chia rẽ trong hàng ngũ linh mục.

Thành phần cấp tiến sau Công Đồng.

Khi báo chí hỏi Hồng Y Suenens, người Bỉ, một nhân vật có ảnh hưởng của Công Đồng Vaticanô II và sau này trở thành một nhân vật uy tín của Phong Trào Thánh Linh Công Giáo hoàn cầu xem có phải Vaticanô II là cuộc tiến hoá (évolution) hay cách mạng (révolution), Hồng Y Suenens trả lời đại khái như sau: Dùng từ tiến hoá thì quá yếu, còn dùng từ cách mạng thì quá mạnh. Sau Công Đồng, một số linh mục, tu sĩ nam nữ nhất là tại Âu Mĩ chủ chương cấp tiến. Họ áp dụng việc đổi mới cách vội vã mà không học hỏi sâu rộng tài liệu Công Đồng. Họ quá quan tâm đến việc hội nhập văn hoá bản xứ vào đạo, cố đem những nét văn hoá, phong tục bản xứ vào đạo mà không qua một nghi thức ‘rửa tội’ nào đó. Do đó việc họ áp dụng giống như đem ‘râu ông cắm cằm bà’ vậy. Việc đổi mới họ áp dụng có khi chỉ vì muốn đổi mới, đã khiến cho giáo dân hoang mang, bất mãn không ít. Họ tưởng hoà mình, nhập thế một cách tối đa cho hợp thời. Tuy nhiên người ngoài đời lại nhìn cách khác.

Giới thiệu những lễ nghi/tác động phụng vụ không phải là thiết yếu vào lễ nghi phụng vụ trong giáo hội địa phương trong một thời gian vắn cũng nên xét đến những yếu tố khác nhau như yếu tố tâm lí xem có nên áp dụng không? Ví dụ vào dịp kỉ niệm 2000 năm lịch sử ơn cứu độ, một vị bản quyền của một tổng giáo phận lớn kia tại Mĩ, với nhiều sắc dân như Trung, Nam Mĩ và Á Châu, khuyến khích giáo dân cầm tay nhau trong khi đọc kinh Lạy Cha trong Năm Thánh 2000. Vị bản quyền đội mũ đỏ trong tổng giáo phận này có thể có ý tốt trong việc kêu gọi cầm tay nhau. Tuy nhiên nếu xét đến những phản ứng trong việc cầm tay, thì không biết quyết định này có được cân nhắc kĩ lưỡng không? Trên thế giới đã có những linh mục khuyến khích những nhóm nhỏ cổ võ việc cầm tay nhau khi đọc kinh Lạy Cha. Tuy vậy có những lí do tâm lí khiến người ta không muốn cầm tay nhau. Những người mà trong người thiếu hay thừa chất gì đó khiến tay họ lạnh, hoặc tiết ra mồ hôi, thường không muốn cầm tay người khác; hoặc người khác không muốn nắm tay họ. Vợ chồng trong lúc bất hoà cũng không muốn cầm tay nhau. Những người hướng nội hay những người được lớn lên trong nếp sống và văn hoá thường biểu lộ tình cảm cách kín đáo, cũng ngại cầm tay nhau. Lại có những người khác phái khi cầm tay nhau thì sinh ra ‘lòng động lòng lo’. Những người quen cầm tay nhau trong khi đọc kinh Lạy Cha, mà sang giáo phận khác cũng giơ tay cầm tay người bên cạnh, có thể làm họ ngỡ ngàng, chia trí và khó chịu.

Trở lại vấn đề đổi mới thì khi mà người tu hành cũng sống như người không tu: cũng bận đồ kiểu, cũng tô môi son, điểm má phấn, cũng đeo bông tai lóng lánh mà có những người đã thấy, chứ không phải chuyện bịa đặt, thì lại không còn vẻ đẹp lôi cuốn của người đi tu nữa. Khi mà thanh niên thiếu nữ muốn tìm vẻ thanh thoả nơi đời sống tu hành, mà thấy người tu hành không còn gì khác biệt, thì đời sống nhà tu cũng không còn gì hấp dẫn và lôi kéo họ. Khi mà người tu hành vào đời quá mức, thì khó có thể duy trì được căn tính của người đi tu cũng như căn tính của dòng tu. Khi căn tính tu trì bị mất đi thì người tu hành gặp khủng hoảng. Và khi có những người cởi áo ra đi, thì số còn lại cảm thấy chới với và yếu thế, khó duy trì được căn tính của nhà tu.

Ở đây có một điều được ghi nhận là những dòng tu còn giữ được truyền thống trong cách ăn bận, trong nếp sống tu dòng, thì vẫn tiếp nhận thêm ơn kêu gọi. Trong khi đó một số dòng tu chủ trương đi vào đời, lại phải đóng cửa vì ‘tre già’ mà măng không mọc. Hiện tượng tre già mà măng không mọc hay mọc chậm - không còn lớp tu trẻ đi dạy học và làm việc để nuôi lớp tu cao niên - đã khiến Hội Đồng Giám Muc Hoa Kì cho phát động cuộc quyên tiền lần hai trong các giáo xứ năm một lần, kéo dài đã gần hai mươi năm nay cho tới lúc bài này được phóng lên mạng mà vẫn còn tiếp tục để gầy dựng quĩ hồi hưu cho các dòng tu Hoa kì, cả nam lẫn nữ vì không muốn bị mang tiếng là ‘đem con đi bỏ chợ’.

Giáo Hội có thể thay đổi những gì?

Thực sự thì Giáo hội chỉ có thể thay đổi những gì có thể thay đổi, nghĩa là những gì không phải là thiết yếu trong đạo. Còn những gì Giáo hội đã thay đổi, thì không phải là những điều thiết yếu. Trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo hội đã trải qua nhiều thay đổi. Tuỳ theo thời gian, hoàn cảnh và nhu cầu, có lúc Giáo hội cần áp dụng và thi hành những đường lối và chính sách khác nhau. Ví dụ chức phó tế vĩnh viễn đã có từ thời Giáo hội sơ khai. Khi thấy không còn cần thiết, Giáo hội đã bãi bỏ. Sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo hội lại cho tái lập chức phó tế vĩnh viễn vì tình trạng thiếu linh mục. Một ví dụ khác là trong thời kì cấm đạo, cậu bé Tarcisius đã được phép mang Mình Thánh Chúa cho giáo dân trong hang toại đạo ở ngoại thành La mã vì không bị quân lính nghi ngờ. Ngày nay vì con số linh mục thiếu hụt, Giáo hội lại cho phép giáo dân được trao Mình Thánh Chúa.

Ngoài ra từ quốc gia này đến quốc gia khác, người công giáo cũng phải thích ứng với những thay đổi và khác biệt trong giáo hội địa phương. Giáo hội Công giáo hoàn vũ có luật lệ phổ quát được áp dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên có những khoản luật của Giáo hội cho phép giáo hội địa phương áp dụng khác nhau tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi địa phương. Chẳng hạn ở Việt Nam gần đây, Hội Đồng Giám Mục xin Toà Thánh Vatican cho chuyển các ngày lễ buộc vào ngày Chúa nhật. Như vậy có nghĩa là ở Việt Nam không còn có lễ buộc ngày thường trong tuần. Điều quan trọng ở đây là người ta cần học hỏi để có thể phân biệt những gì là thiết yếu và không thiết yếu để tập thích ứng.

Còn ở Hoa Kì cho tới nay một số ngày lễ buộc vẫn được cử hành đúng ngày. Một số ngày lễ buộc nếu nhằm vào ngày Thứ Bảy hay Thứ Hai, thì giáo dân được miễn đi lễ. Nếu một số ngày lễ buộc này, nhằm vào những ngày từ Thứ Ba đến Thứ Sáu, thì luật buộc đi lễ vẫn được áp dụng. Trong kinh bổn của sách giáo lí Việt Nam có dạy: ‘Hội Thánh có sáu điều răn’. Còn bên Hoa Kì người ta thấy ghi bảy điều răn của Hội Thánh. Điều răn Thứ Ba được ghi là: ‘Cho con học giáo lí dọn mình xưng tội, chịu Bí tích Thêm sức’ - thường ở lớp 8 – ‘và tiếp tục học thêm giáo lí’. Ở xã hội Viêt Nam trước đây, người công giáo không cần biết nhiều về đạo, mà vẫn có thể giữ đạo dễ dàng. Tuy nhiên ỡ Hoa Kì, nếu không học biết đủ giáo lí, người ta khó lòng mà mà giữ đạo. Có lẽ vì đó mà Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì cần đưa việc học giáo lí vào những điều răn của Hội Thánh. Việc đóng góp ngày Chúa nhật cũng là một điều răn thứ năm của Hội Thánh tại Hoa Kì. Nhờ có điều răn này mà Giáo hội Công giáo tại Hoa Kì đã có thể hoạt động và phát triển mạnh mẽ.

Những điều bất khả đổi thay trong Giáo hội.

Như đã đề cập, Giáo hội chỉ có thể thay đổi những điều không thiết yếu. Còn những điều thiết yếu, Giáo hội không thể thay đổi. Ngay tử thời Giáo hội sơ khai, các tông đồ đã cử hành bảy Phép bí tích. Bảy phép bí tích ngày nay vẫn được cử hành, không thêm, không bớt, nghĩa là không thay đổi. Những tín điều trong đức tin của Giáo hội Công giáo vẫn không lay chuyển. Tiếng nói của Giáo hội là một trong đức tin và chân lí. Giáo hội hiệp nhất trong một đức tin bởi vì chính Đấng sáng lập Giáo hội muốn như vây. Tính cách hiệp nhất trong một đức tin của Giáo hội không được tìm thấy nơi bất cứ giáo phái, hay cơ cấu chính trị, tổ chức xã hội nào trong lịch sử loài người.

Giáo hội chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Giáo hoàng. Quyền lãnh đạo tối cao đó đã được Đấng thiết lập Giáo hội trao ban cho Phêrô và quyền lãnh đạo đó đã được chuyển tiếp từ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi cho tới vị Giáo Hoàng hiện tại. Như vậy hiển nhiên là khôn ngoan khi người ta suy nghĩ về đường lối Đấng sáng lập Giáo Hội trong việc đặt Phêrô làm thủ lãnh. Giáo Hội hoàn vũ chỉ có một đầu. Giáo hội địa phương cũng chỉ có một đầu. Nếu có hai đầu mà thôi thì cũng khó lòng hiệp nhất. Lịch sử các tôn giáo đã chứng minh điều đó. Tách rời khỏi Giáo hội của Đấng Cứu thế vì bất đồng ý kiến và không hoà giải được, người ta lại tách biệt ra thành lập giáo phái riêng. Vì thế mà ngày nay trên thế giới có cả trăm giáo phái Kitô giáo khác nhau. Có những vấn đề không thuộc tín lí mà Giáo Hội có thể không bao giờ cho thay đổi vì đó là truyền thống của Giáo Hội và nói lên được căn tính của Giáo Hội và mang lại ích lợi lâu dài cho Giáo Hội. Vậy mục đích của việc thiết lập Giáo Hội và mục đích của việc đặt Phêrô làm thủ lãnh Giáo hội là để giúp người tín hữu hiệp nhất trong một đức tin và trong tinh thần huynh đề công giáo. Nếu không thì giống như lời Đấng sáng lập Giáo hội phán: ‘Họ như đàn chiên mà không người chăn dắt’ (Mc 6:34).

Những nét đẹp của Giáo hội.

Xét về một vài phương diện nào đó thì Giáo hội giống như một vườn hoa gồm ‘trăm hoa đua nở’ với muôn vàn mầu sắc. Giáo hội bao gồm tất cả các chủng tộc, mầu da và ngôn ngữ cùng với những phong tục tập quán khác nhau để ca tụng Thiên Chúa trong phụng vụ, bí tích và kinh nguyện. Tính cách phổ quát này nói lên vẻ đẹp của Giáo hội. Giáo hội cũng có thể được ví như một cây cảnh. Dù cành lá thay đổi tuỳ theo mùa, nhưng gốc cây vẫn là một. Giáo hội dù có thay đổi tuỳ theo thời đại, nhưng bản chất, sứ mạng trần thế của Giáo Hội vẫn là một. Giáo Hội thích ứng với một nền văn minh bằng cách đưa những nét đẹp văn hoá cũng như ngôn ngữ địa phương và lễ nghi phụng vụ để thăng hoá văn hoá và âm nhạc địa phương, hầu cho việc giảng đạo được lôi cuốn và được dễ dàng chấp nhận.

Lời hứa bảo đảm của Đấng thiết lập Giáo Hội.

Bao lâu Giáo Hội còn tại thế, Giáo Hội vẫn tiếp tục tục đi tìm kiếm sự thật và tự thanh lọc khỏi những sai lầm và lạm dụng. Đó là tính cách lữ hành của Giáo Hội. Và dù có trải qua những thăng trầm, những bách hại, những lạm dụng và lầm lẫn do những phần tử trong Giáo Hội gây ra, Giáo Hội vẫn tồn tại như lời Đấng sáng lập hứa: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28:20) và ‘Quyền lực tử thần cũng không phá đổ được’ (Mt 16:18).

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch